Hoài niệm
Cái nắng oi nồng không xoa dịu được bằng một cơn mưa vội vã, những hạt nước mắt li ti của trời có thấm tháp gì đâu với không khí bức bối, ngạt ngột đến khó thở của đất trời đang chuyển mùa hối hả…
Có những cô cậu học trò mười tám đương vào tuổi thanh xuân – tuổi của hoài bão, tuổi của ước mơ và tuổi của những khát vọng bỏng cháy – đang tất bật, lo lắng chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp đến để có thể chạm tay vào ngưỡng cửa giảng đường đại học và có thể thực hiện được biết bao những dự tính cho tương lai.
Có những em học trò lớp chín nôn nao, hồ hởi ôn tập cho mùa thi tuyển sinh vào cấp ba đạt được kết quả tốt nhất, để có thể bước tiếp vào giai đoạn cuối cùng của thời học sinh, để bắt đầu cho những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ.
Bác Hồ lúc sinh thời từng dạy: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội.” Và thực tiễn đã là minh chứng rõ ràng, sắc bén cho lời dạy ấy. Vào thời điểm đất nước còn bom đạn chiến tranh, đã có bao lớp người con thân yêu của quê hương sẵn sàng gạt bỏ hết thảy, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ Tổ quốc. Tấm gương chói lọi nhất chính là người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành – Người đã can đảm rời xứ sở, quê nhà mà ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Amiral Latouche Tréville ngày 5/6/1911 và chặng đường 30 năm bôn ba đó của Người trở thành niềm cảm hứng sâu sắc để Chế Lan Viên viết bài thơ nổi tiếng “Người đi tìm hình của nước”. Những dòng thơ khắc họa sự xúc động trào dâng: “Luận cương đến với Bác Hồ. Và người đã khóc. Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin” đã tạc vào thế kỉ, trở thành hình tượng thơ đẹp đẽ, vĩ đại, khiến lòng ta lại thêm nghẹn ngào xúc động.
Còn biết bao nhiêu thế hệ thanh niên quên bản thân mình mà cống hiến cuộc đời cho quê hương, đất nước như Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm, Nhà giáo Lê Thị Thiên… Làm sao có thể kể hết những thử thách khốc liệt mà họ trải qua, làm sao có thể ghi lại những nhọc nhằn mà họ phải vượt lên để chiến đấu quên mình. Nói như anh Lý Tự Trọng (người đoàn viên đầu tiên của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh): “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng”. Và cho dù họ có hy sinh nơi chiến trường khói lửa thì cái chết đó đã trở thành bất tử:
“Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng”
(Trích Dáng đứng Việt Nam, Lê Anh Xuân)
Noi gương những thế hệ tuổi trẻ đi trước sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã có biết bao thanh niên Việt Nam trên mọi miền quê hương của Tổ quốc đã và đang tích cực lao động, học tập, rèn trui bản lĩnh để mình được thành công, để kiến thiết quê hương và đem lại niềm tự hào cho đất nước. Đó chính là nguồn sức mạnh lớn lao cổ vũ, động viên từng thế hệ trẻ hôm nay và ngày mai biết tự mình vươn lên, không ngại khó ngại khổ mà dấn thân, biết vượt qua nghịch cảnh gian nan mà tiến bước trong con đường học vấn hay trên mọi mặt trận của đời sống.
Vẫn còn đó, có không ít bạn trẻ còn lơ là học tập, rèn luyện; không ít bạn trẻ không rõ mục tiêu hay chưa thể tìm thấy hướng đi đúng đắn cho riêng mình; không ít bạn trẻ ham vui nhất thời, đua đòi và chạy theo những thứ ảo tưởng, phù phiếm…để đánh mất đi lòng tự tôn chính đáng, đánh mất tương lai; mặc tuổi trẻ, mặc thanh xuân trôi đi trong vô vọng, nhàm chán, bế tắc; bỏ quên mất lòng nhiệt thành, niềm tự ti, thái độ sống lạc quan và bản lĩnh của tuổi trẻ.
Vẫn còn đó, có không ít thanh niên lãng phí thời gian vào những trò vô bổ, nghiện mạng xã hội, nghiện game; thậm chí, nhiều bạn trẻ thích đua đòi lười lao động, thích tụ tập chơi bời quên bẵng chuyện cần phải học hành để mà chăm chút cho tương lai, trở thành sự phiền toái, nặng lòng và trăn trở của cha mẹ.
