Mẹ & Sang


Câu chuyện về Sang, một vị bác sĩ sống tại Sài Gòn. Về cuộc đời anh: những quá khứ, biến cố, thân thế và nhất là mẹ anh, một người phụ nữ anh trân quý nhất.

Chương 1: Sang

Ngồi trước laptop trong căn phòng tăm tối, Sang vuốt nhẹ lọn tóc đang lòa xòa trước mặt rồi đưa tay chỉnh lại gọng kiếng. Ánh sáng hắt ra từ chiếc đèn treo nhỏ rọi vào mặt khiến cho những đường nét trên gương mặt anh càng thêm tinh tế: vầng tráng rộng với vài đường gân mảnh nơi thái dương, chân mày hơi xếch, mắt mí lót to vừa, tròng mắt màu nâu nhạt, khuôn miệng nhỏ và đầy đặn, sóng mũi cao cứng cáp, gương mặt dài thanh tú với một chút góc cạnh ở hai bên hốc má, làn da sáng mịn màng hơi ánh lên nơi những giọt mồ hôi tụ lại.

Trên mình vẫn còn nguyên bộ trang phục công sở với quần tây và sơ mi đóng thùng, anh luôn ăn mặc rất giản dị nhưng thu hút, tôn lên thân hình cao lớn vừa vặn cũng như cung cách lịch sự, chuẩn mực của mình.

Là một bác sĩ giỏi tại bệnh viện lớn, Sang được nhiều lời mời đến các  nước phát triển để sống và làm việc nhưng anh chỉ chọn Sài Gòn, sống trong một căn phòng trọ nơi xóm lao động gần chỗ làm.

Cuộc sống của Sang hiện tại khá ổn, một bác sĩ trẻ đẹp trai đầy hứa hẹn và thành công, nhiều cô y tá thầm ngưỡng mộ và ao ước được làm quen với anh nhưng Sang vẫn chưa có ý lấy vợ dù tuổi đã gần ba mươi.

Thời gian gần đây Sang đang tập tành viết lách, biết văn chương mình đâu phong phú gì nhưng anh vẫn quyết định thử đưa câu chuyện mình lên mạng xã hội khi một lần vô tình lướt qua một trang tuyển mộ dành cho những nhà văn mới. Không viết vì tiền, Sang hy vọng ai đó đọc được bài của mình sẽ rút ra kinh nghiệm gì đó cho bản thân.

Những ngón tay dài và linh hoạt của Sang lướt nhẹ trên bàn phím:

 “Khi nhìn thấy tựa: “Sài Gòn bao dung, tp Hồ Chí Mình nghĩa tình”, tôi đã tự bật cười gượng gạo vì câu chuyện đời mình không hề bao dung hay nghĩa tình, nó mô tả một khía cạnh khác vô cùng khốc liệt của Sài Gòn.

Làm trong bệnh viện, mỗi ngày bạn phải đối diện với những hình ảnh máu me be bét, khâu vá, chữa trị cho biết bao người, bạn hiểu rằng vì sao người ta bảo bệnh viện là nơi địa ngục trần gian. Nhưng với tôi, nó khá thanh bình so với những tháng ngày cũ, khoảng thời gian sống xen lẫn giữa tình yêu và nỗi thống khổ.

Đã hai mươi cái mùa dỗ qua đi của mẹ, thực ra đâu cần phải đến ngày dỗ tôi mới nhớ đến mẹ, bà luôn ở sẵn trong tâm trí tôi. Tối nào cũng vậy trong căn phòng này, nhâm nhi chút rượu vang, ngâm nga vài câu ca và tôi hồi tưởng về bà, tôi chưa tìm ra ký ức nào sâu đậm hơn ngoài mẹ.

Phải chi mẹ tôi có cuộc đời hạnh phúc bình thường như bao người mẹ khác thì tôi cũng chẳng nhớ gì nhiều. Nhưng hồi còn sống, bà chật vật, bất thường như một con thú điên dại với những vấn đề luôn ở xung quanh. Bà không hoàn hảo hay chưa bao giờ mãn nguyện và chẳng bao giờ cười. Có lẽ do khi ấy tôi còn quá nhỏ nhưng trong trí nhớ mình, mẹ tôi chẳng có chút bình yên để mà cười.

Tôi nhớ như in ánh mắt của mẹ, luôn nhìn người khác bằng một vẻ e sợ, mặc cảm, chút gì đó yếu đuối và phẫn nộ nhưng vô cùng quyết liệt. Tuy rằng bà rất đẹp, vẻ đẹp u uẩn tựa như một thiên thần sa ngã, khiến tôi không ngừng tìm kiếm bà khắp nơi, qua mọi phụ nữ mà mình từng gặp, những bệnh nhân, các cô y tá và ở mỗi người tôi có trân trọng riêng. Trớ trêu thay khi tôi lại nhìn thấy sự mẹ mình qua hình ảnh của các gái điếm, bụi đời hay sống buông thả.

Mỗi tối sau khi kết thúc giờ làm việc, tôi thả bộ về nhà, hòa mình vào sự nhộn nhịp của dòng người. Bất chợt nhìn thấy họ, tôi lặng đi một lúc, họ đứng ẩn trong bóng đêm trên hè phố, nhút nhát, độc lập và mong manh, không phải mạnh dạn lả lơi như trên phim ảnh mô tả.

Vài người trong số họ đã đến bệnh viện để chữa bệnh, tôi không ngần ngại để giúp đỡ.

Có lần tôi đưa một cô gái gốc Tiền Giang về tận quê để đoàn tụ với gia đình và con cái, còn gởi gắm thêm tiền thang thuốc rồi trở về Sài Gòn. Còn lần khác khi tâm sự với một người giúp việc, chị cho hay sẽ phải nghỉ làm vì nhà xa mà không có phương tiện đi lại.Vì nghĩ mình ở gần bệnh viện lại đâu thiếu thốn gì nên tôi bèn tặng hẳn chiếc xe máy cho chị.

Với những sự giúp đỡ như vậy, tôi thừa biết nhỡ đâu họ cũng sẽ “ngựa quen đường cũ” nhưng tôi vẫn không màng, tôi giúp họ vì bản thân mình, lương tâm tôi sẽ cắn rức nếu lại nhìn thấy một người mẹ trẻ khác thơ thẩn đâu đó.

“Cuộc đời này có đau khổ hay không là do chính con chọn, không ai có thể ép con đi đến con đường đó.”

Mẹ từng nói với tôi như vậy, bà luôn căn dặn tôi đừng giống bà, sống tốt hơn. Bà luôn sợ bản thân mình sẽ ảnh hưởng xấu đến tôi, bà cố bảo vệ tôi khỏi cái ác, sự cám dỗ trong đời và cả chính bà.

Và tôi không thể không ảnh hưởng, vốn dĩ sinh ra bản tính hòa đồng và vui vẻ nhưng tôi chọn cuộc sống cô độc vì tôi muốn giống bà.

Trong bệnh viện vài đồng nghiệp không thích tôi, họ cho rằng tôi khó chịu và xa cách. Tôi không bao giờ tham gia các buổi liên hoan, hội hè kể cả vào các dịp lễ. Và tôi không giao tiếp với loại y tá, bác sĩ mang tính cách thô lỗ, thù hằn, tôi ghét kẻ bắt nạt. Dù cũng khá quen với việc họ quát nạt bệnh nhân mỗi ngày và vô cùng xấu hổ khi thái độ ở đây hay bất kỳ cái bệnh viện nào khác vẫn đi ngược lại với câu nói: “Lương y như từ mẫu” nhưng phẫn nộ để làm gì, nó chỉ vẫn diễn ra đều đặn và ngày càng nhiều thôi. Điều đặc biệc khiến tôi khác họ do chứng kiến mẹ mình đã luôn chịu đựng những sự sỉ vả từ người khác nhưng cố đè nén vì con trai mình. Không bao giờ tôi trở thành họ cho nên tôi luôn kiên nhẫn và đối đãi với bệnh nhân bằng sự ân cần từ tốn, mặc cho lắm lúc họ khiến tôi phát điên.

Những đồng nghiệp không ưa tôi nhưng chẳng làm gì được tôi, họ cần tôi: một bác sĩ trưởng với tay nghề tôi vững vàng. Đôi khi tôi nói cả một tập thể bất chấp cãi lại nhưng không có tôi họ chẳng làm gì được và đành phải nghe theo. Tôi cũng bất cần, họ sợ điều đó nơi tôi. Tôi chẳng ngại nếu ai đó có chơi xấu mình, điều gì đến thì đợi cho nó đến, tôi không cần phải chống trả.

Tôi chẳng sợ điều gì trên đời này nữa. Những giông tố cuộc đời đã qua cùng với người mẹ dấu yêu.  Đã mười năm, hai mươi năm rồi mà hình ảnh bà không hề phai nhạt. Phải chăng đó là sự định nghĩa của sự “chung thủy”. Đôi lúc tôi cảm thấy mình ích kỷ vì không để cho người chết được yên, cứ gọi lại nên họ chưa siêu thoát. Cũng như trong tiểu thuyết Đồi gió hú, cách Heathclift ám Katherin. Bà không ám tôi, là tôi cứ mãi ám và níu giữ bà.

Giờ đây trên tay tôi là cuốn nhật ký của mẹ, dành tặng cho tôi trước lúc lâm chung, tôi đã đọc nó hàng trăm lần rồi và hôm nay tôi sẽ đọc lại cho bạn nghe.

Chương 2: Hai mươi năm về trước.

“Rằm tháng bảy mà trời lại mưa, mẹ đi làm không nỡ để con ở nhà một mình, chỉ mong về sớm cùng ăn tối với con.”

Nguyệt ngồi trong phòng khách của ông chủ mình, cô mặc chiếc váy mỏng thêu hoa, tuy có bạc màu và rách đôi chút nơi vạt áo nhưng vẫn là cái váy đẹp duy nhất mình có.

Người đàn ông với dáng vấp to béo bước ra nặng nề từ trong phòng mình, đi thẳng đến chỗ Nguyệt, chậm rãi ngồi xuống trên bộ ghế sofa, tay vẫn giữ khư khư chiếc điện thoại. Ông nói bằng thứ tiếng Quảng Đông với người bên kia đầu dây, không màng đến sự có mặt của Nguyệt.

Ông Hợi, một người gốc Hoa đến từ Malaysia sống lâu năm ở Việt Nam, là ông chủ của vài quán ăn trong Sài Gòn. Và đó chỉ cái bia để che mắt thiên hạ, ông kinh doanh chính bằng nghề ở tú ông, thường xuyên dắt gái Việt sang Malaysia làm ăn.

Cũng phải nửa tiếng trôi qua mà ông Hợi vẫn không rời khỏi cuộc nói chuyện trên điện thoại, giọng nói sang sảng cứ vang vọng cả phòng, nghe như tiếng búa đinh đóng chan chát vào lỗ tai mình, Nguyệt muốn lả đi vì đợi chờ trong vô vọng. Đã nhiều lần cô bị ông tát khi cố ý cắt ngang lời của ông, nhưng nghĩ đến đứa con trai đang đợi ở nhà, Nguyệt không thể kiên nhẫn thêm, cô đứng phắt dậy mặc vội áo khoác vào rồi ngồi vào chiếc ghế phía đối diện ông Hợi, chìa tay ra.

Ông Hợi bực bội lườm mắt nhìn, vài giây sau thì tắt máy. Nguyệt hơi rút người ra phía sau để chuẩn bị tinh thần cho cơn thịnh nộ từ ông nhưng ông lại không nổi giận, chỉ rút ra một xấp tiền trong túi quần đưa cho cô. Cô nhìn vào nó đong đếm một chút rồi ngước mặt lên hỏi ông:

– Sao chỉ có chừng này?

– Chứ mày muốn bao nhiêu nữa?

Tiếng quát lớn khiến cho Nguyệt giật bắn mình. Ông Hợi nói tiếp:

– Còn tiền ăn ở nữa, bao lâu nay hai má con mày tưởng ở không chắc!

Nguyệt gật đầu, cô đưa ta lên nhận xấp tiền song e dè hỏi:

– Khi nào hai mẹ con tôi được qua Malaysia?

Ông Hợi quăng mạnh xấp tiền vào mặt cô, nói thẳng thừng:

– Mày cút về đi!

Rồi bỏ vào phòng ông đóng sầm cửa lại.

Trong căn phòng khách nhạt nhẽo, Nguyệt vẫn ngồi đó thinh lặng, mặt lạnh như tiền. Cô cố xua đi cái cảm giác ê chề, nhục nhã dâng lên trong lòng khiến Nguyệt tức nghẹn, tay chân cô không chuyển động được, cô vừa thù ghét vừa sợ ông Hợi. Rồi Nguyệt cúi xuống lượm tiền từng tờ một, cô không muốn nán lại thêm cho đến khi ông ta bước ra lần nữa, thể nào cũng bị mắng té tát.

Trở về một khu nhà trọ tồi tàn cách đó không xa, vừa mở cửa vào phòng Nguyệt thấy cơm nước còn nguyên trên bàn, đứa con trai ngồi thu lu trong bóng tối, cô lo lắng hỏi:

– Sang, sao con chưa ăn gì hết vậy? Mẹ nấu canh bầu con thích nè!

Thằng bé ngồi bất động trong mùng, mái tóc dầy xõa lòa xòa trên gương mặt bầu bĩnh, cánh tay mủm mỉm của nó đang ôm chặt chiếc gối, trông rất dễ thương nhưng rầu rĩ vô cùng, nó lắc đầu nói:

– Con ăn không vô!

Nguyệt cởi vội áo mưa bỏ, đưa tay bật công tắc điện rồi chui vào mùng ngồi cạnh nó, ôn đồn hỏi:

– Con bị bệnh hả? Sao ăn không vô?

– Mẹ lại đi với đàn ông nữa! – Nó bất chợt nói.

Nghe như tiếng sét bên tại, Nguyệt thốt lên:

– Ai nói với con như vậy?

– Mấy bà hàng xóm. – Nó trả lời.

Nguyệt quay lại nhìn ra bên ngoài, đầy vẻ trách móc, cô giận sôi lên vì công sức che dấu con bao lâu nay bị sụp đổ. Nguyệt không nói thêm chỉ nhìn Sang, bảo:

– Con ra ăn cơm đi! Đừng phí phạm!

Sang nắm lấy tay Nguyệt năn nỉ:

– Mẹ ơi đừng làm nghề đó nữa!

– Nghề đó là nghề gì? – Nguyệt bực bội hỏi lại.

Thằng Sang ấp úng:

– Con, con biết hết, chỉ là con muốn hỏi thêm, con chỉ muốn mẹ đừng làm nghề đó nữa thôi! Hay mình về quê đi mẹ!

