Khoảng trời màu trắng
Hôm nay bầu trời xanh như màu áo em mặc hôm chia tay mùa hạ cuối, phượng vẫn ngời lên sắc đỏ như bao lần, nắng hanh hao đủ cứa vào lòng người một chút nhớ trong chút quên. Mười năm lang bạt kỳ hồ, bao thành phố em đã đi qua với những âm thanh ồn ã náo nhiệt, với những sắc màu rực rỡ, cả ánh sáng tràn ngập không gian, lung linh, xôn xao và quyến rũ, em đã nghĩ mình chạm đến ước mơ, với niềm kiêu hãnh ấy, em đem ra đối diện với cuộc đời, thách thức và khỏa lấp một khoảng trời màu trắng trong em. Nhưng sau cái mười năm ấy, em lại đi “khất thực” về niềm tin và hoài vọng về những năm tháng mình trốn chạy, chối bỏ, em nhận ra mình mãi chỉ là loài dã tràng dập dình ngoài cửa bể, làm chi có chân trời mà đi?
“Có ai đó dọn sẵn cho ta cánh cửa cuộc đời không? Có chăng là ai đó chỉ cho ta một lối đi! Có ai cho ta một nơi hạ cánh an toàn không? Có chăng là những người luôn yêu thương ta, họ luôn mong muốn ta tìm được chân trời bình yên. Nhưng thế nào là hai chữ “yên bình”? . Sống phẳng lặng! Sống không va chạm! Sống đủ đầy vật chất như em của hiện tại hay sao?”
Ngày hôm ấy, em đã chất vấn với thầy về giá trị của cuộc sống, về cậu chuyện của tương lai như thế. Thầy chỉ mỉm cười xoa đầu em, mắt nhìn xa xăm như thể em là cả một vùng kí ức hay cả một sự kì vọng của anh.
Thầy, thầy giáo dạy Sử và yêu văn, đam mê hội họa, thầy thường bảo “Con đường đến với lịch sử chính là con đường đi tìm kiếm chính mình. Mỗi cá thể đều mang những vết tích quá khứ của một dân tộc, một thời đại, vết tích ấy có thể thương đau, rỉ máu, nhưng có vết tích lại như đền đài, thành quách thâm trầm, uy nghiêm, sừng sững với thiên thu. Vì vậy, với thầy, nếu lịch sử là nơi trú xứ phận người thì văn chương là nơi an trú niềm tin bất diệt, vốn dĩ đã bị xây xước, tước đoạt bởi những bất trắc của cuộc đời, hội họa là cách giải phóng bản năng, hỏa diệm sơn của mỗi người. Còn khoảng trời màu trắng – bục giảng là nơi mỗi người khi tìm về sẽ thấy chân trời bình yên”.
Thi thoảng những lúc dạy em vẽ, thầy hay triết lí với em như thế, cô bé mười tám tuổi đang xác quyết với con đường hội họa của mình. Những bức tranh em vẽ đều là sắc xanh của khung trời mùa thu với mây trắng phiêu lãng, bềnh bồng. Thầy bảo “Màu vẽ của em đơn điệu và không chân thật, bởi có bao giờ em thấy trời mùa thu miền Trung như thế chưa? Em được bao bọc trong không khí vô trùng như thế này làm sao biết những gam màu đen, tối đầy giông tố ở người kia”.
Em phụng phịu, cãi bướng “Hội họa là một sự tưởng tượng”. Thế nhưng cũng từ đó trong em xáo trộn những dòng chảy phân liệt, có lúc nó đấu tranh dữ dội khiến trái tim em không thể nào thở được. Em theo chân thầy để chứng kiến những câu chuyện đến đau lòng, đến phẫn nộ, đến không làm gì được vì em quá nhỏ bé trong cuộc đời, những câu chuyện đại loại: hôm nay …, tại…, nạn nhân A, B, C…bị giết hại vì cướp, vì ma túy, vì tình và vì nhiều thứ đến ngớ ngẩn khôn lường. Nhưng em đôi khi chỉ biết uất ức, căm tức và chỉ dừng lại vậy thôi. Vì vậy, mùa hè năm ấy, cất vào ngăn kéo tất cả bột màu, thuốc nước, những tấm toan lụa bạch trắng tinh, chỉ mang theo màu áo xanh em ưa thích, từ giã thầy, trốn chạy gia đình, em đi tìm cho mình một đường bay để thấy chân trời.
Một ngày lạnh giữa mùa xuân, một ngày đã qua cho một người nằm xuống, em nhận được mail của thầy.
“Em ngày xưa có còn đó không. Còn ta, đời vẫn thế, đến lớp và về nhà dạy kèm, dạy thêm (phần động học sinh học để thi và phần lớn ta dạy để kiếm tiền). Tự dưng buồn vì tự dưng thèm, phụ thuộc vào vật chất đến thế (không thèm sao được khi ba mẹ chỉ còn trông chờ vào mình ta, và còn bao bạn học trò chưa một lần biết đến một bữa ăn no) nên đâm ra đi dạy thêm, lúc đầu cũng nhiệt huyết gớm nhưng tìm trong ngần ấy đứa chỉ thấy đa số học vì ba mẹ bắt buộc, vì điểm thi đại học chứ không mấy đứa nào học vì muốn biết thêm một phần kí ức của ông cha hay vì yêu ông Nguyễn hay ông Hoàng nào đó, thậm chí nó còn than: có mấy ông đó chi vậy trời, bắt tụi nó học, mệt! Buồn vì có tiền rồi cũng buồn, học trò trả học phí giống trả tiền mớ rau mớ cá, không lẽ bảo: Em gửi vào bì thư cho lịch sự! Mấy ông nhà văn còn bị than phiền vậy mình nói vậy chắc nghĩ mình quái dị. Thôi cứ cười hớn hở khi cầm tiền còn kèm lời cảm ơn rối rít .Ước chi không thèm tiền nữa để nghe lời cảm ơn từ phía người nhận. Tự dưng thèm nghe con nhỏ nói chi về quyển sách, nói chi về bức tranh nào đó dù nói sai cũng được (từ bao giờ mình rộng lòng vậy trời).
