“Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian”: Nét Màu Của Ký Ức


“Có lần mẹ nói con rằng mắt người là tạo vật cô đơn nhất của Chúa. Vì quá nhiều thứ trên thế giới đi qua con ngươi mà nó vẫn không giữ lại điều gì. Con mắt trong hốc, một mình một cõi, còn không biết rằng có một vật khác giống nó y hệt, cách chỉ vài phân, cũng đói khát và trống rỗng như nó.” 

Khi đọc cuốn sách này, tôi dừng lại rất nhiều lần, để ghi chép, để ngẫm nghĩ, để đánh dấu những ý niệm, những mảnh sáng mà ngòi bút của Ocean Vuong đã để lại trong ‘một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”. Một cuốn sách được viết dưới dạng những bức thư, những dòng tâm sự ngắn, những mẩu ghi chép vụn vặt mỗi ngày của cậu bé Việt nơi đất Mỹ. Những bức thư không được sắp xếp theo thời gian, hay không gian, hay bất kì một quy tắc trình tự nào. Nó chỉ là những con chữ xếp lại, đều đặn, ngắt quãng, ngẫu nhiên, như một thư ký trung thành của hồi ức tác giả. Giống như Ocean Vuong đã viết cuốn sách này thật lâu, là mỗi khi một mảnh ký ức bật ra, anh sẽ lại cầm bút, và rồi tiếp nối những nhịp nảy của dòng chảy thời gian, những bức thư được xếp gọn lại, tất nhiên vẫn chẳng theo một trình tự gì, và rồi thế là “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” ra đời.

I. Giới thiệu tác giả 

Ocean Vương (tên tiếng Việt: Vương Quốc Vinh, sinh ngày 14 tháng 10 năm 1988) là một nhà thơ, nhà tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Việt. Anh sinh ra tại một nông trại ở ngoại ô Sài Gòn và theo gia đình đến Hartford, Connecticut (Mỹ) khi mới hai tuổi.

Một ngày, mẹ anh, một người thợ làm móng kiếm sống,  nói với một khách hàng về mong muốn đi biển, người này nói về “đại dương” (Ocean trong tiếng Anh), gợi ý bà đổi tên con trai Vương Quốc Vinh thành Ocean Vương.

Anh là người nhận được học bổng Ruth Lilly / Sargent Rosenberg năm 2014 từ Poetry Foundation, Giải thưởng Whites 2016 và Giải thưởng Eliot TS 2017 cho thơ của anh. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, được xuất bản vào năm 2019. Năm 2019, anh nhận giải MacArthur Fellowship, còn được gọi là “giải thiên tài”.

Vương nhận bằng cử nhân Văn học Anh thế kỷ XIX tại Đại học Brooklyn, thuộc Hệ thống Đại học Thành phố New York, nơi anh học với nhà thơ và tiểu thuyết gia Ben Lerner. Anh đã nhận được MFA của mình về Thơ từ Đại học New York.

Rất nhiều bài thơ và bài tiểu luận của anh đã được xuất bản trên những nhiều tạp chí khác nhau, bao gồm Poetry,The Nation, Tri-Quarterly Guernica The Rumpus, Boston Review, Narrative Magazine, New Republic, The New Yorker, và The New York Times.

Cuốn sách đầu tiên của anh, Burnings (Sibling Rivalry Press) nằm trong danh sách “Over The Rainbow” năm 2011, là danh sách những cuốn sách LGBT đáng chú ý của Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ.Cuốn sách thứ hai của anh, No (YesYes Books), được phát hành năm 2013 Bộ sưu tập đầy đủ đầu tay của anh, Night Sky With Exit Wounds, được phát hành bởi Copper Canyon Press vào năm 2016; kể từ tháng 4 năm đó, nhà xuất bản đã tiến hành in lần thứ hai. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của anh, On Earth We’re Briefly Gorgeous (Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian), được xuất bản bởi Penguin Press vào ngày 4 tháng 6 năm 2019.