Nguyệt lắc đầu, nghó quanh:

– Không!

Rồi cô bước nhanh ra khỏi giường, đứng giữa phòng nghiêm nghị nói với con:

– Nghe cho kỹ đây, con không được phép nghe lời ai nói xấu mẹ nữa! Những gì mẹ đang làm con không cần biết là gì nhưng nó sẽ cho chúng ta cơm ăn chỗ ở. Và không lâu nữa, hai mẹ con mình sẽ rời Việt Nam sang sinh sống tại Malaysia, nơi đó tốt hơn. Nhiệm vụ của con chỉ đơn giản ngây thơ, nghe lời, còn lại để mẹ lo, được chưa?

Sang gật đầu, nó chậm chạp lết ra khỏi mùng rồi ngồi vào bàn ăn cơm.

Giữa đêm khuya khi Sang an say giấc ngủ, Nguyệt vẫn nằm trăn trở, suy tính nhưng tâm trí rối bời không sắp xếp được gì ra hồn. Mỗi lần vậy cô rời khỏi giường, nhẹ dắt chiếc ghế nhựa ra ngồi trước phòng, khép nhẹ cánh cửa sau lưng rồi châm một điếu cần. Nguyệt dùng cần vì nó nhẹ hơn thuốc lá mà lại ít gây nghiện hơn.

Rít một hơi thật sâu, cô lẳng lặng ngồi, mắt nhìn xa xăm.

Mưa tạnh dần, con hẻm trọ buổi đêm nghe sao yên ắng tĩnh mịch, không một tiếng động ngoài tiếng dế kêu râm ran, trái ngược sự ồn ào phức tạp của ban ngày, mẹ con Nguyệt thường tránh ra ngoài vào giờ đó.

Để mặc cho nước mưa giọt xuống chân mình, Nguyệt nhắm mắt lại và dõi theo từng hơi thở trong cở thể. Những đường gân trên trán và giữa chân mày cô vơi dần đi, cô cảm nhận sự thanh bình ngắn ngủi đang đến và chìm trong men cần, chỉ có vậy thì Nguyệt mới bớt căng thẳng.

Nhìn điếu cần đang kẹp giữa hai ngón tay, Nguyệt hoài niệm về quãng thời gian trước đây khi cô cai nghiện, thật là khó khăn. Rượu và heroin, hai thứ khó cai nhất, vậy mà cô tự cai tại nhà không cần đến trung tâm. Nguyệt được chỉ định dùng Methadone, thứ thuốc giúp cắt cơn nhưng tác hại rất nhiều. Sau khi cai nghiện thành công cô vẫn cảm thấy cơ thể mình đang bị tàn phá.

Cái động lực mạnh mẽ khiến cô chỉnh đốn lại bản thân là Sang, đến giờ cô vẫn thầm cảm ơn nó. Cô chưa biết mình sẽ dạy dỗ nó được cái gì nhưng ngược lại, nó giúp cô cô học được nhiều bài học đáng giá. Cô chỉ mong rằng mình sẽ không còn sa lầy như trước.

Chương 3: Trôi sông lạc chợ

“Mẹ ghét nhất khi ai đó thích lên mặt dạy đời khi họ chẳng tốt đẹp gì hơn, họ nói rằng mẹ không hòa đồng, không biết lấy lòng ai hay quá tự ái. Nhưng có lẽ họ đã đúng, vì sự kiêu ngạo của mình, mẹ lại khiến cho con phải sống khổ sở, đói khát, trôi sông lạc chợ. Con không như mẹ, con hòa đồng và bao dung nên cuộc đời con sẽ khá hơn.”

Nguyệt làm ở đâu cũng bị chơi xấu, cô không ngại bị tẩy chay nhưng một số người không thích cô, chúng chia phe phái rồi rỉ tai nói xấu cô với quản lý và cô bị đuổi việc.

Không có nghề ngỗng đàng hoàng, có lúc Nguyệt ôm con đi xin ăn, nhóm dân nghi ngờ cô là kẻ xấu bắt cóc con nít nên quay phim, hỏi cung rồi làm um xùm cả lên. Đến khi công an đến áp đảo cô về đồn thì họ mới tin Sang là con trai Nguyệt.

Họ được mẹ con Nguyệt đến sống trongmột khu tập thể dành cho người cơ nhỡ, ban đầu cô vui mừng vì sẽ có việc làm, chỗ ở và cho Sang đi học nhưng mọi thứ lại không dễ dàng như vậy. Nơi đó hội tụ đủ mọi thành phần thấp kém không ngừng xâu xé lẫn nhau, vẫn chỉ vì những lý do cũ khi Nguyệt không thích tiếp xúc với ai. Khi Nguyệt bị ghét bỏ thì Sang cũng bị vạ lây, cô quyết tâm đưa Sang đi khỏi đó và trở lại với đường phố.

Một lần lang thang quận 5 để xin đồ ăn cũ, Nguyệt lạc vào tiệm hủ tiếu của ông Hợi. Khi ấy, tuy gương mặt có phần khắc khổ và áo quần dơ bẩn vì sống cảnh đầu đường xó chợ nhưng không làm đi phần trắng mịn, sạch sẽ trên làn da cũng như sự săn chắc, mềm mại trên thân hình cô.

Dưới con mắt nhìn sắc sảo của một tay buôn gái rành nghề, ông Hợi mải mê khai thác những ưu điểm trên vẻ đẹp của Nguyệt: một khuôn mặt tròn trịa nữ tính, mắt to đen nhánh ẩn dưới làn mi đen dầy và cong vút, mũi gọn gàng, bờ môi nũng nịu, khi cười tạo ra nếp nhăn nơi khóe miệng. Đặc biệt cô có cách nhìn kỳ lạ như muốn xoáy sâu vào người ta, một sự kiên quyết dữ dội, một chút trách móc, chút ai oán, cũng có chút gì đó mong manh và nhút nhát. Cái kiểu cách bí ẩn đầy gợi cảm, cô đơn và lạ lẫm toát ra từ Nguyệt khiến cho đối phương bị thu hút, tò mò mà chẳng cần đến nhung lụa hay sự hớ hên từ da thịt. Nguyệt hầu như không quá quan tâm đến những điều đó trừ khi chúng giúp cô kiếm sống.

Ông Hợi đề nghị Nguyệt đến sống trong dãy phòng trọ của chị họ mình, ăn ở miễn phí nhưng với điều kiện cô phải làm việc cho ông, hành nghề mại dâm.

Ban đầu Nguyệt đắn đo dữ lắm đến khi không chịu nổi cảnh sống mãi trên đường phố, cô đành đồng ý đưa Sang dọn đến sống và làm việc cho ông Hợi.

Đến bây giờ đã gần một năm, ban đầu ông Hợi còn tử tế về sau ông lộ ra bản chất hung bạo, khinh miệt phụ nữ.

Nguyệt không ngại lắm việc mình phải làm cái nghề đáng xấu hổ này nhưng cô quan ngại khi hàng xóm mãi miết rỉ tai con trai về những việc làm của mình. Sang nay đã bảy tuổi, nó dần nhận thức được nhiều thứ và tệ hơn khi nó cô đơn, suốt ngày bị căn dặn phải ở yên trong nhà, ăn và ngủ đợi mẹ về.

Ngày nào nó cũng nghe phong phanh những lời bàn bạc về mẹ nó, có người bảo :

“Sao không về quê đi ha, ở đây làm gái con trai nó xấu hổ chết!”

Nghe chữ “quê” nó thấy tò mò dù nó chưa biết quê mình là ở đâu và Nguyệt chưa bao giờ nhắc, nhưng nó nghĩ về quê chắc sẽ ấm êm hơn nên cứ mãi năn nỉ Nguyệt cho về quê. Nguyệt đành giải thích:

“Nếu về quê được thì mẹ đã dắt con về lâu rồi! Tin mẹ đi! Nơi đó không dành cho chúng ta, thay vì đó mình sẽ đi Malaysia, vậy tốt hơn.”

Nguyệt tin lời hứa của ông Hợi, cô thuyết phục Sang rằng ở một đất nước mới sẽ khởi nang tốt đẹp hơn, cũng như cô cố cố giải thoát bản thân khỏi mớ hỗn độn ở đây chứ chắc gì tại nơi đó, sẽ không gặp một mớ hỗn độn khác.

Chương 4: Đêm mưa buồn

“Một đêm tháng mười một, trời mưa như trút nước, mẹ không biết con đã dõi theo mình. Đời mẹ chẳng muốn tổn thương ai nhất là với con, tuy không nói ra nhưng ngày nào mẹ cũng nhớ về đêm hôm đó, mẹ ân hận lắm. Mẹ xin hứa, có chết cũng sẽ không bao giờ nặng lời với con.”

Mưa vừa tạnh được một lúc, Sang đến một con đường vắng, nấp sau bụi cây. Nó đã cất công theo dõi Nguyệt suốt mấy ngày nay.

Nguyệt đứng co ro trong giá lạnh, trông ngóng và chờ đợi, tựa người vào một cột đèn đang mờ đi dưới làn mưa phùn, mặt cuối xuống. Cứ mỗi khi một chiếc xe đi ngang qua thì ánh mắt lo âu của cô lại lóe lên một tia hy vọng mong manh. Dù ở một khoảng cách xa nhưng Sang cảm thấy toàn bộ thân thể mẹ nó đang run rẩy, hay là vì nó cũng đang run rẩy tương tự, cảnh tượng đó khiến nó xót xa vô cùng.

Một lúc sau ánh đèn le lói phía xa tiến dần đến, chiếc xe máy đắt tiền dừng lại gần nơi Nguyệt đứng. Là một người đàn ông nhà giàu đứng tuổi, ông ta ngoắc Nguyệt đến gần, nói với cô dăm ba câu rồi cả hai lên xe di chuyển.

Sang từ đâu đó chạy vụt ra lao về phía chiếc xe, giọng thoảng thốt:

– Mẹ ơi mẹ đừng đi!

Thấy Sang ông khách lạ đột ngột dừng lại, Nguyệt nhảy vội xuống xe, cô hốt hoảng:

– Sang, con làm gì ở đây? Con phải ở nhà ngủ chứ!

Sang níu chặt tay mẹ khóc lóc ỉ ôi, mặc cho Nguyệt có nói gì nó cũng không chịu buông. Nguyệt cố dằn tay nó ra, giải thích đủ kiểu nhưng vừa quay lưng đi thì nó chạy nhanh đến túm váy lại.

– Đi làm mà mang con theo chi vậy? – Ông khách bực dọc nói. – Rồi bây giờ có đi không thôi tôi đi chỗ khác?

Vừa năn nỉ ông khách Nguyệt vừa quay sang an ủi Sang, từ tốn gỡ tay nó ra khiến nó khóc toáng lên càng lớn hơn, quỳ khụm xuống đât, ôm ghì chân cô lại. Nguyệt tức giận nắm chặt hai vai nó xô mạnh ra song quát lớn tiếng:

– Đi về nhà! Thằng con hoang bất trị.

Dứt lời, cô leo thẳng lên xe khách rồi cả hai nhanh chóng phóng đi.

Sang bất động nằm đó không nhúc nhích cũng không nhìn theo, nó dừng khóc một chút mắt thẫn thờ nhìn về một hướng. Đỗi sau nó tự đứng lên, tìm đến một cái hiên nhà gần đó ngồi trú mưa và không về nhà. Nó muốn ngồi đó chờ mẹ về dù biết điều đó không chắc chắn lắm.

Mưa lất phất rơi trên con đường rộng và u tối, thân hình nó trở nên bé nhỏ hơn, mái tóc vẫn rối bời xõa khuất mặt, dù đau khổ nhưng gương mặt nó vẫn ngây ngô tựa khi nào.

“Thằng con hoang bất trị.”

Nhớ lại câu nói tàn nhẫn vừa rồi của Nguyệt, tim nó thắt lại vì đau. Không để ý sao Nguyệt lại nói như vậy, nó chỉ đau khổ vì lần đầu tiên mẹ nặng lời với nó. Lần đầu tiên nó nghĩ đến cái chết, chỉ có chết mới tìm thấy một chút thảnh thơi và giải thoát.

Tiếng động cơ vang lên, một chiếc xe máy nữa lạnh lùng băng qua, nó nghẹn ngào nhìn theo, làm nó nhớ lại gã nhà giàu khi nãy, nó nhớ như in cái mặt đồng hồ sáng loáng trên cổ tay, chiếc xe to đùng và cặp mắt vô tâm của hắn, nó thấy ớn lạnh và nó xem như đó là gương mặt chung của những kẻ đàn ông đồi bại sẽ cướp mẹ nó đi.

Chưa đầy một tiếng sau, Sang thấy bóng dáng quen thuộc xuất hiện từ phía xa tiến dần về phía mình, nó thở phào nhẹ nhõm nhưng nó không muốn đứng lên vội, chỉ ngồi đó giận dỗi nhìn chờ đợi.

“Mẹ xin lỗi!”

Nguyệt nói gọn lỏn một câu rồi chìa tay ra về phía Sang, cô mệt mỏi dắt con trai về nhà. Suốt quãng đường về, cả hai chẳng ai nói thêm câu nào.

Chương 5: Căn bệnh và sự hạnh phúc it ỏi.

“Con không cần phải tha thứ nhưng xin đừng nhớ đến ông Hợi, hình ảnh của ông ta chỉ tạo nên vết nhơ trong cuộc đời trong trẻo của con, chỉ cần tránh xa những người như vậy.

Có những lúc khi con ngần ngại trước một quyết định nào đó con hỏi mẹ, con tin mẹ sẽ cho con một phương án tốt nhất hay một sự dạy dỗ đúng đắn. Nhưng mẹ nghĩ con làm điều đó tốt hơn mẹ, vì mẹ chỉ như một đứa trẻ lớn xác còn không dám tin vào bản thân mình. Để con lớn lên trong nghèo khó, sống trôi sông lạc chợ mẹ thật không dám đưa ra một lời khuyên nào cho con, mẹ chùn chân trước mọi quyết định, mọi bước chân của mình đều là sai lầm.”

Về đến nhà thấy đồ đạc mình ngổn ngang trước phòng, cửa phòng khóa lại, Nguyệt hốt hoảng gọi điện cho ông Hợi nhưng ông cúp máy, cô đoán chắc ông ta không muốn dính dáng nhận mẹ con cô nữa.

Hai mẹ con ngồi trước cửa phòng, mưa vẫn rả rít rơi, Sang tựa đầu vào vai Nguyệt ngủ thiếp đi. Đầu óc Nguyệt như muốn nổ tung, không biết phải xử trí như thế nào, sẽ phải làm gì tiếp theo đây. Đã biết bao lần cô đối diện với cảnh bế tắt tương tự nhưng có một đứa trẻ ở cạnh lại còn tệ hơn.

