Bu tôi!
Nghe lời bu, tôi mang thuốc lên để ở góc đầu giường. Căn nhà cũ từ đời ông bà để lại cũng đã sập sệ, dột nát những ngày mưa bão; nói mãi, thầy bu tôi mới đồng ý đập đi xây lại từ hồi đầu năm ngoái….
Cách đây khoảng chục năm về trước, khi tôi còn là sinh viên, mắt bu tôi đã nhìn kém rồi. Cứ tranh thủ cuối tuần tôi về chơi, bu lại mang kim chỉ ra nhờ con gái sâu sẵn. Có lần, trong lúc ngồi bó gối nhìn bu đi lại đường tà của chiếc áo cũ đã mặc qua mấy vụ mùa, tôi buột miệng nói: “Áo cũ rồi sao bu không vứt đi? Lỗ kim to như thế mà sao bu không tự xỏ được nhỉ?”, mà không biết từng lời nói ấy cứa vào lòng bu tôi xót xa chừng nào. Đến khi tôi ra trường, quay lại nhà xuất bản từng thực tập xin được một chân đọc bông, trải qua nhiều đêm toét mắt đọc bản thảo, tôi dần hiểu ra, chẳng ai theo kịp được vòng quay của thời gian cả.
Mỗi lần về nhà, chạm nhìn bóng bu gầy gò đứng ngoài đầu ngõ nhỏ đỏ mắt đợi con mà lòng tôi quặn lại đến ngộp thở. Đuôi mắt rúm ró những nếp nhăn khi bu cười, đôi bàn tay lấm tấm những vết đồi mồi nâu sậm, những đường gân hằn lộ rõ trên mu bàn tay lúc bu chìa ra đỡ cho tôi chiếc túi xách nặng,.. Từng khoảnh khắc yên bình bên bu tựa như làn gió thu mát lành, mơn man da thịt tôi từng phút, từng giây trong suốt cả đời người. Mắt đỏ hoe, tôi vội đưa cánh tay áo quệt ngang mặt để hai hàng lệ bớt phần trĩu nặng. Tôi cầm đôi bàn tay của bu với đầy vẻ sốt sắng:
– Dạo này bu có ăn được không? Sao con thấy bu gầy quá?
– Ôi dào. Ăn nhiều, lên cân lại máu nhiễm mỡ. Cái bệnh của bu phải kiêng nhiều thứ lắm.
Rồi như lảng tránh những câu chuyện không vui về sức khỏe, bu tôi đẩy lưng tôi giục đi rửa mặt mũi chân tay, nghỉ ngơi cho đỡ mệt, còn bu thì lập cập quay lưng đi xuống bếp, nấu tiếp bữa chiều dang dở. Bu tôi đi hơi lệch người, bởi cái tật ở khớp gối từ dạo bị trượt chân ngã ở ruộng lúa nhiều năm trước. Von tóc bu búi lại còn một dúm cỏn con, phần đỉnh đầu tóc thưa lộ cả da thịt. Bu tôi già đi nhanh quá!
Ở dưới quê, thầy tôi vẫn tranh thủ đi phu hồ cho mấy nhà gần thôn làng. Sáng nào thầy tôi cũng đi từ sớm, đến trưa lại về ăn cơm với bu. Chiều bớt nắng, thầy tôi lại đi, mãi đến tận tối tịt mới thấy bóng thầy về. Nhà có mỗi tôi là mụn con, phận gái như cánh chim trời, lớn lên lại sải cánh bay đi, nghĩ thương thầy, thương bu, lòng tôi lúc nào cũng canh cánh, nhộn nhạo đủ bề.
