Thơ Nguyễn Bính từ kí hiệu sinh thái đến không gian tự tình


…trong phối cảnh Thơ mới 1932 – 1945, tuy không phải là người có công sáng lập và vị trí tiên phong như Thế Lữ, cũng không mang đến cho thi đàn đương thời một luồng gió mới tràn đầy năng lượng như Xuân Diệu, song Nguyễn Bính vẫn tạo lập được một hệ giá trị bền vững. Thi nhân đã truyền cảm hứng, thu hút một cộng đồng tiếp nhận yêu bản sắc Việt vô cùng đông đảo và mang tính ổn định cao qua nhiều giai đoạn văn học.

(Kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Bính)

Ảnh Nguyễn Bính và tranh chân dung do họa sĩ Tạ Tỵ thể hiện

Trong đội ngũ tài danh của phong trào Thơ mới, Nguyễn Bính là một trường hợp, một chân dung khác lạ, “đứng riêng một cõi”. Thơ ông là sự giao hòa giữa tâm thức lãng mạn hiện đại nửa đầu thế kỉ XX với điệu hồn dân tộc xưa cũ. Đọc thơ ấy, dường như người ta quên đi sự bùng nổ của công cuộc giao lưu và tiếp biến, sự va chạm Đông – Tây để được sống chậm, được đắm mình vào những câu thơ thấm đượm phong vị ca dao, trong sáng, yên bình, gần gũi và rất dễ đi vào lòng người. Chính vì vậy, trong phối cảnh Thơ mới 1932 – 1945, tuy không phải là người có công sáng lập và vị trí tiên phong như Thế Lữ, cũng không mang đến cho thi đàn đương thời một luồng gió mới tràn đầy năng lượng như Xuân Diệu, song Nguyễn Bính vẫn tạo lập được một hệ giá trị bền vững. Thi nhân đã truyền cảm hứng, thu hút một cộng đồng tiếp nhận yêu bản sắc Việt vô cùng đông đảo và mang tính ổn định cao qua nhiều giai đoạn văn học.
Là một chủ thể sáng tác thuộc trào lưu thơ ca lãng mạn, nguồn cảm hứng nghệ thuật thơ Nguyễn Bính nhuốm sắc thái duy tình. Các cung bậc cảm xúc về tình yêu đôi lứa, về nỗi sầu đô thị và cái tôi cô đơn “phiên bản” Nguyễn Bính được bao bọc bởi khung cảnh thiên nhiên thấm đẫm hồn quê Bắc Bộ: từ hàng cau đến giàn trầu, từ một cơn mưa xuân như một làn sương trắng đến màu hoa xoan tím, từ giậu mùng tơi xanh rờn đến con bướm trắng, từ hoa chanh, hoa bưởi đến bến đò, dòng sông… Đó thực sự là những kí hiệu sinh thái tự nhiên nổi bật, có khả năng di chuyển, biến hoá, dệt nên không gian tự tình đằm thắm thân thương trong thế giới nghệ thuật của một nhà thơ tài hoa và “quê mùa”.

Cũng giống các nhà thơ lãng mạn cùng thời, Nguyễn Bính viết nhiều về tình yêu. Những da diết nhớ thương, lời hẹn thề, nỗi khát khao về một mối lương duyên tốt lành được nhà thơ biểu đạt bằng một hình thức diễn ngôn bình dị, ngọt ngào:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
(Tương tư)

Cùng viết về nỗi nhớ, nhưng nếu Xuân Diệu – nhà thơ mang dáng dấp Tây phương, “mới nhất trong các nhà Thơ mới” – thổn thức một cách “ồn ào”: Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm/Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em…/Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh/Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!… thì Nguyễn Bính nhẹ và đằm hơn, nhưng lại đẩy cảm xúc đi xa hơn về miền lứa đôi thắm thiết. Sự lai ghép “cau” – “trầu” được sắp đặt vào không gian “thôn Đoài” – “thôn Đông” đã lập nên một khuôn viên tương tư yên ả, thanh bình giữa làng quê thanh tịnh:

Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

(Tương tư)