Hiện tại, Vương sống ở Northampton, Hampshire, Massachusetts, Hoa Kỳ và là giáo sư trong Chương trình MFA dành cho Nhà văn tại Đại học Massachusetts tại Amherst. Anh là một thành viên hiệp hội Kundiman.

II. Giới thiệu tác phẩm

“Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” gồm 296 trang, được viết dưới dạng những bức thư nhỏ của một đứa con gửi cho mẹ của mình,  không theo trình tự, không có mục lục trong cuốn sách. Cuốn sách kể về ký ức tuổi thơ của một cậu bé người Mỹ gốc Việt trong suốt thời kỳ định cư nơi đất khách quê người. Ocean Vuong đã viết cuốn sách này cho người mẹ không biết đọc chữ của mình, một điểm đặc biệt, thú vị, nhưng cũng khiến người ta ngẫm nghĩ. Những bức thư của “Chó con” (Little dog) gửi cho mẹ hầu hết đều là những mảnh rời rạc mà nối tiếp kể về tuổi thơ, về quãng thời gian lớn lên, khám phá, khao khát và rồi mất mát của cậu bé. Đó là những áng thơ, đẹp như một bức tranh hiện thực, được đi nét mượt mà, mượt mà đến nỗi những nỗi đau cũng trở nên lấp lánh, những xót xa cũng trở thành một nút thắt mềm. Giống như tên cuốn sách, những bức thư Ocean Vuong viết, những mẩu chuyện thoát ra từ ngòi bút, từ ký ức của anh, chính là những thoáng anh thấy mình “rực rỡ ở nhân gian”.

1, Những “thoáng rực rỡ” ẩn khuất trong nỗi đau  

Đó là khi người thanh niên xa xứ, nhỏ bé,  thơ thẩn ấy đặt bút, nói rằng: “Mẹ ơi, con viết thư này để đến gần thêm mẹ – dù mỗi chữ con đặt xuống đây là thêm một chữ rời xa mẹ hơn.”, là khoảnh khắc anh bắt đầu viết cho người mẹ không biết đọc. Như thể anh bắt đầu đối diện với những gì mà anh muốn đối diện, anh muốn gửi gắm những gì anh luôn mong muốn được trao đi, nhưng rồi đó lại là cách khiến anh không thể đối diện nhất. Anh viết cho mẹ, nhưng theo cách mẹ không thể hiểu được anh, có lẽ chăng anh chỉ đang viết cho chính anh, một bản ngã luôn muốn được giãi bày, được đối diện với chính mình thông qua người mẹ?

Đó là khi cậu bé 7 tuổi nói với mẹ mình “Mẹ không phải là quái vật”, nhưng thực chất cậu đã nói dối. Người mẹ bị hậu chấn tâm lý thường hay đánh đập mình thực sự là một quái vật. Nhưng Ocean Vuong không nghĩ quái vật là một điều gì quá kinh khủng khủng. Một đứa trẻ 7 tuổi, hoặc một người lớn 27 tuổi, hoặc là cả hai, hoặc tuổi tác chỉ là sự trú ngụ của thể xác, nghĩ rằng: “Làm quái vật tức là làm một tín hiệu lai tạp, làm một ngọn hải đăng: vừa báo hiệu nơi trú ẩn, vừa cảnh báo hiểm nguy”

“Biết đâu vung tay đánh con mình là chuẩn bị cho nó đến với chiến tranh. Là nói rằng sở hữu một nhịp tim là việc không bao giờ đơn giản như trái tim làm nhiệm vụ vâng vâng vâng với cơ thể.” 

Người mẹ đánh con, người con thấu hiểu. Nét rực rỡ của cuốn sách không nằm ở tình tiết và cốt truyện, mà nằm ở câu chữ, ở cách nó mềm mại chạm vào trong lòng chúng ta, ở cách một cậu bé 7 tuổi nghĩ rằng mẹ mình là quái vật, nhưng là một con quái vật quá đỗi yêu thương và khắc nghiệt, một con quái vật không xấu.

“Mẹ ơi, mẹ là mẹ. Mẹ cũng là quái vật. Nhưng con cũng vậy – đó là lý do con không thể ngoảnh mặt khỏi mẹ. Đó là lý do con đã lấy tạo vật cô đơn nhất của Chúa và đặt mẹ vào đó.

