Ông chính là nơi bình yên nhất con muốn về
Bắc Kinh chuyển thu. Lá vàng dần, nhưng gió thì đã lạnh. Năm thứ ba, cũng là năm cuối đi học xa nhà, đã quen với cuộc sống ở thành phố xa xôi này, nhưng rất nhiều lúc yếu lòng, tôi vẫn cần một điểm dựa tinh thần để vững bước – là ông ngoại.
Bình yên có thể là ngôi nhà chắn mưa chắn bão. Bình yên cũng có thể là một buổi chiều thong thả ước đi trên cánh đồng trong kí ức của mỗi chúng ta. Bình yên muôn hình vạn trạng, nhưng hẳn là ai cũng muốn quay lại chốn bình yên đó. Chốn bình yên của tôi – giờ đã không còn là tên một địa danh nào nữa, mà nằm trong tim tôi, cùng tôi đi qua mọi chặng đường – ông ngoại
Sau lần đổ vỡ hôn nhân khi mới chỉ hơn 20 tuổi, những nỗi đau có thể khiến người ta trở nên ám ảnh bởi các mối quan hệ. Nhiều năm sau lần vấp ngã ấy, mẹ tôi chọn làm mẹ đơn thân.
Từ khi còn tấm bé đến giờ, tôi vẫn luôn nhận được những câu hỏi như “có cảm thấy thiếu thốn tình cảm không?”, “có bao giờ thấy buồn không?” hay “có khi nào nghĩ đến hoàn cảnh rồi tủi thân không?”. Câu trả lời của tôi luôn khiến mọi người bất ngờ. Nếu là lần đầu gặp, chắc không ai nghĩ tôi đang nói thật. Vì sao ư?
Năm tôi 2 tuổi mẹ tôi đi xuất khẩu lao động, tôi chuyển về ở với ông bà ngoại. Năm 4 tuổi tôi đã biết đọc, biết viết. Sân nhà, cửa cổng, tường vôi chỗ nào có thể viết được tôi đều viết chi chít. Cô giáo dạy tôi lớp mẫu giáo gọi tôi vào văn phòng, đưa tôi một quyển báo, bảo đọc đi, nếu đọc được thì cô thưởng. Hoá ra cô nghe mọi người nói là tôi đã biết chữ nên muốn thử xem có đúng không. Thế là tôi đọc.
Năm tôi 5 tuổi, tôi đã bắt đầu làm toán lớp 1. Năm lên lớp 1, tôi đã học xong toàn bộ chương trình toán, đến lớp cũng chỉ là ôn lại.
Từ bé đến giờ, tôi chưa bao giờ bị ông đánh đòn. Kể từ hồi bập bẹ tập nói năm 2 tuổi cho đến lúc mẹ tôi về là khi tôi lên 7, luôn là ông chăm sóc. Ăn uống, học hành, vui chơi, lúc ốm đau quấy nhiễu, lúc ham vui quên đường về, lúc nào cũng là bóng ông bên cạnh.
Ông lúc nào cũng nghĩ nhiều nói ít, lúc nào cũng lặng lẽ âm thầm.
Tôi lớn dần, bắt đầu nổi loạn, muốn thể hiện mình hơn. Nhiều người nói đến tai ông, là tôi càng ngày càng đanh đá. Ông chỉ cười rồi bảo, “đanh đá cũng được, nhưng phải biết điều, đanh đá để không bị ai bắt nạt, nhưng phải sống tử tế và là một người tử tế”. Tôi chưa từng quên lời dạy đó. Tôi vẫn nhắc mình, sống phải làm người tử tế.
Vì có ông, tôi chưa từng tủi thân về việc mình không có bố.
Vì có ông, những năm mẹ tôi đi làm xa, tôi chưa từng thiếu vắng tình cảm gia đình.
Vì có ông, tôi được sống trong một mái nhà tràn ngập hạnh phúc, để sau này khi đã trưởng thành, tôi luôn tin rằng cuộc sống này tràn đầy tình yêu thương, để tôi luôn tự tin trước các mối quan hệ.