Thơ Nguyễn Bính gần gũi với ca dao trên nhiều phương diện: không chỉ ở lối cảm nghĩ, nói năng nhiều ví von mà còn ở kiểu tư duy, cách cấu tứ, lập ý. Mỗi bài thơ dù dài ngắn dường như đều là một câu chuyện (Chân quê, Tương tư, Chờ nhau, Qua nhà, Người hàng xóm, Lòng mẹ, Lỡ bước sang ngang…). Đặc biệt là ở thể lục bát, cảm xúc thơ hòa lẫn vào âm điệu trữ tình folklore, vào mạch tự sự của câu chuyện và lắng lại bởi một tiết tấu nhẹ nhàng, sâu lắng như ca dao vọng lại:

Cái ngày cô chưa có chồng

Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa

Lối này lắm bưởi nhiều hoa
(Đi vòng để được qua nhà đấy thôi)
Một năm đến lắm là ngày
Mùa thu mùa cốm vào ngay mùa hồng…
Từ ngày cô đi lấy chồng
Gớm sao có một quãng đồng mà xa
Bờ rào cây bưởi không hoa
Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo

(Qua nhà)

Diễn trình tự sự và những chi tiết gây thương nhớ trong bài thơ đều thuộc về thôn quê, là ngoại cảnh nuôi dưỡng tâm trạng thi nhân. Nhưng Nguyễn Bính là nhà thơ của phong trào Thơ mới, dĩ nhiên ông có những đồng điệu sẻ chia với những người cầm bút cùng thế hệ mình, không chỉ ở tâm thế mà còn ở lối viết. Đó là sự chuyển hoá tài tình giữa miêu tả và biểu hiện, giữa tả cảnh và tả tình và đọng lại ở hai câu kết đặc sắc của bài thơ – một kiểu ẩn dụ của thi pháp hiện đại:

Giếng thơi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều
(Qua nhà)

Gắn với đời sống thôn dân cùng những nề nếp, phong tục bao đời, thơ Nguyễn Bính đã lưu giữ được nhiều mã văn hoá truyền thống. Thế giới nghệ thuật thơ ông được tái tạo trên một nền cảnh địa – sử văn hoá gần gũi với tâm thức Việt. Một trong những kí hiệu sinh thái, một “mẫu gốc” mang thông điệp tình yêu và ý nghĩa giao duyên trở đi trở lại khá nhiều như một biểu tượng trong thơ Nguyễn Bính là cặp  đôi trầu – cau. Tuy nhiên, ở mỗi trạng thái tâm tình, hình ảnh trầu cau lại mang hàm nghĩa biểu đạt khác nhau. Nếu ở bài Tương tư là ước mong được gắn kết thành lứa thành đôi giữa “giàn giầu” nhà em với “hàng cau liên phòng” nhà anh thì ở bài Chờ nhau không còn là động thái nhớ nhung đơn phương mà đã là hẹn hò, báo hiệu một cuộc gặp gỡ đầy xao xuyến trong một không – thời gian được tính đếm bằng chỉ số đợi chờ rất dân gian và không thể ước lệ hơn: 

Đôi ta cùng ở một làng
Cùng đi một ngõ, vội vàng chi anh?
Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết chúng mình… với nhau.

Sống giữa bầu không khí trong lành của hương đồng gió nội, chan hoà, quyến luyến với vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc, từ hoa lá cỏ cây đến con người trong thơ Nguyễn Bính đều là những chỉ dấu đặc trưng của làng cảnh Việt Nam. Có thể nói đó là một “mùa xuân xanh” của ấn tượng thị giác. Dễ nhận thấy các chiều xa – gần, cao – thấp, trong – ngoài của không gian tình tự được bao phủ bởi sắc xanh tươi non, mượt mà, tràn ngập sức sống. Nó hài hòa với tâm hồn trẻ trung và tư thế đón đợi chỉ một chiều vui vẻ, phấn chấn của một trai làng: Mùa xuân là cả một màu xanh/Giời ở trên cao, lá ở cành…/Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh/Tôi đợi người yêu đến tự tình/Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy/Bắt đầu là cái thắt lưng xanh (Mùa xuân xanh). Song, đôi khi đó là một cơn mưa mùa xuân thi vị của đất trời nhưng lại chứa đựng bầu tâm sự với hai thái cực từ vui tươi sang buồn bã, từ hi vọng sang thất vọng của một gái làng qua những rung động đầu đời trong trắng, ngây thơ (Mưa xuân).

