Biến cố và trưởng thành!
Cuộc sống tựa như một bức tranh với hai mảng màu đối lập: ánh sáng và bóng tối. Ánh sáng tượng trưng cho ước mơ, hy vọng, niềm tin – những gì đẹp đẽ và trong trẻo nhất mà con người mang theo khi bắt đầu hành trình của mình. Còn bóng tối lại là thất bại, là những vấp ngã nghiệt ngã khiến người ta cảm tưởng như bị nuốt chửng, như chìm vào một vực sâu không đáy, nơi mà ánh sáng dường như không còn lối tìm đến.
Giữa hai miền đối lập ấy, cuộc đời mỗi con người là một hành trình đầy mâu thuẫn: khao khát tiến về phía trước nhưng đôi khi lại chững lại trước những nghịch cảnh tưởng như không thể vượt qua. Mạnh đã trải qua cả hai miền ấy, những đỉnh cao rực rỡ và cả đáy sâu tăm tối. Anh mang trong mình kiêu hãnh của tuổi trẻ, một niềm tin mạnh mẽ rằng chỉ cần có quyết tâm và khát vọng, anh có thể chinh phục cả thế giới. Ngày anh rời làng quê nhỏ, mang theo tấm bằng xuất sắc và đôi mắt sáng rực ước mơ, Mạnh giống như một chiến binh bước vào trận chiến với sự tự tin của kẻ đã cầm chắc phần thắng. Làng quê ấy – nơi có cánh đồng bát ngát chạy dài đến chân trời, nơi dòng sông vẫn lặng lờ trôi suốt bao mùa mưa nắng, và ngôi nhà gạch đỏ cũ kỹ – đã gửi gắm nơi anh tất cả hy vọng và niềm tự hào. Mẹ anh tiễn con đi trong niềm xúc động nghẹn ngào, ánh mắt dõi theo bóng dáng anh khuất dần trên con đường đất, mang theo cả những ước mơ chưa kịp đặt tên. Thành phố đón Mạnh bằng những con đường ngập tràn ánh đèn và dòng người tấp nập. Trong cái náo nhiệt ấy, anh từng nghĩ rằng ánh sáng này sẽ soi rọi bước đường thành công mà anh hằng khao khát. Anh bắt đầu từ hai bàn tay trắng, dành tất cả sức lực, tâm huyết và những đêm không ngủ để xây dựng doanh nghiệp nhỏ của mình. Nhưng thành phố này không chỉ là nơi của những ước mơ, nó còn đầy rẫy những cạm bẫy, những sóng gió sẵn sàng quật ngã bất cứ ai sơ sẩy.
Doanh nghiệp của Mạnh, thứ mà anh nâng niu như một đứa con tinh thần, bắt đầu lung lay rồi sụp đổ như một lâu đài cát trước cơn sóng dữ. Nợ nần kéo đến như một cơn lũ, cuốn phăng tất cả. Những con số đỏ rực trên bảng nợ ngày càng dày thêm, trong khi niềm tin và hy vọng của anh lại mỏng đi từng ngày. Những cái bắt tay từng thân tình, những ly rượu hô vang lý tưởng nay chỉ còn là ký ức xa vời. Bạn bè, những người anh từng tin tưởng, cũng dần biến mất trong sự im lặng đến lạnh lùng. Anh bước đi giữa thành phố đông đúc mà cảm giác như mình chỉ còn là một chiếc bóng cô độc, lạc lõng và nhỏ bé trước sự vô tình của cuộc đời. Rồi một đêm, khi những bức tường phòng trọ ẩm thấp như đang siết chặt lấy anh, khi tiếng đồng hồ tích tắc vọng lại như nhát búa gõ vào tim, Mạnh cảm thấy sức cùng lực kiệt. Anh ngồi lặng trong bóng tối, như một con thú nhỏ lạc mất đường về, nước mắt rơi lặng lẽ trên khuôn mặt hốc hác. Trong cơn tuyệt vọng, anh cầm điện thoại và nhắn cho mẹ:
– Con xin lỗi mẹ, con mệt mỏi quá rồi .