Bữa cơm của hai ông bà già dưới quê chẳng có gì tươm tất, nhưng bữa nào thầy tôi cũng rót một chén rượu be bé. Những hôm tôi về, mượn men rượu, thầy lại giục tôi lấy chồng cho sớm ổn định. Mẹ tôi nghĩ thương con lại nước mắt vòng quanh. Lấy chồng xa, không biết một năm về thăm thầy bu được mấy lần, mà lấy gần thì chưa tìm được đám nào phù hợp. Tôi vẫn đùa bảo để con sắm cho bu một cái smartphone, nếu sau này con lấy chồng xa, bu già yếu, say xe không đi lại được thì gọi điện thoại thăm con, thăm cháu thì bu lại càng nức nở. Cứ mải nghĩ miên man, tiếng bu gọi làm tôi sực nhớ ra mình vẫn còn đứng như trời trồng dưới cửa nhà. Lúc bấy giờ, tôi mới đi xuống bếp lấy chiếc đĩa tây lên sắp hoa quả, bánh kẹo đặt lên bàn thờ thắp hương.
Từ năm bắt đầu ra Hà Nội học đến giờ, bu tôi khen ra ngoài học được nhiều cái khôn, về nhà cũng biết ý biết tứ mua đồ hương khói cho các cụ rồi quà cáp cho thầy, cho bu chứ không tồ tồ như cái thời mới lớn.
Thắp hương xong, tôi mở túi đồ lấy hộp thuốc bổ mua về biếu thầy bu. Tôi hớn hở chạy xuống bếp vừa khoe, vừa giải thích công dụng, cách dùng. Bu tôi mừng lắm nhưng vẫn không quên hỏi giá:
– Thế có đắt lắm không? Kiếm tiền vất vả, phải biết tiết kiệm cho có tấm, có món sau còn lấy chồng con ạ. Con mang để lên đầu giường cho bu rồi rải sẵn chiếu ra đi. Đợi thầy con về là dọn cơm ăn luôn kẻo nguội hết thức ăn.
Nghe lời bu, tôi mang thuốc lên để ở góc đầu giường. Căn nhà cũ từ đời ông bà để lại cũng đã sập sệ, dột nát những ngày mưa bão; nói mãi, thầy bu tôi mới đồng ý đập đi xây lại từ hồi đầu năm ngoái. Đồ đạc cũ từ bao năm, bu vẫn tận dụng dùng lại. Chiếc giường cũ đã thay dát mấy lần, một bên chân giường bị gãy phải kê gạch cho cân để nằm, chiếc tủ cũ đã rời bản lề một cánh, bu vẫn để lại để dùng.
Tôi nhớ hồi còn bé vẫn hay đợi lúc thầy bu đi vắng sẽ mở cánh tủ lấy gói thuốc nam của bu ra, mở từng lớp báo cũ để nhón vụng vài miếng cam thảo, vài quả táo khô. Đến khi thấy bu nhăn mặt sau mỗi ngụm thuốc, tôi mới thấy ân hận song vẫn không dám thú nhận với bu. Mấy năm gần đây, tôi chuyển sang mua thực phẩm chức năng, trà thảo mộc và động viên bu ăn nhiều rau xanh, trái cây cho khỏe chứ không muốn bu kỳ cạch trông nồi thuốc nam phải sắc mất hàng tiếng đồng hồ như xưa nữa.
Những đồ vật cũ trong căn phòng của bu gợi lại bao ký ức tươi đẹp về một tuổi thơ không bao giờ có thể trở lại được nữa. Cánh tủ gỗ ép theo thời gian cũng đã cũ mòn như tuổi của bu tôi. Chợt tôi sững sờ bê ra một chiếc khung ảnh trong cánh tủ mối đã xông mòn gần hết.
– Dáng chụp chân dung này, khung ảnh này quen quá! Đây.. đây chẳng phải kiểu ảnh để thờ người đã khuất ư? Sao thầy bu lại chụp ảnh như thế?
Bất giác, tôi chạy xuống bếp hỏi bu:
– Bu ơi bu.. Sao thầy bu lại chụp ảnh rồi đóng khung sẵn như thế làm gì hả bu? Sao lại thế hả bu?
