“Bố cũng là lần đầu tiên làm bố” – Trinh Lê
“Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố.”
Dạo gần đây mọi người thường có những bài viết về câu thoại trên. Có người đồng tình, có người thì lại không. Mình tin dù là ai thì cũng có những lí lẽ riêng mà bản thân theo đuổi. Nhưng đa số đều là sự đồng tình cùng quan điểm “Hãy thông cảm cho bố mẹ”.
Bản thân mình rất đồng tình với quan điểm trên, nhưng câu thoại ấy thì không. Có lẽ do mình quá cứng nhắc, hoặc có lẽ do mình chưa từng làm bố mẹ, khó có độ sâu sắc để cảm nhận câu thoại trên. Xét trên phương diện chung nhất, mình là một con người, và mình chỉ có những cảm nhận nguyên thủy nhất.
Chúng ta là những diễn viên cho chính cuộc đời của mình, ra đường phải đóng vai một người tri thức, về nhà đóng vai một người cha, một người chồng,… Trong quy định của thiết chế xã hội ấy, có những lần chúng ta diễn không trọn vẹn nhân vật mà mình phải đóng, và câu nói ta thốt lên “lần đầu mà”. Đúng, đó có thể là lần đầu, nhưng bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn những lần đầu ấy. Cha mẹ có thể đã từng là con, nhưng con chưa bao giờ là cha mẹ cả. Bố là lần đầu làm bố, bố không phải vừa sinh ra đã là bố nhưng bố có quyền được lựa chọn việc bố có là bố hay không, còn con không có quyền được chọn là con hay không, vì lẽ con đến với thế giới này hay không, không do con quyết định.
Vậy vấn đề đặt ra là, trong một khoảng thời gian rất dài, trước khi con đến với thế giới này (hay nói cách khác là bố trở thành bố), bố đã có quyền học cách làm bố, bố hoàn toàn có thể chuẩn bị hành trang trước cuộc dấn thân vào con đường này. Nếu bố có được tâm lý ấy, có lẽ bố đã không mắc phải những lỗi lầm khó quên.
Hoặc chí ít, bố cũng sẽ không để con chịu tổn thương mà ông đã gây ra với bố. Dĩ nhiên, lí thuyết và thực tế là hai điều cách biệt, giữa chúng cần có cái gọi là kinh nghiệm mà chỉ nhận được qua những vấp ngã và dần hoàn thiện qua thời gian. Nhưng những lúc ấy, bố nên nói gì với con? Liệu có phải là câu nói như sự bao biện rằng “đây là lần đầu của bố, con không thể quá đòi hỏi ở bố, hãy chấp nhận và bỏ qua đi”? Không. Con quá “non” để hiểu được điều ấy. Bố hãy nói “bố xin lỗi, lần sau chúng ta hãy cố gắng làm tốt hơn con nhé”.
Nói ra điều này, có thể là do mình ích kỉ, nhỏ nhen. Nhưng thực chất, con cái chẳng bao giờ muốn khước từ tình cảm gia đình cả, và hiển nhiên chúng cũng chẳng để tâm cha mẹ đã thương tổn chúng nhiều như thế nào, mà là họ vá những vết thương ấy ra sao. Trong quá trình ấy, con sẵn sàng là mũi kim rẽ lối, bố mẹ hãy là sợi chỉ để làm khít lại những vết hở ấy.
Và điều mà mình muốn nói là, bất cứ ai cũng có quyền lựa chọn để trở thành bố mẹ. Vì thế, hãy chỉ làm bố mẹ khi bạn đã sẵn sàng, để giảm tối thiểu thương tổn mà bạn sẽ gây ra cho con trẻ. Cũng hãy để con đến với thế giới này trong sự hân hoan, chào đón chứ không phải là trường hợp ngoài ý muốn, là “lỡ rồi”. Mỗi suy nghĩ, hành động của bạn, bạn đều phải có trách nhiệm tuyệt đối với chúng.
© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép bằng văn bản của chúng tôi. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn! |
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM |
Danh sách thành viên | Giới thiệu chung | Quy định hoạt động |
Các câu hỏi/đáp về CBT | Trang vàng Cộng đồng | CÂY BÚT TRẺ AUDIO |
0 Comments