“Căng thẳng không thể chịu được!”

 Nguyệt thầm nhủ, cô không thể chợp mắt dù đã mệt rã rời, cô dành trọn cả đêm để suy tính, lên đủ mọi kế hoạch. Nguyệt định chờ đến sáng để gặp bà chủ trọ xin ở lại nhưng cô nhanh chóng gạt đi ý định ấy. Nguyệt thừa biết có xin thì cùng lắm chỉ ở được đôi ba bữa rồi cũng phải đi, hơn nữa không đời nào bà ta chấp nhận nếu không có đồng thuận của ông Hợi.

Mưa cứ tạt liên hồi vào hiên nhà nơi họ ngồi, Nguyệt lấy áo mưa che cho Sang còn mình thì ướt đẫm.

“Để thằng nhỏ ngủ cho đủ giấc, bắt đầu tạnh mưa sẽ đi chứ cứ ở đây mãi cũng không tính thêm được gì.” – Nguyệt tự nhắc nhở mình không biết bao nhiêu lần.

Đặt Sang nằm trên một tấm vải màn lớn dưới đất, với áo mưa và chăn ấm che chắn quanh thân, Nguyệt lôi hết toàn bộ đồ đạc của hai mẹ con ra đặt trên một chiếc áo mưa khác. Tất cả những thứ cần thiết nhất cô xếp gọn vào trong một cái balo, một số quần áo, vớ mũ loại tốt nhất thì cô mặc hết lên người cho hai mẹ con, còn những thứ lặt vặt khác thì bỏ lại hết, cho khỏi vướng nặng.

Ở bất kỳ nơi đâu, Nguyệt chỉ dùng đúng hai bộ đồ để thay và những vật dụng cần thiết, cô cho rằng bản thân mình luôn di chuyển nên không muốn sắm sửa gì thêm.

Trời vừa tờ mờ sáng, hai mẹ con đã rời khỏi khu nhà trọ ấy tựa khi nào.

Dưới chân một gầm cầu nọ, Sang run lên bần bật vì cơn sốt thương hàn còn Nguyệt thì bị cảm ho.  Nguyên ngày qua mẹ chưa ăn uống gì, trời vẫn mưa không dứt, họ đã lang thang ngoài đường cả tuần rồi, tiền thì đã tiêu hết.

Nguyệt ít khi muốn ôm ấp con nhưng bây giờ cô ôm nó trọn vào lòng, bế hỏng lên đặt trên đùi mình để thằng bé tránh tiếp xúc với mặt đất và sưởi ấm cho nó. Chốc chốc, cô lại dùng tay cảm nhận thân nhiệt của thằng bé, bằng vài kiến thức ít ỏi Nguyệt cố giúp nó hạ sốt.

Khi Sang ngủ được Nguyệt mới tựa đầu ra sau để vừa nghỉ ngơi và suy tính.

Gần đây cô không đi xin thuốc phòng bệnh, Nguyệt bắt đầu cảm thấy khó chịu và đau nhói, những hạt mẩn đỏ nổi khắp nơi trên cơ thể cô và những cơn ho mới lại bắt đầu. Nguyệt biết căn bệnh mình đang âm thầm trở nặng. Nguyệt cố giấu diếm, cách ly mình với con và mặc luôn quần áo che kín chân, tay, cổ.

Vừa ôm con Nguyệt cố nén những cơn ho dai dẳng đến liên tục, đôi lúc khiến Sang giật mình tỉnh giấc, bác sĩ nói đó là cơn ho là do viêm phổi chứ không phải ho lao nên cô an tâm mình không có khả năng lây cho con.

Vài thanh niên lạ xuất hiện, tụ tập dưới chân cầu để tiêm chích cho nhau, cả buổi hôm nay không biết bao nhiêu nhóm người đến đây để lén tiêm chích ma túy, tiêm rồi đi họ cũng chẳng quấy phá ai, tuy nhiên Nguyệt vẫn sợ, nhìn họ cô chỉ thấy mình trong quá khứ.

Cặp kè với một người bạn trai lạ lẫm rồi du hí khắp nơi, sống lây lất bụi đời đắm chìm trong nghiện ngập, trộm cắp tựa lúc nào, lắm lúc phải bán ma túy để có tiền thỏa mãn cơn nghiện. Nguyệt rợn mình khi nhớ lại quãng đời đó, tuy đã cố từ bỏ nhưng xem ra cô vẫn bị quá khứ đeo bám.

Nguyệt từng học được vài mánh khóe trộm cắp, dù không muốn lập lại nghề này nhưng lắm lúc khó khăn cô vẫn phải làm.

Chiều tàn hai mẹ con rời khỏi chân cầu. Sang mệt lả, Nguyệt sốc nó đi cạnh mình, đến một trụ điện thoại cô dừng lại. Sang lờ mờ thấy mẹ mình đang gọi điện cho ai đấy, đã lâu lắm rồi nó không thấy Nguyệt gọi điện như vậy. Trước đây, cứ cách một hai ngày Nguyệt gọi một lần rồi luôn trở về với vẻ mặt thất vọng song lần này cũng vậy.

Nguyệt dẫn con đến một khu hội chợ, trời mưa hội chợ không được đông đúc, Nguyệt chỉ vào xin vài cốc nước ở một cửa hàng rồi họ bỏ đi nơi khác.

Thấy cái siêu thị khá đông đúc nằm trên ngã tư, Nguyệt dắt con qua đường rồi để nó bên ngoài, căn dặn vài điều song nhanh chóng đi vào bên trong.

Sang nằm dài lên xấp thùng cacton gần đó nhắm mắt nghỉ ngơi, chưa đầy hai mươi phút nó bị lây dậy, Nguyệt gấp gáp nói:

– Đi thôi con!

Cô bắt xe ôm đến một khách sạn rẻ tiền trên quận 2, song cũng khá khang trang. Vừa vào phòng, Nguyệt thay quần áo khô cho cả hai, cất đồ rồi soạn bữa tối trên một chiếc bàn.

Nằm trên giường Sang nhìn mẹ mình lấy ra từ túi trong của lớp áo khoác một hộp cơm và cái ví lạ.  Bên trong ví có tiền mặt, dây chuyền vàng, thẻ rút tiền và chứng minh nhân dân của một người phụ nữ trẻ, tất cả đều là đồ Nguyệt móc túi trong siêu thị. Ngoài ra cô còn mua vài món ăn, thuốc men dọc đường.

Liếc thấy con nhìn mình bằng ánh mắt nghi ngờ, Nguyệt áy náy nói:

– Kẹt lắm rồi con, đừng lo chỉ mình mẹ bị quả báo thôi! Ngồi dậy ăn cơm đi rồi uống thuốc!

Trên bàn là các món ăn ngon hấp dẫn với gà quay, canh bí, bò xào cải và nước ngọt. Lâu lắm rồi hai mẹ con mới được ăn uống đầy đủ và ở một nơi sạch sẽ ấm cúng đến thế.

Cơm nước xong xuôi, đợi Sang ngủ Nguyệt định nhắt ghế ra trước phòng ngồi như thường lệ nhưng cô cảm thấy lòng ngực chợt nôn nao khó tả. Một cơn ho dữ dội bất giác phát ra. Sang thức giấc, bật ngồi dậy nó lo lắng đến gần.

Nguyệt nhanh chóng đóng cửa phòng lại, bước nhanh về phía cầu thang nơi hành lan, ngồi thụp xuống cố ho thât mạnh để cắt dứt cơn. Cơn ho nặng và kéo dài đến nỗi khiến cô gần như nôn mửa, nước dãi và nước mắt đầm đìa, Nguyệt đưa hai tay lên ôm ngực vì ngộp.

Nguyệt ngồi đấy một lúc sau khi cơn ho chấm dứt, cô cảm tưởng như mình đã bị chết đuối vì ho.

Nguyệt trở về phòng, Sang chạy đến quấn quít hỏi han mẹ. Nguyệt đưa nó trở về giường nằm.

Qua hai giờ sáng, Sang bớt sốt nhưng vẫn thao thức, chốc chốc nó cứ hỏi:

“Mẹ ngủ chưa?”

– Chưa! – Nguyệt đáp.

– Con cũng vậy. – Sang lo lắng hỏi tiếp. – Ngày mai mình tính sao?

– Sao con hỏi vậy, con sợ hả? – Nguyệt hỏi lại.

Sang gật đầu:

– Sợ và buồn nữa!

Tội nghiệp cho thằng bé cứ khổ sở vì đi theo mình, chẳng được chơi và học, Nguyệt cố vỗ về nó cũng như tự trấn an bản thân :

– Đừng lo! Mẹ đang có tiền, mình sẽ ở đây nghỉ ngơi vài ngày, ăn uống ngủ nghỉ thỏa thích rồi sau đó.. mẹ sẽ tính tiếp.

Đêm đó hai mẹ con gần như thức trắng, họ trò chuyện rôm rả, Nguyệt an ủi Sang bằng những giấc mơ của mình rồi nó thiếp đi trong giấc mơ đó, giấc mơ kể rằng: hai mẹ con được sống trong một căn nhỏ gỗ nhỏ trong thung lũng gió tại Lâm Đồng, có một mảnh vườn trồng rau, dâu tây và vài con mèo. Họ không cần đi làm, chỉ ngày ngày trồng trọt bán dâu. Mỗi ngày sau bữa cơm chiều họ ngồi quây quần bên ngọn lửa, đun sôi một ấm trà, tán gẫu đến tận khuya.

Mẹ con Nguyệt ở lại khách sạn trong ba ngày, đâý là khoảng thời gian hạnh phúc nhất mà Sang có cùng mẹ.

Chương 6: Cuộc sống ở Bình Dương.

“Trời đã vào xuân, đón Tết ở nơi ở mới thật chẳng thú vị gì. Nhìn bà con hân hoan về quê, sắm đồ, mua bông lòng mẹ cũng rộn ràng theo. Tết năm sang mẹ sẽ phấn đấu cho chúng ta một chỗ ở và mua cho con một cây mai.”

Mẹ con Nguyệt bắt chuyến xe bus đến tỉnh Bình Dương. Trên đường đi Sang quay sang mẹ thắc mắc:

– Mình đi đâu vậy mẹ?

– Mình sẽ đến một khu tập trung mới. – Nguyệt đáp.

Sang ngờ nghệch bảo:

– Nhưng mẹ đâu thích sống ở đó!

Nguyệt thở dài:

– Mẹ phải tập thôi con, chúng ta đâu thể sống lang thang được nữa!

Chừng hai mươi phút sau, xe dừng lại trong một bến xe rộng lớn. Hai mẹ con cuốc bộ dưới ánh nắng gay gắt, vừa đi vừa ngó quanh quất hỏi đường.

Cuối cùng cũng đã đến nơi, trước mặt họ là một cánh cổng lớn màu xanh lá cây, bên trong là khu đất rộng với rất nhiều cây xanh, được ngăn ra bằng tường rào cũ kỹ.

Nguyệt ngần ngại nhìn, lòng nơm nớp lo sợ, đỗi sau mới mạnh dạn dẫn Sang vào.

Họ đăng ký nơi bảo vệ, được dẫn vào trong giới thiệu, đăng ký và trình bày hoàn cảnh, sau cùng thì đã được nhận. Mẹ con Nguyệt được phân ở trong một căn phòng rộng gần mười mấy người nhưng chỉ có một nhà vệ sinh, ăn ngủ vỏn vẹn trong một chiếc chiếu nhỏ.

Trong khu có cả người già lẫn người tàn tật, trẻ em được học chữ, người lớn đi lao động. Mỗi buổi sáng Sang đi học còn Nguyệt thì đi lao động, cô vừa học vừa làm những ngành nghề khác nhau: thợ hồ, may vá, nặng gốm hay hàn, gỗ. Khắp nơi trong tỉnh, nơi đâu thiếu nhân công thì người trong khu được phân đi.

Thời gian dần qua, Sang đi học và gặp được nhiều bạn bè đồng trang lứa nó rất vui, vốn thông minh sáng dạ nên Sang mau bắt bài, đạt điểm cao, mỗi khi kiểm tra nhiều đứa trong lớp hay đến hỏi bài nó. Ngoài ra Sang còn tháo vát phụ việc cho người già rồi họ cho Sang quà vặt. Nó nhanh chóng kết thân với nhiều người, ai cũng quý mến nó.

Còn Nguyệt thì vẫn thế, luôn cô lập bản thân, tập trung làm việc và chẳng muốn giao hảo với ai. Dạo gần đây cô thấy sức khỏe giảm sút, bệnh trở nên trầm trọng, cô bắt đầu đi xin thuốc trở lại.

Một chiều đi học về Sang tíu tít chạy đến bên mẹ, xòe tay ra khoe. Nhìn tờ hai chục nghìn trong tay Sang, Nguyệt thắc mắc hỏi:

– Ai cho con tiền nữa hả?

– Dạ là bà Lan, con xách đồ cho bà, bà cho..

Nguyệt mỉm cười mãn nguyện mỉm cười, đưa tay kéo Sang sát vào lòng mình khen:

– Con giỏi và được lòng mọi người quá!

 Cô đột nhiên nói khẽ:

– Hệt như mẹ con.

– Mẹ con? – Sang ngây ngô lập lại.

Nguyệt bối rối xua tay giải thích:

– À không, ý mẹ là con giỏi hơn mẹ, mẹ đâu có hòa đồng được như con.

Rồi cô nghiêm mặt nhìn con:

– Con nhớ giữ vững đức tính này nha, lỡ sau này không có mẹ con vẫn được nhiều người giúp đỡ.

Nghe thế Sang bĩu môi thất vọng:

– Sao mẹ cứ nói câu này hoài vậy? Chứ mẹ không muốn ở với con nữa hả? –  Nó buồn bã nhìn xuống. – Hay con là một gánh nặng cho mẹ?

– Không, không. – Nguyệt gượng cười song bế Sang nhấc lên vỗ về. – Mẹ chỉ dặn con thôi, mẹ luôn ở cạnh con mà!

Chương 7: Những kẻ bắt nạt.

“Mẹ đã hy vọng nơi đây tốt hơn, tuy cố gắng tránh bớt mọi rủi ro, xích mích để sinh tồn nhưng mẹ e rằng lại kéo con vào vũng lầy của mình, một lần nữa.”

Một buổi sáng trước khi đi học, Sang đợi phiên dùng nhà tắm. Chị Thảo và con gái ở mãi trong đó cả sáng.

Thảo là một người phụ nữ trung niên, dáng thấp và to bè với mái tóc ngắn, chị vào đây sống với chồng con và gia đình được hơn một năm, một nhóm người đến từ quận 4 Sài Gòn sống bằng đủ mọi ngành nghề, trong đó có người từng là dân lừa đảo, cướp bóc, nhiều lần vào tù ra khám. Sau khi nhà bị tịch thu do thiếu nợ họ dọn đến đây sống.

