Hàng trăm ‘câu thơ Đường’ thắp sáng phố cổ Trung Quốc
Một con phố ở thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây) được thắp sáng bởi hàng trăm chiếc đèn lồng tái hiện những câu thơ Đường nổi tiếng.
Giống nhiều quốc gia Đông Á, Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm của người dân Trung Quốc. Khắp các thành phố từ Bắc đến Nam đều được trang hoàng lộng lẫy, đón mừng năm mới. Đèn lồng là một trong những vật dụng trang trí không thể thiếu của người xưa nhưng năm nay, chúng được khoác lên diện mạo mới đầy sáng tạo.
Tại thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây), thay vì treo đèn truyền thống hay những dây đèn nhấp nháy quen thuộc, người ta sử dụng những câu thơ Đường làm ý tưởng chủ đạo. Hàng trăm chiếc đèn hình những câu thơ mang ý nghĩa may mắn, bình an được treo khắp dãy phố thuộc khu Đại Đường bất dạ thành.
Tây An nằm trên đất của kinh đô Trường An xưa, là kinh đô của 13 triều đại trong lịch sử Trung Quốc, trong đó, huy hoàng nhất là triều đại nhà Đường. Sự phát triển của văn hóa, thơ ca, đặc biệt là thơ Đường được xem là thành tựu nổi bật của thời đại này.
Ước tính có ba trăm bài thơ Đường được lựa chọn để ‘đúc’ thành những chiếc đèn lồng, treo lên hai hàng cây gần tháp Đại Nhạn, thành phố Tây An. Ý tưởng độc đáo treo đèn lồng thơ thu hút rất đông du khách tới chiêm ngưỡng, chụp ảnh, trở thành hiện tượng trên mạng xã hội Trung Quốc.
Những câu thơ rủ xuống đường, hòa với ánh đèn lung linh, được ví như ‘đường hầm’ thơ, đưa du khách ‘xuyên không’ về quá khứ, tái hiện giai đoạn thịnh vượng của triều đại nhà Đường.
Con đường thơ nằm gần tháp Đại Nhạn – một trong những kiến trúc cổ nổi tiếng nhất Trung Quốc, nằm bên trong khuôn viên chùa Đại Từ Ân. Chùa xây dựng vào năm 652 dưới triều hoàng đế Cao Tông (nhà Đường), ngôi tháp này ban đầu có chức năng lưu trữ những kinh sách Phật giáo mà ngài Trần Huyền Trang (Đường Tăng) đã mang về từ Ấn Độ.
Theo thời gian, với vẻ đẹp kiến trúc tuyệt vời và những câu chuyện về nhà sư nổi tiếng Trần Huyền Trang, tháp Đại Nhạn đã trở thành một biểu tượng của tỉnh Thiểm Tây, hàng năm thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan.
Con phố thơ Đường nằm dọc theo trục Bắc – Nam nhưng theo du khách, khu vực phía Bắc được trang trí đẹp hơn, ‘giống như một dòng sông sao rơi’ ẩn hiện lung linh giữa nền trời tháng Chạp.
Phía Nam của con đường thuộc khuôn viên tổ hợp phố đi bộ, di tích lịch sử mang tên Tây An Đại Đường bất dạ thành, có nghĩa là ‘con phố không ngủ của thời nhà Đường’. Nơi đây tập trung nhiều hàng quán, cửa tiệm, đồ lưu niệm, quảng trường với những buổi trình diễn tái hiện văn hóa nhà Đường.
Năm nay là cái Tết đầu tiên người dân đất nước đông nhất thế giới được đón trọn vẹn sau ba năm bị giới hạn bởi các lệnh phong tỏa phòng chống dịch Covid-19. Người dân có thể tự do di chuyển trong thành phố, trong tỉnh và giữa các tỉnh, đây cũng là điều kiện giúp ngành du lịch nội địa nước này tái sinh.
Vẻ đẹp của tháp Đại Nhạn dưới nền trời đêm. Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây, cách Thượng Hải khoảng 1.300 km, cách nhanh nhất để tới đây là đường hàng không, ngoài ra cũng có thể đi tàu cao tốc. Tây An nổi tiếng với nhiều danh thắng hàng nghìn năm tuổi như lăng mộ Tần Thủy Hoàng, thành cổ Trường An, cung điện Đại Minh, cung điện Hoa Thanh Trì, Càn Lăng…
Nguồn: Hàng trăm ‘câu thơ Đường’ thắp sáng phố cổ Trung Quốc
© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép của tác giả hoặc bằng văn bản của CBT Việt Nam. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn! |
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM |
Các cuộc thi viết | Podcast Cây Bút Trẻ | Quy định hoạt động |
Cộng đồng trên Facebook | Cộng đồng nhóm Zalo | GIỌNG THU VÀNG 2025 |
0 Comments