Dòng tin nhắn như một lời thở dài buông xuôi, như một tiếng kêu cứu yếu ớt từ đáy sâu của cuộc đời. Và chỉ vài phút sau, mẹ anh trả lời:
– Về nhà đi con, dù có thế nào, nhà vẫn ở đây chờ con.
Lời hồi đáp ấy chẳng hoa mỹ, chẳng dài dòng. Nó mộc mạc và bình dị như chính con người mẹ, nhưng lại là tia sáng duy nhất trong màn đêm đặc quánh của cuộc đời anh lúc ấy. Nó như một bàn tay vô hình nâng anh dậy, kéo anh ra khỏi hố sâu tuyệt vọng. Đó là câu nói giản dị nhưng chứa đựng tất cả tình thương, tất cả sự bao dung của người mẹ, của quê hương – nơi mà dù con người ta thành công hay thất bại, dù rực rỡ hay tàn úa, vẫn luôn mở rộng vòng tay đón ta trở về. Giây phút ấy, Mạnh đã hiểu rằng không ai là kẻ mãi mãi thất bại. Đôi khi, ta phải trở về nơi bắt đầu để tìm lại chính mình. Nơi ấy không chỉ là ngôi nhà cũ kỹ, là những cánh đồng lúa hay dòng sông lặng lẽ, mà còn là nơi lưu giữ bản nguyên trong mỗi con người, là nơi ta được sống thật nhất, không áp lực, không phán xét.
Ngày trở về, Mạnh như một kẻ lữ hành mệt mỏi, mang trên vai gánh nặng của thất bại và tâm hồn đầy những vết thương chưa kịp lành. Quê hương vẫn lặng yên đón anh, như một người bạn cũ thủy chung và nhẫn nại. Vẫn cánh đồng mênh mông trải dài đến tận chân trời, như vòng tay rộng lớn ôm lấy cả bầu trời, vẫn dòng sông quê lặng lờ trôi như thể chưa từng hay biết đến những đổi thay ngoài kia. Vạn vật dường như không đổi, chỉ có Mạnh là khác – gầy guộc, xơ xác và chất đầy nỗi niềm của một người đã từng ngã quỵ trước những giấc mơ dang dở. Dừng chân trước cánh cổng sắt đã hoen gỉ, Mạnh đưa tay đẩy cửa. Tiếng “két” vang lên, khô khốc nhưng cũng quen thuộc, như nhát gõ vào miền ký ức xa xôi. Đó là âm thanh của những buổi chiều ba anh từng ngồi hàn lại cánh cổng này, của tuổi thơ anh từng níu tay cánh cửa để chạy ùa vào nhà sau một ngày rong chơi mệt nhoài. Mẹ anh đứng đó, giữa khoảng sân cũ, dáng người gầy gò hơn xưa, mái tóc bạc nhiều hơn, nhưng đôi mắt bà vẫn vẹn nguyên ánh nhìn bao dung và trìu mến :
– Con về rồi à ?
Câu nói ấy nhẹ bẫng như gió thoảng nhưng lại đủ sức làm tan biến mọi lớp vỏ kiên cường giả tạo mà Mạnh đã khoác lên mình. Trái tim anh như vỡ òa. Anh òa khóc, những giọt nước mắt của sự vỡ vụn và giải thoát – khóc như chưa bao giờ được khóc. Anh hiểu rằng, ở nơi này, chẳng ai phán xét anh vì thất bại, chẳng ai quay lưng vì những vết thương. Quê hương và gia đình là nơi người ta có thể trở về nguyên vẹn là chính mình, dù có mang theo bao nhiêu vết xước của cuộc đời.
