Giọng Ba trầm ấm dạy con trưởng thành
Mấy ai xác định được thời gian trôi nhanh đến như thế nào. Mặc dù từng giây từng phút là bất biến nhưng mỗi quãng thời gian ta lại cảm nhận dài ngắn quá khác nhau. Sự trưởng thành nào cũng chằn chịt vết thương, sẹo mới hằn lên sẹo cũ. Nhưng kết quả là trưởng thành. Quay đi ngoảnh lại, lại tới Tết. Tết này nữa là tròn 4 năm ba tôi đi xa. Nhanh quá!
Nhớ lúc còn rất nhỏ, tôi mong ngóng từng cái Tết về. Tết về có tiếng pháo kim lốp đốp, tôi nghe tiếng pháo đã thấy sợ, vậy mà vẫn mong ngóng Tết mau mau tới vì có đồ ăn ngon, có trái cây, được ba mẹ chở đi chơi lòng vòng cúng ông bà dòng họ, lại còn được lì xì. Đến giờ tôi vẫn nhớ mấy bao lì xì của ông bà Ngoại, lúc nào tôi nhận được cũng đều căng phồng tiền lẻ và đong đầy nụ cười hiền hậu của bà Ngoại.
Ngày tôi còn nhỏ, không thể nhớ nổi là hồi mấy tuổi nữa, tôi chỉ nhớ vào vài mùa hè, mẹ tôi hay qua Thị xã Long Xuyên để học đại học từ xa. Tôi lại quấn theo chân ba tôi không rời. Ngày đó, ba tôi thường nằm ngủ trên cái chõng nhỏ ở nhà trước để giữ nhà. Tôi ngủ với ba quen hơi, đến khi mẹ học xong về tôi lại khóc lóc đòi ngủ cạnh ba chứ không chịu gần với mẹ. Có những buổi tối của tuổi thơ xa xăm đó, tôi hay ngồi trên bàn chân của ba, tay chân đều ôm khư khư chân ba để đòi ra ngủ với ba, ba cười xoà nói mẹ để tôi theo ba. Có vài lần, tôi nằm xem tivi với cả nhà rồi ngủ quên, trong mơ mơ màng màng tôi cảm nhận được ba ẵm trên tay, ẵm ra giường rồi đắp mền kỹ lưỡng cho tôi, tôi lại chìm vào giấc ngủ trẻ thơ hiếm khi mộng mị.
Ngủ với ba sẽ không có tiếng hát ru dịu dàng của mẹ nhưng sẽ là những lời chỉ dạy cách giữ ấm bản thân khi trời lạnh, hay những câu chuyện ngày xưa của chính cuộc đời ba trải qua, với chất giọng trầm ấm, ba kể tôi nghe.
Tôi còn nhớ có một lần ba tôi xuống đồng ngủ giữ lúa. Ba dẫn tôi theo bắt dế cho tôi chơi, thả cho tôi chạy băng băng giữa ruộng đồng đang mùa thu hoạch. Tôi leo lên cây rơm nằm nhìn ngắm bầu trời ngàn sao xanh cao thăm thẳm lấp lánh như chiếc bát úp ngược nạm khảm đủ loại đá quý trên đời và nhớ đến những mẫu truyện cổ tích tôi từng nghe kể, từng đọc qua. Trong dòng chảy miên mang của tưởng tượng đó, ba chỉ cho tôi tên gọi từng chòm sao, chỉ cho tôi: “Sao Bắc Đẩu luôn nằm ở hướng Bắc, khi ban đêm mà con không biết mình đang đứng ở hướng nào thì tìm sao Bắc Đẩu, mặt con nhìn về sao Bắc Đẩu là hướng Bắc, tay trái là hướng Tây, tay phải là hướng Đông, sau lưng là hướng Nam…” Mấy mẩu ký ức vụn vặt trên đồng lúa dừng lại ở khung cảnh bầu trời cao trong xanh văn vắt, điểm nhẹ mấy cụm mây trắng lững lờ nơi chân trời xa xa, tôi nằm vắt vẻo trên mấy bao lúa chất chồng, rung lắc đong đưa theo nhịp bánh xe bò kéo lúa về nhà lúc trời chiều man mác.
Cuối những năm Cấp 1 của tôi, ba tôi chuyển sang làm thợ tiện đồ gỗ, nhận gia công các thể loại lục bình, hạt sen, con lơn, song – trụ cầu thang và nhiều món tinh xảo thú vị khác.