Bu vừa sắp mâm bát, vừa trả lời tôi bằng giọng bình thản:
– Cũng ngoài 60 rồi, người bu đầy bệnh ra thế, biết được sống chết lúc nào đâu. Chụp sẵn lúc còn tươi, còn khỏe chứ chết bất thình lình thì lấy đâu ảnh thờ.
– Bu đừng nói như thế. Con còn chưa lấy chồng cơ mà. Bu còn phải mạnh khỏe đến lúc bế 2 đứa cháu ngoại nữa chứ!
– Thế thì con phải tính đi. Cũng 30 tuổi rồi đấy. Ở quê mấy đứa ngày xưa học cùng con chúng nó con cái mấy đứa rồi. Con không lo liệu sớm thì để thành bà cô à?
Nhìn đồng hồ cũng đã gần 11 rưỡi trưa, bu nhắc tôi gọi điện cho thầy tôi hỏi xem ông về đến đâu rồi. Suốt bữa cơm, tôi cứ vừa ăn, vừa lén lút nhìn vẻ mặt của thầy bu tôi. Càng lớn tuổi, tôi đâm ra áp lực với việc thầy u nhắc chuyện chồng con trong bữa cơm nên cứ im lặng đến khi xong bữa mới thở phào nhẹ nhõm. Trong lúc ngồi xổm ngoài sân giếng rửa bát, tôi chợt nảy ra ý định sẽ mua tặng mẹ một chiếc smartphone mới. Trời vừa tắt nắng, kiếm cớ chạy ra ngoài xóm thăm đứa bạn học cùng cấp 3 mới đẻ con về ngoại chơi, tôi chạy xe ra lên thị trấn sắm một chiếc smartphone mới cóng về tặng bu.
Về tới sân nhà, tôi thấy bu đang ngồi chải tóc ngoài bậc thềm. Một tay trải, một tay bu giữ nắm tóc rụng gần hết, chỉ còn mỏng bằng một cái thít tay trẻ con. Ngồi phệt xuống bậc thềm vạch tìm tóc sâu cho bu, tôi hớn hở khoe:
– Bu, bu. Con lại có quà cho bu đấy. Bu đoán thử đi.
– Mua cho bu bao nhiêu thuốc bổ ra chả tốn ối tiền còn bày vẽ quà gì nữa? Bu chịu, không đoán được.
Tôi cho tay vào trong túi xách lấy ra một chiếc hộp hình chữ nhật:
– Con mua điện thoại cho bu. Smartphone hẳn hoi nhé! Điện thoại mà chạm vào màn hình được ý bu. Để lúc nào ở nhà buồn hay nhớ con, bu gọi điện cho con. Dùng cái này thì có hẳn hình ảnh, bu nhìn thấy con ở Hà Nội đang làm gì, con cũng nhìn để biết ở nhà bu béo gầy, yếu đau hay khỏe mạnh nữa chứ.
Vừa búi gọn lại lọn tóc mỏng hong khô dưới gió trời, bu tôi vừa bùi ngùi xúc động:
– Bu già rồi. Mắt mờ có nhìn thấy chữ, thấy số đâu mà mua điện thoại xịn. Thế có đắt tiền không? Con mua mấy triệu?
Tôi cài đặt bản tiếng Việt và phông chữ LỚN rồi dành cả buổi chiều hướng dẫn bu:
– Bu ơi, bây giờ bu cứ thế dùng thôi. Thế này nhé, khi nào bu cần gọi cho con, bu chỉ việc bấm nút này, bấm tiếp nút này rồi giơ điện thoại lên ngang tầm mặt thế này là nhìn thấy con luôn này! Còn trên góc phải, chỗ này.. – tôi vừa nói, vừa chỉ tay để u nhìn, – .. là pin của điện thoại. Đầy pin là 100%, khi nào điện thoại báo pin yếu còn dưới 15% thì bu cắm sạc để khoảng 1 tiếng là được.