Bên cạnh đó, những hình ảnh bến đò, nương dâu, giậu mùng tơi, cửa tò vò… cũng được châu tuần, hợp thành miền giao cảm, không gian tự tình riêng của thơ Nguyễn Bính. Trên nền cảnh ấy là sự hiện hình, là bóng dáng của các nhân vật trữ tình. Họ đa phần là những thôn nữ trẻ: cô lái đò, cô hàng xóm, cô hái mơ (Cô lái đò, Lỡ bước sang ngang, Người hàng xóm, Không đề). Nhiều bài thơ của Nguyễn Bính mang điểm nhìn của nhân vật nữ. Có lẽ nhờ sự nhập vai cao độ của chủ thể sáng tác, thơ Nguyễn Bính phảng phất thiên tính nữ. Không chỉ ở giọng điệu kể lể sự tình mà còn là sự khắc hoạ chân dung tâm hồn, sự khái quát những thân phận tình yêu đa đoan, hồng nhan bạc mệnh. Ám ảnh nhất là cuộc tình duyên ngang trái của nhân vật người chị qua những lời tâm sự đẫm nước mắt trong Lỡ bước sang ngang.

Ở những bài thơ có cái nhìn từ phía chủ thể trữ tình là nam, được hiện diện bởi ngôi giao tiếp “anh”, giọng điệu buồn thương, ngậm ngùi, xót xa vẫn đóng vai trò chủ đạo. Việc trai gái tương tư, đợi chờ, bâng khuâng, lưu luyến… là chuyện của muôn đời, đến văn chương lãng mạn nói chung và thơ lãng mạn nói riêng, do những ảnh hưởng từ hệ quy chiếu thẩm mĩ, lại có thêm màu sắc bi thương. Bài thơ Người hàng xóm của Nguyễn Bính là một mô thức tiêu biểu. Nếu chỉ căn cứ vào “tính chuyện” và đặc điểm thể loại thì bài thơ rất gần gũi với thi ca bình dân nhưng diễn biến trữ tình lại mang dấu ấn của loại hình nhân vật lãng mạn. Đó là thứ tình yêu không trọn vẹn, đúng hơn là bi kịch “bình rơi trâm gãy”. Hai nhân vật chính trong câu chuyện là “tôi” và “nàng”, có thêm “con bướm trắng” được nhân hoá thành một “người” thứ ba để chàng trai giãi bày tâm sự. Không gian nuôi dưỡng nguồn thi hứng, thi cảm vẫn là khung cảnh thôn quê rất đỗi bình dị, mến thương và một mối quan hệ giềng xóm thân tình. Điều đặc biệt là toàn bộ “chuỗi diễn ngôn” của bài thơ chỉ bao gồm lời độc thoại của chính chủ thể tác giả xưng “tôi” và lời đối thoại với “con bướm trắng” – vừa là một kí hiệu sinh thái, vừa như một kiểu nhân vật trữ tình mang tâm trạng, xuất hiện bên cạnh giậu mùng tơi, mái hiên nhà, nong tơ vàng, cơn mưa đổ “tầm tầm” rồi lại tạnh. Tuyệt nhiên không có lời đối đáp nào giữa đôi nam nữ – những chủ thể của câu chuyện tình yêu – mà chỉ là lời tự vấn của chàng trai trước mối rung động đang ngày càng trở nên sâu sắc hơn trong lòng mình. Sự hiện diện của con bướm trắng ở mỗi tình huống là một tín hiệu không lời, được mong chờ, gửi gắm nhưng đồng thời cũng mang theo một linh cảm báo hiệu những điều không may mắn tốt lành. Cùng với hình ảnh chập chờn lúc ẩn lúc hiện đó là những trạng thái không thể lí giải của tình yêu, những xung đột nội tâm trái chiều… Khi cảm xúc được đẩy lên ở đỉnh điểm cao trào cũng chính là lúc người thơ tìm ra câu trả lời trong đau đớn, suy sụp, tuyệt vọng:

Đêm qua nàng đã chết rồi
Nghẹn ngào tôi khóc… Quả tôi yêu nàng
Hồn trinh còn ở trần gian?
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này!