Con nhìn.”

Đó là khi cậu bé 13 tuổi, lần đầu tiên kêu mẹ nó hãy ngừng lại. Ngừng lại chuỗi ký ức, ngừng việc trở thành một quái vật khắc nghiệt, ngừng việc vung bàn tay. Người mẹ dừng lại, và đó là lần cuối cùng.

Ocean Vuong viết: “Khi nào một cuộc chiến kết thúc? Khi nào thì con có thể nói tên mẹ và đó chỉ có nghĩa là tên của mẹ chứ không phải những gì mẹ bỏ lại phía sau?”

Một người mẹ với quá nhiều những nỗi buồn sâu thẳm trong quá khứ, một người phụ nữ sống đi sống lại những hồi ức về tuổi thơ vất vả, về nỗi đau của bạo lực gia đình, của những hãi hùng về chiến tranh, về những vết rơi bom đạn, đã dùng những hoảng loạn ấy để trút lên con mình. Để người con ấy cảm nhận những vết rát bỏng, những đau đớn không tên của chính mình, một cách không kiểm soát, không thể kiềm chế. Nhưng rồi, người mẹ ấy cũng dừng lại, vì đứa con suốt bao lâu im lặng đón lấy những tổn thương từ mẹ, đã nói mẹ hãy dừng lại. Vì đứa trẻ không muốn nhận lấy những nỗi đau, và cũng không muốn những nỗi đau ấy tái đi tái lại trong lòng người mẹ của mình nữa.

“Mẹ, con lại gọi, với hư không, trở lại đi mẹ, trở ra đi mẹ.” 

Đó là khi cậu bé 17 tuổi cho mẹ biết sự thật.

“Con không thích con gái. 

Con không muốn xài cái chữ tiếng Việt pê đê – mượn từ tiếng Pháp pédé, nói tắt của pédéraste. Trước thời Pháp chiếm đóng người Việt mình không có chữ chỉ những cơ thể lệch chuẩn – vì họ bị nhìn thấy như mọi cơ thể khác,  có da thịt và có chung nguồn cội – và con không muốn giới thiệu phần này của con người con bằng cái tính ngữ dành cho tội phạm. “ 

Và người mẹ, sau khi đã bình tĩnh hỏi con mình, với một nỗi lo sợ “người ta sẽ đánh chết con”, lại bắt đầu kể một câu chuyện khác, thú nhận một sự thật khác. Và người con khi ấy, bất chợt hiểu ra rằng

“Con nhận ra rằng mẹ con mình đang trao đổi sự thật, tức là đang cắt vào nhau.” 

Những sự thật được giấu kín, những nỗi đau mà khi nói ra là vết cắt cho đối phương, và cũng là những rỉ máu bên trong mình, những sự thật được trao đổi, những vết cắt vào lòng nhau, những đau đớn mà cả mình cả đối phương đều chịu đựng, là khi chúng ta được thấu hiểu. Là có người mang nỗi đau cho mình, và mình mang nỗi đau của người khác, là khi những tổn thương dày xéo nhau, nhưng cũng bao bọc, và rồi vỗ về ủi an nhau. Đó là cảnh giới của “rực rỡ”, của những thoáng ta thấy mình sáng bừng, như một đóa hướng dương trong một sáng rạng bình minh. Cái sáng ấy đáng giá, vì nó là ánh sáng từ trong đêm tối, sinh ra trong đêm tối, và rồi lại mất đi, chìm vào đêm tối.

Những thoáng rực rỡ trong ký ức Ocean Vuong, được “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”, khắc họa như thế.

“Nếu đời sống một cá thể là quá ngắn ngủi, so với lịch sử hành tinh này, chỉ một cái chớp mắt, như người ta nói, vậy thì được rực rỡ, cho dù suốt từ ngày ta sinh ra đến ngày ta chết đi, là rực rỡ chỉ trong một thoáng”. 

2, Nét màu nào trong ký ức “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”? 