Bản tánh ngang tàng lại đông đúc, họ bắt nạt những người chung phòng khiến ai cũng ngán sợ.

Gần đến giờ đi học mà Sang chưa được vào, Nguyệt sốt ruột đến gõ cửa buồng tắm, nói vọng vào trong:

– Chị Thảo ơi! Cho cháu Sang vào đánh răng một chút để kịp đi học nha!

Gọi mãi không thấy ai trả lời, thấy không chốt cửa Nguyệt bèn mở ra. Vừa thấy cô chị Thảo đứng sộc dậy hét toáng lên:

– Ai cho vào đây? Bước ra!

Nguyệt ngạc nhiên trở lui ra ngoài, cô bức xúc nói:

– Chị xài buồng tắm cả tiếng đồng hồ, sao không tranh thủ để người khác dùng?

– Ai vào trước xài trước. – Thảo đáp thô lỗ rồi đóng mạnh cửa lại.

Nguyệt không nói thêm tiếng nào chỉ nhìn đăm đăm vào cánh cửa, cô hoang mang cảm thấy một thước phim tệ hại từ trong quá khứ đang lướt qua trong đầu. Cái điều mà cô lo lắng và ghét nhất đang đến, cô biết mình không thể thoát khỏi nó và lại một lần nữa, cô cố tìm ra sự khôn khéo trong cách cư xử để đối phó với nó, cô đoán chắc mình sẽ không bao giờ vượt qua được cái thử thách đó.

Nhìn mẹ cứ đứng tần ngần mãi trong căng thẳng, Sang đến nhẹ nắm tay cô, nó cảm thấy tay cô đang run rẩy, nét mặt cô vừa sa sầm vì giận dữ và vừa lo sợ, nó e dè nói:

– Hay là con khỏi đánh răng bữa nay cũng được, con dùng nước súc miệng sơ rồi đi học nha mẹ!

Nguyệt quay về phía con, mắt vẫn nhìn xuống đất cố suy nghĩ gì đó. Chẳng tìm ra phương hướng nào tốt hơn là nghe lời Sang, Nguyệt nhẹ gật đầu rồi chuẩn bị cặp sách cho con, song cũng mau chóng đi làm để dịu đi sự đè nén trong lòng.

Chị Thảo và gia đình thỏa thích chiếm đóng buồng tắm bất cứ khi nào mình thích, hết bày ra nào là giặt đồ, tắm gội rồi tán gẫu ngay trong phòng tắm. Ai thân thiết với chị thì chị nhường, còn ai không ưa thì chị đóng cửa lại chẳng cho vô. Mấy lần mắc tiểu Sang phải ra ngoài gốc cây còn Nguyệt thì đi nhờ chỗ khác, một lần cô thử bước vào thì bị chị Thảo chạy vội đến dành, đuổi đi. Khiến cho tối đó hai bên cãi nhau kịch liệt. Nguyệt vừa mở miệng nói ngay lập tức gia đình họ liền hùa nhau rủa xả, miệt thị cô liên hồi bằng những lời lẽ thô tục vô cùng hung dữ.

Nhắm thấy mình không đọ nỗi với kiểu người như vậy, Nguyệt cố nhịn cho qua chuyện. Nhưng kể từ đấy, cô bị gia đình họ ghét bỏ và mẹ con Nguyệt trở thành nạn nhân của mọi chiêu trò xấu xa, bỉ ổi. Ngày nào sau khi ngủ dậy Nguyệt cũng thấy xung quanh chỗ mình nằm toàn rác bẩn, lúc thì gia đình chị Thảo đậu xe kín xung quanh chỗ của hai mẹ con, có lúc đi ngang qua cố tình dẫm lên đồ đạc, lấn chiếm chỗ, lâu lâu còn bị mất đồ. Những người khác đều biết do họ làm nhưng không ai dám can thiệp, họ chỉ muốn yên thân.

Nguyệt đưa sự việc này tố cáo lên ban chỉ huy, cô đoán chắc sẽ chẳng ai quan tâm và quả thực chẳng ai giải quyết.

Sáng nọ, Nguyệt được phân công bưng bê trong một căn tin bệnh viện, có cả chị Thảo và hai người em họ làm chung. Trong lúc bận dọn dẹp ai đó đã bỏ vào túi quần Nguyệt tờ một trăm nghìn, đỗi sau có ai đó đến vỗ vai mình, Nguyệt quay lại và nhìn thấy một ông khách với vẻ mặt bất mãn, ông chỉ vào túi quần của cô song tặt lưỡi nói:

– Cô ơi! Tôi để tiền lên bàn để thanh toán, vừa quay đi cô đã lấy rồi, cô làm việc ở đây mà sao lại gian xảo như vậy?

Nguyệt hốt hoảng cầm tờ tiền ra khỏi túi, đưa ngay cho ông ta, nói lắp bắp:

– Không tôi, tôi không lấy! Tôi không biết tờ tiền này ở đâu ra!

Cô hoảng sợ nghó quanh một vòng, ánh mắt cô dừng lại nơi chị em Thảo đang đứng, họ cười hả hê.

Thấy Nguyệt sững sờ nhìn mình, Phương – một người em họ của chị Thảo bước đến chỉ tay vào mặt Nguyệt, lớn tiếng nói:

– Mọi người ơi con này ăn cắp tiền của người ta nè!

Rồi cả ba chị em Thảo nhao nhao lên buột tội Nguyệt ăn cắp. Nguyệt cảm thấy trái tim cô đập loạn nhịp vì khủng hoảng, nhưng cô cố giữ bình tĩnh và phân trần với ông khách:

– Tôi không lấy tiền của ai cả!- Nguyệt chỉ tay về phía ba chị em Thảo. – Là mấy người đó đã gài tôi, bỏ tiền vào túi của tôi.

Chưa dứt câu thì chị em nhà Thảo xúm vào túm lấy tay Nguyệt lôi đi, cô chống cự gào lên trong cổ họng khô khốc:

– Đừng có đụng vào người tôi, tôi bị Hiv đó!

Phương cười phá lên đầy giễu cợt, trợn mắt nhìn cô:

– Vậy có cần tao lây lại cho mày không?

Nói hết câu cả ba tiếp tục xô đẩy cô, nắm lấy tóc lôi đi khiến cho quai dép Nguyệt bị đứt, chân cô khụy hẳn xuống gần như bị kéo đi trên nền đất.

Họ lôi Nguyệt đến trước phòng bảo vệ, cặp mắt cô đỏ ngầu lên, dán chặt vào hai vị bảo vệ đang bước ra. Đám đông hiếu kỳ vây kín xung quanh.

Chi Thảo nhìn hai người bảo vệ nói:

– Con này ăn cắp tiền của khách mà không chịu nhận!

– Tôi không có ăn cắp, – Nguyệt nói nhanh.

– Vậy tại sao họ vu cô ăn cắp? – Người bảo vệ nghiêm nghị hỏi.

Nguyệt hất cằm về phía chị Thảo, đáp:

– Mấy người này bỏ tiền vào túi tôi.

Cả ba rú lên hung tợn, xổ ra một tràng những lời khích bác và vu khống Nguyệt. Họ tái dựng vụ việc trong bịa đặt một cách thuyết phục, hợp lý lôi kéo mọi người cùng nhau hùa theo. Ai đó trong đám đông hét thất thanh:

– Bắt bỏ tù đi!

Nguyệt cảm thấy mình oan ức nhưng không thanh minh được điều gì, không kìm chế bản thân được nữa tức điên lên vung tay múa chân lên trời rồi lao nhanh về phía chị Thảo, thét lên:

– Tôi không ăn cắp! Tại sao chị lại hại tôi? Tại sao chị không để tôi được yên?

Hai người bảo vệ nhanh chóng giữ lấy cô rồi ghì chặt xuống đất:

– Cô bình tĩnh đi! Bình tĩnh lại!

 Nguyệt không vùng vẫy chống trả nữa, toàn thân chỉ rung lên từng hồi rồi nằm đó ngước mắt lên nhìn, mặt đỏ tía lên vì kích động, mãi lập lại một câu:

– Tôi không làm gì sai cả!

Sang ở nhà lòng dạ bồn chồn lo lắng, nó ngáp ngắn ngáp dài nhưng không chịu nằm xuống, nó sẽ không ngủ được được nếu mẹ chưa về.

Khoảng 10 giờ tối nó mới thấy bóng dáng Nguyệt xuất hiện ngay cổng, nó chạy ào ra đón nhưng chợt khựng lại, mẹ nó bước lù lù tới với bộ dạng tả tơi, áo quần lôi thôi, lếch thếch, nét mặt lầm lì, đi theo sau là mấy người trong ban chỉ huy.

Nó vội tới gần hồi hộp hỏi:

– Có chuyện gì vậy mẹ?

Nhưng hỏi mãi mà Nguyệt chỉ lắc đầu, khẽ đáp:

– Không có gì đâu con!

Vừa thấy Nguyệt bước vào phòng gia đình chị Thảo xì xầm to nhỏ. Nguyệt chán không muốn nhìn bọn họ, cô dăng mùng lên rồi thay đồ đi ngủ.

Chương 8:

“Bệnh của mẹ đang đi đến giai đoạn cuối, có lẽ mẹ bị lây từ những người khách của mình.

Mẹ không muốn giấu con chỉ là chưa muốn nói sớm. Mẹ phải trở lại với rượu hoặc ma túy thì mới quên đi cảm giác đau đớn đang hành hạ thân xác. Đau, đau lắm!

Và nếu nhìn thấy nước mắt rơi trên gương mặt con là điều khiến tâm hồn mẹ đau hơn cả. Biết làm sao được? con sẽ không quên được những điều bất hạnh vây quanh mẹ, tác hại của lối sống sa lầy. Mẹ khó có thể khuyên con điều này, cũng như ông Hợi đừng để mẹ làm vết nhơ trong đời con và ước gì con sẽ không đau khổ vì mẹ và quên được mẹ. Chỉ nhớ đến khi dùng mẹ làm tâm gương xấu cảnh tỉnh con gái con sau này trước khi nó tự hủy hoại đời mình bằng những cám dỗ tương tự.”

Mọi người có mặt đông đủ trong phòng họp gồm: mẹ con Nguyệt, gia đình chị Thảo và ban chỉ huy. Sang biết được chuyện hôm qua nó buồn lắm, mím chặt môi bất lực ngồi nhìn mãi xuống đất, ôm chặt cánh tay mẹ. Nó sợ nhất là khi người ta dồn mẹ nó vào chân tường và nó không hiểu vì sao Nguyệt cứ mãi rơi vào tình huống tương tự. Sang không bênh vựa mẹ nhưng nó hiểu rõ tính cách của cô: nếu làm sai thì cô sẽ cúi đầu im lặng, có thể không thừa nhận nhưng cô sẽ chẳng nói hay phản ứng gì thậm chí ai đó đánh đập mình. Nhưng cô sẽ tức điên lên nếu bị vu oan giá họa dù là một chuyện nhỏ nhặt.

Sáng giờ ngồi đây Nguyệt im như thóc, cô sẽ không nói gì thêm nữa, cô không muốn tiếp tục sụp bẫy trước miệng lưỡi ma mãnh, sành sỏi đầy dối trá từ nhà bên kia, vả lại đằng nào cũng chẳng ai tin cô.

Ông Trực trong ban chỉ huy dõng dạc nói:

– Tôi cũng không biết phải giải quyết chuyện này ra sao, nói mãi mà cũng chẳng đâu ra đâu vậy thì tôi chỉ nói môt lần cuối: Nếu các bạn được có chỗ ăn, ở thì phải sống sao cho đạo đức để đền đáp chứ đừng làm xấu mặt tổ chức, nếu vậy thì ai dám thuê nhân công ở đây? Trong cái khu này có đủ mọi thành phần thấp kém, nếu ai đó không chịu từ bỏ thói quen xấu thì chúng tôi buột phải đuổi đi thôi! Vậy đó, mỗi người về tự kiểm điểm đi!

Sang nói chen vào:

– Mẹ con không làm gì sai! – Rồi nó liếc mắt về phía chị Thảo, nói. – Mấy người này ngày đêm bắt nạt mẹ con con, chắc chắn họ đã vu oan cho mẹ con.

Chị Thảo đứng bật dậy chỉ tay vào mặt Sang, hung hăng dọa nạt:

– Ê cái thằng mất dạy, ở đây con nít ai cho lên tiếng! Mày có tin tao tát vô mặt mày không?

Nguyệt trừng mắt nhìn Thảo, vung tay lên cảnh cáo chị, cô chưa kịp nói gì thì một giọng nói cất lên:

– Chị Thảo thôi đi!

Một cô gái trẻ mảnh mai đứng bật dậy, là Thủy, một thành viên trong ban chỉ huy. Mọi sự chú ý đổ dồn về phía cô. Chị Thảo im băt, chị rất ghét Thủy nhưng đặc biệt không làm gì được cô. Thủy nói tiếp bằng giọng nhẹ nhàng mà đanh thép:

– Đây đâu phải lần đầu gia đình chị giở trò hiếp đáp người ta đâu đúng không? Trước đây bao nhiêu người trong căn phòng đó đã bỏ đi vì chị rồi, nếu không nhờ chúng tôi châm chước bỏ qua thì gia đình chị đã bị đuổi đi từ lâu. Và nếu hôm qua tôi không trình bày sự việc này với công an thì Nguyệt cũng không được trả về.

– Thôi gác chuyện này lại đây đi! – Ông Trực lên tiếng cắt ngang. – Còn nhiều việc phải làm lắm! Đừng mất thời gian vì những chuyện như vầy.

Rồi ông đứng dậy nói bằng giọng dứt khoác:

– Tôi nói rồi, họp hành đến đây kết thúc, ai nấy về tự kiểm điểm đi!

Song ông bước ra khỏi phòng, đỗi sau tất cả mọi người lần lượt rời khỏi đấy.

Vừa bước ra khỏi, chị Nga dẫn con gái chạy như bay sang phòng kế bên để kịp “tám” với đồng bọn, ngày nào bọn họ cũng rủ rê tụ tập đánh bài, đùa giỡn đến tận khuya khoắc ồn ào gây mất trật tự.

Chị Thảo vừa nhai hạt dưa vừa hí hửng thuật lại câu chuyện hôm qua cho cả nhóm nghe, chị bỡn cợt nhái giọng Nguyệt:

– Tôi bị Hiv à nha! Đừng có đụng vào tui!

Rồi mọi người rú lên cười phấn khích, đâu đó một giọng nói bất chợt cất lên, giọng điệu bức xúc:

– Đồ ác độc!