Tôi nhớ về tuổi thơ của những đứa trẻ con nhà nghèo như tôi, của anh chị tôi ở thế hệ 7X, 8X chưa có smartphone, chưa có internet phổ quát như bây giờ. Mỗi ngày, sau giờ tan học, chúng tôi ra đồng, ra ruộng, ra ao; đứa thả diều, đứa chăn vịt hoặc chăn trâu, đứa mò cua, bắt ốc, hái rau… Những bữa cơm đạm bạc với con cá bắt lúc tát sông, con cua tìm thấy ở trên đồng, mớ rau hái nhanh khi chạng vạng trong những khu vườn hoang đầy cỏ dại mà ngon lành đến lạ. Rảnh rỗi thì rủ nhau chơi keo, nhảy dây, bắn bi, thảy đá hoặc cất nhà chòi, rồi bày biện bán hàng rong cười vui thỏa chí…
Những món ăn vặt cũng mang đầy đủ mùi vị và hơi thở của quê hương: bữa thì ăn ngon lành những trái bắp, củ khoai lang luộc; bữa thì ăn no nê với cơm nếp muối mè hay xôi bắp, khoai mì quết dừa; có hôm nghe tiếng rao dịu dàng, văng vẳng ngoài con rạch, thì chạy ù vào nhà xin mẹ tiền mua chén sương sáo nước đường, bánh lọt ngọt ngất của dì Tư ở xóm bên bơi xuồng men theo những con sông nhỏ buôn bán kiếm kế nuôi gia đình; có bữa cả nhà còn quây quần cùng nhau giữa trưa bên nồi ốc bươu, ốc đắng luộc chấm nước mắm xả ớt thơm phức, lai sét là nước dừa mát rượi hay cây mía đỏ đương mùa thu hoạch vườn nhà. Bữa có sinh nhật đứa nào trong nhóm còn được người lớn đãi ăn chè đậu búng, chè khoai mì, chè trôi nước…
Có hôm cả xóm con nít tụ tập với nhau, rủ đi hái những chùm trâm chín mọng, hoặc đi hái những chùm dâu xanh, dâu vàng về ăn. Cái vị chua chua ngọt ngọt của những món quà quê bình dị mà nhớ hoài da diết.
Có hôm rủ nhau sang nhà ông Năm xem phim hoạt hình, nhà ông Năm mới sắm cái ti vi chừng 9 inch mà con nít nhao nhao, khoái chí. Thiệt ra, thời đó, con nít chúng tôi mê những bộ phim hoạt hình 10-15 phút của ti vi thì ít mà mê những câu chuyện kể kì dị, ma mị của ông Năm mới nhiều hơn. Cứ tới cái đoạn ông Năm đi soi cá, soi ếch gặp một “cậu nhóc” quen quen lạ lạ – mà ông tưởng đó là một đứa con nít nào đó trong xóm ông quen biết hết – là chúng tôi la chí chóe, rồi ôm nhau, rồi nín lặng nghe đoạn kết, rồi lại thở hì hì, rồi tiếp tục nài nỉ ông Năm kể hôm sau nữa.
Lần nào kể chuyện xong, ông Năm đều cười phá lên trêu chọc đám con nít nhỏ dại chúng tôi và đều vui vẻ đưa chúng tôi về. Đoạn đường về nhà của con nít ở xóm tôi phải đi qua một cây cầu khỉ bắc ngang con sông quê êm đềm, bình yên lắm nhưng ông Năm thương trẻ con, thương chúng tôi và chả khi nào ông để chúng tôi tự đi qua cây cầu ấy ban đêm (dẫu cho chúng tôi bảo cây cầu ấy chúng tôi đã đi đi lại lại nhiều lần, quen thuộc lắm rồi…). Phải đợi lúc đứa cuối cùng an toàn qua bờ sông bên kia, vẫy tay chào tạm biệt ông mới quay vào nhà.
Ôi, những ngày xưa yên bình biết mấy.
Tuổi trẻ của tôi và anh chị, bạn bè cùng thời đã được nuôi dưỡng, lớn lên, trưởng thành bởi tình yêu vô điều kiện, sự kỳ vọng mong đợi lớn lao của cha mẹ. Tuổi trẻ của chúng tôi còn được nuôi dưỡng, bồi đắp từ sự bình dị, thân thuộc của quê hương. Mỗi dòng sông, bến nước, cầu ao, mảnh vườn, thửa ruộng đều chở đầy ắp những ước mơ, hoài bão và khát vọng của chúng tôi. Và tất cả mãi mãi hằn sâu, đong đầy trong tâm thức.
Hồi ấy, có lẽ, với tôi hay bạn bè tôi: Đến trường – chính là con đường duy nhất để có thể nhận ra ý nghĩa của cuộc đời mình, để thấy mình tiến bộ thêm và tìm thấy cho mình một hướng đi để theo đuổi chân lí đời mình hay một ngã rẽ đúng đắn? Hồi ấy, nếu chúng tôi không chịu được cực khổ, nhọc nhằn của cuộc sống; nếu chúng tôi không chân trần lem luốc cuốc bộ nhiều ngày để chỉ mong được đến lớp, để không phải bỏ học giữa chừng thì bây giờ thế nào, cũng không thể biết! Hồi ấy, nếu cha mẹ chúng tôi vì nghèo mà để chúng tôi học hành dở dang thì không biết bây giờ chúng tôi sẽ thế nào?
