Adam, Eva, trái cấm vườn địa đàng và phê bình luân lí học văn học


Trích đoạn bức tranh “Adam và Eva trong vườn địa đàng” của họa sĩ Johann Wenzel Peter vẽ năm 1814

1. Adam và Eva xuất hiện trong Sáng thế kí – sách mở đầu Cựu Ước nói riêng, Kinh Thánh nói chung. Hai nhân vật này gắn liền với sự kiện con người sa ngã, nghe lời xúi giục của con rắn, ăn trái cấm, nhận ra mình trần truồng và trốn tránh Thiên Chúa. Hậu quả là Adam và Eva đã bị Thiên Chúa đuổi khỏi Eden với những phán nguyền trừng phạt. Câu chuyện này đã trở nên phổ biến không chỉ với các tín hữu tôn giáo mà còn trở thành một mã văn hóa phổ quát trong nhiều cộng đồng, bước vào cuộc sống, vào văn chương nghệ thuật. Với các nhà phê bình luân lí học văn học, câu chuyện Adam, Eva và trái cấm vườn địa đàng lại trở thành một chất liệu để kiến giải lí thuyết của trường phái này về bản chất luân lí của nhân loại.

2. Phê bình luân lí học văn học (Ethical Literary Criticism) là một trường phái phê bình văn học có tuổi đời khá trẻ, chỉ khoảng mười lăm năm, bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc từ năm 2004 với tên tuổi của nhà nghiên cứu Nhiếp Trân Chiêu khi ông công bố bài viết Phê bình luân lí học văn học: Tham số mới cho phương pháp phê bình văn học (Ethical Approach to Literary Studies: A New Perspective) trên số 5 của tạp chí Nghiên cứu văn học nước ngoài (Foreign Literature Studies). Trong bài báo khoa học này, giáo sư Nhiếp phân tích cơ sở lí thuyết, đối tượng và nội dung nghiên cứu của phê bình luân lí học văn học, đồng thời nhận diện loại hình phê bình này trong văn học Hi Lạp và La Mã cổ đại, rồi đi đến kết luận rằng lịch sử văn học tồn tại một phương pháp được gọi là “phê bình luân lí học văn học” nhưng chưa ai từng đặt tên cho nó. Thời điểm đó, Nhiếp Trân Chiêu khiêm tốn phát biểu: “Khi thử nghiệm vận dụng phê bình luân lí vào nghiên cứu văn học phương Tây, chúng tôi chỉ hi vọng thông qua luân lí học kiến lập một diễn đàn phê bình học thuật, cung cấp thêm một tham số cho phê bình văn học, đề xướng một phương pháp và hướng đi mới cho phê bình văn học”(1). Nguyên nhân khiến Nhiếp Trân Chiêu cố gắng đề xuất một phương pháp mới cho văn giới xuất phát từ cả ngoại tại lẫn nội tại, cả chủ quan lẫn khách quan. Những phân tích có tính thử nghiệm của học giả này lấy chất liệu từ văn học phương Tây – cái nhìn hướng ngoại – ở thời điểm mà phê bình luân lí Hoa Kì nói riêng và phê bình luân lí phương Tây nói chung đã ở giai đoạn thoái trào hoặc đang tìm cách hòa nhập với các phương pháp phê bình khác. Từ cái nhìn hướng nội, Nhiếp Trân Chiêu cho rằng có sự xuống cấp của nền phê bình văn học Trung Quốc cuối thế kỉ XX – đầu thế kỉ XXI, đặc biệt là sự thiếu khuyết đạo đức học văn học, dẫn đến hình thành hai khuynh hướng: 1/ phê bình rời bỏ văn học, và 2/ phê bình thiếu giá trị đạo đức, luân lí. Khuynh hướng thứ nhất triệt tiêu mối quan hệ hữu cơ giữa chủ thể nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu (tức văn bản văn học). Khuynh hướng thứ hai bỏ qua vai trò xã hội cần thiết của văn học. Theo Nhiếp Trân Chiêu, đây đều là hệ quả của quá trình phát triển kinh tế xã hội mà Trung Quốc tạo ra sau cải cách khai phóng bắt đầu từ những năm 80 của thế kỉ XX. Sự ra đời của phê bình luân lí học văn học nhằm nỗ lực chống lại các khuynh hướng phương hại đến cả xã hội và văn học nói trên. Bên cạnh đó, sáng tạo ra phê bình luân lí học văn học cũng là cách thể hiện nhu cầu đối thoại với phê bình văn học phương Tây của văn giới Trung Quốc. Nhiếp Trân Chiêu đã đặt ra một câu hỏi mang “tính Trung Quốc” rất rõ ràng: “Chúng ta không thể phủ nhận cống hiến của