Cái bếp củi của bà tôi – Tản văn Nguyễn Danh Thắng
Thực ra đây là cái bếp của nhà tôi chứ không phải của riêng bà tôi, nhưng với tôi, tuổi thơ đơn giản gắn liền với những câu chuyện, những lời ru trên võng của bà nên mỗi khi nhắc về những thứ xưa cũ, tôi thường nghĩ đến bà đầu tiên.
Tức cảnh sinh tình, đúng là một cụ nào đó nhà mình nói chả sai. Một ngày Hà Nội được bao phủ bởi cái lạnh đầu mùa, đi tập bóng về người đầm đìa mồ hôi, đúng hôm hệ thống nước máy đang bị hỏng, thế là phải chui vào bếp đun nước. Mẹ cũng mới đun nước xong, nhìn cái bếp lửa đang cháy tàn mà tự dưng hàng tấn kỉ niệm ở đâu ào dạt ùa về, những câu chuyện cứ đến nối tiếp nhau, đan lẫn vào nhau rồi kéo dài như chẳng có hồi kết.
Tôi lững thững đi ra sân với cái khóe mắt có chút cay cay, bỗng tôi giật mình khi thấy trong bếp là một cậu nhóc đang chổng mông lên trời cắm cúi thổi lửa, lửa gặp rơm ẩm khói trắng um lên, mỗi nhịp thổi của cậu bé, than trong bếp lại hồng lên nhưng không hiểu sao mãi chẳng cháy được. Rồi cậu bé chạy lên nhà, lấy cái quạt nan xuống văng tay hết cỡ quạt lấy quạt để, tay kia thì cầm cái que cời đen sì, chốc chốc lại chùi đầu vào áo để lau mồ hôi. Và sau bao nỗ lực của cậu thì cuối cùng cái bếp cũng cháy, cậu tống củi vào, tống trấu vào và đủng đỉnh đi ra với cái vẻ mặt nhem nhuốc nhưng đầy tự hào.
Rồi tôi nhớ về mình hồi bé. Trước kia, bố cũng hay giao cho tôi nhiệm vụ nhóm bếp và đun 3 siêu nước mỗi ngày. Mọi thứ cứ thế trôi qua thôi nếu không có những lần lũ bạn rủ đi chơi đúng lúc đang đun nước. Cái giống tâm lý, càng vội, càng cố đun thì cảm thấy nước nó càng lâu sôi. Bố dạy rằng, nước mang ra, đổ xuống nền bê tông nghe tiếng “bịch bịch” là sôi rồi, thế là những lần vội đi chơi mang ra đổ đi đổ lại đến cả chục lần mà vẫn chưa thấy nó “bịch bịch”. Có lần mải chơi quá, nói dối bố là nó “bịch bịch” rồi, rồi chạy đi chơi, lúc về đã thấy bố tay cầm roi, trên mặt bàn là ấm chè hỏng vì dùng nước chưa đủ độ.
Sau đun nước thì tôi học nấu cơm, bác tôi là người dạy, và theo như bác tôi nói thì công việc quan trọng nhất là “Quấn cơm”. Cơm sau khi sôi một lúc thì phải chất rơm xung quanh đốt lửa to bùng bùng lên để cơm chín và ngon hơn. Tôi cũng làm theo. Nhưng mà cái tâm lý trẻ con, lần đầu làm bao giờ chả sợ cơm sống, thế là tôi không chỉ quấn 1 mà quấn tận 4 lần, mỗi lần làm như thế, tôi thường cho nhiều rơm hơn bác tôi dạy và cũng biết xoay đi xoay lại cho cơm chín đều. Và cuối cùng thì cái nồi cơm đầu tiên ấy của tôi nó chỉ có một phần tư màu trắng, còn lại là màu nâu và đen. Ăn miếng cơm đầu tiên, bác tôi bảo “Con mời người ta đến ăn cơm thì thà ăn cơm sống còn hơn là ăn cơm khê…”. Và có lẽ chính vì bài học đầu tiên này mà bây giờ khi luộc rau tôi luôn có xu hướng để rau còn tái một chút hơn là nát nhừ.
