Thầy và bức tranh bị vẩy mực năm ấy
“Thầy dạy rằng trái tim không biết thứ tha là một trái tim đã chết, con người không biết tha thứ vẫn chỉ là gỗ đá mà thôi”
Cơn gió vô hình nhẹ nhàng dìu bước chân tôi tìm về mái trường tiểu học năm xưa, tìm về kí ức tuổi thơ trong nỗi niềm nhớ thương, nơi có lũ học trò nhỏ tinh nghịch cùng người thầy tận tụy, mẫu mực, coi học trò như con. Trường đã khác đi nhiều, mái ngói phủ rêu năm nào nay đã thay bằng mái tôn sạch sẽ và tiện nghi, nhưng đâu đó giữa khoảng không gian này, hình bóng thầy năm xưa cứ hiện về khắc khoải, bồi hồi và xao xuyến đến không thôi. Mở khóa cặp, tôi lấy ra một bức tranh, bức tranh tôi vẽ thầy năm lớp bốn. Đã bao nhiêu năm, thời gian đã phủ bụi quá khứ, phủ bụi hính ảnh người thầy trong bức vẽ non nớt kia, nhưng thầy và những bài học của thầy mãi mãi sống trong tôi không hề phai nhạt. Năm ấy, tôi từng khoe với thầy bức tranh ấy, thầy khen đẹp, và tôi tin thầy nói thật. Bởi khi 9 tuổi, người ta thường ngây thơ và suy nghĩ giản đơn như thế.
Thầy tôi không vợ con, cha mẹ đã qua đời, họ hàng ở xa, thầy lấy chúng tôi làm động lực, dồn hết tâm huyết và chúng tôi, chỉ ước mong sao cho chúng tôi trưởng thành, vững vàng bước vào đời. Thầy dạy môn vẽ, nhưng với chúng tôi thầy không chỉ dạy vẽ mà con dạy cách sống, cách làm người. Tôi còn nhớ rõ hình bóng thầy trên bục giảng năm ấy. Mái tóc pha hơi sương, chiếc cặp sách cũ, nụ cười hằn những vết chân chim đượm màu thời gian đã theo chúng tôi đi hết những năm tháng cuối của thuở học trò có lớn mà không có khôn, chỉ một tay thầy chỉ dạy. Thầy từng thuê một căn trọ gần trường. Vào những chiều chủ nhật, chúng tôi thường kéo nhau đén nhà thầy, bày ra nào là giá vẽ, là màu, là giấy, tha hồ sáng tạo. Tôi thường ấn bàn ta mình lên đống màu rồi ấn lên tờ giấy, lấy chút màu đen chấm một phát, vậy là con cá đang bơi lập tức xuất hiện. Thầy từng bảo, trong số những học trò của thầy thì tôi là người có khiếu vẽ nhất. Tôi vui lắm, có thầy ủng hộ nên tôi vẽ suốt ngày, lăn mình trong thế giới của màu sắc. Chúng tôi nghịch phá đủ trò mà thầy chưa một lần trách phạt. Duy chỉ có một lần ấy làm tôi không bao giờ quên, giờ nghĩ lại vẫn còn nghe cay cay nơi sống mũi.
Đó cũng là một buổi chiều chủ nhật bình thường, chúng tôi kéo nhau đến phòng vẽ của thầy. Cả bọn ngồi quanh đống màu và xấp giấy, tha hồ vẽ những thứ mà chúng tôi thích. Bỗng chốc thầy ôn tồn nói:
– Hôm nay thầy sẽ cho các em thi vẽ với nhau, bạn nào vẽ tốt nhất thầy sẽ đưa tên lên nhà trường để tham gia thi vẽ ở trường huyện.
Mới nghe đến đó thôi chúng tôi đã vô cùng háo hức, được đi thi vẽ ở trường huyện là mơ ước của biết bao đứa học trò, nay thầy cho cơ hội thể hiện, hẳn ai cũng thích thú chờ đợi. Một đứa trong chúng tôi lên tiếng:
– Vẽ đề tài gì hở thầy ?