lí luận và phương pháp phê bình văn học phương Tây ở Trung Quốc, cũng không thể phủ nhận những tiêu chuẩn phương Tây cả về lí luận và phê bình văn học mà chúng ta vận dụng (như danh từ, thuật ngữ, khái niệm và tư tưởng) đã giúp chúng ta thuận tiện trong việc đối thoại, giao lưu và kết nối trong nghiên cứu văn học với phương Tây, tuy nhiên, không thể không nghiêm túc suy nghĩ: Tại sao lại thiếu đi sự tham dự của chúng ta trên phương diện bản quyền sáng tạo và quyền phát ngôn về phương pháp phê bình văn học? Vì sao trong thành tựu lí luận và phương pháp phê bình văn học lại không có cái mới và cống hiến của chính chúng ta?”(2). Nhiếp Trân Chiêu công nhận đóng góp của các lí thuyết, phương pháp của “kẻ khác” nhưng vẫn muốn công khai đòi quyền can dự, quyền sáng tạo được-thừa-nhận của chính mình. Nhu cầu này đã thúc bách giáo sư này cùng đồng nghiệp nỗ lực tự làm mới và tìm kiếm địa vị mới trong học giới, cả trong nước lẫn quốc tế: Nhiếp Trân Chiêu với phê bình luân lí học văn học; Tào Thuận Khánh với biến dị học văn học so sánh (Variation Theory of Comparative Literature); Lý Thiết Tranh, Lý Nghiêu, Trâu Kiến Quân với phê bình địa lí học văn học (Literary Geography Criticism)… Từ thực tế này, khi xem xét ý nghĩa “tham số mới”, “phương pháp và hướng đi mới” của phê bình luân lí học văn học, chúng ta nhận thấy, về bản chất đây không phải là một lí thuyết mới hoàn toàn mà nó là sản phẩm của cải cách, làm mới lí thuyết trước những yêu cầu thực tế. Về cơ bản, phê bình luân lí học văn học là sự sáng tạo trên cơ sở kết hợp phê bình luân lí phương Tây và đạo đức học truyền thống của Trung Quốc. Để khẳng định được cái mới của mình, phê bình luân lí học văn học cố gắng tách biệt nó với phê bình đạo đức truyền thống trước hết ở phương diện thuật ngữ. Lí thuyết của Nhiếp Trân Chiêu sử dụng thuật ngữ “phê bình luân lí học văn học” (ethical literary criticism) để thay thế thuật ngữ “phê bình luân lí” (ethical criticism) đồng thời phân biệt với “phê bình đạo đức” (moral criticism). Phê bình luân lí học văn học lấy đạo đức học văn học làm phương pháp luận cho mình, đề cao vai trò quan trọng của giáo dục, giáo huấn và xem đây là chức năng cơ bản của văn học. Khác với phê bình đạo đức truyền thống, phê bình luân lí học văn học không phải là những đánh giá đạo đức một cách giản đơn mà chú trọng vào chính bản thân văn học cũng như yêu cầu nhà phê bình đứng trên hiện thực luân lí, lập trường luân lí để bình giá văn học. Nhiếp Trân Chiêu viết: “Phê bình luân lí học văn học khác với phê bình đạo đức truyền thống, nó không đứng ở lập trường đạo đức của ngày hôm nay để phán đoán một cách đơn giản giá trị đạo đức của văn học quá khứ tốt hay xấu mà nó nhấn mạnh đến việc trở về bối cảnh luân lí của lịch sử, đứng trên lập trường luân lí của thời đại để lí giải và phân tích tác phẩm văn học, tìm ra những nguyên nhân luân lí khách quan của sự hình thành văn học, đồng thời lí giải nó hình thành như thế nào, phân tích các yếu tố luân lí tạo ra các sự kiện xã hội, ảnh hưởng đến số phận nhân vật trong tác phẩm; dùng quan điểm luân lí để lí giải các vấn đề sự kiện, nhân vật văn học, từ góc độ lịch sử đưa ra bình giá đạo đức”(3). Lập trường và hiện thực luân lí mà phê bình luân lí học văn học yêu cầu phải gắn với bối cảnh cụ thể, lịch sử đương thời của văn học. Chính đặc điểm này đã giúp cho phương pháp của Nhiếp Trân Chiêu tránh được võ đoán, gượng ép, chủ quan khi nghiên cứu, phê bình văn học, đồng thời cũng giải quyết được hiện tượng li khai giữa văn học và bối cảnh lịch sử, luân lí trong giới phê bình văn học Trung Quốc cuối thế kỉ XX – đầu thế kỉ XXI.