Những tràng cười lặng dần xuống rồi mọi cái nhìn đổ dộn về phía chị Nga, người phụ nữ to lớn, da ngâm với mái tóc ngắn được cắt sát gần như đàn ông, đang ngồi ngoài rìa chiếc chiếu. Mặt Nga đăm đăm nhìn Thảo đầy giận dữ, khiến chị trố mắt ra đầy khó hiểu, hỏi lại:

– Chị nói tôi hay ai?

– Tao nói mày đấy! – Nga đáp.

– Sao tự nhiên chửi tôi?

– Mẹ tao cũng bị Hiv. Ba tao lây cho mẹ tao, bả bị bệnh rồi chết trong đau đớn. Lũ chúng mày ngồi đây cười cợt người bị Hiv một cách vô tâm, tàn nhẫn, tụi bây cứ thử bị bệnh đó đi rồi sẽ biết! – Nói song chị đứng phắt dậy bỏ về giường năm.

Cả nhóm im lặng, chị Thảo bị cụt hứng không muốn kể thêm chuyện gì nữa.

Một bữa trưa Sang từ ngoài vào nhà, phấn khởi tìm mẹ, đến trước cửa phòng nó đứng sững lại, nấp sau bờ tường trân trân nhìn: Nguyệt ngồi thu lu trong góc với mái tóc ngắn quay. Thân hình ốm o tiều tụy, da sạm đi, trên mình là vẫn còn nguyên chiếc áo sơ mi trắng úa màu và quần tây sờn cũ mèm mặc cả tháng nay rồi không thay, lỗ chỗ khắp nơi trên da thịt đầy những vết lở loét, trông cô không một sức sống.

Sang đến gần, vừa thấy nó Nguyệt với lấy ngay chiếc áo khoác mặc vào, co chân sát vào người cô bật cười gượng gạo rồi vẫy tay gọi nó. Sang ngồi xuống trước mặt mẹ, nhìn chằm chằm vào mái tóc ngắn của cô nay đã bị cắt sát ót, nó không ngăn được giọt nước mắt đang dâng lên trong khóe lệ rồi chậm rãi lăn dài trên má, nó mếu máo hỏi:

– Sao mẹ cắt tóc?

Nguyệt bối rối đáp:

– Mẹ cắt cho bớt xui ấy mà! dạo này nhiều chuyện xảy ra quá.

Cô vội lấy khăn giáy ra lau mặt Sang, nó liền dụi đầu vào bàn tay cô. Thấy con khóc, Nguyệt hối hận, cô giá như mình đừng cắt tóc nhưng mọi chuyện đã lỡ rồi, cô đưa tay vỗ lên lưng nó, dỗ dành:

– Sao con lại khóc, chứ biết bao nhiêu người phụ nữ vẫn để tóc ngắn thì có làm sao?

Sang thờ dài, nó đưa tay quệt nước mắt rồi dúi vào tay Nguyệt một tờ giấy:

– Cô Thủy đưa cho mẹ nè!

Nguyệt cầm tờ giấy lên đọc thành tiếng:

      “Thân mời hai mẹ con chị Nguyệt đến buổi khai trương cafe của Thủy…”

Nguyệt ngập ngừng nghó quanh song cô chậm rãi cất tờ giấy vào túi áo. Thằng Sang giận dỗi nói:

– Con định đem đến cho mẹ tin vui, nào ngờ mẹ làm con thất vọng quá!

Thấy Nguyệt không nói gì, nó năn nỉ cô ngày khai trương dẫn nó đến quán Thủy chơi. Nguyệt chỉ chần chừ đáp:

– Mẹ không biết nữa! Tuy là họ tốt với mình nhưng mẹ cũng phải dè chừng. Có thể đi mà cũng có thể không.

Những ngày tháng sau này mẹ con Nguyệt bớt bị gia đình chị Thảo gây gỗ dù đôi khi một vài sự bắt nạt lẻ tẻ vẫn xảy ra do thói quen từ trước. Với điều đó, Sang dễ dàng lờ đi nhưng Nguyệt vẫn không quen được. Vì một lần chống trả mà cô khiến mọi thứ bung bét.

Nhưng mỗi khi nhìn con phụ mình dọn dẹp rác rến trên chỗ ngủ Nguyệt giận bản thân vì sự yếu đuối nhu nhược, cô không dám phản ứng gì nữa. Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, cô đã cố nhưng chưa tìm ra sức mạnh hay thời khắc nào hợp lý để đứng lên chống trả ngoài sự nhịn nhục trong cay đắng. Và cô giải quyết bức bối trong lòng bằng cách tránh mặt.

Chiều đến, họ gói gém gọn đồ đạc vào một góc để tránh bớt bị dẫm đạp, mất cắp. Nguyệt  thường xuyên đưa con ra ngoài chơi. Dao gần đây mấy đứa con nit trong khu thường lui tới rủ rê Sang đi chơi, nhìn Sang chơi với chúng Nguyệt đứng cách một khoảng để trông chừng. Cũng có một vài phụ huynh đi cùng, trông họ cũng hiền lành tốt bụng, Nguyệt gởi gắm Sang cho họ rồi yên tâm lén  ra ngoài mua rượu uống, cả tiếng sau mới về.

Tối nay trước một cái công trường bỏ dở, Nguyệt nốc rượu hết chai này đến chai nọ, cô đứng gần hàng rào nhìn vào trong. Những ngón tay cô đưa lên, bất giác sờ soạng cái thanh sắt lạnh lẽo rồi nặng nề tì đầu vào chúng, bật khóc nức nở.

Ngọn gió tháng tư hiếm hoi thổi lên trong khí trời oi bức, khiến cho những chiếc bao nilon tung bay khắp nơi. Tìm được một khoảng không bao la rộng rãi không một bóng người này, Nguyệt mới cảm thấy tâm trạng được giải tỏa, vơi dần những gánh nặng hay ức chế trong lòng.

Nguyệt chợt nhớ đường phố, nhớ sự tự do và ao ước được lang thang một lần nữa, nguyện dù cho có chết vì nó cũng mãn nguyện, vẫn còn hơn ở đây. Nhưng tất nhiên cô không làm được, nếu không có Sang cô đã ra đi tựa bao giờ, trở về những quãng đời u tối mà mình được làm chủ.

Nguyệt nhớ lại những chuyến phiêu lưu của mình cùng người tình lạ lẫm, đối với cô anh không tốt cũng không xấu nhưng đó là người đàn ông tuyệt vời. Dù cho cô chẳng nhớ rõ bề ngoài của anh, chỉ là hình ảnh về người đàn ông cao lớn và thanh mảnh với  mái tóc cắt ngắn, gọn gàng đánh bật lên làn da sáng sủa trên khuôn mặt trái xoan bầu bĩnh. Một hình xăm mơ hồ gì đó trên cánh tay phải chằng chịt vết kim đâm và gương mặt hoàn toàn trắng xóa, nhạt nhòa trong tâm trí mình. Nguyệt chẳng cẩn phải nhớ rõ chi tiết dung mạo anh ta, cô chỉ cần biết đó là người duy nhất đồng điệu với mình, cả hai đều ít nói và câm lặng như nhau, chẳng có bạn bè hay thích giao thiệp với ai.

Họ đến với nhau qua khoảng thời gian rất ngắn ngủi mà chẳng cần biết gì về nhau, một cuộc tình chóng vánh của tuổi trẻ sa đọa, tuy chìm lãng trong nghiện ngập nhưng lại vô cùng êm ái, vì họ cùng chung một cảnh ngộ, đến từ một tầng lớp và rách nát như nhau. Vì một điều gì đó thúc đẩy mà họ chọn kiểu sống như vậy.

Anh dìu dắt cô vào cuộc đời mong manh và đầy thú vị của mình, như đôi du mục cùng anh cô rong ruổi khắp nơi, những cú nhảy tàu từ đoàn này qua đoàn nọ, tỉnh giấc họ đã thấy mình trên một vùng đất mới.

Nguyệt bị ảnh hưởng rất nhiều bởi anh từ cung cách ăn mặc cho đến lối sống, đặc biệt họ không bị dắt mũi bởi đồng tiền hay vật chất trên thế gian. Cho dù gặp một ngôi nhà trên bãi biển, một chiếc xe hơi đắt tiền hay các thứ xa hoa khác đại loại, họ chỉ muốn tận hưởng một chút rồi đi chứ không có ý định sở hữu. Rồi lại trở về với đường phố, hòa mình vào thiên nhiên để tận hưởng những khoảnh khắc khác sắp đến.

Ký ức in đậm nhất trong tâm trí cô về anh về một đêm khi hai người trốn chạy trong rừng sâu ở Đà Lạt, cái đêm dài đằng đẵng vì giá lạnh.

Trên làn da xám xịt của cả hai, những vết tàn nhan phủ đầy trên đôi gò má do mưa nắng. Không kịp chuẩn bị gì, họ chỉ mặc trên người những bộ đồ phong phanh mà cơ thể thì dần đông cứng đi vì lạnh. Trời càng về đêm cái lạnh càng tăng dần, đến nỗi Nguyệt cảm thấy dòng máu nóng đang chạy khắp cơ thể mình. Họ run rẩy cởi vội áo khoắc cho nhau và anh dùng dao rạch một đường nhỏ nơi cánh tay cô để máu nóng chảy ra. Điều tiếp theo họ buộc phải dùng là ma túy.

Giữa màn sương mù dày đặc, mọi thứ xung quanh đều đen ngòm và ẫm ướt, không nhìn thấy măt nhau họ quờ quạng trong bóng tối bao trùm để tìm thấy hơi ấm của nhau. Anh mò mẫm lần tìm bàn tay cô giữ chặt lấy, tựa đầu mình vào đầu cô, anh xuýt xoa che chở và chờ đợi tác dụng của ma túy. Cơn phê dần dâng lên trong cơ thể của cả hai, họ không còn cảm giác gì nữa ngoài sự ân cần và hòa quyện. Đêm đó cả hai đã nguyện chết cùng nhau nhưng họ vẫn sống, đã bao lần Nguyệt giá như mình đã ra đi trong lúc đó, được chết trong sự hạnh phúc và mãn nguyện của tình yêu, một cái chết tuyệt vời.

Chương 9:

“Nhìn con lớn lên ở đây, cảm nhận những đức tính và khả năng tốt của con khiến mẹ không ngừng thán phục, lòng tuy vui mừng song cũng có chút thất vọng vì mẹ biết điều đó không được thừa hưởng nơi mình. Mẹ không ngờ rằng sự thiếu thốn và bụi đường chẳng làm mai một đi bản chất hiền lành trong của con. Nhiều khi mẹ nghĩ nếu con sống tách ra khỏi , có thể con mới có thể phát triển được, con không những không làm vướng nặng đời mẹ mà ngược lại, mẹ sợ mình đang kéo con vào vòng xoáy u ám của đời mình, nếu cứ mãi gắn liền với mẹ thậm chí cả tương lai của con cũng bị kéo xuống theo. Con đừng hiểu lầm mẹ không bao giờ muốn rời bỏ con, mẹ chỉ đang tìm cách để cuộc đời con vẫn tươi sáng mà không bị ảnh hưởng xấu từ mình.”

Trong giờ giải lao Sang cùng nhóm bạn chơi nhảy dây, chốc chốc nó thấy Vy – con gái chị Thảo cứ đứng xa dõi theo mình, hầu như ngày nào cũng vậy, lát sau thì bỏ đi.

Chúng bạn ai cũng tránh xa Vy vì nó bị ảnh hưởng bởi mẹ nó, hay hiếp đáp bạn bè, chửi thề trong lớp, hỗn với thầy cô và còn ăn cắp vặt, vả lại do nó xuất thân từ gia đình như vậy nên phụ huynh không cho con cái chơi với nó. Nhưng đặc biệt nó rất thích Sang – một thằng bé ở chung phòng, một thằng bạn cùng lớp tuy thấp bé nhưng trắng trẻo xinh trai, miệng luôn tươi cười và chẳng bao giờ nhớ chuyện xấu của ai. Một lần ngồi trong lớp, lạc lõng vì không ai thèm chơi, Vy bắt gặp Sang vô tình quay lại nhìn mình toe toét cười, cái vầng hào quang rạng rỡ của sự lạc quan và bao dung trong nụ cười ấy khiến nó xao động.

Lúc ra về,  Vi lò dò theo sau Sang. Cũng như những đứa khác trong lớp, Sang cũng sợ Vy, nhưng mệt mỏi vì bị theo dõi, Sang quay lại ngoắc Vy lại gần, cả hai cùng ngồi xuống tại chiếc ghế đá gần đó.Vy giả bộ lấy tập vở ra nhờ vả Sang chỉ bài, lần đầu tiên nó trở nên e ấp trước bạn khác giới tuy trông Sang chỉ như một đứa trẻ ngây thơ, không có vẻ gì bóng bẩy của một chàng trai tầm tuổi mình. Vy chấp nhận xem Sang như em trai hoặc bạn bè hay gì cũng được, nó chỉ bị thu hút bởi một đứa trẻ như thế. Thấy Vi cứ tủm tỉm nhìn mình cười Sang ngại ngùng lờ đi và vẫn tiếp tục chỉ bài, đột nhiên nó kêu Vy bằng“chị” (Vylớn tuổi hơn Sang, nó học trễ hai lớp). Vi thẳng thừng nói:

– Đừng kêu Vi bằng chị!

Sang e dè gật đầu, trong cái sợ lẫn bị thuyết phục, nó đành chấp nhận chơi với Vy còn xin mấy đứa trong lớp cho Vy nhập hội. Ban đầu thấy Vy không ai nào chịu chơi cùng song thấy nó vô tư, thân thiện dần dà chúng chơi với nhau vui vẻ tựa khi nào. Đúng là tâm hồn trẻ nhỏ tinh khiết như pha lê, đánh bại mọi biên giới của sự thù hận và phân biệc.

Tất cả nhờ Sang, Vy nghe lời nó răm rắp, Sang chỉ nó đem kẹo bánh mua chuộc lũ bạn trong lớp, để chúng xí xóa những lổi lầm của mình. Cũng nhờ Sang chỉ bài, Vy học hành dần tiếng bộ, trước đây nó đâu lo học, chẳng quan tâm dù cứ mãi bị lưu ban. Rồi từ đó  vYcùng  hiền lành ngoan ngoãn, bỏ bớt  những tật xấu.

Một lần về nhà, Nguyệt thấy hai đứa trẻ đang thâu nhặt những mẩu rác do gia đình Vy xả ra khắp phòng, thu gọn bớt đồ đạc giăng bày của họ. Có lúc cô thấy con Vy đi giặt, phời đồ để trống buồng tắm, còn bắt chước Sang xách đồ cho người già, người tàn tật trong khu tập thể.