Nếu được hỏi, “màu của bạn là màu gì?” vậy thì câu trả lời của bạn sẽ là gì?

Màu của chúng ta, những vết quệt của quá khứ đi qua chúng ta, hằn lại, sáng lên, tối đi, tô điểm cho ký ức, cho chính thể xác và tâm hồn ta những mảng màu riêng biệt, để ta là ta, để không ai có thể là ta.

“Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian’ có những mảng màu khiến cuốn sách chỉ có duy nhất một bản thể, khác biệt, và là chính nó.

Đó là màu ngà ngà trắng, của bát cơm chan trà hoa nhài ngoại Lan cho “Chó con” ăn. Là màu của giản dị, của bà ngoại, của những câu chuyện kể về chiến tranh, về khó nhọc, về những tháng năm bom đạn, về sự quật cường, cay đắng, sợ hãi, hoảng loạn. Một màu thức uống nhàn nhạt, giản dị, nhưng chứa đựng ký ức của những ngày đau thương. Người ta thường bị gợi nhắc về những điều trong quá khứ vì những đồ vật, những món ăn, những trải nghiệm đi liền với quá khứ ấy. Màu ngà ngà trắng của bát cơm chan trà hoa nhài là chất chứa của dịu dàng nơi bà ngoại, của bình yên hiếm hoi tuổi thơ, của tình yêu thương được đong đếm bằng vị trà thanh mát ngọt lành. Nhưng rồi, màu sắc ấy cũng là màu của ký ức đau thương trong câu chuyện kể, màu của những ám ảnh sâu thẳm trong lòng người bà. Màu ngà ngà trắng, của bát cơm chan trà hoa nhài ngoại Lan cho “Chó con” ăn.

Đó là màu tím thẫm, của những ngày đã đi qua, của một vết thương chỉ còn là một cái nhấn đau nhói, của những ngày chẳng tốt chẳng xấu, của những ngày mà mọi điều chỉ ở trạng thái lơ lửng. Màu tím, là sự pha màu giữa màu tối và màu sáng, là mảng trung hòa, là một thứ ta không vui vì, cũng chẳng buồn bởi, nhưng chí ít, nó đã đến, và ta đã đi qua.

“Mẹ có nhớ ngày vui nhất trong đời mình không? Thế còn ngày buồn nhất? Mẹ có bao giờ tự hỏi liệu nỗi buồn và niềm vui có thể trộn vào với nhau, để tạo thành một thứ cảm xúc màu tím thẫm, không tốt cũng không tồi, nhưng đáng nhớ chỉ vì mẹ không phải sống hẳn về một bên? Hôm đó là một ngày màu tím – không tốt cũng không tồi, nhưng là một ngày ta đi qua.” 

Đó là màu cam đào, như một lòng trứng ốp la vừa vặn chín, của mặt trời những buổi chiều cậu trai 17 tuổi và Trevor ngồi bên nhau. Miếng bưởi ở cuống họng, hơi gió chiều tà, hai cậu trai với quần cộc áo thun, trên một rẻo đồi, cùng với mặt trời rừng rực,  im lặng nơi chân trời.

“Nhưng làm mặt trời chắc cũng chả sướng. Vì nếu là mặt trời cậu sẽ chẳng bao giờ thấy chính mình. Cậu còn không biết được mình ở chỗ nào nơi chân trời kia.” 

“Mình nghỉ làm mặt trời không sung sướng gì vì lúc nào cũng cháy.” 

Đó là màu vàng, rơm khô, ngai ngái, thơm thơm của buổi chạng vạng trong kho, nơi cái đài nhỏ tường thuật trực tiếp trận đấu bóng chày, và hai cậu trai tìm kiếm sắc màu của nhau.

“Mẹ có bao giờ cảm thấy màu sắc tràn vào mình khi miệng một người con trai tìm thấy mẹ không? Nếu cơ thể chẳng là gì ngoài nỗi khát khao có một cơ thể khác? Máu đổ về tim chỉ để lại bị đẩy trở ra,  lấp kín đường nó đi qua, những ống dẫn trước đó còn trống rỗng, hàng dặm đường cần đi để đưa ta đến với nhau Tại sao khi con vươn tới cậu,  bàn tay lơ lửng giữa chừng không,  con lại cảm thấy mình còn hơn cả khi đã chạm được vào cậu?” 

