Nhà tập thể – JONI Hạnh Dung
Năm 1986, Đại hội Đảng VI, gia đình tôi được nhà nước cấp cho một căn nhà tập thể. Nhà tôi ở Lô A9, một trong những lô nhà xây sau cùng của khu. Lô nhà có ba tầng, tường trát đá rửa, thuộc loại kiến trúc mới nhất thời đó. Chúng tôi từng rất hãnh diện mỗi khi khoe điều này với mọi người.
Hồi mới chuyển đến, xung quanh lô nhà vẫn còn nhiều mảnh đất trống. Chẳng bao lâu sau, người dân trong khu nhanh chóng tận dụng chúng để trồng trọt. Mỗi nhà “xí” một khoảng gần nhà mình nhất để trồng rau. Các nhà tầng một chiếm ngay những miếng đất sát tường nhà. Còn những hộ tầng hai, tầng ba thì phải chọn mảnh đất xa hơn, nhưng đủ gần để tiện quan sát, chẳng hạn như có thể nhìn từ ban công.
Nhà tôi ở tầng ba, cũng có một mảnh đất trũng ở phía trước mặt ban công. Ban đầu, mẹ trồng rau khoai nước, sau đổi sang rau muống. Mỗi khi mưa xuống, đứng trên ban công nhìn xuống thấy ruộng rau của mình xanh ngắt, ngọn đâm tua tủa, thật thích mắt. Ấy thế mà có lần, chỉ sau một đêm, sáng ra đã thấy một khoảng rau bị ai đó cắt trụi.
Miếng ruộng rau ấy cũng là nơi chúng tôi chôn con mèo Mimi, sau khi nó ăn phải bả ở đâu về rồi nằm thượt trên sàn bếp.
Sáng sáng, tiếng rao của những người bán hàng rong lanh lảnh dưới sân khu tập thể. Chúng tôi quen mặt, quen cả tiếng rao của họ. Không cần nghe hết tiếng rao đã biết ai đang bán gì: bánh mì, bánh giò, bánh rán, bánh đúc…
Người thì cắp thúng ngang hông, người đội thúng trên đầu, người đạp xe thoăn thoắt. Chiếc thúng lót mấy lớp bao bố, khăn vải ủ ấm những ổ bánh mì nóng hổi, mới lấy từ lò lúc sáng sớm.
Nếu không nhanh chân, chỉ một thoáng thôi là họ đã rẽ sang lô nhà khác.
Tôi chạy ra ban công, gọi với theo người bán bánh, rồi nhanh chóng thả chiếc rổ đã buộc sẵn dây thừng xuống. Không nhớ sáng kiến này bắt đầu từ ai, nhưng nhiều nhà cũng làm theo. Dù chỉ là tầng hai, tầng ba, nhưng không ai muốn mất thời gian chạy bộ xuống. Với chiếc rổ nhỏ, chỉ cần để sẵn tiền bên trong, khi kéo lên là có ngay ổ bánh mì, chiếc bánh rán nóng giòn, kèm theo tiền thừa trả lại. Một cách trao đổi tiện lợi mà hiệu quả giữa người mua và người bán.
Nhà tập thể có biết bao kỷ niệm vui buồn, kể cả ngày không hết.
Có một cậu bé bán bánh mì ngày ấy, gây ấn tượng đặc biệt với gia đình tôi bởi em nhỏ nhất hội nhưng có tiếng rao rất vang, rất trong và thật nhiều năng lương, không lẫn được với bất kỳ ai. Nghe lời khuyên của mẹ tôi, em tiếp tục học hết cấp ba rồi vào đại học. Lâu lâu, tôi lại nhớ đến hình ảnh cậu bé nhỏ nhắn, đầu đội thúng bánh, miệng rao vang cả khu tập thể. Bây giờ em đã là người đàn ông có một gia đình hạnh phúc với hai con nhỏ, có công việc ổn định và thành đạt, không biết có lúc nào em còn nhớ những ngày tháng vất vả ấy không?
Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi. Ruộng rau từ lâu đã là sân tập thể dục nền xi măng. Con đường trước khu tập thể ngày ấy chỉ là đất đỏ bụi mù, hai bên là những căn nhà cấp bốn lụp xụp -con đường từng khiến tôi thấy xa xôi giờ đã thành một trong những tuyến đường trung tâm của thành phố.
Gia đình tôi đã rời khu tập thể từ lâu. Nhưng một phần ký ức của tôi vẫn nằm lại nơi ấy, những năm tháng ấy.
Những căn nhà quen thuộc, những tiếng rao buổi sớm, những nhọc nhằn của một thời, và cả những đổi thay theo thời gian, là miền ký ức không thể phai mờ, nơi mà mỗi lần nhớ về, lòng tôi lại dâng lên một nỗi bồi hồi thân thương.
© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép của tác giả hoặc bằng văn bản của CBT Việt Nam. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn! |
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM |
Các cuộc thi viết | Podcast Cây Bút Trẻ | Quy định hoạt động |
Cộng đồng trên Facebook | Cộng đồng nhóm Zalo | GIỌNG THU VÀNG 2025 |
0 Comments