Ban đầu Nguyệt không tin vào mắt mình nhưng khi nhớ lại bản thân đã từng nghe những câu chuyện “cổ tích” tương tự về lòng tốt và sự nhân ái, về những điều mà trước đây cô cho là hi hữu và không bao giờ tin. Ví dụ như câu chuyện về một cha xứ có khả năng hóa thiện những tù nhân hay thanh niên hư hỏng.Và bây giờ tận mắt chứng kiến đứa con trai mìn làm điều  tương tự, Nguyệt xem như đó là một phép nhiệm màu, tính cách tốt đẹp đó khiến cho cô nhớ về người em gái thất lạc của mình trước kia.

Chương 10:

“Từ khi gặp ông ta mẹ tin rằng mình đã gặp một vị thánh sống, mẹ hy vọng rằng mình đã không lầm.

Chuyện bức tranh, cho mẹ xin lỗi, mẹ vô cùng áy náy với con và cả cô Thủy nhưng mọi việc xảy ra quá nhanh, mẹ đã cư xử một cách đường đột khi cố chộp lấy cơ hội tốt này, điều duy nhất có thể giúp mẹ thực hiện mong ước của mình là cứu lấy đời con.”

Một sớm thứ hai đầu tuần, Nguyệt đưa Sang đến quán cafe của Thủy, cô đang bận túi bụi vì quán tấp nập người. Vừa phụ người làm pha chế và phục vụ khách Thủy vừa giao lưu với họ. Thủy là cô gái tháo vát, lanh lợi đến từ Đà Nẵng, vào trong Nam lập nghiệp, vừa làm trong ban chỉ huy của khu tập trung Bình Dương cô vừa mở một quán cafe tại nơi mình sống.

Đến lúc chập tối, Thủy mới nhận ra mẹ con Nguyệt đang ngồi trong góc quán, đến gần chào hỏi họ song Thủy ngồi xuống chung một bàn, cô thở phào đưa tay lên lau những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên tráng.

Sang kính cẩn cầm một bọc giấy bằng hai tay đưa cho Thủy, cô vui vẻ nhận lấy rồi mở bọc ra: hai bức tranh nhỏ được lồng vào hai khung hình tươm tất, Thủy ngẩng nhìn Sang, hỏi:

– Con vẽ hả Sang?

– Dạ không, là mẹ con vẽ. – Sang trả lời.

Nguyệt gật đầu đáp:

– Ừ, hôm bữa trong lớp vẽ, tiện tay tôi vẽ vài bức cho Sang nhưng hôm nay nó nằng nặc xin tôi đem tặng nó cho cô.

Thủy rối rít cảm ơn rồi cô cúi xuống, săm soi kỹ bức tranh một lần nữa. Tuy chỉ là hình vẽ về các con thú và thiên nhiên ở trong rừng nhưng nhìn những đường nét cách điệu bài bản, Thủy đoán chúng phải được vẽ nên từ một thợ vẽ chuyên nghiệp, vì trước đây cô đã từng thấy những nét na ná như thế tại một lớp mỹ thuật.

Để giải đáp cho những thắc mắc của Thủy, Nguyệt cho biết trước đây mình từng làm họa sĩ vẽ tranh tại các cửa hàng trong quận 1.

Thủy hỏi:

– Nếu có tài vậy sao Nguyệt không tiếp tục làm ở đấy?

Nguyệt nhún vai đáp:

– Biết làm sao được, họ không thuê nữa.

Thủy vội đứng lên, nhanh chóng vào quầy cafe lấy ra một chiếc búa và mấy cái đinh, đóng khung tranh lên tường, nơi một vị trí trang trọng trong quán.

Dịp khác khi hai mẹ con Nguyệt ghé quán chơi, họ nhận ra một bức tranh đã bị mất.

– Không biết khách nào đã lấy cắp nó rồi! – Thủy cho hay.

Sang bực bội lầm bầm, rủa xả người đã lấy bức tranh ấy. Suốt ngày hôm đó nó cứ than vãn về điều này mãi không thôi, Nguyệt an ủi nó nhưng trong lòng cô lại vui thầm, cô cười mãn nguyện:

– Có sao đâu con! Bức tranh bị lấy mất có nghĩa là người đó phải thích nó lắm, vậy có nghĩa là mẹ đã tạo ra một tác phẩm thành công.

Trưa cuối tuần, Nguyệt lại dẫn Sang đến quán Thủy. Trưa hôm nay vắng khách, Thủy không bận bịu như mọi khi cô ngồi trò chuyện cùng Nguyệt, còn Sang thì ngồi đọc truyện tại một bàn khác.

Một gia đình nọ bước vào quán gồm hai vợ chồng và đứa con gái, họ gọi bữa ăn trưa nhẹ và vài ly nước.

Thủy nhìn người đàn ông bằng ánh mắt ngưỡng mộ, cô thì thầm với Nguyệt:

– Ông ấy tên là ông Tân, một viện trưởng có tiếng ở Sài Gòn, đi cùng là vợ con ông. Ông ta có hẳn một trung tâm nuôi dạy nhiều đứa trẻ mồ côi. Được nuôi nấng học hành kỹ lưỡng, nhiều đứa trong chúng lớn lên khá lắm.

Nguyệt vừa nghe xong, ánh mắt cô mở căng sáng hoắc, như được lóe lên một tia lửa thắp sáng mọi nung nấu và hy vọng của mình bấy lâu. Rồi cô đột nhiên im lặng, ngồi nhấp nhỏm không yên, trong lòng cứ mãi suy tính điều gì đấy, mắt không rời khỏi người đàn ông đó.

Nguyệt muốn bước đến bắt chuyện với ông ta nhưng chưa nghĩ ra dịp gì hay lời lẽ nào thích hợp, cô chỉ hỏi Thủy nhiều về ông ấy và được biết ông đang làm việc tại một bệnh viện gần đây, cô lên ý định sẽ gặp ông vào một ngày không xa.

Đứa con gái ông Tân đi loanh quang khắp quán rồi dừng lại nơi bức tranh còn lại, nó ngó quanh một vòng và bất chợt bắt gặp cái nhìn đầy nghi hoặc của Sang, nó tẽn tò bỏ về chỗ ngồi của mình.

Đang chìm trong suy nghĩ mông lung, Nguyệt thấy Sang tiến về phía bàn ông Tân, nói gì đó với ông:

– Bác ơi! Có phải con gái bác đã lấy bức tranh trong góc kia không?

Ông Tân quay lại nhìn nó rồi nhoẻn miệng cười vui vẻ, ông đáp:

– À không! Hôm trước nó bảo chủ quán cho nó. Tranh đẹp lắm, ai vẽ thế cháu nhỉ?

Sang ngập ngừng một lát, quay sang nhìn đứa con gái với cặp mắt láo liêng, lo sợ, nó bực tức bảo:

– Không phải cho mà bạn ấy đã..

Sang giật nẩy mình vì ai đó bóp mạnh vai nó khiến nó không nói dứt lời, nó thấy Nguyệt đang đứng cạnh mình với một nụ cười tươi như hoa, cô nói với ông Tân:

– Đúng vậy, tôi đã vẽ nó. Hôm trước thấy cháu thích quá nên tôi đã tặng cháu.

Rồi cô quay nhanh vào trong lấy ra bức tranh còn lại đưa luôn cho con gái ông Tân, khiến cả Sang lẫn Thủy đều kinh ngạc. Nguyệt thành khẩn nói:

– Tôi xin tặng cháu gái bức còn lại, tôi thật vui vì cháu thích chúng.

Sang bẽ bàng thốt lên:

– Mẹ ơi sao mẹ..

Nguyệt vội cắt lời con:

– Rồi mẹ vẽ cho con bức khác, nhé!

Con gái ông Tân cúi đầu lễ phép, nhận lấy bức tranh từ tay Nguyệt, vợ chồng ông Tân cũng cảm ơn cô. Họ chào và giới thiệu với nhau, Nguyệt giới thiệu với họ về Sang.

Xong xuôi Nguyệt cùng Sang trở lại bàn ngồi, vừa ngồi xuống cô đôt nhiên nhìn Thủy rồi nhớ ra mình quên bén đi mất vì đã tặng bức tranh ấy cho Thủy. Nhận ra vẻ chưng hửng trên mặt Thủy, Nguyệt xanh mặt vì xấu hổ, cô ấp úng giải thích:

– Xin lỗi Thủy, bởi vì tôi..

– Không có gì. – Thủy đáp gọn, không chờ Nguyệt nói dứt câu cô đứng bât dậy bỏ nhanh vào quầy. Riêng Sang mặt giận dỗi ngồi thừ trên ghế, nguyên ngày đó nó chẳng muốn nói gì với Nguyệt. Nguyệt bức rức vì ân hận, giá như cô biết trước được mọi chuyện thì đã có thể xử trí khéo léo hơn.

Mỗi ngày sau giờ làm Nguyệt đều ghé ngang bệnh viện nơi ông Tân làm, cô đến lần thứ ba mới gặp được ông, văn phòng ông nằm trong khu vực nghiêm ngặt trên lầu cao, nhân viên không cho bất cứ  người lạ nào vào, nên khó khăn lắm Nguyệt mới lẻn vô được.

Cô đến trước văn phòng ông Tân, mạnh dạn gõ cửa. Vừa thấy ông ra mở cửa, Nguyệt hỏi trước:

– Ông còn nhớ tôi chứ!

Ông Tân kinh ngạc nhìn Nguyệt rồi bực bội lắc đầu:

– Không! Cô là ai, cô không được vào đây!

– Tôi là người ở quán cafe của Thủy, hôm trước cho con gái ông bức tranh. – Nguyệt nhanh nhảu đáp.

Ông Tân ngước mắt lên đánh một vòng rồi bỡ ngỡ nhìn kỹ lại Nguyệt:

– Ừ, ừ tôi nhớ rồi. Nhưng sao cô lại đến đây tìm tôi có việc gì?

Nguyệt gấp gáp trả lời:

– Tôi chỉ muốn đưa cho ông cái này thôi rồi đi! Xin ông nhận giùm! Xin ông hãy đọc nó, đây là sinh mạng của con trai tôi, tôi cảm ơn ông.

Nguyệt dí vào tay ông Tân một tờ giấy, cho đến khi ông chịu cầm lấy cô mới vội vã bỏ đi. Cầm tờ giấy trên tay, ông Tân mãi nhìn theo Nguyệt một cách đầy ngờ vực cho đến khi cô khuất dạng thì mới trở vào phòng đóng cửa lại.

Chương 11: Mùa Trung Thu khó quên – Nỗi đau sau cùng.

“Mẹ biết trước sau gì mình cũng sẽ đánh mất sự vô tư trong con.”

Trên tầng hai trong khu công trình dang dở cũ, Nguyệt ngồi tựa lưng vào thành tường, cầm chai rượu lên cố uống hết từng giọt cuối cùng, cô cúi mặt nhìn xuống bãi đất hoang phế bên dưới, nghĩ đến Sang, Mùa Trung Thu năm nay nó là đứa trẻ bất hạnh nhất. Ngày của Thiếu Nhi, đáng lý ra nó phải được bưng lồng đèn vui chơi cùng chúng bạn hay được mẹ dắt tay tung tăng khắp phố phường, chứ không phải là chìm trong nỗi thống khổ, tang thương của sự mất mát.

Một cơn ho bật ra dữ dội, vẫn dai dẳng và kinh khủng như bao lần, tựa như ai đó đang siết cổ mình bằng một sợi dây thép gai. Nó khiến cô nôn ra bao nhiêu thức ăn lẫn máu và rượu xuống bên dưới. Cơn ho kéo dài chừng 10 phút mới chịu kết thúc  và đó là cơn ho cuối cùng. Nguyệt cố gắng quên đi cơn bệnh đang hoành xé cơ thể cô: cổ họng đau xót tấy sưng mưng mủ, cặp mắt trõm hóp quáng gà vì mệt mỏi, da bỏng rác và các mô cơ nhức nhối.

Cả tháng này, Nguyệt buộc phải nghỉ bệnh vì ốm khiến thằng Sang cũng không chịu đi học, dù cho ai có khuyên lơi mãi. Nguyệt chẳng buồn tắm rửa gì cả tuần nay sau một lần trợt chân té trong buồng tắm. Ai nấy trong phòng đều yêu cầu phải đưa cô đi cách ly, nằm mãi một chỗ không ai dám chăm sóc, mùi hôi tanh phát ra từ những vết lở loét, phân và nước tiểu trên người cô. Thân thể chỉ còn da bọc xương, Nguyệt đeo khẩu trang cả ngày lẫn đêm và cố quấn chặt chiếc chăn quanh, để xua tan cái rét lạ kỳ giữa thời tiết nóng bức và cũng để che giấu sự ô uế của bản thân, nhất là với đứa con trai yêu quý của mình.

Những ngày tháng cuối cùng, Nguyệt ao ước mình mau chóng chết đi nhưng mỗi sáng khi cô vẫn thức dậy và cảm nhận cơn đau đớn khủng khiếp, cô rủa xả ông trời bằng những lời lẽ bất kính nhất.

Sang từ ngoài bước vào phòng, trên tay là tô cháo nóng hổi. Mắt nó đẫm lệ tay run run cầm muỗng lên đút cho Nguyệt ăn, cô nhanh chóng né ra rồi nhìn lại nó bằng cặp mắt đen ngòm vì thâm quầng đầy. Khi còn chút sức lực cô đã cố gắng căn dặn nó trong sự ân cần nhất có thể:

– Mẹ bệnh nặng lắm! Con giữ khoảng cách chứ kẻo lây nhé!

Sang nào có nghe, nó cứ lén ôm lưng Nguyệt khi cô đang ngủ vùi, nhưng nếu tỉnh giấc và biết nó chạm vào mình, cô hết sức vùng vẫy để nó tránh xa.

Đêm nay là đếm cuối cùng, Nguyệt nhất định phải làm điều này: cô sẽ ra đi khi mọi người còn đang ngủ.

Lần đầu tiên trong tuần, Nguyệt bước ra khỏi phòng, cô nhẹ nhàng đem theo chai rượu giấu trong hốc bí mật. Ở đây không ai lo bị mất cắp, trời nóng họ mở cửa ra cho mát để ngủ, do canh mật lỏng lẻo Nguyệt dễ dàng trốn thoát khỏi đấy. Trước khi ra khỏi khu đất, Nguyệt quay lại nhìn khu tập trung lần cuối để từ biệt đưa con trai của mình.

Vừa ra khỏi, Nguyệt buông chiếc chăn trên thân mình rơi xuống đất, cô lê chân không đi mãi giữa đêm khuya như một hồn ma lạc lõng, đi hướng nào cũng được chỉ cần càng xa càng tốt, cho đến khi nào ngã quỵ và chết thì thôi, đó là kế hoạch cuối cùng của đời cô.