Thật ra, tôi cũng nghĩ, học hành hay có bằng này bằng nọ cũng chẳng phải là con đường duy nhất dẫn mình đến thành công. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ sẽ dành phần ai? Song, có con chữ và học vấn cũng giúp tôi và bạn bè mình có thể dễ dàng thêm một chút trong hành trình chọn lựa cho mình lẽ sống, biết sống tử tế và có giá trị, biết tự mình chọn cách sống cuộc đời đáng sống.
Các em trò nhỏ cấp 1, cấp 2 cũng đang loay hoay học bài, ôn bài để kiểm tra, thi cử… Con đường đi tìm tri thức cũng không phải là con đường bằng phẳng, trơn bóng với mỗi người; mọi thứ thành quả có được đôi khi phải đổi bằng mồ hôi, công sức, thậm chí đánh đổi bắng nước mắt của những đêm chong đèn, của bao ngày mưa nắng.
N lớp tôi chọn bỏ học ngay giữa mùa của cái nóng oi ả, mưa chỉ mới vài ba giọt rỉ rả có thể nào xoa dịu! Tôi bất giác nhận ra mình của những lần mệt mỏi muốn buông bỏ đã tự nhắc nhở mình cố thêm. Biết bao ký ức của những tháng năm được bao bọc, chở che trong vòng tay yêu thương của cha mẹ như dòng suối mát dịu ùa về. Họ – người thân của tôi, đã hơn một lần gồng mình chống chọi với đói nghèo cho chị em theo đuổi khát khao con chữ. Họ – thầy cô tôi, đã hơn một lần giằng xé tâm can với nhọc nhằn của nghề dạy học mà tận tâm ở bên cạnh chỉ bảo, nhen nhóm ước mơ, động viên, khích lệ học trò mình không được bỏ cuộc mà tiến về phía trước để thay đổi số phận, để tự mình lựa chọn và nắm giữ tương lai.
Mọi thứ vẹn nguyên. Tôi nửa đêm giật mình, thao thức tự động viên mình, rồi nhắc nhở mình gắng gượng chút nữa, cố thêm chút nữa để níu lại từng khoảnh khắc ngọt bùi cùng N, cùng Team… và để cùng nhau viết vào đời mình những dòng tên kỷ niệm.
Dẫu rồi mốt, rồi mai, ai trong số những người bạn trẻ đang bên cạnh tôi có lựa chọn hướng đi nào, dù là theo đuổi đến tận cùng con đường học vấn để thành công hay phải lựa chọn ngừng lại, chấp nhận dở dang, thậm chí thất bại, tôi cũng chỉ mong rằng họ có đủ bản lĩnh, trí tuệ và kỹ năng mà vững chãi đi về phía mặt trời. Nơi đó, có hoa hướng dương sẽ rực rỡ mà khoe sắc, người ta nói rằng: đủ nắng hoa sẽ nở, nơi hạnh phúc sẽ ngập đầy yêu thương. Và tôi vẫn cứ nhớ như in những ca từ hào sảng trong “Khát vọng tuổi trẻ” (Vũ Hoàng) đã không ngừng thúc giục mình nhìn về nơi mặt trời tỏa sáng mà thong dong bước:
“Đường dài tương lai quê hương đang gọi mời
Tuổi trẻ hôm nay chung tay xây ngày mới
Dù lên rừng hay xuống biển
Vượt bão giông, vượt gian khổ
Tuổi trẻ kề vai, vững vàng chân bước bạn ơi
Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta
Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay
Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta
Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”
Cũng đâu ai sống hoài với kỷ niệm, ngày mai còn là một ẩn số. Nhưng, chắc rằng trong mỗi trái tim của chúng tôi sẽ biết trân trọng hiện tại, thấu hiểu để san sẻ yêu thương và sưởi ấm cho nhau đi qua những lần rét buốt để cùng nhau đồng hành với thanh xuân rực rỡ, biến ước mơ của tuổi trẻ thành hiện thực…
Và rồi để ngày mai, ngày kia, có những hôm lòng mình bỗng nhiên hoài niệm về những tháng năm rực rỡ của tuổi trẻ…
► Bạn đang đọc bài tham gia thi cuộc thi viết “Nơi ấy trong con” được tổ chức từ ngày 02/10 – 30/12/2024. Quý tác giả, bạn đọc có thể tham dự, gửi bài về hòm thư cuocthiviet.caybuttre@gmail.com . Xem chi tiết về thông tin và thể lệ cuộc thi tại đây. |
© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép của tác giả hoặc bằng văn bản của CBT Việt Nam. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn! |
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM |
Các cuộc thi viết | Podcast Cây Bút Trẻ | Quy định hoạt động |
Cộng đồng Người Nhặt chữ | Trang vàng Cộng đồng | CÂY BÚT TRẺ AUDIO |
0 Comments