3. Phê bình luân lí học văn học được “cha đẻ” của nó, Nhiếp Trân Chiêu, định nghĩa một cách cụ thể như sau: “Phê bình luân lí học văn học là một phương pháp dùng để đọc, phân tích và lí giải tác phẩm văn học, nghiên cứu tác giả và các vấn đề văn học từ góc độ luân lí học. Tư tưởng cơ bản của phương pháp này đó là, văn học về bản chất là nghệ thuật của luân lí vì nó là sự biểu đạt đặc thù những ý tưởng luân lí và đời sống đạo đức trong những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Văn học không phải là nghệ thuật ngôn từ mà là nghệ thuật của văn bản do văn tự tạo thành. Nó không phải là hình thái ý thức xã hội hay hình thái thẩm mĩ mà là hình thái vật chất do sự tồn tại của văn bản chữ nghĩa. Giáo dục hay giáo huấn là thuộc tính cơ bản và cũng là chức năng hàng đầu của văn học trong khi cảm thụ thẩm mĩ là thuộc tính và là chức năng thứ yếu phục vụ cho thuộc tính và chức năng đầu tiên”(4). Có thể thấy, Nhiếp Trân Chiêu và phê bình luân lí học văn học muốn khẳng định sự sáng tạo và cái riêng của mình, dùng luân lí làm xuất phát điểm để giải quyết các vấn đề văn học. Đối với quan điểm văn học xuất phát từ lao động, phê bình luân lí học văn học đưa ra “thuyết biểu đạt”, cho rằng sự ra đời của văn học bắt nguồn từ nhu cầu biểu đạt luân lí của con người, động lực sáng tác văn học xuất phát từ khát vọng chia sẻ kinh nghiệm đạo đức của nhân loại. Đối với quan điểm văn học là nghệ thuật ngôn từ, phê bình luân lí học văn học đưa ra “thuyết văn bản”, cho rằng quan điểm này đã bỏ qua cơ sở văn bản của tồn tại văn học, chỉ có văn bản do văn tự, kí hiệu tạo nên mới có thể hình thành phương tiện truyền đạt cơ bản của văn học, do vậy, văn học là nghệ thuật của văn bản. Đối với quan điểm văn học là hình thái ý thức xã hội hoặc hình thái ý thức thẩm mĩ, phê bình luân lí học văn học đưa ra “thuyết vật chất”, cho rằng văn học lấy văn bản làm phương tiện truyền đạt, thông qua văn bản vật chất cụ thể để tồn tại, do đó về mặt bản chất, văn học là một hình thái vật chất cụ thể chứ không phải hình thái ý thức trừu tượng. Đối với quan điểm văn học là nghệ thuật thẩm mĩ, bản chất hoặc chức năng hàng đầu của văn học là thẩm mĩ, phê bình luân lí học văn học đưa ra “thuyết giáo dục”, cho rằng mục đích và chức năng của văn học từ khởi nguyên không phải là thẩm mĩ mà chính là giáo dục/giáo huấn đạo đức, luân lí… Đối tượng và nội dung nghiên cứu của phê bình luân lí học văn học xoay quanh các phương diện luân lí trong mối quan hệ giữa tác giả và sáng tác văn học, độc giả và tác phẩm văn học… Nói cách khác, phương pháp này bao hàm một phạm vi đối tượng nghiên cứu rất rộng, chủ yếu tập trung vào khía cạnh luân lí trong mối tương quan với sáng tác văn học, tiếp nhận, nghiên cứu, phê bình văn học, từ đó cung cấp cho người đọc những giá trị luân lí, đạo đức, giáo huấn, giáo dục.