Thầy đáp nhẹ nhàng:
– Theo thầy, chúng ta phải chọn một đề tài vừa quen thuộc, lại giàu cảm xúc với các em. Hay chúng ta vẽ đề tài “Lớp tôi”, các em có đồng ý không?
– Đồng ý! Đồng ý!
Vậy là mỗi đứa một tờ giấy, chúng tôi vẽ đủ thứ về lớp mình. Có đứa thì vẽ cả lớp đi tắm biển, đứa thì vẽ cả lớp đang chăm chú ghi bài. Tôi vẽ đặc biệt hơn, trong bức tranh tôi có bốn người, ở giữa là thầy đang cầm cuốn tập, hai bên là ba đứa nhọc. Đứa tóc ngắn kẹp tóc màu hồng là tôi, kế tiếp con nhỏ buộc tóc hai chùm là nhỏ Kim Phụng, còn thằng nhóc ngồi cạnh thầy là thằng Quang “sún”. Hai đứa đó là bạn thân của tôi còn thầy là người thôi yêu quí nhất trong lớp, vẽ đề tài “lớp tôi” là quá hay rồi. Thầm nghĩ tranh của mình chắc chắn sẽ chiến thắng, tôi vội nhìn qua tranh thằng Hải “còm”. Tranh của nó không tệ như tôi nghĩ. Trong tranh là cảnh mấy thầy trò đang học vẽ, bố cục rõ ràng, màu sắc khá hài hòa, nội dung cũng phù hợp lại ý nghĩa. Nhìn lại tranh của mình, tôi thầm nghĩ tranh thằng Hải đẹp hơn hẳn. Chẳng lẽ chịu thua nó dễ dàng như vậy? Không thể nào! Chợt nhìn thấy lọ mực đen nằm kế chân, tôi phân vân suy nghĩ. Lát sau, nhân lúc thầy đi lấy thêm giấy, tôi khẽ đá nhẹ vào lọ mực, hướng về phía bức tranh của Hải “còm”. Bứa tranh bị mực đổ tèm lem, màu vẽ loang ra khắp nơi. Nó òa khóc thảm thiết, mấy đứa khác bàn tán xì xào. Nghe tiếng Hải “còm” khóc, thầy chạy ra.
– Sao mực lại đổ thế này?
Tôi vội vàng phân bua:
– Là em, là em vô tình làm đổ ạ, em xin lỗi bạn, xin lỗi thầy.
Ngỡ vậy là xong chuyện, ai ngờ nhỏ Mai Anh ngồi bên kia đã quan sát hết mọi chuyện, nó mách lẻo ngay:
– Thưa thầy, không đúng ạ. Bạn này cố ý làm đổ mực, em thấy bạn đá vào lọ mực rõ ràng mà.
Thầy trừng mắt nhìn tôi:
– Nói thật thầy nghe, có đúng vậy không?
Lúc ấy, tôi chỉ sợ mình thua bạn, vội phá hủy bức tranh đó, là tôi đã sai. Tôi không thể nói dối thầy được, đành phải cắn răng nhận tội:
– Thưa thầy, thưa thầy,…em…em xin lỗi.
– Sao em lại làm vậy?
Đột nhiên tôi bật khóc, trong tiếng khóc ấy, tôi chỉ sợ mình không được thầy yêu thương và tin tưởng như trước, tôi chỉ sợ thầy không cho tôi cơ hội.
– Thưa thầy, tại…tại tranh của bạn Hải đẹp hơn tranh của em. Em sợ,…em sợ bạn ấy sẽ thắng em. Em xin lỗi thầy, em biết lỗi rồi, lần sau…lần sau em không dám nữa.
Ngỡ thầy sẽ giận lắm và cho tôi khỏi thi, tôi bật khóc thật to. Ai ngờ, thầy vội đặt bàn tay ấm áp lên vai tôi, thầy nói một câu mà tôi không bao giờ quên được:
– Em à, nếu đam mê là con đường dẫn đến thành công, thì sự kiên trì chính là chiếc xe đưa em đến đó. Nếu em thực sự muốn thắng, em phải cố gắng bằng chính sức lực và niềm đam mê của mình chứ không phải bằng cách phá hủy thành quả của người khác. Em hiểu không?