Chẳng biết sao khi vui người ta chẳng nghĩ về ai mà khi buồn lại hay nghĩ đến người khác? Em đang vui- buồn? Điều đó có hệ trọng với ai? Còn ta thì đang chênh chao mà chẳng biết trút cùng ai thôi thì vài dòng cho em vậy. Vì biết chắc nơi ấy ta tìm thấy sự bình yên! Cũng chẳng biết sao những ngày em đi, ta càng sân si với đời để thấy lòng trống trải có lúc trống rỗng nhẹ thênh thế này. Thà như em của ngày xưa ngây ngô để còn có gì đó làm niềm tin. Nhưng ta của hiện tại với nhiều điều bất ổn như lòng mình còn nhiều thối tha và tàn ác. Sao không đủ niềm tin vào cái gì vậy trời ! Chẳng yêu hay ghét cái gì đến cạn lòng mà cái gì cũng lửng lửng lơ lơ.”
Lá thư đến giữa lúc em đã chạm đến những đến những mảng đen tối của cuộc đời như thầy từng bảo, nhưng cũng có lúc em dẫm đạp lên nó để bước lên bục thang danh dự, chôn vùi sự cô đơn bằng những bữa tiệc cười nói hả hê, có lúc em đã quên mất nơi trú xứ và an trú, quên mất những vết tích của phận người. Ngày em ra đi, vẫn mang theo cái xáo xác của tuổi mười tám mà khàn giọng hát lên đến kiệt cùng về nỗi đau, miền linh cảm, sự cô đơn, cái oan khiên cả cái rực rỡ của hoàng hôn như một người say rượu nhưng có bao giờ cho mình say.Nhưng rồi năm tháng ngày nắng ngày mưa cũng có lúc quật em tả tơi đến độ gặp mấy cái chậu đen xì chìa ra trước mặt, ánh mắt phiêu hốt mà em vẫn vô ngôn bước qua, có biết bao cái tủn mủn không thủy không chung trong những cái: bữa nay nghe người ta chết vì bão, vì tiêm nhầm vắc xin, vì rắn cắn vì ….hồi xưa sao len lén chùi nước mắt bi chừ buộc một câu: đời là vậy, tồn tại những cái không đâu! Cũng không biết mình làm rơi rớt nhạt phai cảm xúc, cạn khô nước mắt tự khi nào.
“Con về đi, thầy mất rồi, ngày mốt di quan”. Mẹ gọi điện trong lúc em đang đi công tác, trong âm thanh chập chờn vì sóng wifi yếu, em nghe câu được câu mất, có em học trò của thầy bị dụ dỗ tham gia vào đường vào dây buôn bán ma túy, thầy can ngăn nên bị bọn đầu gấu chặn đánh. Thật trớ trêu, em cũng đang đi làm phóng sự về tình trạng thanh, thiếu niên mua bán, sử dụng chất cấm ở vùng cao.
Ngày đưa tiễn thầy, trời miền Trung hanh hao nắng, chẳng có mây trắng bồng bềnh phiêu hốt, cây phượng vẫn ngời lên sắc đỏ, em thôi không mặc chiếc áo màu xanh trong lần gặp cuối. Bức vẽ cuối cùng của thầy em tìm thấy trên giá là khoảng trời màu xanh có mây trắng mùa thu và góc sân trường chưa kịp lên màu.
Mười năm qua, em ra đi an nhiên bởi vẫn tin rằng mỗi người đều có một nơi để đi về, để cất dấu khoảng trời đơn độc, và với em chắc chắn có một người dù làm gì vẫn ở đó luôn dõi theo, bình yên, chờ đợi. Thế nhưng có có một loài chim thiên di không kịp về với mùa xuân nghe nắng mới điểm danh mình. Song có mất mát mới biết quý niềm mong đợi, có thương đau mới biết cái giá của bình yên, em sẽ tô màu góc sân trường thầy để lại, em sẽ đi tìm những vết tích cho riêng mình. Có những thứ trong đời tưởng chừng mịt mù xa xăm như cánh vạc bay thật mỏng nhưng cũng trong trẻo vô ngần với sắc màu khôi nguyên nhất. Có những điều như chiếc lá hoàn nguyên, có những phận người đi qua đời nhau và để mình tìm thấy chân trời luôn có đường bay. Em vẫn tin vào niềm tin rất thật ấy. Vì em biết, chỉ có khoảng trời màu trắng thầy luôn vẽ cho em chính là nơi an trú yên bình nhất.
► Bạn đang đọc bài tham gia thi cuộc thi viết “Nơi ấy trong con” được tổ chức từ ngày 02/10 – 30/12/2024. Quý tác giả, bạn đọc có thể tham dự, gửi bài về hòm thư cuocthiviet.caybuttre@gmail.com . Xem chi tiết về thông tin và thể lệ cuộc thi tại đây. |
© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép của tác giả hoặc bằng văn bản của CBT Việt Nam. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn! |
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM |
Các cuộc thi viết | Podcast Cây Bút Trẻ | Quy định hoạt động |
Cộng đồng Người Nhặt chữ | Trang vàng Cộng đồng | CÂY BÚT TRẺ AUDIO |
0 Comments