Càng lớn, tôi càng thấy mình nên nhẫn nại. Bu từng kiên nhẫn chăm tôi từ lúc lọt lòng, sao tôi lại có thể mất kiên nhẫn vào lúc hướng dẫn bu dùng smartphone được cơ chứ. Tôi cố gắng thao tác thật chậm và dùng những từ ngữ dễ hiểu nhất để hướng dẫn bu cách dùng. Người lớn tuổi hay tự ái, lúc nào cũng phải nhẹ nhàng, ân cần.
Trưa ngày chủ nhật, bu đãi tôi món rau đay, mồng tơi, mướp hương nấu canh cua, một bát tôm rang, một bát cà muối, một đĩa cá kho với tương. Tôi đánh chén ngon lành ba bát cơm no căng bụng:
– Ngon quá! Lần nào về con cũng chỉ mong được bát canh cua với cà muối bu nấu là ăn no rồi. Con chẳng cần thịt cá gì đâu bu ạ.
Mỗi dịp về chỉ tranh thủ quếnh quáng chiều thứ bảy và một nửa của ngày chủ nhật rồi lại vội vàng đi nên tôi luôn trân trọng những khoảnh khắc quý báu bên cạnh thầy bu tôi. Như mọi lần, tôi chỉ ở nhà đến chiều chủ nhật rồi lại khăn gói quả mướp tạm biệt thầy bu lên thủ đô. Tôi dặn bu cứ ngủ trưa cho khỏe, đầu giờ chiều con đi sớm. Bu cứ ngủ, kệ con. Thế mà cả trưa hôm đó bu không ngủ. Bu sắp sẵn nào gạo, nào thịt, nào rau cho tôi mang đi.
– Mang theo lên đấy nấu mà ăn con ạ. Ăn ngoài có sạch sẽ gì đâu. Mang đi ăn, tiết kiệm đồng nào hay đồng đấy. Nhà mình có thì tội gì lên đấy đi mua.
Lần nào đi cũng vậy, tôi cứ nhìn bu đầy vẻ quyến luyến. Mãi đến khi bu nhắc đi đi kẻo tắc đường, tôi mới lúng túng chào bu rồi vội kéo khẩu trang lên, choàng chiếc kính râm đeo ở ngực áo qua hai bên vành tai. Mắt bu tôi đỏ hoe, giọng nghẹn ngào nói với theo:
– Đi cẩn thận con nhớ. Tới nơi nhớ đánh điện về cho bu đấy!
Tôi khẽ gật đầu. Qua lớp kính râm màu sẫm tối, tôi che giấu sự yếu đuối của mình bên trong. Tôi khóc rồi. Bu vào nhà đi. Bu đừng nhìn theo con. Bu đừng khóc nữa. Tuần nào rảnh rỗi con lại về với thầy bu. Từng câu từng chữ trong lòng tôi, dù chẳng thốt lên thành tiếng nhưng tôi tin bu cảm nhận được trọn vẹn.
Từ quê chạy xe máy lên Hà Nội chừng 1 tiếng 40 phút. Khi tôi đang cong mông đẩy xe lên dốc nhà thì điện thoại đổ chuông. Vội mở ba lô ra lấy điện thoại, tôi vừa giật mình, vừa vui sướng: Bu gọi.
– Á à, bu giỏi thật đấy! Mới đây mà đã thực hành giỏi thế này rồi. Con đây, con đây. Con vừa đẩy xe lên cái dốc nhà thì bu gọi. Bu bấm giờ chuẩn thế nhỉ? Bu chuẩn bị nấu cơm chiều chưa?
– À thì con dạy bấm nút này rồi bấm nút này, bu cứ thế bấm rồi gọi thôi. Con đi đường có mệt không?
Vừa từ nhà phóng xe lên Hà Nội, tính ra cũng xa bu chưa tới 2 giờ đồng hồ mà bu con nhìn nhau qua điện thoại mừng mừng tủi tủi, tâm sự thêm gần 30 phút.