Gam màu trong “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” là màu của những vệt sáng, và những vệt tối. Những vệt sáng quắc, lấp lánh, khiến người ta cứ một đọc đi đọc lại, đi qua đi lại ở vùng sáng ấy mãi, để nuốt trọn những cảm giác lâng lâng, yên tĩnh mà cháy bỏng ấy. Những vệt tối thẫm, là những vệt bên dưới vùng sáng kia, ta lỡ bước rơi khỏi vùng sáng, hoặc ta tự mình nhảy khỏi nó, để đến vùng tối, vùng của những đau đáu, của những ký ức đã thành hình quái vật, của những hoảng loạn đã in sâu vào tiềm thức, của những vết thương mở miệng biến thành những cái bạt tai. Và ở giữa hai vùng sáng tối ấy, ta đi qua một gam màu, mà tôi vẫn chưa biết gọi tên, đó là màu của cô đơn. Sự cô đơn ngập tràn trong từng trang viết của Ocean Vuong. Len lỏi vào giữa những kí ức sáng tối và cả những ký ức không màu, nó biến cuốn sách thành áng văn lộng lẫy của màu sắc, của ngôn từ, và của những dịu dàng xoa dịu, của một nỗi cô đơn giờ đây đã thành hình dạng. Hình dạng ấy biến đổi bên trong lòng mỗi người đọc, trở thành một thứ độc nhất vô nhị của người ấy, về màu của “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”.

III. Lời kết cho tác phẩm

Một tác phẩm thơ, nhẹ, và dịu dàng buồn, “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” cho người đọc một sự cuốn hút. Một sự cuốn hút như khi hút một điếu thuốc, cảm giác tràn ngập, đầy đặn, và một hơi thở phào, sảng khoái, nhưng buồn rầu, của những điều đã trôi qua ta. Tác phẩm là một bức tranh của ngôn từ, của những cách chơi chữ, những gài gắm, những mô tả khiến chúng ta choáng ngợp vì sự linh hoạt, khéo léo, và đẹp đẽ đến thế của ngôn từ, của cách diễn đạt. Bước vào tác phẩm, là ta bước vào một cuộc phiêu lưu, nơi ta mò mẫm và ngắm nghĩa những câu chữ ấy, chìm vào trong chúng, để hiểu chúng, để hít thở lấy cái không khí mà chúng truyền cho ta, để chúng vươn những cánh tay cảm xúc của mình, chạm vào lòng ta. Cuốn sách mang cho người đọc những nỗi buồn hoang hoải, những nỗi buồn được họa nét bằng những nét rực rỡ, và những nét rực rỡ được miêu tả bằng ngòi bút đượm buồn.

Có lẽ sẽ chẳng ai có thể miêu tả cuốn sách này đúng đắn nhất cho một người khác, vì chỉ khi thực sự cầm cuốn sách lên, chạm vào những câu chữ, đắm mình vào câu chuyện của tác giả, mỗi chúng ta mới có thể thực sự tìm được những cảm giác riêng của mình.

Nguồn: Minh Khuê – Bookademy

Bình Luận

© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép của tác giả hoặc bằng văn bản của CBT Việt Nam. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm  đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn!
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM
Danh sách thành viên Giới thiệu chung Quy định hoạt động
Các câu hỏi/đáp về CBT Trang vàng Cộng đồng CÂY BÚT TRẺ AUDIO

0 Comments

Leave a Reply

You must be logged in to post a comment.