Lúc này tôi đã thôi nức nở, vội xin lỗi Hải “còm”, rồi ôm chầm lấy thầy thật chặt:
– Em cảm ơn thầy đã cho em một bài học thật quí giá.
Năm ấy, cả tôi và Hải còm đều được đi thi, hôm chúng tôi thi thầy bị ốm không đi theo sát được. Tôi đã dồn hết tình cảm và đam mê của mình vào bức tranh ấy. Tôi đã vẽ một người thầy, người thầy với mái tóc pha sương cùng nụ cười hằn vết chân chim ấy. Dưới tranh tôi đề dòng chữ “Người thầy đáng kính của em”. Lần đó, tranh của tôi đạt giải nhất khối bốn toàn huyện. Lúc mới nghe kết quả, tôi chạy vội về nhà định gọi cho thầy báo tin mừng. Vừa về tới cổng, mẹ tôi đột ngột báo tin: “Thầy mất rồi!”. Tôi không tin vào tai mình, chỉ kịp lắp bắp: “Sao…sao thầy mất…” rồi sụp xuống khi mẹ tôi cũng nghẹn ngào: “Thầy bệnh lâu rồi mà không ai biết. Ngày đưa thầy vào viện, bác sĩ chụp hình mới biết thầy đã hư hết lục phủ ngũ tạng rồi, chưa ai kịp đi thăm thì thầy đã…”. Trong cái nóng ran hầm hập của buổi ban trưa, tôi cầm tấm tranh vẽ thầy trên tay. Chạy vội đến căn gác trọ của thầy. Lũ học trò của thầy tới đông đủ, mà hình bóng của thầy đã tan về phương nao. Tôi nghẹn ngào không nói nên lời, chỉ biết thổn thức tâm can: “Thầy ơi, sao không đợi em về…”
Giờ đây tôi đã khôn lớn, làm sao quên được người thầy năm xưa. Cuộc đời thầy đưa biết bao nguời qua dòng sông tri thức. Dòng sông vẫn cứ êm trôi.. tóc thầy bạc đi, mắt thầy nheo lại nhưng vẫn luôn vững tay chèo và hết lòng vì thế hệ trẻ.. bao nhiêu người khách đã sang sông ? bao nhiêu khát vọng đã vào bờ ? bao nhiêu ước mơ thành sự thực.. ? Có mấy ai sang bờ biết ngoái đầu nhìn lại thầy ơi…
Dẫu đông dài, hạ trắng, nắng gắt hay mưa giông…
Những người chèo đò vẫn mải miết qua sông đưa khách…
Dẫu gió lạnh, đèn khuya, lưng áo mỏng…
Thầy tôi trăng hắt những đêm kia, vẫn mải miết chèo đời…
Thầy ơi!
Ánh nắng mặt trời cuối ngày rồi sẽ tắt, dòng sông đến nơi con đập sẽ tự mình rẽ sang một hướng khác. Nhưng việc dạy người làm sao rẽ được, gắn bó đời bằng một lối đi chung. Cao cả thay tấm lòng nhà giáo, lặn lội chở người qua bão táp phong ba cập bờ hạnh phúc. Đến nơi rồi một nụ cười đọng mãi. lặng lẽ quay về lái tiếp chuyến đò sau. Thầy mãi mãi là người cha thứ hai của em, là người thầy thời ấu thơ rèn cho em từng nét vẽ, từng bài học cuộc sống. Phố xá nơi đây bình dị vô thường, em nhờ gió gởi đến thầy lời nhớ thương vô hạn, người thầy đáng kính của em!
Nơi sân trường xưa vắng lặng, tôi bỗng chốc nghe tim mình thắt lại, trong làn gió ấy, tôi nghe như tiếng thầy đang tha thiết gọi tôi.
© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép của tác giả hoặc bằng văn bản của CBT Việt Nam. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn! |
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM |
Các cuộc thi viết | Podcast Cây Bút Trẻ | Quy định hoạt động |
Cộng đồng trên Facebook | Cộng đồng nhóm Zalo | GIỌNG THU VÀNG 2025 |
1 Comments