Haiku – Ôm cả thế gian trong một chữ (Phần 3)
Phần 3: Một số đặc trưng nghệ thuật của thơ haiku
Đọc phần 1 tại: Haiku – Ôm cả thế gian trong một chữ (Phần 1)
Đọc phần 2 tại: Haiku – Ôm cả thế gian trong một chữ (Phần 2)
- Thơ haiku có một cấu trúc nghệ thuật đặc sắc.
Một bài thơ haiku rất ngắn gồm 17 âm tiết và được xếp 3 dòng theo thứ tự 5-7-5: (theo âm tiếng Nhật)
Shichi Kei wa (5 âm tiết) Hồ Ômi tám cảnh
Kiri ni Kacurete (7 âm tiết) Sương mù dấu bảy rồi
Mii no KKane (5 âm tiết) Còn chuông đền Mii thôi (Bashô)
Do cấu trúc chặt chẽ như trên cho nên đòi hỏi người làm thơ haiku phải biết “kiệm từ”, chọn những từ và ý nào thật đắt, cô đọng, ẩn chứa nhiều ý nghĩa để đưa vào thơ. Ở đây, câu mở đầu có tính chất giới thiệu, gợi cảnh, gợi tình để mở ra ý cho hai câu sau. Các sự việc được phản ánh trong thơ haiku có khi tưởng như rời rạc, không liên kết với nhau, nhưng thực ra giữa chúng có mối liên kết chặt chẽ từ bên trong. Từ “sự tinh giản của tâm hồn” (A.Tagor), thơ haiku đã tạo nên sức mạnh nghệ thuật to lớn. Chính vì thế, nhà nghiên cứu phê bình Roland Barther (Pháp) nhận xét: “Sự ngắn gọn của haiku không phải là vấn đề hình thức. Haiku không phải là một tư tưởng phong phú rút vào một hình thức ngắn mà là sự tin vắn tắt tìm ra được hình thức vừa vặn cho mình”.
- Sử dụng nghệ thuật tương phản, đối lập cũng là đặc trưng của thơ haiku.
Đó là sự đối lập tương phản giữa cái vô hạn – hữu hạn, giữa không – có, giữa cái lớn – bé, xa – gần, con người – vũ trụ… Trong bài thơ “Ao cũ”, Bashô viết:
Ao cũ
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước xao
Ở đây có sự tương phản đối lập giữa cái trường cửu của con người (ao cũ) và cái nhất thời (hình ảnh con ếch nhảy vô). Hình ảnh “ao cũ” thể hiện tính vĩnh cửu của không gian và thời gian, hình ảnh con ếch nói lên quan hệ biến dạng của sự vật trong sinh tồn. Nhờ cú nhảy của con ếch mà xao động cả mặt ao đánh thức sự yên tĩnh của sự vật, đánh thức cả không gian vũ trụ. Nhận xét về bài thơ này, nhà nghiên cứu Nhật Bản D.T Suzuki cho rằng: “Cái Ao cũ của Bashô nằm bên bờ kia vĩnh cửu nơi của thời gian vô thời gian. Đó là nơi vạn vật sinh ra là nguồn suối của thế giới sai biệt này nhưng trong chính nó không hề có mảy may sai biệt nào”. Và tiếng vang của nước do con ếch của Bashô khuấy động lên vẫn còn vang mãi cho đến tận bây giờ.
Ở bài thơ “Con quạ”, thi sĩ Bashô mô tả một cảnh đêm thu thật buồn, cô liêu:
Con quạ về làm tổ
Trên một cành cây khô
Đêm thu
Trong bài thơ này ba sự vật: con quạ, cành cây khô và đêm thu có sự đối lập với nhau. Nếu “con quạ”, “cành cây khô” là cái hữu hạn thì đối lập với nó là cái vô hạn (đêm thu). Sự tương phản của ba sự vật tạo nên một khung cảnh thật ảm đạm cô tịch.
- Giới thiệu đề tài để tạo ra sự liên tưởng đối với người đọc cũng là một nghệ thuật của thơ haiku.
Các bài thơ haiku thường chỉ là những nét chấm phá, gợi mở để độc giả vận dụng trí tưởng tượng nhằm liên tưởng đến các sự vật và hiện tượng khác. Vì thế, người ta cho rằng thơ haiku giống như những bức tranh thủy mặc của người Nhật. Nó chứa đựng một khoảng trống, một khoảng chân không nhưng tràn trề sự sinh động của cuộc sống. Nhà thơ chỉ phác họa vài dòng về thiên nhiên:
Lá thủy tiên
Dưới làn tuyết mới
Nhè nhẹ trĩu mình (Bashô)
Vẽ lên một chiếc lá thủy tiên thôi mà ta cảm thấy được cả đời sống của cỏ cây, sự phân định của các mùa… Điều này có được là nhờ sự liên tưởng của người đọc để lấp đầy chỗ trống mà nhà thơ bỏ ngỏ. Chính vì thế mà nhà thơ Tagor (Ấn Độ) nhận xét, trong thơ haiku “Nhà thơ chỉ giới thiệu đề tài rồi bước nhanh sang một bên” và “lý do khiến nhà thơ rút nhanh chóng thế vì người đọc Nhật có quyền năng tinh thần về tưởng tượng rất lớn”
Cho đến ngày nay, thơ haiku Nhật Bản vẫn lôi cuốn người đọc nhiều nước trên thế giới bởi nội dung phong phú và nghệ thuật đặc sắc của nó. Đồng thời thể thơ này vẫn được nhiều người bắt chước sáng tác, nhưng không ai có thể vượt qua được thơ haiku Nhật Bản với những thi hào nổi tiếng. Thơ haiku là sản phẩm tinh thần riêng của người Nhật là niềm tự hào của đất nước Phù Tang, của xứ sở hoa anh đào.
Nguồn: Một số đặc điểm của thơ Haiku Nhật Bản
© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép của tác giả hoặc bằng văn bản của CBT Việt Nam. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn! |
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM |
Các cuộc thi viết | Podcast Cây Bút Trẻ | Quy định hoạt động |
Cộng đồng trên Facebook | Cộng đồng nhóm Zalo | GIỌNG THU VÀNG 2025 |
0 Comments