Nhưng vừa chỉ ra khỏi xa lộ Nguyệt đã ngã khụy xuống và cô vẫn còn tỉnh thức, thay vì đi tiếp cô lấy hết sức lê mình đến cái công trường bỏ hoang ấy, bước vào bên trong rồi mò lên tầng 2 của tòa nhà.

Dù cho cái rét đăm đăm đang phát ra trong cơ thể, Nguyệt vẫn ao ước được hưởng lấy những ngọn gió cuối đời.

Sau khi nốc sạch chai rượu và thoát khỏi cơn ho khủng khiếp, Nguyệt cảm thấy thân thể mình bay bổng và nhẹ tênh như cô đang bay, cho đến khi cô nghe một tiếng ầm lớn phát ra từ bên trong lỗ tai của mình và cảm thấy cú va chạm mạnh giữa thân thể mình với nền đất cô mới biết, mình đã rơi xuống. Hé mở đôi mắt, cô mờ mịt nhìn thấy mình khắp nơi một màu đỏ thẫm, cô đang nằm lẫn lộn giữa bãi nôn và máu của mình. Có tiếng ai đó vang lên từ xa, Nguyệt nghe giọng thằng Sang vang lên văng vẳng và rõ dần cho đến khi nó chạm vào người mình. Sang lao vào ôm cổ Nguyệt hét thất thanh:

– Mẹ ơi, mẹ!

Rồi nó quay lại nhìn toán người lớn đi theo, giọng gào lên thống thiết:

– Cô chú ơi! Cứu, cứu!

Ai đó đang gọi xe cấp cứu. Bên thân thể mẹ, Sang khóc thang bi thương, chưa bao giờ nó kích động như bây giờ, tay chân run lên từng hồi, ôm chặt đặt đầu Nguyệt trên đùi mình, vừa lay cô vừa vuốt ve vỗ về. Nguyệt gọi nó bằng giọng yếu ớt:

– Sang ơi! Con nhớ mẹ dặn con cái gì không?

Nó không trả lời cô mà cứ nhìn quanh quất cầu cứu mọi người, sốt ruột bằng mọi hơi sức yêu ớt Nguyệt đưa tay kéo nó kề sát mặt mình, lúc bấy giờ nó mới chịu im lặng lắng nghe, Nguyệt nói:

– Con nhớ mẹ có đưa cho con cái chìa khóa bí mật không?

Sang ngoan ngoãn gật đầu:

– Dạ có!

Nguyệt nói tiếp:

– Được rồi con giữ cho kỹ, nhớ kỹ những gì mẹ dặn nghe?

Cô nhìn nó lần cuối trước khi ai đó nhấc bổng nó lên, thầm nói:

– Mẹ xin lỗi con, Sang.

Xe cấp cứu đã đến, khi Nguyệt được đưa vào xe, Sang bị níu chặt lại bởi một người đàn ông to lớn để kéo ra xa khỏi Nguyệt, nó dãy dụa, chân tay vung vẩy tứ tung, la khóc thảm thiết.

Chương 12: Danh phận của Sang.

Nguyệt chết trên đường đưa đến bệnh viện, đám tang cô tổ chức qua loa, ngắn gọn, không kinh tụng, ít kẻ viếng thăm và được thiêu rải tro.

Sau đám tang, Sang không nói không rằng cũng chẳng khóc, nó như người mất hồn mặc cho bạn bè an ủi và vài người trong khu đến đem quà bánh dỗ dành an ủi. Nó vẫn ngồi đó trên cái chỗ mẹ nó hay nằm, ai đó đã dọn dẹp sạch sẽ và thay một bộ chiếu mới.

Sang ôm khư khư chiếc hộp trên tay, nó đã mở ra xem rồi. Chẳng có gì nhiều nhặn ngoài vài vật kỷ niệm, một số tiền nhỏ và cuốn nhật ký mà Nguyệt viết dành cho nó. Không biết mẹ nó viết từ khi nào, lúc nào và ở đâu, chắc những lúc nó đang ngủ. Sang đã đọc, dù biết ít chữ để hiểu nhưng xem ra nó không quan tâm lắm, bây giờ nó chẳng muốn quan tâm điều gì. Chỉ một điều trong cuốn nhật ký kéo tâm thức nó trở lại khi đọc đến đoạn cuối, Nguyệt viết về thân thế của nó. Nhưng nó cảm thấy cũng mơ hồ lắm, đầu óc rối ben như kẻ điên, nó chẳng muốn nhớ gì cả, nó chỉ muốn một điều duy nhất, là mẹ nó. Nguyệt viết rằng:

“ Mẹ định giấu mãi con điều này vì nghĩ nó tốt cho con nhưng cận kề cái chết mẹ nghĩ tốt nhất là nên nói ra. Tay mẹ đang run lên khi viết đến đây, mẹ tự hỏi sự thật này có phải tội ác hay không? Nhưng nó chắc chắn sẽ khiến con đau khổ và thất vọng về mình.

Con luôn hỏi những câu mà mẹ luôn cố tránh né về: “quê mình ở đâu?”; “Cha con là ai?” hay “Tại sao không về quê?” thì nay mẹ sẽ giải đáp thắc mắc đó.

Mẹ sinh ra tại Phan Thiết, một thành phố biển yên bình với những ngọn gió êm đềm và trưa hè yên ả. Nếu không vì những sai lầm của mẹ thì giờ đây có lẽ chúng ta vẫn còn sống hạnh phúc ở đó.

Mẹ có đứa em gái ruột tên là Nguyên. Hồi bé trong lúc chơi đùa mẹ rượt đuổi Nguyên khiến nó té đập đầu vào vết nứt một góc nhà, máu văng tung tóe. Tưởng chừng nó đã chết nếu người ta không đưa nó vào bệnh viện cứu chữa kịp thời. Kể từ đó, mỗi khi nhìn vào vết sẹo dài trên trán nó, những hình ảnh máu me be bét cùng tiếng hét khủng khiếp của nó cứ vang dội không ngừng trong đầu mình khiến mẹ đau khổ vì ân hận, ngày đêm cầu nguyện Thượng Đế hãy để mẹ gánh thay cho những tai ương xảy ra trong đời nó.

Lớn lên một chút ông bà ngoại của con mất do một tai nạn trên biển, bọn mẹ dọn đến ở nhà người dì ruột, sống cùng với những đứa con và người chồng của bà. Tại đây, lão chồng dì ta không ngừng đánh đập, chửi bới và phân biệt đối xử bọn mẹ với những đứa con ruột.

Không chịu được sự bạo hành, năm mười lăm tuổi mẹ bỏ nhà đi. Trước khi đi mẹ rủ Nguyên đi cùng và nó không chịu, nó nói sẽ cố gắng chịu đựng những đòn roi vô cớ và thoát khỏi chúng bằng con đường ăn học. Mẹ đành ra đi một mình, theo một người đàn ông, rơi vào đủ mọi cạm bẫy của cuộc đời.

Vẫn dõi theo em gái mình, mẹ nghe phong phanh Nguyên học giỏi, đỗ cao và đang quen biết một người đàn ông Phương Tây, anh ta sẽ lo cho nó đi du học, tuy có chút mặc cảm nhưng mẹ lại rất mừng cho nó, vì đó là những gì mình hằng ao ước và cầu nguyện.

Mười bảy tuổi Nguyên trót mang thai với người bạn trai học chung trường, bà dì cấm nó không được phép qua lại với người bạn trai kia nữa và giấu chuyện này với mọi người để không ảnh hưởng đến việc du học của nó.

Ngày nó sanh mẹ đã lén đến thăm. Nhìn trên cánh tay Nguyên là một bé trai bụ bẫm xinh xắn như thiên thần, đó là lần đầu mẹ gặp con, Sang. Và mẹ biết mọi điều tốt đẹo con có đều thừa hưởng từ ẹ ruột của con.

Một buổi tối mẹ trở về nhà để lấy thêm một số đồ đạc cần thiết, khi ấy mẹ của con đi thực tập xa. Bị chồng bà dì bắt gặp, lão nghi mẹ ăn cắp nên giữ mẹ lại để gọi công an tới, mẹ liền chống trả. Bạn trai mẹ vào trong nhà, thấy ẩu đả vội vào can thiệp nhưng không may thay anh ta đâm chết lão bằng con dao trong túi, lão chết liền ngay sau đó. Bà dì từ trên lầu bước xuống bắt gặp, bà ấy hét rống lên và lao vào níu lấy anh ta, mẹ ngăn bà lại và bảo người bạn trai mau nhanh chạy trốn. Sau đêm đó anh ta đã bỏ xứ ra đi và mẹ mãi mãi không bao giờ gặp lại người đó.

Ngồi đó nhìn cái xác chết của lão nằm trong vũng máu còn bà dì thì khóc thang cả đêm, mẹ nguyện chờ công an đến bắt mình. Và đêm đó bà dì không gọi ai cả, thay vào đó bà ra lệnh cho mẹ phải mang con đi xa trước khi mẹ con trở về và sẽ nói với mọi người rằng lão chồng bị tai nạn. Nếu mẹ không nghe theo thì bà ấy sẽ tố mẹ ra công an. Vừa được thoát tội, lại trẻ người non dạ không biết làm gì hơn là nghe lời người lớn, mẹ ẵm con bắt lên một chuyến tàu rồi đi vào Sài Gòn, sống đến tận bây giờ.

Thời gian đầu, bà dì còn gởi tiền và lương thực cho chúng ta nhưng về sau không gởi nữa. Bà ấy bảo khi mọi chuyện êm xui bà sẽ gọi về bằng không không được về. Những lúc ta gặp khó khăn, mẹ đã gọi cho bà nhưng vừa nghe giọng mẹ thì bà cúp máy.

Mẹ nghĩ những lỗi lầm do mình gây ra nên bà dì chỉ có thể uy hiếp một mình mẹ, mẹ chết đi rồi bà ta sẽ không thể uy hiếp ai nữa. Mẹ có viết ra địa chỉ của bà dì ở bên dưới, nếu như ông viện trưởng không nhận con làm con nuôi thì hãy trở về quê theo địa chỉ ấy, đoàn tụ cùng mẹ ruột của con, nhé!

Riêng mẹ, mẹ cảm ơn con, cảm ơn Thượng Đế vì đã được sống cùng con trên quãng đời này. Con còn nhớ giấc mơ của chúng ta không? Nếu có kiếp sau, mẹ muốn được làm mẹ ruột của con và chúng ta sẽ thực hiện giấc mơ ấy.

Sang, mẹ yêu con nhất trên đời.

Mẹ Nguyệt.”

Chương 13: Vượt qua nỗi mất mát.

Sáng hôm nay Sang được gọi đến phòng bảo vệ, ai đó muốn gặp nó. Nó không đến, mặc cho chú bảo vệ vào phòng nắm tay lôi đi nhưng nó cũng không chịu nhúc nhích. Thấy nó nhìn mình đầy thách thức, tuy bực bội nhưng ông ta cũng hiểu, không muốn trách hay ép nó, lẳng lặng trở ra.

Lát sau một người đàn ông bước vào phòng, Sang nhận ra ông Tân viện trưởng, nó biết lý do ông đến đây, ông là người liên quan mật thiết đến nội dung chính trong nhật ký của mẹ mình.

Nó im lặng nhìn ông Tân và chờ đợi, ông chậm rãi ngồi xuống cạnh nó, giọng dịu dàng:

– Bác mới biết tin mẹ cháu vừa mất, vô cùng chia buồn cùng cháu.

Sang cuối mặt xuống không nói gì. Ông Tân tiếp tục:

– Trước khi mất mẹ cháu đã đến gặp bác và xin bác nhận nuôi cháu.

Sang vẫn im lặng nhưng nó bắt đầu chú ý. Ngập ngừng một lát, ông Tân mới dám nói tiếp:

– Nhưng bác không thể nhận nuôi cháu được, bác chỉ có thể giúp đỡ cháu từ xa thôi.

Dứt câu ông đứng dậy cúi đầu chào Sang rồi bước ra khỏi phòng.

Một giọt lệ lăn dài trên mặt Sang, nó cảm thấy thật vọng và sụp đổ. Nó chưa hề ý thức gì hay hy vọng được ông Tân nhận làm con nuôi. Nhưng hôm nay ông đến đây nói với nó câu từ chối, vực dậy một điều trong tâm thức nó: “Di nguyện của mẹ không thành hiện thực.”, khiến Sang buồn tủi vô cùng.

Tối đó Sang bỏ đi, không đem theo một thứ gì ngoài chiếc hộp. Không ai nhìn thấy nó đã đi đâu, tựa khi nào, mọi người đổ xô đi tìm. Rồi ai đó trong ban chỉ huy gọi cho ông Tân để hỏi về tung tích thằng Sang, ông giật bắn mình, nó bỏ đi ngay sau khi ông đến gặp nó, điều đó khiến ông nghĩ rằng mình có liên quan, ông hối hận và giá như mình đừng tới tìm nó có khi lại tốt hơn.

Nửa đêm trong một công viên vắng lặng cách đó rất xa, Sang nằm co người trên chiếc ghế đá, tay ôm chiếc hộp, mặc cho mũi chích đầy mình. Nó cố gắng tìm thấy mẹ mình trong giấc mơ nhưng không thể. Nó choàng tỉnh vì tiếng chuông chùa đâu đó vang lên từng hồi, nó bật ngồi dậy thở hổn hển đưa mắt nhìn xung quanh: cảnh tượng lạ lẫm, hình ảnh đầu tiên là một màu vàng sáng rọi từ những ngọn đèn, không gian vắng vẻ không một tiếng động và bóng người.

Nó bi hãi hùng từ giấc mơ đáng sợ, thật ra nó không mơ thấy gì cả, chỉ thấy một màu đen, ngộp ngạt và trống trải. Giấc mơ cũng vô cùng ngắn ngủi, tuy vậy lại nặng nề vô cùng, tựa như ai đó lấy tảng đá to đè lên người và Sang không tìm thấy mẹ mình trong đó. Khi tỉnh giấc là còn khủng khiếp hơn cả, một sự lạc lõng vô cùng, một cảm giác bị bỏ rơi một cách rõ ràng.

Khi bắt lại được nhịp thở, nó ngó quanh một vòng và nhận ra cái công viên này rất đẹp, sạch sẽ, yên tĩnh, dễ chịu, so với nơi ở cũ. Rồi nó tự nhủ:

“Chao ôi! Sẽ thật ấm áp nếu có mẹ ở đây.”