Những ngày sau đó, Mạnh hòa mình vào nhịp sống quê nhà, nơi mà thời gian dường như trôi chậm hơn, yên bình hơn. Buổi sáng, anh theo mẹ ra chợ bán những mớ rau xanh mướt hái từ mảnh vườn sau nhà. Giữa phiên chợ quê, anh cảm nhận được sự dung dị, ấm áp trong từng tiếng cười, lời nói của những người hàng xóm quen mặt. Buổi trưa, anh theo những người bạn thưở nhỏ ra đồng gặt lúa, mồ hôi chảy dài trên má nhưng lòng lại nhẹ nhõm lạ thường. Và mỗi buổi chiều, Mạnh thường ngồi lặng bên bờ sông quê – nơi dòng nước lững lờ trôi, ôm theo bóng mây lững thững. Ở đó, anh để mặc thời gian trôi, để tâm hồn mình lắng xuống, tự vấn và tìm lại ý nghĩa của những tháng ngày đã qua. Tiếng gió thổi qua bờ lau sậy, tiếng nước va nhẹ vào bờ như đang kể lại với anh về một thời tuổi thơ yên ả, nơi tiếng cười từng ngân vang như những nốt nhạc bình yên nhất. Một chiều mưa, trong lúc bước qua sân trường cũ, Mạnh tình cờ gặp lại thầy Quân – người thầy cũ đã từng dạy dỗ và nâng đỡ anh. Thầy trao cho anh một tờ giấy cũ kỹ, mép đã ố vàng vì thời gian. Đó là bài văn anh viết năm nào với đề bài:
– Nơi con thấy bình yên nhất!
Trong từng nét chữ non nớt ngày ấy, cậu bé Mạnh đã viết về dòng sông quê êm đềm, về mái nhà nhỏ đơn sơ và đôi bàn tay chai sạn của ba mẹ. Thầy Quân nhìn anh, ánh mắt trầm lắng nhưng dịu dàng hỏi:
– Giờ em còn thấy nơi ấy bình yên không?
Câu hỏi ấy như nhát búa gõ mạnh vào tâm trí anh. Anh lặng người, những dòng ký ức và hiện tại chảy hòa vào nhau. Anh nhận ra rằng “nơi bình yên nhất” không chỉ là một vùng đất, một dòng sông hay một mái nhà. Bình yên là những giá trị đã ăn sâu vào tâm khảm anh từ ngày còn bé – là tình yêu thương của gia đình, là sự bao dung vô điều kiện của mẹ, là tiếng vọng của cội nguồn mỗi khi anh lạc lối. Bình yên không phải là một điểm đến mà là một nơi chốn trong tâm hồn, nơi mỗi con người đều có thể tìm về để được nâng đỡ và chữa lành.
Đứng trước dòng sông quê chiều mưa ấy, Mạnh hiểu rằng thất bại không phải là điểm kết thúc. Nó chỉ là một phần tất yếu trong hành trình làm người. Khi ta mất đi phương hướng, khi ánh sáng của lý tưởng đã tắt ngấm, chính quê hương, chính những giá trị bền vững từ cội nguồn sẽ gọi tên ta, đưa ta về với chính mình. Và chỉ khi dám đối diện với chính mình, ta mới có thể đứng lên, vững vàng hơn sau mỗi lần ngã xuống. Mạnh trở về không chỉ để tìm lại quê hương, mà còn để tìm lại một phần chính anh đã đánh mất. Cội nguồn – nơi anh từng bắt đầu – giờ lại là nơi tái sinh những hy vọng tưởng đã vụt tắt. Ở đó, anh học được cách bước tiếp, cách chấp nhận quá khứ và yêu thương hiện tại. Nơi ấy, dòng sông quê vẫn lặng lẽ trôi, bầu trời vẫn rộng lớn và những bàn tay yêu thương vẫn mãi ở đó, như ngọn đèn dẫn lối qua những ngày giông bão. Và anh hiểu rằng: không ai mãi mãi lạc lối, chỉ cần ta còn một nơi để trở về.