Cái kết thúc của bài thơ đã có sự “li tâm” với lối kết thúc có hậu quen thuộc của thi pháp dân gian. Rõ ràng, ngoài những yếu tố làm nên phong cách của một nhà thơ đồng quê, Nguyễn Bính đồng thời là loại hình tác giả của Thơ mới, chịu ảnh hưởng của thi pháp lãng mạn: từ chân dung cái tôi buồn, cô đơn đến những mối tình dang dở, từ mối “sầu đô thị” đến mặc cảm lạc thời, bơ vơ, từ quan niệm thẩm mĩ, cách lựa chọn nhân vật đến các thủ pháp ngôn từ và liên tưởng thơ. Cũng là hình bóng thôn nữ đứng trước hiên nhà nhưng không nhất thiết phải lệ thuộc vào công thức mặc định của “gái quê” mà đôi khi motif nhân vật quen thuộc này đã được Nguyễn Bính tạo hình bởi những nét đặc tả mới mẻ, tân thời, xen kẽ nét dịu dàng thôn quê là sắc thái biểu cảm thị thành, duyên dáng: Đã thấy xuân về với gió Đông/ Với trên màu má gái chưa chồng/ Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm/ Ngước mắt nhìn trời, đôi mắt trong (Xuân về). Cũng như để biểu đạt những xao động êm ái của tâm hồn, một cái gì đó còn mơ hồ xa xăm, Nguyễn Bính đã mượn cái vỏ lục bát tứ tuyệt nhưng bên trong lại chứa đựng cả một bầu tâm trạng khó định hình, được diễn tả bằng những khoảng lặng văn bản mang tính chất “ý tại ngôn ngoại”, hàm ẩn, gợi cảm, tinh tế, mộng mơ và sáng tạo:

Hôm nay dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Anh đi đấy, anh về đâu?
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm
(Không đề)

Ngoài thể lục bát thuần thục, điêu luyện như được chiết xuất từ những gì tinh tuý nhất của ca dao truyền thống, ở mảng đề tài con người cá nhân mang tâm thế bị khước từ, lạc thời, bất ổn và bế tắc, tìm sự giải thoát bằng thú phiêu lưu giang hồ đầy phong trần sương gió, Nguyễn Bính có viết một số bài thơ tự do như Hành phương Nam, Một trời quan tái, Những bóng người trên sân ga, Hai lòng… Ở những bài thơ này, sự chân thực của hình ảnh, sự phá cách, phóng túng của vần nhịp, câu chữ đã giúp nhà thơ tự khắc hoạ chân dung mình như một cá thể cô quạnh giữa tấp nập thế gian và chợ đời đông đúc:

Ta đi nhưng biết về đâu nhỉ
Đã dấy phong yên lộng bốn trời
Thà cứ ở đây, ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi!
(Hành phương Nam)

Mặc dầu có những lúc thể hiện phong thái của một tay chơi đào hoa giữa khuôn viên giải trí sang trọng Sớm Đào, trưa Lý, đêm Hồng Phấn/Tuyết Hạnh, sương Quỳnh, máu Đỗ Quyên (Xóm Ngự viên), song trước sau Nguyễn Bính vẫn là một thi sĩ chân quê, hương sắc của thơ ông được thăng hoa, chưng cất bởi cảnh quan thôn dã. Từ sở trường lục bát, ông có thể dịch chuyển khá dễ dàng sang thể thơ tự do để theo kịp xu thế hiện đại hoá của trào lưu, nhưng trong tâm tưởng bao thế hệ người đọc vẫn hiện diện một Nguyễn Bính với tài thơ bẩm sinh, làm thơ một cách hồn nhiên và bản năng. Không phải ngẫu nhiên, trước nay, bài thơ Chân quê được coi là phát ngôn chính thống cho quan niệm nghệ thuật, quan điểm sáng tác thơ của Nguyễn Bính. Tuy có những đan cài, tương phản giữa con người thời đại với bản tính quê mùa nhưng không hề có sự lưỡng lự phân vân trong chọn lựa. Thái độ dứt khoát, rõ ràng được lồng ghép vào giọng điệu “van lơn” mềm mỏng, phảng phất chút giễu cợt nhẹ nhàng, kín đáo của chàng trai với một nửa của mình. Đằng sau câu chuyện yêu đương thú vị này là cả một triết lí sâu sắc, chứa đựng cái tâm của người cầm bút trong việc lưu giữ bản sắc dân tộc, phản ứng lại hiện tượng lai căng, vong bản.