Phê bình luân lí học văn học xây dựng một hệ thống thuật ngữ chuyên môn của riêng mình như hoàn cảnh luân lí, trật tự luân lí, chọn lọc/lựa chọn tự nhiên, chọn lọc/lựa chọn luân lí, cấm kị luân lí, lưỡng nan luân lí, nhân tố Sphinx, nhân tố nhân tính, nhân tố thú tính, văn bản não… Trong hệ thống này, chọn lọc/lựa chọn luân lí là khái niệm trung tâm, chiếm vị trí hạt nhân của lí thuyết này.

Nhiếp Trân Chiêu cho rằng, vấn đề lớn nhất của nhân loại trong quá trình phát triển văn minh loài người chính là làm cách nào để phân biệt giữa người và vật. Phê bình luân lí học văn học giải quyết câu hỏi này bằng cặp khái niệm “chọn lọc tự nhiên” (natural selection) và “chọn lọc luân lí” (ethical selection). Trong đó, chọn lọc tự nhiên là quá trình chọn lọc mang tính sinh vật hoàn toàn, giúp con người có được hình dạng người. Tuy vậy, chọn lọc tự nhiên chỉ mới tạo ra những thực thể mang hình dạng người chứ chưa phải là con người thực sự. Sau khi có được hình dạng người, nếu muốn phân biệt được chính mình với các loài khác, nhân loại phải trải qua quá trình chọn lọc thứ hai, tức chọn lọc luân lí. Thuyết tiến hóa của Darwin chỉ mới chứng minh được quá trình chọn lọc sinh vật tính, giải thích được làm cách nào động vật trở thành người ở phương diện hình dáng với sự phát triển của đôi tay, hai chân, mặt, giác quan… chứ chưa lí giải được điều gì khiến một thực thể mang hình dáng người trở thành một con người thực sự. Nghĩa là câu hỏi “Vì sao con người lại là con người?” hay “Làm cách nào phân biệt về bản chất giữa người và vật?” vẫn chưa được trả lời một cách thấu đáo. Engels, dựa trên phát kiến của Darwin đồng thời tiến xa hơn một bước, đã đưa ra câu trả lời bằng thuyết lao động. Tuy nhiên, Nhiếp Trân Chiêu cho rằng cách lí giải của Engels chưa thực sự thỏa đáng: “Lao động không phải bản thân con người, lao động chỉ là một điều kiện bên ngoài hoặc một dạng năng lực mà con người sở hữu trong quá trình tiến hóa của nhân loại. Do vậy, dùng lao động để giải thích khác biệt về bản chất giữa người và các động vật khác vẫn chưa thực sự trả lời được vấn đề làm cách nào để phân biệt giữa người và vật”(5).

