Có một “thiên thần không cánh” nơi đại ngàn lộng gió!
Tôi và chị không phải là họ hàng, ruột thịt nhưng luôn trò chuyện thân tình như chị em trong nhà. Tôi biết đến chị qua lời kể của người bạn thân về một nữ giáo viên với giọng nói nhẹ nhàng, trong trẻo, mạnh mẽ vượt qua những khó khăn tại nơi chỉ có núi và đá để truyền đạt kiến thức bằng cả trái tim.
Giờ đây, giữa những đợt gió bấc lạnh tê tái, tôi bất giác nhớ đến chị – có lẽ đang cùng các em nhỏ vùng cao chật vật chống chọi với cái rét “cắt da cắt thịt” nơi địa đầu Tổ quốc.
Chị Hiện mỉm cười rạng rỡ bên các em nhỏ (Ảnh: NVCC)
Gian nan chuyện dạy học ở vùng cao
Chị tên Hứa Thị Hiện, 38 tuổi. Năm 2023 đã là hơn 10 năm chị gắn bó với nghề giáo viên cao quý, ngày ngày “gieo chữ”, chăm “búp non” ở Trường mầm non Bản Ngò (xã Bản Ngò, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang).
Đầu năm ngoái, tôi muốn viết bài về chân dung một người đặc biệt. Qua lời giới thiệu của một người bạn thân, tôi có thông tin và liên lạc với chị Hiện qua điện thoại (vì tình hình dịch Covid-19 lúc đó phức tạp nên không thể gặp mặt). Điện thoại vừa kết nối, một giọng nói trong trẻo cất lên: “Chào em. Em nghe rõ chị nói chứ? Tình hình dịch Covid-19 chỗ em thế nào? Khi nào có thời gian, em lên đây thăm Hà Giang, thăm Bản Ngò nhé!”. Câu chuyện thân tình giữa tôi và chị được bắt đầu như thế.
Chị Hiện không vội tâm sự chuyện nghề nghiệp, công việc của bản thân mà “khoe” với tôi những cái hay, cái đẹp ở Hà Giang: nơi có những dãy núi trùng trùng điệp điệp, có mùa hoa tam giác mạch đẹp nao lòng, đâu đâu cũng bắt gặp sắc tím mộng mơ… Vẻ đẹp đơn sơ, dung dị đó đã khiến chị Hiện “trót yêu” Hà Giang, yêu Bản Ngò, chẳng biết từ bao giờ. Chỉ biết tình yêu ấy luôn được chị khắc sâu trong tâm khảm.
Nguyên quán của chị Hiện không phải ở Hà Giang. Sinh ra và lớn lên tại Ba Bể – “Viên ngọc xanh” giữa núi rừng Đông Bắc nhưng ngay từ nhỏ, chị Hiện đã ấp ủ ước mơ mang con chữ đến với những đứa trẻ có cuộc sống thiếu thốn ở vùng cao Hà Giang.
Chị Hiện nhớ mãi về lần đầu tiên đặt chân tới xã Bản Ngò. Nỗi nhớ nhà dai dẳng cùng những khó khăn, áp lực chồng chất đã khiến chị thoáng nghĩ sẽ từ bỏ công việc yêu thích. Khó khăn lớn nhất là sự bất đồng về ngôn ngữ giữa cô và trẻ. Các em nhỏ ở Trường mầm non Bản Ngò thường là người Nùng, người Mông nên còn hạn chế về tiếng phổ thông. Khi các em bắt đầu làm quen với tiếng phổ thông thì giọng nói còn ngọng, có nhiều vấp váp. Khó khăn thứ hai là về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập. Lớp học chỉ là ngôi nhà trình tường thiếu kiên cố. Một khó khăn khác là việc vận động học sinh ra lớp. “Hằng ngày, chị phải thường xuyên vận động các cháu ra lớp để đảm bảo sĩ số học sinh. Nhưng các cháu ngày thì đi học, ngày thì nghỉ. Khi đến nhà các cháu hỏi thì các bậc phụ huynh cho biết, hôm nay tôi cho con đi theo lên nương, ngày mai mới cho con đi học”, chị Hiện trải lòng.
Rồi chị kể cho tôi nghe về một kỷ niệm khó quên của mình:“Có lần chị đi vận động phụ huynh cho con đi học, chẳng may bị lạc vào rừng sâu. Mãi sau gặp một bác thợ săn, bác hỏi cô giáo đi đâu lại vào đây. Chị bảo là chị đến nhà anh Sáo để vận động các cháu nghỉ đi học. Bác thợ săn nói đây không phải đường vào nhà anh Sáo, cô giáo đi nhầm đường rồi, đây là đường vào rừng. Trời gần tối nên chị rất sợ. Gần 2 tiếng sau chị mới tìm được đường ra”.
Chị Hiện (mặc áo khoác màu xanh) đến vận động phụ huynh cho con đi học (Ảnh: NVCC)
Vượt khó, “bám bản”
Khó khăn là thế, vất vả là vậy, nhưng khi chứng kiến tình cảm của các em nhỏ và người dân nơi đây dành cho mình, chị Hiện lại không nỡ rời xa mảnh đất giàu tình cảm. Động lực giúp chị tiếp tục công tác tại Trường mầm non Bản Ngò là tình yêu nghề, coi trẻ như những đứa con của mình. Cô giáo Hứa Thị Hiện tâm niệm rằng, sự nhiệt huyết, trách nhiệm sẽ giúp bản thân vượt qua những rào cản, thử thách, để mỗi ngày đến lớp là một niềm vui.