Cuộc đời, xét đến cùng, là một chuỗi những thử thách đầy khắc nghiệt, những cơn bão giông nối tiếp nhau để thử lòng người. Nhưng chính bão giông ấy lại là phép thử quý giá, giúp con người nhận ra đâu là giới hạn của bản thân, đâu là sức mạnh tiềm tàng còn ngủ quên. Mạnh đã từng ngã quỵ trước bão tố, nhưng những ngày trở về quê hương đã hồi sinh trong anh một con người khác: trầm tĩnh hơn, kiên cường hơn, và thấu hiểu sự đời hơn. Đứng giữa cánh đồng quê, nhìn những gánh rau tươi non, những thúng lúa nặng trĩu hạt của bà con phải bán với giá rẻ mạt, lòng Mạnh trĩu nặng những nỗi niềm. Những sản vật ấy đâu chỉ đơn thuần là rau, là lúa, mà còn là thành quả của mồ hôi, của sự cần cù và cả niềm hy vọng chân chất của những người nông dân quê anh. Vậy tại sao những gì giàu giá trị như thế lại không được trân trọng? Câu hỏi ấy xoáy vào lòng Mạnh như một nỗi day dứt không thể bỏ qua. Và rồi, một ý tưởng lóe lên như tia sáng cuối chân trời: “Tại sao không xây dựng một thương hiệu nông sản sạch từ chính quê hương này?” Khởi đầu lại từ con số không, Mạnh không còn mang trong mình sự háo thắng của tuổi trẻ mà thay vào đó là sự kiên nhẫn của một người đã thấu hiểu giá trị của từng bước đi nhỏ. Anh vay mẹ chút vốn ít ỏi, bắt tay cải tạo lại mảnh vườn sau nhà – nơi mà ngày bé anh từng cùng ba cuốc đất, nhổ cỏ. Những hạt mầm đầu tiên được gieo xuống trong đất quê, nhưng cũng là những hạt mầm của hy vọng và ý chí kiên định được gieo vào lòng anh. Những ngày đầu, con đường ấy chẳng hề bằng phẳng. Người trong làng nhìn anh với ánh mắt hoài nghi, xen lẫn cả thương hại. Với họ, việc trồng rau bán cho chợ đầu mối đã là lẽ thường, việc Mạnh làm dường như quá xa vời và viển vông. Nhưng lần này, khác với những thất bại ngày xưa, Mạnh không còn sợ hãi trước ánh nhìn ấy. Anh biết, mọi điều mới mẻ đều bắt đầu từ sự hoài nghi, và chỉ có lòng kiên nhẫn mới đủ sức để biến những nghi ngờ thành niềm tin.
Ngày qua ngày, anh cần mẫn học hỏi. Ban ngày, anh vừa làm, vừa ghi chép và lắng nghe từ những người có kinh nghiệm. Ban đêm, anh lại miệt mài nghiên cứu về kỹ thuật trồng trọt, về thị trường và cách làm thương hiệu. Những bó rau sạch đầu tiên được anh nâng niu, gõ cửa từng nhà, chào bán bằng tất cả sự chân thành và niềm tin. Có người từ chối, có người mỉa mai, nhưng Mạnh vẫn lặng lẽ mỉm cười, như dòng sông quê anh vẫn lững lờ trôi, vững vàng trước những con sóng ngược dòng. Thời gian dần trôi, những nỗ lực không mệt mỏi của anh đã chạm đến lòng tin của bà con quê mình. Những người nông dân chất phác nơi đây, từng xem việc anh làm là “điều xa xỉ,” giờ đã nhìn thấy ở anh một con đường mới. Họ bắt đầu tin tưởng và đồng hành cùng anh. Những mảnh vườn tưởng chừng chỉ là nơi trồng trọt đơn thuần giờ đây trở thành nơi khởi nguồn của ước mơ. Những bàn tay chai sạn cùng nhau gieo hạt, cùng nhau vun trồng, và cũng cùng nhau chờ đợi những ngày gặt hái thành quả. Và chính trong hành trình ấy, Mạnh nhận ra một điều sâu sắc: sức mạnh không nằm ở những thành công huy hoàng trong phút chốc, mà ở khả năng kiên nhẫn bước qua từng thử thách, ở sự bền bỉ trong niềm tin vào những giá trị giản dị và chân thực. Anh đã không còn là chàng trai mang theo giấc mơ chinh phục đầy kiêu hãnh ngày nào. Bão giông đã dạy anh cách cúi mình lắng nghe, cách trân trọng từng điều nhỏ bé xung quanh và cách đứng dậy một cách vững vàng hơn.