4. Xuất phát từ chỗ chưa triệt để của Darwin và Engels, phê bình luân lí học văn học cố gắng giải thích vấn đề này thông qua hai quá trình chọn lọc, một mang tính tự nhiên (sinh vật tính) và một mang tính luân lí. Để tìm minh chứng cho khái niệm của mình, Nhiếp Trân Chiêu truy nguyên Kinh Thánh thông qua câu chuyện về Adam và Eva như đã đề cập ở đầu bài viết. Thiên Chúa đã tạo ra Adam, Eva cùng muôn loài trong vườn địa đàng và vạn vật đều bình đẳng từ khởi nguyên bất kể khác biệt hình dạng. Adam, Eva và các loài động vật đều có được hình dạng của mình thông qua quá trình chọn lọc lần đầu – chọn lọc tự nhiên. Sau đó, Adam và Eva đã trải qua quá trình chọn lọc lần hai bằng việc ăn trái cấm trong vườn địa đàng. Trái cấm thực chất là trái của cây Thiện – Ác mà Thiên Chúa đã cấm con người không được đụng đến. Con rắn ở Eden, với vai trò là kẻ xúi giục, đã khiến Eva rồi Adam ăn trái cấm. Kết quả là từ chỗ bình đẳng với quần thể vườn địa đàng, Adam và Eva đã có trí tuệ và đặc biệt là khả năng phân biệt thiện – ác. Điều đầu tiên họ nhận ra chính là sự khác biệt rất lớn trên cơ thể mỗi người và để vượt qua nỗi xấu hổ họ đã lấy lá cây che đậy thân thể trần truồng của mình. Cảm giác xấu hổ cho thấy Adam và Eva đã có nhận thức, đã có ý thức. Chính từ đây, Adam và Eva, từ những cá thể mang hình dạng người đã trở thành những con người thực sự và phân biệt mình với những sinh vật ở Eden. Thiên Chúa ngăn cấm con người ăn quả trên cây Thiện – Ác, đó chính là một “cấm kị luân lí” (ethical taboo) nhưng Adam và Eva đã không tuân lời, hành động của họ là một “lựa chọn luân lí” (ethical choice). Thiên Chúa nói: “Giờ thì con người cũng như chúng ta, đã biết được thiện – ác”(6). Hai con người của Chúa đã ăn trái trên cây trí tuệ và có thể phân biệt được thiện – ác cũng như hoàn thành lựa chọn luân lí của mình, từ những cá thể sinh vật tính trở thành những cá thể luân lí tính. Do đó, phê bình luân lí học văn học xem khả năng phân biệt thiện – ác là “tiêu chuẩn xác định con người”: “Khái niệm thiện – ác xuất hiện đồng thời với ý thức luân lí. Thông thường, thiện – ác không dùng để đánh giá vật mà chỉ dùng để đánh giá người, là khái niệm đặc hữu để đánh giá con người. Do đó, thiện – ác là cơ sở luân lí của con người”(7).
Chọn lọc tự nhiên và chọn lọc luân lí hoàn toàn không giống nhau – chọn lọc lần một là chọn lọc hình thức người, chọn lọc lần sau là chọn lọc bản chất người. Trong cuốn sách Giới thiệu phê bình luân lí học văn học (Introduction to Ethical Literary Criticism) xuất bản năm 2014, Nhiếp Trân Chiêu khẳng định: “Toàn bộ lịch sử văn minh của nhân loại chính là lịch sử lặp lại không ngừng chọn lọc tự nhiên và chọn lọc luân lí”(8). Chọn lọc là quá trình tổng thể, quá trình toàn bộ được tạo thành từ vô số các lựa chọn luôn luôn diễn ra trong một cá thể. Với tư cách là một đơn vị tồn tại, mỗi cá thể người đều phải trải qua rất nhiều lựa chọn luân lí để giúp họ hoàn thành quá trình chọn lọc luân lí và trở thành một sinh thể luân lí như Adam và Eva đã làm. Đây chính là khái niệm cơ bản mà phê bình luân lí học văn học muốn đối thoại với Darwin trong việc lí giải bản chất người của nhân loại cũng như trả lời cho câu hỏi “Vì sao con người lại là con người?”.