Một ngày lên lớp của chị Hiện có vô số công việc phải hoàn thành. Bắt đầu từ việc đón trẻ sớm để các bậc phụ huynh có thời gian lên nương. Sau đó, chị sẽ cho trẻ tập thể dục buổi sáng để nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng. Kế đến là hoạt động trải nghiệm, vui chơi. Đến trưa, các cô giáo sẽ chuẩn bị một số món ăn đơn giản để các bé có năng lượng cho những hoạt động buổi chiều. Buổi học sẽ kết thúc vào 17h mỗi ngày.
Xác định chỉ có tri thức mới thay đổi được cuộc sống khó khăn, thiếu thốn ở vùng cao, vì vậy, chị Hiện luôn chú trọng công tác giáo dục cho những đứa trẻ nơi đây. Với mong muốn “thế hệ tương lai” sẽ mang về những con đường bằng phẳng, những lớp học khang trang, hằng ngày, ngoài cho trẻ tập tư duy với các khối hình, khối gỗ toán học, tập hát, quan sát vườn hoa cây cảnh… chị Hiện cũng dành một khoảng thời gian để hướng dẫn các em học chữ cái và chữ số. Chị bảo: “Ngoài những giờ học chính thì các cô luôn tăng cường dạy cho trẻ ở mọi lúc mọi nơi. Về chữ cái tiếng Việt thì cô giáo có thể dán ở nhiều nơi trong lớp học, cho trẻ tập viết chữ trên nền sân”. Bao nhiêu con chữ mà cô giáo Hứa Thị Hiện mang đến cho học trò là bấy nhiêu sự quan tâm, yêu thương, nỗ lực. Và những cố gắng, phấn đấu không ngừng nghỉ của nữ giáo viên nhiệt huyết đã được đền đáp bằng “trái ngọt” xứng đáng. Nhiều năm liền, cô giáo Hứa Thị Hiện vinh dự nhận danh hiệu “Giáo viên giỏi cấp trường”, “Giáo viên giỏi cấp huyện”…
Tôi hỏi: “Bây giờ, nếu có cơ hội về quê sinh sống và làm việc, chị sẽ rời xa nơi đây chứ?”, chị Hiện quả quyết: “Không. Chị sẽ luôn đồng hành với người dân Bản Ngò. Đây không phải nơi chị sinh ra nhưng là nơi chị muốn gắn bó mãi mãi”. Đồng thời, chị Hiện cũng chia sẻ, ở nơi “thâm sơn cùng cốc”, chị được sống trong tình yêu thương của dân làng. Như trong ngày 20/11 hằng năm, ngày tôn vinh những người thầy, người cô đã luôn tận tâm và có công lao rất lớn trong việc giáo dục con trẻ, phụ huynh sẽ thể hiện tình cảm với giáo viên qua những món quà như củ khoai, bắp ngô, mớ rau…. Còn với các em nhỏ, món quà tri ân chỉ đơn giản là chậu cây nhỏ, bông hoa rừng. Không nhộn nhịp như phố thị, ngày 20/11 trên vùng cao vẫn ấm áp, ý nghĩa tình cô trò.
Qua lời tâm sự của chị Hiện, tôi biết chị yêu học trò, yêu Bản Ngò thế nào. Chị xứng đáng với lời khen “thiên thần không cánh” khi dùng chính tình yêu thương, sự tử tế, nhiệt huyết của mình để dạy con chữ, nâng cao trình độ cho các em nhỏ.
Đáng quý hơn, trong những ngày tình hình dịch Covid-19 tại Bản Ngò diễn biến phức tạp, khó lường, chị Hiện đã tham gia hoạt động chống dịch tại địa phương. Vào 6h sáng mỗi ngày, chị cùng một số tình nguyện viên tập trung tại UBND xã để nấu cháo cho các gia đình ở khu cách ly tập trung. Những bát cháo đơn giản mà nồng ấm tình thân, ấm áp tình người. Buổi chiều, cùng chiếc loa phát thanh di động, chị Hiện đi tuyên truyền về các biện pháp phòng dịch như tuân thủ nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ… Chị nghĩ đấy là những việc làm tuy nhỏ nhưng có thể mang lại an toàn cho người dân, để rồi cuộc sống bình yên sẽ sớm quay trở lại với xã Bản Ngò giàu tình cảm.
Sau lần trò chuyện đầu năm ngoái, thỉnh thoảng tôi vẫn nhắn tin hàn huyên với chị Hiện. Mấy hôm trước, nghe tin không khí lạnh tăng cường, tôi bất giác nhớ đến chị, trong lòng ngổn ngang suy nghĩ. Chưa một lần đặt chân đến Bản Ngò, nhưng tôi có thể hình dung ra được, trong những cơn gió hoang lạnh của vùng cao nguyên đá, có một “thiên thần” – một nữ giáo viên mẫn cán đang miệt mài “gieo chữ”.
Hà Nam, 4/1/2023
Bạn đang đọc tác phẩm tham gia cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh!” được tổ chức từ ngày 05.11.2022 đến 05.01.2023. Bạn có thể quét mã QR bên cạnh hoặc truy cập vào đây để tham gia cuộc thi. Ngoài ra, bạn cũng có thể xem các cuộc thi khác đã hoặc đang được tổ chức tại Cộng đồng Cây Bút Trẻ Việt Nam tại đây.
————— |
© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép của tác giả hoặc bằng văn bản của CBT Việt Nam. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn! |
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM |
Các cuộc thi viết | Podcast Cây Bút Trẻ | Quy định hoạt động |
Cộng đồng trên Facebook | Cộng đồng nhóm Zalo | GIỌNG THU VÀNG 2025 |
0 Comments