Đến khi tôi vào Cấp 2, số lượng môn học tăng lên, khối lượng bài vở nhiều hơn hẳn, tôi không còn nhiều thời gian rong chơi như trước nữa. Mỗi buổi sáng tôi thức dậy, vội vàng rửa mặt trong tiếng máy khung tiện gỗ của ba đều đều vang vang, tôi mặc áo dài rồi ôm cặp đi học, mẹ tôi cũng ôm cặp trên một chiếc xe đạp khác hối hả đi chợ rồi đi dạy. Mỗi ngày của tôi thời đó đơn giản đều đặn trôi qua với tiếng tiện gỗ không ngơi nghỉ của ba. Có lẽ cả thời cấp 2, thú vui nhỏ bé ngoài giờ học là tham gia hội thi Nghi Thức Đội mỗi đợt hè về hay những buổi chiều rảnh tay tôi lại lăng xăng phụ ba xếp song, xếp trụ tay cầu thang giao cho khách hàng. Hay cũng có kha khá nhiều lần, tôi miệt mài ngồi nhìn ba từng nét từng nét tiện ra thành phẩm với những đường cong tinh tế mượt mà rồi chà giấy nhám để làm bóng gỗ trước khi hoàn thiện bước tiện.
Thời đó, ở quê vẫn hay cúp điện, nhất là những đêm mưa càng dễ bị cúp điện. Những đêm mưa năm ấy, cả nhà bốn người vẫn hay quây quần lại bên nhau, ba nằm nghiêng nghiêng gần ngọn đèn dầu đọc sách cho cả nhà nghe. Giọng ba tôi đọc sách vẫn luôn trầm bổng du dương vẽ cho tôi trăm nghìn khung trời trong tưởng tượng. Cũng có vài lần ba mẹ tôi nổi hứng lại cùng nhau kể cho chị em tụi tôi nghe về những ký ức ngày xưa xửa của ba, của mẹ, của làng xã thời trước Giải Phóng, sau Giải Phóng, kể về những ngày gian khó đã qua, rồi dịu dàng ôm ấp chị em tôi trong vòng tay đủ đầy và vững chắc.
Chẳng biết từ lúc nào, tôi quên hẳn đi hoạt động nhổ tóc bạc cho ba mẹ để kiếm tiền công đi ăn hàng, cũng không để ý nhiều đến những nếp chân chim xuất hiện ngày càng nhiều trên đuôi mắt mẹ cha. Chợt nhớ có một lần tôi xin tiền ba để đi học vào buổi sáng, ba đưa tôi 10,500 đồng, tôi bất ngờ nên hỏi lại:
– Sao ba cho con nhiều vậy? 10 ngàn lận.
– Ủa vậy hả, mắt ba mờ, nhìn lộn tờ 10,000 đồng thành tờ 500 đồng đó con.
Lúc đó tôi chỉ ngoan ngoãn đưa lại ba và cầm theo 1.000 đồng để đi học chứ không để ý gì nhiều. Nào có nghĩ rằng ngày mắt ba mờ cũng là lúc bánh xe cuộc đời tưởng như chậm rãi nhưng lại nhanh chóng xoay vòng NHANH – DẦN – ĐỀU.
Ngày tôi vào cấp ba, bắt đầu quãng đường xa nhà, tôi ít dần đi những buổi sáng ngủ dậy trong tiếng tiện gỗ đều đều đó. Xa nhà, thời gian tôi kề cận ba mẹ ngày một ít dần đi. Rồi thì quãng đường ngày một xa dần. Càng đi càng xa…
Hồi đó, chân tôi có 3 nốt ruồi. Ba tôi cứ hay cầm bàn chân tròn vo cười: “Nhỏ này mốt chân đi rồi, đi mút chỉ cà na”. Vì vậy mà ba tôi đã từng cố gắng dạy cho tôi nhiều nhất những gì có thể trong khối kinh nghiệm, kỹ năng sống của ba để tôi dù sau này có ở một mình vẫn sống tốt. Giờ lớn, hình như nốt ruồi lặn đâu mất hết, chắc lắng đọng vào hồn để vác balo đi khắp xứ như sở thích của ba ngày đó.
Ba tôi thích đi du lịch, ba nói:
– Mỗi nơi con đến, hãy nghe người già kể chuyện để biết phong tục nơi đó ra sao mà cư xử cho đàng hoàng, hãy nhìn mấy đứa trẻ con vui chơi và học hành để biết cuộc sống ở đó có bình an và ổn định phát triển hay không.
– Mỗi bước chân tiến xa hơn vào thế giới này, con sẽ luôn thấy bản thân nhỏ bé hơn giữa trời và đất, nhìn lên để ước mơ lớn dần cùng nắng gió trời cao, nhìn xuống để thấy đất đai cây cối hiền hoà nuôi con cao lớn. Dù ở đâu cũng đừng quên nền tảng của bàn chân trần dẫm trên đất thịt, có nhấp nhô, có lầy lội, rồi cũng sẽ có cỏ xanh, có bóng cây che mát, có trái ngọt gạo thơm cho con đi tiếp bước đường xa.