Khi bão đi qua Chỉ còn lại đống hoang tàn đổ nát Mẹ cạn khô nước mắt Con cút côi giữa bát ngát cánh đồng đời Khi bão ...
Trên con đường gập ghềnh chúng ta đã từng qua Ngoài nỗi buồn và sự thứ tha còn có thể thêm điều gì vào nữa Hạ đã nhạt...
Gửi cho em một ngàn lời thơ Kèm một chút nỗi niềm nhung nhớ Yêu là biển, bến bờ là chờ Ta yêu em, ta yêu từng hơi thở...
Em háo hức đến trường Tinh tươm màu áo mới Trang vở cười hớn hở Sách rộn ràng đùa vui. Tạm biệt nhé, Hạ ơi. Tớ phải...
Tháng bảy về trời rợp những bóng mây Mẹ ngồi khóc chờ tin con đẫm lệ Vợ xa chồng nhuộm sầu thương chẳng kể Bao nhiêu...
Cả nước tưởng nhớ Quốc tang. Hôm nay tiễn Bác hai hàng lệ rơi Người dân nước Việt muôn nơi. Chẳng quản đường xá xa sô...
Nhằm điều chỉnh một số định hướng hoạt động mới, Cộng đồng Cây Bút Trẻ Việt Nam thông báo về một số thay đổi với thành viên (sẽ có hiệu lực thực hiện từ ngày 30/1/2024) như sau: ĐỐI VỚI THÀNH VIÊN ...
Sau thời gian hơn 04 tháng diễn ra, cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh” đã nhận được tất cả 40 bài tham gia dự thi của 40 tác giả. Trong đó, có 33 bài dự thi được duyệt qua vòn...
Lâu lắm rồi mình chẳng viết được gì cả, không nổi một câu thơ, chẳng vẹn một ý truyện. Thỉnh thoảng, những đêm buồn như thế này, mình lại ngồi đọc những bài viết được đăng tải trên website, đọc nhữ...
Tạm biệt mái trường – Thơ Hương Tràm
Tôi tìm nhặt cánh Phượng rơi Mùa hạ đã đến, chợt trời đổ mưa Đâu rồi Hạt nắng lưa thưa Ve ngân h...
Kết quả cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh!”
Sau thời gian hơn 04 tháng diễn ra, cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh” đã n...
Những điều Má không kể…!
Nó nhớ lúc nhỏ thứ quen thuộc nhất là bóng lưng của má. Đi đâu má cũng chở nó theo trên cái xe đ...
Mùa xuân có một thiên thần…
Thế rồi, mùa xuân năm ấy có một Thiên thần, đã mãi bay đi. Mẹ đã xa rời chúng tôi, không một lời...
Chị ấy tên là Hồng, biệt danh là Pink!
Cho dù câu chuyện có đang đi vào bế tắc, chỉ cần chị nói vài câu là mọi thứ sẽ vui vẻ. Chị biết ...
Ước mơ của Mẹ!
Xin lỗi mẹ vì có những lúc khiến mẹ phải buồn, con luôn muốn nói với mẹ dù con ngại ngùng đôi ch...
Thứ Năm, Tháng Chín 12, 2024 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Tư, Tháng Chín 11, 2024 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Ba, Tháng Chín 10, 2024 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Bảy, Tháng Tám 31, 2024 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024 CÂY BÚT TRẺ Thơ
Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024 CÂY BÚT TRẺ Thơ
Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024 CÂY BÚT TRẺ Thơ
Thứ Sáu, Tháng Sáu 07, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Ba, Tháng Tư 16, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Năm, Tháng Hai 08, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Hai 07, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Ba, Tháng Hai 06, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Một 22, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Một 21, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Năm, Tháng Một 11, 2024 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 31, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 31, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Mười Hai 25, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 23, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 23, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Một 05, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Một 04, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Sáu, Tháng Chín 29, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Chủ Nhật, Tháng Chín 24, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Chín 18, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Chín 17, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Chín 13, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Tư, Tháng Chín 06, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Tư, Tháng Tám 30, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 28, 2023 CÂY BÚT TRẺ Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 28, 2023 CÂY BÚT TRẺ Thơ
Chủ Nhật, Tháng Tám 27, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Tám 23, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 21, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 14, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Tám 05, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thông tin - Kiến thức
Thứ Ba, Tháng Tám 01, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Ba, Tháng Bảy 25, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Sáu, Tháng Sáu 30, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Tản văn
Thứ Hai, Tháng Sáu 26, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