5. Tính đến năm 2018, đã có tám hội thảo quốc tế về phê bình luân lí học văn học được tổ chức, trong đó có bốn lần diễn ra ở Trung Quốc (2005, 2012, 2013, 2014) và bốn lần ở nước ngoài (Hàn Quốc, 2015; Estonia, 2016; Anh, 2017; Nhật Bản, 2018). Từ năm 2015, những người theo đuổi phê bình luân lí học văn học đã cố gắng đưa lí thuyết này “xuất ngoại” và tìm kiếm sự công nhận rộng rãi của học giới quốc tế. Các học giả Trung Quốc cũng không che giấu khát vọng thực hiện “Trung Quốc mộng” thông qua con đường văn học; và phê bình luân lí học văn học, một cách đặc biệt, sẽ là công cụ khả dĩ để phát triển văn học nghệ thuật nói riêng, xã hội nói chung.

Con đường phát triển của phê bình luân lí học văn học là hành trình đi từ khởi tạo lí thuyết đến thực hành, từ chỗ thử nghiệm với văn học phương Tây đến áp dụng cho mọi không gian văn học, từ điểm xuất phát là kịch đến mọi thể loại văn học… Với các thuật ngữ có tính hệ thống và khoa học, phê bình luân lí học văn học đem đến cho các nhà nghiên cứu, phê bình thêm một lựa chọn trong bình giá văn học. Ngoài ra, với việc quay trở lại đối tượng bản mệnh của nghiên cứu, phê bình là văn bản văn học cũng như nhấn mạnh đến lập trường luân lí, đề cao chức năng giáo dục/giáo huấn của văn học, phê bình luân lí học văn học đang cố gắng xây dựng một công cụ nhân văn mới cho văn giới. Dù vậy, hành trình của phê bình luân lí học văn học vẫn chưa hoàn kết, nó đang tiếp tục tái tư duy về các khái niệm đã định hình, tiếp tục khám phá các khía cạnh mới, kết hợp với các lí thuyết khác theo hướng liên ngành cũng như tự điều chỉnh để hoàn thiện hơn.

 ____

1. Nhiếp Trân Chiêu, Phê bình luân lí học văn học: Tham số mới cho phương pháp phê bình văn học, tạp chí Nghiên cứu văn học nước ngoài, số 5/2004, tr.23-24.
2. Nhiếp Trân Chiêu, Phê bình luân lí học văn học: Lí luận và thuật ngữ cơ bản, tạp chí Nghiên cứu văn học nước ngoài, số 1/2010, tr.13.
3. Nhiếp Trân Chiêu, Phê bình luân lí học văn học: Lí luận và thuật ngữ cơ bản, tlđd, tr.14.
4. Nhiếp Trân Chiêu, Phê bình luân lí học văn học: Lí luận và thuật ngữ cơ bản, tlđd, tr.12.
5. Nhiếp Trân Chiêu, Phê bình luân lí học văn học: Lựa chọn luân lí và nhân tố Sphinx, tạp chíNghiên cứu văn học nước ngoài, số 6/2011, tr.2.
6. Kinh Thánh, “Sáng thế kí”, chương 3, đoạn 22.
7. Nhiếp Trân Chiêu, Phê bình luân lí học văn học: Lựa chọn luân lí và nhân tố Sphinx, tlđd, tr.4.
8. Nhiếp Trân Chiêu, Giới thiệu phê bình luân lí học văn học, Nxb Đại học Bắc Kinh, 2014, tr.6.

Theo Nguyễn Anh Dân (VNQĐ)

Bình Luận

© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép bằng văn bản của chúng tôi. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm  đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn!
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM
Danh sách thành viên Giới thiệu chung Quy định hoạt động
Các câu hỏi/đáp về CBT Trang vàng Cộng đồng CÂY BÚT TRẺ AUDIO

0 Comments

Leave a Reply

You must be logged in to post a comment.