Ba đi xa rồi, tôi nối tiếp ước mơ của ba, cố gắng từng ngày để bước xa hơn nữa đến những chân trời rộng lớn. Hôm nay Sài Gòn lại mưa, tôi bất chợt nhớ những lần lạc đường suốt mấy tiếng liền, tủi thân không dám khóc, cố gắng căng đôi mắt cận loạn mù mờ tìm đường về dưới cơn mưa tầm tã và dai dẳng của đất Sài Gòn những ngày tôi mới tới nơi này. Bỗng chốc nhanh đến vậy rồi, tay tôi hơi lạnh, tôi bỗng nhớ bàn tay to dày rắn rỏi và ấm áp của ba.
Có vài buổi sáng tôi ngủ dậy, giữa cơn mơ màng tôi vẫn hay khó lòng phân rõ đâu là mơ – đâu là thực. Tôi lẳng lặng nằm nghe tiếng xe cộ chạy ngoài đường rồi dần dần tách khỏi phần ký ức có tiếng khung tiện gỗ của ba tôi mỗi buổi sáng của nhiều năm về trước.
Lâu lắm rồi tôi không còn nghe tiếng khung tiện gỗ của ba, không còn được nghe ba chỉ dạy về nghề mộc, nghề máy. Cũng đã quá lâu, quá xa về những đêm cúp điện, cả nhà quây quần quanh ngọn đèn dầu nghe ba đọc Phong Thần Bảng, nghe ba mẹ kể chuyện ngày xưa thời trẻ.
Sớm hôm qua, tôi lại ngủ dậy và chập chờn trong tiếng khung tiện gỗ đều đều. 20 năm lùi ngược cho tôi một cơn mộng mị về những buổi sáng mặc áo dài, ôm cặp, dẫn xe chào ba: “Thưa ba, con đi học.”
Bà à, con gái của ba rồi sẽ còn đi xa hơn, tiến tới ước mơ dung dị của chính con. Để một ngày đẹp trời nào đó, con có thể tươi cười vui vẻ khi gặp lại ba ở một nơi thật xa. Con yêu ba, ba đẹp trai!
Viết cho Ba – người dạy con những vần thơ đầu tiên
Con vẫn nhớ giọng ba ấm áp
Những đêm thắp đèn đọc truyện cả nhà nghe
Nhớ những đêm mưa ba kể chuyện họ hàng
Chuyện ký ức một đời người hào sảng.
Con nhớ ngày thơ tập đọc ráp vần
Ba dạy con biết từng từ chính tả
Dạy con ngũ thường – tam cương – tứ đức
Dạy sống hiên ngang – tự lập – kiên cường
Ba nhắc đi nhắc lại với con rằng
Trong cuộc sống đúng – sai cần phân rõ
Được – mất, hơn – thua, đời người nên buông bỏ
Trọn nghĩa, vẹn tình, không luồn cúi, van xin
Ba dạy con tự lực cánh sinh
Dạy con biết nhẫn nhường người thân quý
Dạy con hiểu sống thanh cao trong sạch
Không trọng tiền tài, gìn giữ tôn nghiêm
Có cả sai – cả đúng một đời người
Không sân si thứ lợi danh hào nhoáng
Thù oán cần buông, mở lòng, lương thiện
Dẫu nghèo nhưng tâm sạch lòng trong.
Ba đặt tên con với mong mỏi sau này
Cuộc đời con tươi vui đầy sức sống
Như bài thơ mùa xuân xanh hy vọng
Một kiếp bình an, vui vẻ, chẳng muộn phiền…
Con nhớ giao thừa mới vừa vui đó
Tay nâng ly chúc ba mẹ bình an.
Sáng mồng một ba còn đi thể dục
Chiều hôm vẫn lững thững bước trong nhà…
Con nào nghĩ chỉ một mùa Tết ngắn
Ba buông tay vĩnh đoạn cõi trần ai…
Kiếp người vốn vô thường như vậy
Sum họp – Chia ly chớp mắt trọn nhân sinh.
► Bạn đang đọc bài tham gia thi cuộc thi viết “Nơi ấy trong con” được tổ chức từ ngày 02/10 – 30/12/2024. Quý tác giả, bạn đọc có thể tham dự, gửi bài về hòm thư cuocthiviet.caybuttre@gmail.com . Xem chi tiết về thông tin và thể lệ cuộc thi tại đây. |
© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép của tác giả hoặc bằng văn bản của CBT Việt Nam. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn! |
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM |
Các cuộc thi viết | Podcast Cây Bút Trẻ | Quy định hoạt động |
Cộng đồng Người Nhặt chữ | Trang vàng Cộng đồng | CÂY BÚT TRẺ AUDIO |
0 Comments