Từ sau hôm hướng dẫn bu dùng smartphone, tối nào cơm nước xong xuôi bu cũng bấm điện thoại gọi cho tôi. Tôi kể cho bu nghe về thời tuổi thơ xa lắc xa lơ. Cái thời tập đi xe đạp ngã rách cả đầu gối quần, thời tắm mưa cởi chuồng, thời cả xóm chỉ có một đứa con gái cũng đi đá bóng cho đủ người, thời được học sinh tiên tiến mẹ mua tặng chiếc Samsung gập, thời vào vụ mùa đeo đèn theo bu đi cấy lúc đêm khuya,.. Mỗi thời vui mỗi kiểu. Mỗi lần nghe tôi nói thỉnh thoảng cũng nên hoài niệm để trân trọng quá khứ và sống tốt hơn lên thì mặt bu tôi trông phấn chấn lắm.
Mỗi tối gọi video về để được nhìn thấy thầy bu qua màn hình điện thoại, tôi chỉ âm thầm gói nhớ thương trong một giọng nói đượm buồn: “Thầy bu ở nhà có khỏe không?”.
Bu cũng hỏi han tôi đủ mọi điều. Con có khoẻ không? Có đi đâu linh tinh không? Ăn uống ra sao? Có mệt mỏi gì trong lòng không? Tôi lại hỏi ngược bu rằng: “Mấy hôm nắng nóng ở nhà bu có đau đầu hay bị tăng huyết áp không? Gần hết thuốc, bu bảo con trước nhé”. Chỉ cần bu nhìn vào màn hình điện thoại cười tươi rói: “Thầy bu ở nhà khỏe lắm” thì mọi mệt mỏi trong tôi đều tan biến!
Buổi tối, bên mâm cơm trống trải chỉ có một mình, tôi lại nức nở nước mắt chan cơm. Tôi nhớ thầy, nhớ bu tôi quá! Nhớ những chiều thứ Bảy tan làm vội vã phóng xe về nhà. Thấy con về, bu tôi tươi vui, nói cười, thầy tôi ăn nhiều hơn do bữa nay con gái vào bếp mà thấy tôi lòng yên bình lạ. Để những khi đêm về, tôi ngó xuống phòng của bu, dắt lại màn chiếu cẩn thận rồi mới yên tâm đi ngủ. Nghĩ đến những gương mặt người thân chìm trong giấc no tròn mà thấy lòng ấm áp. Đúng thế, ở một nơi ấm áp, người ta thường cảm thấy bình tâm và êm đềm. Chẳng nơi nào yên bình như khi về nhà và êm đềm cho bằng tấm lòng của bu.
Đêm an yên, cho tôi mơ về một người phụ nữ tuổi ngoài sáu mươi, tay cầm chiếc smartphone với đầy đủ tiện ích, chức năng nhưng những gì bu quan tâm chỉ là khi nhớ con cái, “phải bấm nút này, bấm tiếp nút này rồi giơ điện thoại lên ngang mặt” đợi nhìn thấy tôi qua màn hình cảm ứng là đủ.
Bạn đang đọc tác phẩm tham gia cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh!” được tổ chức từ ngày 05.11.2022 đến 05.01.2023. Bạn có thể quét mã QR bên cạnh hoặc truy cập vào đây để tham gia cuộc thi. Ngoài ra, bạn cũng có thể xem các cuộc thi khác đã hoặc đang được tổ chức tại Cộng đồng Cây Bút Trẻ Việt Nam tại đây.
————— |
© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép của tác giả hoặc bằng văn bản của CBT Việt Nam. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn! |
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM |
Danh sách thành viên | Giới thiệu chung | Quy định hoạt động |
Các câu hỏi/đáp về CBT | Trang vàng Cộng đồng | CÂY BÚT TRẺ AUDIO |
0 Comments