Xuân Diệu đã từng hài hước, đại ý rằng, nếu bảo thơ lục bát đều đặn giống nhau khác gì bảo mặt ai cũng có mắt, mũi, miệng, tai như nhau và nhìn rất chán. Hay nói như M. Bakhtin thì đời sống thể loại nói chung, trong đó có lục bát, luôn là sự dung hoà giữa những yếu tố nguồn cội, cổ sơ và phần tiếp biến mới mẻ. Qua nhiều thời đại văn học, lục bát Việt Nam từ ca dao đến mô hình truyện thơ Nôm trung đại và sang thời hiện đại, nhờ tâm sức và sự cống hiến của nhiều kiểu loại tác giả, thế hệ thi nhân, thể thơ mang quốc hồn quốc túy của dân tộc đã được duy trì, hồi sinh. Trong dòng chảy với nhiều thừa kế, tiếp biến và cách tân đó, lục bát của Nguyễn Bính đã xuất hiện trước những áp lực không nhỏ của tiến trình hiện đại hoá và làn gió Tây phương. Nhưng bằng tài năng và bản lĩnh nghệ thuật, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, Nguyễn Bính đã mang đến cho thi đàn dân tộc một sắc diện, một cá tính lục bát độc đáo và là một tên tuổi không thể thay thế.

Khác với văn xuôi, đặc trưng phản ánh, quy luật tái tạo hiện thực của thơ thiên về lối “mượn cảnh ngụ tình”. Theo đó, cảnh vật trong thơ, dù “kì diệu đến đâu hết thảy đều tự trong lòng mà nẩy ra” (Ngô Thì Nhậm). Bằng tâm hồn thuần khiết hương quê, Nguyễn Bính đã trữ tình hoá, thơ hoá, biến những sự vật vô tri giữa khung cảnh thôn quê mộc mạc thành một không gian hữu tình, thơ mộng. Về lí thuyết, tư duy thơ thường vận động theo hai chiều hướng nội và hướng ngoại. Nhưng nhiều khi rất khó định vị bởi cảm hứng thơ là một yếu tố vô hình, đi về, bay lượn, tạo nên độ mờ nhoè giữa khách thể và chủ thể, ngoại giới và nội giới. Soi rọi vào thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Bính, đó là sự chuyển hoá từ kí hiệu sinh thái tự nhiên thành sinh thái tinh thần, từ ngoại cảnh đến tâm cảnh và ngược lại. Những trầu, cau, xoan, bưởi, mưa, nắng, sớm, trưa, chiều, tối, dòng sông, bến đò, lũy tre làng, hoa khuê các, bướm giang hồ… cũng chính là những cung bậc, giai điệu cảm xúc, là những mối tương tư, bâng khuâng, đợi chờ, vui buồn, hờn dỗi, tiếc nuối, khổ đau… Mỗi kí tự thiên nhiên gắn với một khoảnh khắc, một vụt hiện xúc cảm, một dòng tâm tư và cùng tương tác, tham dự vào câu chuyện lứa đôi. Tất cả hợp thành hệ sinh thái tình yêu và không gian tự tình của một hồn thơ chân quê, mang căn cước và tiếng nói của mẫu hình “thi sĩ đồng quê”.

Đã ngót gần ba phần tư thế kỉ trôi qua, thơ Nguyễn Bính là món ăn tinh thần nuôi dưỡng tâm tư, tình cảm của nhiều thế hệ độc giả người Việt trong và ngoài nước. Đó là một miền thơ thanh khiết, trong lành, nơi hợp lưu và đối thoại của các giá trị văn hoá Việt. Sự trân quý, mến thương những con người hiền lành, dung dị, những tấm tình chân thật đẹp như ca dao chốn quê nhà là nguồn dưỡng chất ươm mầm, nuôi lớn tài năng, tạo nên tầm vóc nhà thơ và đồng thời là kinh nghiệm thẩm mĩ sâu sắc mà thi sĩ Nguyễn Bính đã gửi lại như một tâm tình cùng hậu thế.

Hà Nội, 26/3/2018

Theo Lý Hoài Thu (Văn nghệ Quân đội)

Bình Luận

© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép bằng văn bản của chúng tôi. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm  đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn!
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM
Danh sách thành viên Giới thiệu chung Quy định hoạt động
Các câu hỏi/đáp về CBT Trang vàng Cộng đồng CÂY BÚT TRẺ AUDIO

0 Comments

Leave a Reply

You must be logged in to post a comment.