Vừa nghĩ đến đó, hệt như sự nhắc nhở vô tình đến tàn nhẫn, một nỗi buồn vô tận dâng lên xâm chiếm khắp tâm hồn Sang, xâu xé nó, tưởng chừng nó như bị lôi xuống tận đáy hố sâu tuyệt vọng, Sang đột ngột co rút người lại, ôm chặt chiếc hộp trong tay mà khóc thảm thiết, khóc như bị thôi thúc, không ngừng được, ngột ngạt mệt mỏi, khóc ngập lòng thơ dại.

Sau những ngày tháng lang thang, lần đầu tiên nó mới cảm nhận sự vô định và cô đơn của đường phố nó đáng sợ đến như vậy.

Hai giờ sáng nó vẫn còn ngồi đấy, lúc bấy giờ nó lấy lại chút bình tĩnh. Trong suy nghĩ trống rỗng, nó nhớ lại lời dặn dò trong bức thư của mẹ và nghĩ đến ông Tân. Khi đã quá ngán ngẩm cơn tuyệt vọng này, nó mới bắt đầu nghĩ đến chuyện thực hiện lời mẹ nhưng thực hiện làm sao và như thế nào. Điều đó quá khó đối với một đứa trẻ con, tự làm một mình và không ai giúp đỡ, liệu có thành công không?

Bạn biết không? Nó sẽ chẳng bao giờ đi đến thành công nếu chúng ta còn không muốn nhúc nhích. Cứ hành động đi rồi để mặc cho kết quả nó đi đến nấc thanh nào cũng được, còn hơn là không làm gì.

Hệt như chú thỏ Alice trong câu chuyện thần tiên, ai cũng tò mò chạy theo nó, tìm hiểu xem điều gì khiến nó cứ hối hả chạy mãi như vậy, phải chăng đó là một động lực thôi thúc mãnh liệt buột nó phải quyết tâm chạy theo một mục đích của đời nó. Và con người cũng vậy, nếu ta không tìm ra mục đích chính đáng của đời mình, ta sẽ cảm thấy chẳng có gì thú vị trên đời.

Không thể ngồi mãi ở đó được, Sang đứng phắt dậy, nó quyết định rời khỏi đó. Như mò mẫm trong thế giới bao la toàn sương mù khi mẹ, một chỗ dựa tinh thần vững chắc đột ngột biến mất khỏi đời mình, nó cũng chưa biết rõ ràng mình sẽ làm gì tiếp theo nhưng nó sẽ đi theo lý trí của mình. Điều đó được gọi là “ý chí”.

Chương 14: Kết thúc.

Sáu giờ sáng viện trưởng Tân mới rời khỏi bệnh viện. Ông đã có một đêm thao thức vì lo lắng, ông quyết định lao vào công việc để tìm quên, sắp xếp lai sổ sách giấy tờ.

Khi vừa bước xuống bãi đỗ xe, ông bắt gặp thân hình nhỏ bé đứng trước mặt mình, với mái tóc rối bù che gần hết khuôn mặt nhưng Sang vẫn không giấu được cặp mắt đang sưng húp lên vì khóc.

Hơi rợn mình, tay vẫn cầm chắc chiếc cặp xách và xâu chìa khóa, ông Tân nhận ra Sang và chỉ biết im lặng nhìn nó không chớp mắt. Ông bắt đầu thở dài nặng nề rồi cúi mặt xuống.

Dần như nhận ra sự chần chừ trong quyết định của ông Tân, cũng không muốn làm khó ông, Sang biến mất trước khi ông ngẩng mặt lên lần nữa.

Thời gian gần đây, ông Tân không thể xua đi suy nghĩ về hai mẹ con Nguyệt, sự bất hạnh của họ, hình ảnh của Nguyệt, những sự nhờ vả lòng trắc ẩn của mình, chúng làm ông ám ảnh, thôi thúc ông ngày đêm suy ngẫm. Ông Tân nhớ lại lời nhấn mạnh của Nguyệt trong bức thư:

“Đừng hiểu lầm! Tôi không có ý ép buột hay dọa dẫm ông điều gì, tôi chỉ muốn thuyết phục ông rằng:

Sang là đứa trẻ thông minh, tài năng, cùng tiêu chí của ông nó có thể cống hiến tốt cho xã hội. Nếu một số phận như vậy mà không được dẫn dắt hỗ trợ thì thật phí quá. Nhiệm vụ của tôi cũng đã xong, còn lại là sự nỗ lực của nó và tấm lòng từ bi của ông. Nếu ông không đón nhận nó thì tôi cũng không thể làm gì hơn nhưng chắc chắn, ở dưới địa ngục tôi mục ruỗng trong đau khổ.

Cảm tạ ông, vị viện trưởng đáng quý.”

Một tháng sau, khi hoàn thành mọi thủ tục nhận con nuôi, vợ chồng ông Tân chính thức nhận Sang làm con trai của mình.

Đêm đầu tiên Sang về nhà, nó ngắm nghía căn phòng ngủ đầy đủ tiện nghi của mình: trưng bày nhiều đồ chơi, gấu bông với đủ loại truyện tranh sách trên kệ. Chiếc giường thơm tho êm ái, một góc bàn học nhỏ với cái đèn ngủ xinh xắn, nói chung có tưởng tượng thì nó cũng không nghĩ mình sẽ có một căn phòng như vậy.

Sau khi tắm rửa sạch sẽ, Sang bước xuống tầng dưới, khi ấy nhà đang có tiệc với rất nhiều người tham dự, ai cũng đẹp, lộng lẫy và vui vẻ. Ngắm nhìn cái hàng lang rộng, sàn nhà láng bóng, đồ ăn thức uống đầy đủ Sang nghĩ mình đang mơ, tuy nhiên nó cảm thấy vô vị lắm, mặc dù khung cảnh này khiến nó vơi đi nỗi buồn.

Khi mọi người cùng chung vui nhộn nhịp trong gian phòng lớn ấm cúm, Sang tiến bước về phía tấm kiếng rộng. Ngồi khuất sau chiếc màn nhung xám sang trọng, Sang tư tạo ra một không gian riêng biệt, yên ắng của mình, sự nhộn nhịp của dòng người và tiếng nhạc xập xình dần vơi lặng và mọi thứ nghe như xa xăm.

Sang nhìn ngắm cảnh vật bên ngoài: sân rợp lớp thảm cỏ xanh rì, giữa sân một ngọn đèn kiểu cổ óng ánh thắp sáng xung quanh,  tiếng vòi phun nước nghe đâu đó, một cặp bàn ghế gỗ sắp ngay ngắn dưới chiếc dù to, con chó Milu rảo rảo quanh sân vườn. Một trong những dinh thự đắt tiền tại tỉnh Bình Dương. Sang chưa bao giờ có ý định mơ về một nơi hoàn hảo như vậy nhưng phải công nhận đây là một mái ấm tuyệt vời. Thật là trái ngược với cảnh đời ngoài kia, trên trái đất này là sự kết hợp của thiên đàng lẫn địa ngục.

Sang mơ màng nhìn thấy Nguyệt, cô đứng đằng xa sau cánh cổng dinh thự, bên cạnh bụi cây tùng lùn, vẫn mặc chiếc áo trắng và quần tây đen ấy nhưng tươm tất và sạch sẽ. Nguyệt nhìn Sang, khẽ gật đầu với nó, khóe miệng cô chỉ hơi nhoẻn cười một chút nhưng mãn nguyện vô cùng. Và ánh mắt ấy vẫn thế, đăm đăm nhìn bằng một tinh thần quyết liệt. Nguyệt tỏa ra một thứ ánh sáng huyền ảo đầy dịu dàng, nét mặt hồng hào và thánh thiện, khi ấy Sang thấy mẹ nó đẹp rạng ngời,

Nguyệt đưa tay lên chào con, làm một dấu hiệu gì đó cho Sang biết rằng: cô đang dõi theo nó. Rồi cô rời bước, khuất dần sau khung đường vắng vẻ. Không biết thật hay mơ nhưng đó là lần cuối cùng Sang nhìn thấy mẹ ngoài đời thực.

Kể về sau cho đến tận bây giờ, nó vẫn thường mơ thấy Nguyệt: có những giấc mơ hạnh phúc khi hai mẹ con đi chơi. Có những giấc mơ đau khổ một cách mơ hồ lập lại nhiều nhất, nó khuỵa chân xuống ôm mẹ nó bằng da bằng thịt, rồi tỉnh dậy với chiếc gối ướt đẫm nước mắt. Nhưng chung quy, những giấc mơ đó luôn luôn buồn.

Năm hai mươi hai tuổi, Sang ra Phan Thiết tìm gặp gia đình của mình. Sang không gặp được mẹ ruột nhưng gặp bà dì và những người họ hàng khác, họ đối đãi cũng rất tốt với anh, mở tiệc hội ngộ rồi còn mời anh sớm trở lại thăm. Bà dì khoe Sang hình mẹ ruột của anh với những đứa con và người chồng hiện tại trên xứ Tây, bà hứa sẽ gọi báo với Nguyên về Sang, còn bảo Sang nên thử chủ động liên lạc với mẹ mình, Sang mỉm cười gật đầu và không nói gì thêm.

Sau khi về Sài Gòn, Sang không bao giờ trở lại tìm hay có ý định liên lạc với người mẹ ruột, anh không trách vì bà cũng chỉ là một nạn nhân vô tội, hiện đã có môt gia đình hạnh phúc tại nơi xứ người, nếu liên lạc lại cũng không để làm gì. Và anh chưa bao giờ gặp cha ruột của mình.

Trong trái tim Sang, anh chỉ có một người mẹ, đó là người đàn bà đã dìu dắt anh qua những giông bão của cuộc đời mà không hề từ bỏ anh.

Tại đất Sài Gòn này, một thế giới tàn nhẫn với những số phận thấp kém nơi đáy xã hội nhưng cũng vô cùng thú vị với nhiều hy vọng và cơ hội, Sang vừa ghét vừa yêu nó nhưng anh không muốn rời xa nó, vì nơi đây là muôn vàn những kỷ niệm cay đắng và đẹp đẽ nhất của anh có cùng người mẹ dấu yêu.

Nguyễn Thị Nguyệt Đức

Bạn đang đọc bài viết tham gia cuộc thi Viết cho ngày chia tay được tổ chức từ ngày 20.10.2021 đến 20.03.2022. Bạn có thể quét mã QR bên cạnh hoặc truy cập vào đây để xem kết quả của cuộc thi. Ngoài ra, bạn cũng có thể xem các cuộc thi khác đã hoặc đang được tổ chức tại Cộng đồng Cây Bút Trẻ Việt Nam tại đây.
Bình Luận

© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép bằng văn bản của chúng tôi. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm  đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn!
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM
Danh sách thành viên Giới thiệu chung Quy định hoạt động
Các câu hỏi/đáp về CBT Trang vàng Cộng đồng CÂY BÚT TRẺ AUDIO

0 Comments

Leave a Reply

You must be logged in to post a comment.

Em tìm lại mình trong màu nắng Tháng Tư Nơi khoảng trời dường như chỉ một màu trong suốt Cánh đồng Loa kèn khoác á...
Căn phòng bỗng chùng chình Tiếng xì xầm, to nhỏ Áo trắng hồn nhiên quá Khung cửa nhìn Lo ra … Phố ngoài kia hố...
Ta đọc lại bài thơ đêm qua rồi bật khóc Muộn chiều nay…bụng đói cồn cào Những ngày cuối năm thiên hạ xôn xa...
Người nơi ấy giờ xa xôi quá Chẳng thể gần cho thỏa ước mơ Nụ Xuân e ấp đợi chờ Gửi trong muôn nẻo tình thơ t...
Trời lành lạnh, gió tạt vào lòng nghe buốt rát Những chiếc lá vàng rơi lững thững phía triền đông Con vẫn tha hươ...
Gác nhỏ đêm nay một mình ta Nhìn hoa tuyết rụng trắng sân nhà Đêm khuya lạnh lẽo nghe trong gió Chợt thấy giai n...
Nhằm điều chỉnh một số định hướng hoạt động mới, Cộng đồng Cây Bút Trẻ Việt Nam thông báo về một số thay đổi với thành viên (sẽ có hiệu lực thực hiện từ ngày 30/1/2024) như sau: ĐỐI VỚI THÀNH VIÊN ...
Sau thời gian hơn 04 tháng diễn ra, cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh” đã nhận được tất cả 40 bài tham gia dự thi của 40 tác giả. Trong đó, có 33 bài dự thi được duyệt qua vòn...
Lâu lắm rồi mình chẳng viết được gì cả, không nổi một câu thơ, chẳng vẹn một ý truyện. Thỉnh thoảng, những đêm buồn như thế này, mình lại ngồi đọc những bài viết được đăng tải trên website, đọc nhữ...
Tạm biệt mái trường – Thơ Hương Tràm
Tôi tìm nhặt cánh Phượng rơi Mùa hạ đã đến, chợt trời đổ mưa Đâu rồi Hạt nắng lưa thưa Ve ngân h...
Kết quả cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh!”
Sau thời gian hơn 04 tháng diễn ra, cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh” đã n...
Những điều Má không kể…!
Nó nhớ lúc nhỏ thứ quen thuộc nhất là bóng lưng của má. Đi đâu má cũng chở nó theo trên cái xe đ...
Mùa xuân có một thiên thần…
Thế rồi, mùa xuân năm ấy có một Thiên thần, đã mãi bay đi. Mẹ đã xa rời chúng tôi, không một lời...
Chị ấy tên là Hồng, biệt danh là Pink!
Cho dù câu chuyện có đang đi vào bế tắc, chỉ cần chị nói vài câu là mọi thứ sẽ vui vẻ. Chị biết ...
Ước mơ của Mẹ!
Xin lỗi mẹ vì có những lúc khiến mẹ phải buồn, con luôn muốn nói với mẹ dù con ngại ngùng đôi ch...
Thứ Ba, Tháng Tư 16, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Năm, Tháng Hai 08, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Hai 07, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Ba, Tháng Hai 06, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Một 22, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Một 21, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Năm, Tháng Một 11, 2024 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 31, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 31, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Mười Hai 25, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 23, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 23, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Một 05, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Một 04, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Sáu, Tháng Chín 29, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Chủ Nhật, Tháng Chín 24, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Chín 18, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Chín 17, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Chín 13, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Tư, Tháng Chín 06, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Tư, Tháng Tám 30, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 28, 2023 CÂY BÚT TRẺ Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 28, 2023 CÂY BÚT TRẺ Thơ
Chủ Nhật, Tháng Tám 27, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Tám 23, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 21, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 14, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Tám 05, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thông tin - Kiến thức
Thứ Ba, Tháng Tám 01, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Ba, Tháng Bảy 25, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Sáu, Tháng Sáu 30, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Tản văn
Thứ Hai, Tháng Sáu 26, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Năm, Tháng Sáu 01, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Năm 20, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Năm 15, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