Một năm trôi qua, những nỗ lực không ngừng nghỉ của Mạnh cuối cùng cũng đơm hoa kết trái. Cửa hàng nông sản sạch mang tên quê hương anh đã thành hình, vững chãi như chính niềm tin và ý chí mà anh đã dày công vun đắp. Không còn là chàng trai gục ngã trong bóng tối của một năm về trước, Mạnh giờ đây trưởng thành hơn, trầm tĩnh hơn và mang trong mình sức mạnh của một người đã đi qua giông bão. Cánh cửa hàng sáng sớm mở ra, từng bó rau xanh mướt, từng giỏ lúa thơm được xếp ngay ngắn như một lời khẳng định: giá trị của quê hương, của mồ hôi và công sức người nông dân, đã được nâng niu và trân trọng. Người dân trong làng dần đổi khác, những ánh mắt ngày nào còn hoài nghi giờ đã thay bằng nụ cười tin tưởng. Và chính Mạnh cũng đổi thay, không còn chạy theo ảo ảnh của thành công phù phiếm, mà lặng lẽ xây dựng hạnh phúc từ những điều giản dị và bền vững nhất. Buổi chiều hôm ấy, Mạnh ngồi bên hiên nhà cùng mẹ. Ánh hoàng hôn đỏ rực đổ dài xuống cánh đồng lúa mênh mông, nhuộm cả không gian bằng sắc màu của sự bình yên và viên mãn. Mẹ nhìn anh, đôi mắt hiền từ, ánh lên niềm tự hào lấp lánh. Giọng bà khẽ khàng, như gió lùa qua kẽ lá:
– Ba con chắc mừng lắm. Nơi ấy trong con giờ đã thật vững vàng rồi!
Lời mẹ như một khúc ngân vang, dịu dàng mà thấm thía. “Nơi ấy” – không chỉ là cửa hàng nông sản sạch, không chỉ là cánh đồng quê hay ngôi nhà nhỏ, mà còn là cội nguồn sâu thẳm trong tâm hồn anh: nơi lưu giữ những giá trị, tình yêu thương và sức mạnh mà cha mẹ đã truyền trao. Trong lòng Mạnh lúc ấy là sự bình yên khó tả. Đó là sự bình yên của một người đã tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc đời sau những lạc lối, là lòng biết ơn đối với những gì đã đi qua, dù là đau khổ hay hạnh phúc. Và sâu trong niềm tin ấy, anh thấy rõ con đường phía trước: dù còn nhiều thử thách, nhưng anh đã học được cách đứng vững, như cây lúa quê hương bám chặt vào đất mẹ, dẫu gió bão vẫn ngẩng cao đầu. Hoàng hôn dần tắt, nhường chỗ cho màn đêm yên bình. Nhưng trong lòng Mạnh, một ngày mới đã bắt đầu – ngày của niềm tin, của hy vọng và của những giá trị vững vàng mãi mãi không đổi thay .
► Bạn đang đọc bài tham gia thi cuộc thi viết “Nơi ấy trong con” được tổ chức từ ngày 02/10 – 30/12/2024. Quý tác giả, bạn đọc có thể tham dự, gửi bài về hòm thư cuocthiviet.caybuttre@gmail.com . Xem chi tiết về thông tin và thể lệ cuộc thi tại đây. |
© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép của tác giả hoặc bằng văn bản của CBT Việt Nam. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn! |
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM |
Các cuộc thi viết | Podcast Cây Bút Trẻ | Quy định hoạt động |
Cộng đồng Người Nhặt chữ | Trang vàng Cộng đồng | CÂY BÚT TRẺ AUDIO |
0 Comments