Em tìm lại mình trong màu nắng Tháng Tư Nơi khoảng trời dường như chỉ một màu trong suốt Cánh đồng Loa kèn khoác á...
Căn phòng bỗng chùng chình Tiếng xì xầm, to nhỏ Áo trắng hồn nhiên quá Khung cửa nhìn Lo ra … Phố ngoài kia hố...
Ta đọc lại bài thơ đêm qua rồi bật khóc Muộn chiều nay…bụng đói cồn cào Những ngày cuối năm thiên hạ xôn xa...
Người nơi ấy giờ xa xôi quá Chẳng thể gần cho thỏa ước mơ Nụ Xuân e ấp đợi chờ Gửi trong muôn nẻo tình thơ t...
Trời lành lạnh, gió tạt vào lòng nghe buốt rát Những chiếc lá vàng rơi lững thững phía triền đông Con vẫn tha hươ...
Gác nhỏ đêm nay một mình ta Nhìn hoa tuyết rụng trắng sân nhà Đêm khuya lạnh lẽo nghe trong gió Chợt thấy giai n...
Nhằm điều chỉnh một số định hướng hoạt động mới, Cộng đồng Cây Bút Trẻ Việt Nam thông báo về một số thay đổi với thành viên (sẽ có hiệu lực thực hiện từ ngày 30/1/2024) như sau: ĐỐI VỚI THÀNH VIÊN ...
Sau thời gian hơn 04 tháng diễn ra, cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh” đã nhận được tất cả 40 bài tham gia dự thi của 40 tác giả. Trong đó, có 33 bài dự thi được duyệt qua vòn...
Lâu lắm rồi mình chẳng viết được gì cả, không nổi một câu thơ, chẳng vẹn một ý truyện. Thỉnh thoảng, những đêm buồn như thế này, mình lại ngồi đọc những bài viết được đăng tải trên website, đọc nhữ...
Tạm biệt mái trường – Thơ Hương Tràm
Tôi tìm nhặt cánh Phượng rơi Mùa hạ đã đến, chợt trời đổ mưa Đâu rồi Hạt nắng lưa thưa Ve ngân h...
Kết quả cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh!”
Sau thời gian hơn 04 tháng diễn ra, cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh” đã n...
Những điều Má không kể…!
Nó nhớ lúc nhỏ thứ quen thuộc nhất là bóng lưng của má. Đi đâu má cũng chở nó theo trên cái xe đ...
Mùa xuân có một thiên thần…
Thế rồi, mùa xuân năm ấy có một Thiên thần, đã mãi bay đi. Mẹ đã xa rời chúng tôi, không một lời...
Chị ấy tên là Hồng, biệt danh là Pink!
Cho dù câu chuyện có đang đi vào bế tắc, chỉ cần chị nói vài câu là mọi thứ sẽ vui vẻ. Chị biết ...
Ước mơ của Mẹ!
Xin lỗi mẹ vì có những lúc khiến mẹ phải buồn, con luôn muốn nói với mẹ dù con ngại ngùng đôi ch...
Thứ Ba, Tháng Tư 16, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Năm, Tháng Hai 08, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Hai 07, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Ba, Tháng Hai 06, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Một 22, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Một 21, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Năm, Tháng Một 11, 2024 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 31, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 31, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Mười Hai 25, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 23, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 23, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Một 05, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Một 04, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Sáu, Tháng Chín 29, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Chủ Nhật, Tháng Chín 24, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Chín 18, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Chín 17, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Chín 13, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Tư, Tháng Chín 06, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Tư, Tháng Tám 30, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 28, 2023 CÂY BÚT TRẺ Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 28, 2023 CÂY BÚT TRẺ Thơ
Chủ Nhật, Tháng Tám 27, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Tám 23, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 21, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 14, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Tám 05, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thông tin - Kiến thức
Thứ Ba, Tháng Tám 01, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Ba, Tháng Bảy 25, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Sáu, Tháng Sáu 30, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Tản văn
Thứ Hai, Tháng Sáu 26, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Năm, Tháng Sáu 01, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Năm 20, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Năm 15, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