Một mình ông dành cho tôi chứa chan tình cảm: ông là ông, là cha, là bạn, là thầy.
Ông chính là nơi bình yên nhất con muốn về – Ảnh của tác giả Ngọc Hạnh
Tôi đã cứ ôm ông rồi bảo, “thôi cháu không lấy chồng nữa, mà ở với ông nhé.” Ông xoa đầu tôi, rồi cười. Thâm tâm tôi vẫn luôn nhủ với mình, sau này khi tôi cưới, ông sẽ là người dắt tay tôi lên lễ đường, trao cho chú rể. Đấy là điều nhất định tôi sẽ làm.
Vậy mà, ông đi trước khi tôi cưới. Tôi chứng kiến giây phút ông rời xa trần thế. Tôi đứng lặng một góc tường, rồi nước mắt không ngừng rơi. Tôi không thể kêu lên “Ông ơi”, không thể oà lên nức nở. Cứ như thế, cho đến khi người nhà kéo tôi ra.
Tôi đã trải qua nhiều chuyện vui buồn. Tôi có những vấp ngã, thất bại. Có cả những tổn thương nhói lòng. Nhưng thời gian qua đi, những vết thương đó dần lành lại, như một vết sẹo trên cơ thể. Nó là vết sẹo, để nhắc tôi không quên những chuyện trong quá khứ. Nhưng cũng vì là vết sẹo, nên không còn khiến tôi thấy đau. Chỉ riêng chuyện ông mất, mấy năm qua vết thương đó với tôi chưa từng lành, vẫn cứ âm ỉ, vẫn cứ rỉ máu. Nghĩ đến ông, tôi nghĩ đến tấm lưng ướt áo trưa hè chở tôi đi học, nghĩ đến gương mặt ông đầy tự hào khi tôi khoe điểm 10, nghĩ đến đôi tay nhăn nheo vẫn nắm chặt tay tôi dù khi đó ông không còn minh mẫn. Những lần đến thăm mộ ông, là một lần tôi cố nén mình để không bật khóc.
Dáng vẻ tự tin, tinh thần mạnh mẽ là những điều ông trao cho tôi để bước vào cuộc sống. Còn khi về nhà, tôi là đứa cháu nhõng nhẽo nhất, dễ khóc nhất, dễ tủi thân nhất của ông.
Nếu hỏi tôi về nơi bình yên nhất, nơi tôi muốn được quay về nhất, thì đó là nơi có ông. Tôi mang theo tình yêu của ông trên khắp mọi nẻo đường. Khi yếu lòng nhất, khi đau buồn, khó khăn, khi bản thân mất phương hướng, nghĩ đến ông, tôi tìm thấy một vùng trời bình yên ở đó, là nơi tôi cất giữ trong tim như một khoảng thiêng liêng, trân quý và đẹp đẽ nhất.
Tôi không tin chuyện tâm linh. Tôi không tin những trò bói toán ma quỷ. Nhưng tôi luôn tin ông đồng hành cùng tôi, vì ông luôn trong tim tôi. Giống như Lỗ Tấn có nói “Người chết chỉ thực sự chết khi không còn sống trong lòng người khác.”
► Bạn đang đọc bài tham gia thi cuộc thi viết “Nơi ấy trong con” được tổ chức từ ngày 02/10 – 20/12/2024. Quý tác giả, bạn đọc có thể tham dự, gửi bài về hòm thư cuocthiviet.caybuttre@gmail.com . Xem chi tiết về thông tin và thể lệ cuộc thi tại đây. |
© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép của tác giả hoặc bằng văn bản của CBT Việt Nam. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn! |
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM |
Danh sách thành viên | Giới thiệu chung | Quy định hoạt động |
Các câu hỏi/đáp về CBT | Trang vàng Cộng đồng | CÂY BÚT TRẺ AUDIO |
0 Comments