Hai kỷ vật của mợ tôi…
Từ những ngày còn làm nghề dạy học, chính tấm lòng yêu thương học sinh bao la của cậu và mợ tôi đã thực sự làm thức tỉnh trong tôi một tấm lòng nhân ái và biết yêu thương…
Cậu và mợ của tôi đều là giáo viên giảng dạy bộ môn Vật lý tại một trường THPT trước khi nghỉ hưu. Cậu và mợ tôi đều không có con cái, cho nên dường như tất cả tình yêu thương, cậu và mợ đã dành cho bao thế hệ học sinh mà cậu mợ đã từng giảng dạy.
Năm 2021, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn, dạy học ở trong Miền Nam được 02 năm, tôi được thuyên chuyển về công tác cùng trường với cậu mợ, lại được cậu mợ cho ở nhờ cùng nhà.
Với khoản thu nhập từ lương hằng tháng chỉ được vài trăm ngàn, cuộc sống xa nhà đối với tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, từ một giáo viên trẻ vốn yêu đời, yêu nghề, nhiệt huyết với công việc được giao, mới hơn một học kỳ dạy học ở ngôi trường mới, tôi đã cảm thấy chán nản đến vô cùng. Những giờ Văn trên lớp của tôi dường như không còn chất văn, thiếu lửa và càng ngày càng trở nên nhạt nhẽo. Có những lúc do quá túng quẫn, rồi còn bực mình vì mấy em học sinh cá biệt thường xuyên quậy phá, tôi đã có lần hùng hồn tuyên bố trước học trò của mình là sớm hay muộn gì thì tôi cũng sẽ bỏ cái nghề “bèo bọt” này. Chưa một lần tôi biết quan tâm đến tâm đến cậu mợ và các em học sinh trong lớp do mình làm giáo viên chủ nhiệm. Hằng ngày, tôi chỉ biết đến lớp và trở về nhà như một “cái máy”, không hơn không kém. Mặc dù không nói ra, nhưng tôi biết là cậu và mợ tôi vẫn luôn theo dõi đến công việc của tôi và đã ít nhiều hiểu được cảm xúc của tôi lúc đó.
Thời gian thấm thắt thoi đưa, thế là dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 cũng chính là ngày sinh nhật của mợ đã đến. Như thường lệ, các anh chị học sinh cũ của mợ lại tủ nhau đến nhà cậu mợ để tổ chức lễ kỷ niệm ngày 20 tháng 11 và kết hợp tổ chức bữa tiệc sinh nhật cho mợ. Những câu chuyện kỷ niệm về tình thầy trò của một thời rất đáng tri ân và ghi nhớ đã được mọi người kể lại cho nhau nghe. Hôm đó, các anh chị học trò cũ của cậu mợ đã kể lại khá nhiều câu chuyện hết sức cảm động, nhưng cho đến hôm nay, đối với tôi, 02 câu chuyện liên quan đến chiếc áo ấm và chiếc nhẫn cưới của cậu mợ đã làm cho tôi có nhiều ấn tượng sâu sắc nhất.
Câu chuyện được kể lại rằng, đó là một buổi sáng mùa đông cuối những năm 1990, trời rét như cắt đến thấu xương thấu thịt. Do không có áo ấm, áo mưa, nên sau khi cuốc bộ gần năm cây số từ nhà đến trường, một cậu học trò trong lớp do mợ làm chủ nhiệm đã bị ướt từ đầu đến chân. Sau khi ổn định lớp, mợ bắt đầu kiểm tra bài cũ. Người đầu tiên mợ gọi lên bảng chính là cậu học sinh tội nghiệp đó. Mặc dù đã học bài rất kỹ, nhưng một phần vì bị rét và đói, miệng run lên lập cập, cho nên cậu học sinh tội nghiệp đó không thể hoàn thành tốt câu trả lời của mình. Sau khi nhận xét xong, mợ liền đi xuống chỗ cậu ngồi và đưa chiếc áo khoác đang cầm trên tay mình trước sự ngạc nhiên của cả lớp và nói nhỏ nhẹ: “Em hãy mặc đỡ chiếc áo này vào cho đỡ lạnh…”. Chỉ nói được vậy thôi, nhưng giọng của mợ đầy nghẹn ngào và xúc động. Sau này hỏi ra, cả lớp mới biết được, chiếc áo ấm đó chính là món quà kỷ niệm mà cậu đã mua tặng mợ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam lúc cậu mợ mới cưới nhau.
Một câu chuyện khác hấp dẫn hơn liên quan đến cậu học sinh cũ tên Hải cũng đã được mọi người cùng nhau ôn lại. Năm Hải học hết phổ thông, cũng là lúc bố của cậu lâm bệnh hiểu nghèo. Phần vì nhà nghèo, phần vì lo thuốc thang cho bố Hải, nên kinh tế gia đình cậu khánh kiệt hoàn toàn. Năm trước, đúng vào ngày lên đường đi thi đại học, Hải bỗng bị ốm nặng do làm việc quá sức do quá trình đi đóng gạch thuê khá nặng nhọc ở thị xã Đồng Hới. Nên năm đó cậu thi trượt đại học. Biết nhà Hải nghèo, mợ chỉ động viên: “Thôi em đừng buồn nữa em ạ ! Thua keo này ta bày keo khác. Nhà em nghèo, năm sau em nên thi vào các trường đại học của Quân đội hoặc Công an để cho đỡ chi phí, mà ra trường lại không phải lo công việc !”.