Cái bếp củi cho chúng tôi một thứ mà bếp ga sẽ chẳng bao giờ có được, đó là những nhọ trên những chiếc nồi để chơi đánh bài. Những khuôn mặt đen sì đủ các hình vẽ, những cái quệt nhọ kinh điển cố kéo thật dài và thật đậm, những tràng cười giòn tan, cười nhiều đến mức đau cả bụng mà có lẽ tất cả mọi người ở thế hệ tôi đều đã trải qua.
Cái bếp củi cũ kĩ gắn liền với tuổi thơ của tôi. Mùa hè đun lá, đun củi khô, tiếng lá khô cháy nổ tí tách, đi gom hàng nghìn quả trứng bọ xít rồi mỗi khi nấu cơm mang ra một ít ném vào bếp, tiếng nổ bép bép vui tai. Mùa đông thì lúc nào cũng thích ngồi trong bếp, hơ tay vào lửa rồi xoa xoa áp lên miệng, lên mặt, thở ra một luồng khói thật lớn rồi lại hít vào một hơi thật sâu để cảm nhận cả cái ấm áp và lạnh buốt trong lồng ngực. Chả gì sướng bằng kiếm được bắp ngô, củ khoai rồi dui vào bếp, háo hức chờ từng phút cho nó chín, hạnh phúc với cả những miếng khoai đen sì rồi nỗi thất vọng tràn trề khi khoa cháy hết mà vẫn cố ăn. Mùa nóng ngồi đun bếp mướt mát mồ hôi, chốc chốc lại phải chạy ra ngoài cho đỡ nóng, nhiều lúc chập chập lại thích tống nhiều trấu vào cho khói um lên ngồi im trong bếp hít cái thứ khói trắng đục, mùi rơm ẩm pha với mùi gỗ cháy, mùi than tạo nên thứ mùi đặc trưng của miền quê đồng bằng Bắc Bộ.
Rồi là hàng tá món ăn được chế biến trong căn bếp ấy, nào là luộc rau, rán trứng, rồi nấu cháo, cái bếp tối thui có nguồn sáng duy nhất là cái bóng đen dây tóc, cái thứ ánh sáng vàng vàng, mờ mờ đôi khi là nhìn không rõ nhưng luôn mang đến cảm giác ấm áp và an tâm. Đèn tối nên lúc nào cũng phải cắm sát mặt vào cái nồi hay cái chảo, ấy thế mà cái gờ của ống khói lại thấp thế nên không biết bao nhiêu lần bị cộc đầu vào đau đến điếng người.
Cái bếp bé xíu lại tối tăm nhưng cứ đến đêm nấu bánh chưng thì tuyệt vời vô cùng. Cái chiếu to phải cố trải sao cho vừa vặn, vừa tận dụng tối đa hơi ấm của bếp và lại không bị cháy. Mấy anh em cậu cháu tụ tập với nhau vui chơi và kể chuyện, không phân biệt tuổi tác, cười nói, hát hò vui vẻ như những đứa trẻ với nhau. Ban đầu thì đứa nào cũng đòi ngồi gần bếp cho ấm, đến khi nóng rồi thì lại tranh nhau ngồi ra xa. Mấy thanh củi to đùng tống vào đun bánh, đun lâu, nước trong củi nó dồn về đoạn cuối, chảy ra xèo xèo bong bóng rồi bốc khói đứa nào ngồi gần cũng sợ rúm hết cả vào. Nằm ngủ không giường, đêm lạnh, có đứa còn bị chảy cả máu cam làm cả lũ sợ rúm vào, nửa đêm tan tác cái chiếu đun bánh, ấy thế mà sáng sớm là đứa nào đứa nấy bâu hết về như cũ để tranh công và được thưởng thức những miếng bánh đầu tiên.
Bánh bắc ra, cả lũ chạy hết ra sân, củi tàn, đỏ rực. Lửa không cháy nữa nhưng bếp vẫn còn nóng lắm, ánh than hồng gợi đến những cảm xúc xa xăm, những cảm xúc bồi hồi khó tả…
© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép của tác giả hoặc bằng văn bản của CBT Việt Nam. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn! |
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM |
Danh sách thành viên | Giới thiệu chung | Quy định hoạt động |
Các câu hỏi/đáp về CBT | Trang vàng Cộng đồng | CÂY BÚT TRẺ AUDIO |
0 Comments