Em tìm lại mình trong màu nắng Tháng Tư Nơi khoảng trời dường như chỉ một màu trong suốt Cánh đồng Loa kèn khoác á...
Căn phòng bỗng chùng chình Tiếng xì xầm, to nhỏ Áo trắng hồn nhiên quá Khung cửa nhìn Lo ra … Phố ngoài kia hố...
Ta đọc lại bài thơ đêm qua rồi bật khóc Muộn chiều nay…bụng đói cồn cào Những ngày cuối năm thiên hạ xôn xa...
Người nơi ấy giờ xa xôi quá Chẳng thể gần cho thỏa ước mơ Nụ Xuân e ấp đợi chờ Gửi trong muôn nẻo tình thơ t...
Trời lành lạnh, gió tạt vào lòng nghe buốt rát Những chiếc lá vàng rơi lững thững phía triền đông Con vẫn tha hươ...
Gác nhỏ đêm nay một mình ta Nhìn hoa tuyết rụng trắng sân nhà Đêm khuya lạnh lẽo nghe trong gió Chợt thấy giai n...
Nhằm điều chỉnh một số định hướng hoạt động mới, Cộng đồng Cây Bút Trẻ Việt Nam thông báo về một số thay đổi với thành viên (sẽ có hiệu lực thực hiện từ ngày 30/1/2024) như sau: ĐỐI VỚI THÀNH VIÊN ...
Sau thời gian hơn 04 tháng diễn ra, cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh” đã nhận được tất cả 40 bài tham gia dự thi của 40 tác giả. Trong đó, có 33 bài dự thi được duyệt qua vòn...
Lâu lắm rồi mình chẳng viết được gì cả, không nổi một câu thơ, chẳng vẹn một ý truyện. Thỉnh thoảng, những đêm buồn như thế này, mình lại ngồi đọc những bài viết được đăng tải trên website, đọc nhữ...
Tạm biệt mái trường – Thơ Hương Tràm
Tôi tìm nhặt cánh Phượng rơi Mùa hạ đã đến, chợt trời đổ mưa Đâu rồi Hạt nắng lưa thưa Ve ngân h...
Kết quả cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh!”
Sau thời gian hơn 04 tháng diễn ra, cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh” đã n...
Những điều Má không kể…!
Nó nhớ lúc nhỏ thứ quen thuộc nhất là bóng lưng của má. Đi đâu má cũng chở nó theo trên cái xe đ...
Mùa xuân có một thiên thần…
Thế rồi, mùa xuân năm ấy có một Thiên thần, đã mãi bay đi. Mẹ đã xa rời chúng tôi, không một lời...
Chị ấy tên là Hồng, biệt danh là Pink!
Cho dù câu chuyện có đang đi vào bế tắc, chỉ cần chị nói vài câu là mọi thứ sẽ vui vẻ. Chị biết ...
Ước mơ của Mẹ!
Xin lỗi mẹ vì có những lúc khiến mẹ phải buồn, con luôn muốn nói với mẹ dù con ngại ngùng đôi ch...
Thứ Ba, Tháng Tư 16, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Năm, Tháng Hai 08, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Hai 07, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Ba, Tháng Hai 06, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Một 22, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Một 21, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Năm, Tháng Một 11, 2024 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 31, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 31, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Mười Hai 25, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 23, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 23, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Một 05, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Một 04, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Sáu, Tháng Chín 29, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Chủ Nhật, Tháng Chín 24, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Chín 18, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Chín 17, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Chín 13, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Tư, Tháng Chín 06, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Tư, Tháng Tám 30, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 28, 2023 CÂY BÚT TRẺ Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 28, 2023 CÂY BÚT TRẺ Thơ
Chủ Nhật, Tháng Tám 27, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Tám 23, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 21, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 14, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Tám 05, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thông tin - Kiến thức
Thứ Ba, Tháng Tám 01, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Ba, Tháng Bảy 25, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Sáu, Tháng Sáu 30, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Tản văn
Thứ Hai, Tháng Sáu 26, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Năm, Tháng Sáu 01, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Năm 20, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Năm 15, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