Nghe lời mợ tôi dặn, năm đó, Hải đã làm hồ sơ thi vào Trường Sỹ quan Hải quân và Đại học An ninh nhân dân. Ngày cầm trên tay tờ giấy báo thi, số tiền mà mẹ con cậu có chỉ đúng vài ngàn đồng. Tối hôm đó, khi hai mẹ con Hải đang ngồi lo lắng không biết xoay xở lấy tiền đâu để ngày mai lên đường đi thi, thì cậu và mợ đã đến nhà Hải. Sau khi hỏi thăm sức khỏe bố mẹ Hải, mợ đã lấy trong túi ra một cái bọc vải được gói kín cẩn thận rồi đưa cho Hải và nói: “Em hãy cầm lấy vật này bán đi lấy tiền làm lộ phí đi thi. Khi nào có trả lại cho thầy cô cũng được !”. Tay run run mở cái bọc từ tay mợ tôi đưa cho, Hải như không còn tin vào mắt mình nữa, nhìn kỹ, mẹ con cậu mới biết đó là một chiếc nhẫn cưới… Quá bất ngờ và cảm động, mẹ con Hải dường như chẳng nói được nên lời và chỉ biết ôm nhau khóc nghẹn ngào vì quá xúc động xen lẫn với niềm vui do đã giải tỏa được những nỗi lo lắng lớn nhất trong lòng…
Nhờ chiếc nhẫn cưới của mợ tôi đưa cho, mà Hải đã có đủ tiền đi thi và trúng tuyển vào cả hai trường đại học. Năm đó, cậu đã chọn theo học Trường Sỹ quan Hải quân. Bây giờ cậu là một sỹ quan cao cấp của Quân chủng Hải quân, thuộc Bộ Quốc phòng, công tác tại thành phố Hải Phòng. Học tập được tình cảm yêu thương và tấm lòng nhân ái bao la mà cậu và mợ tôi đã dành cho nhiều em học sinh nghèo khó, sau khi đã thành đạt, anh Hải đã dành hẳn một căn nhà riêng tại thành phố Hải Phòng để cho nhiều em sinh viên nghèo người Quảng Bình đang theo học đại học trên địa bàn Hải Phòng ở trọ miễn phí, không lấy tiền. Ngoài ra, để tri ân công ơn to lớn mợ tôi đã giúp đỡ cậu lúc trước, mặc dù mợ tôi đã nhiều lần từ chối, nhưng anh Hải vẫn nhờ bạn bè ở quê mua và tặng cho mợ tôi 02 chiếc xe máy loại đắt tiền đúng vào dịp 02 lần kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11…
Không chỉ hiểu thêm về mợ từ câu chuyện cảm động do những người học sinh cũ của mợ kể lại, qua nhiều phụ huynh cũ có con cháu đã từng được học với cả cậu và mợ, tôi được biết, cậu mợ tôi còn có nhiều nghĩa cử để giúp đỡ các em học sinh nghèo vượt khó, vươn lên học tập và rèn luyện thành người, như cho các em ở nhờ trong nhà không lấy tiền; dạy thêm miễn phí cho nhiều em có hoàn cảnh khó khăn,… Từ đây, tôi mới thực sự thay đổi suy nghĩ của mình về nghề dạy học và đã bắt đầu biết quan tâm đến các em học sinh nhiều hơn.
Không còn ý định từ bỏ nghề dạy học như những ngày đầu tiên mới về trường do quá thiếu thốn, túng quẫn mà tôi đã từng tuyên bố, ngoài đi dạy, tôi tranh thủ thời gian buổi tối hoặc ngày nghỉ để viết báo, kiếm thêm nhuận bút. Có thêm những đồng tiền thu nhập chính đáng, cuộc sống của vợ chồng tôi đã đỡ vất vả hơn trước. Chính những lần đi thực tế tại các thôn, xóm để viết bài ấy đã giúp tôi có thêm vốn sống để dạy văn tốt hơn, cũng như càng hiểu thêm là ngoài kia còn rất nhiều em học sinh khó khăn cần được giúp đỡ. Vì thế, hằng tháng mỗi lần khi được nhận được tiền lương, tiền thưởng hoặc có thêm tiền nhận nhuận bút do các báo, tạp chí gửi cho, dù còn khiêm tốn, nhưng tôi vẫn quyết định trích lại một phần, dùng để giúp đỡ những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, động viên các em tiếp tục đến lớp.
Giờ đây, khi đã chuyển về công tác tại cơ quan mới, không còn làm nghề dạy học, cho dù điều kiện kinh tế chưa phải là đã giàu có, khá giả lắm nhưng vợ chồng tôi vẫn động viên nhau hãy dành dụm lại một tháng một ít tiền để có dịp là giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh mà chúng tôi gặp phải trong cuộc sống. Bởi vì, từ những ngày còn làm nghề dạy học, chính tấm lòng yêu thương học sinh bao la của cậu và mợ tôi đã thực sự làm thức tỉnh trong tôi một tấm lòng nhân ái và biết yêu thương, giúp đỡ, san sẻ đối với những em học sinh nghèo nói riêng, những phận nghèo yếu thế, thiệt thòi trong xã hội nói chung. Chính cậu và mợ tôi đã giúp cho tôi hiểu hơn thế nào là lẽ sống ở cuộc đời này….
Bạn đang đọc tác phẩm tham gia cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh!” được tổ chức từ ngày 05.11.2022 đến 05.01.2023. Bạn có thể quét mã QR bên cạnh hoặc truy cập vào đây để tham gia cuộc thi. Ngoài ra, bạn cũng có thể xem các cuộc thi khác đã hoặc đang được tổ chức tại Cộng đồng Cây Bút Trẻ Việt Nam tại đây.
————— |
© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép của tác giả hoặc bằng văn bản của CBT Việt Nam. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn! |
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM |
Danh sách thành viên | Giới thiệu chung | Quy định hoạt động |
Các câu hỏi/đáp về CBT | Trang vàng Cộng đồng | CÂY BÚT TRẺ AUDIO |
0 Comments