Nỗi nhớ mẹ gọi từ quê nhà!
Đêm hôm qua, mình mơ thấy một giấc chiêm bao rất lạ thường. Giấc chiêm bao cuốn mình vào cuộc sống gia đình đầy bận rộn. Đó là hình ảnh của mình năm 35 tuổi, chật vật với cuộc sống của một người mẹ, tần tảo trong dáng vẻ của người phụ nữ có gia đình….
Hằng ngày mình phải đấu tranh với tiếng mè nheo của mấy đứa nhóc vào sáng sớm. Chiều lại vồ vào công việc để kịp đón chúng về nhà. Đêm ngã lưng xuống giường, cũng là lúc bản thân thiếp đi lúc nào không hay. Mình đã ôm đầu một lâu, co ro với cuộc sống nhanh, hối hả đấy vào mỗi sớm mai. Bỗng chốc, mình thấy sợ hãi và bồi hồi nhớ lại bóng dáng của mẹ mình thời còn trẻ… Nói rồi, tiếng xe chạy ngoài đường phố bỗng đánh thức mình bằng cú giật mình bật dậy thật nhanh. Bản thân cứ ngỡ, đây thật sự là cuộc sống “demo” mà tương lai đã gửi điềm đến với mình nhân một ngày nhớ mẹ ở chốn quê nhà.
Ai rồi cũng sẽ đi qua những “hỉ, nộ, ái ố”, những sương gió, thăng trầm của cuộc sống. Đôi lúc, mình tự nghĩ cuộc sống có trôi quá nhanh không? Và những rêu phong từ cuộc đời sẽ lấy đi tất cả dáng vẻ của những người ta yêu thương, trả lại những vết rạn, sạm, chai, lì. Phải chăng, đây là một sự đánh đổi? Cứ tạm gọi cho nó một cái tên vô thưởng, vô phạt đó đi. Tấm ảnh bạn chụp từ thuở 20 với làn da căng mịn, dáng vẻ nuột nà đến khi bạn chạm mốc U50, xem lại thì nó vấn thế thôi. Ngược lại dáng vẻ nhanh nhẹn, linh hoạt ngày ấy, bạn sẽ chẳng còn thấy nữa. Bóng xuân của đóa hồng chỉ đẹp khi cô ấy còn trẻ, còn sức sống tận hưởng trong sức trẻ mà tạo hóa đã ưu ái riêng cho người phụ nữ. Câu chuyện sẽ không dừng lại ở tuổi thanh xuân của một người phụ nữ. Sẽ chẳng bàn bao nhiêu khi nó kết thúc ở đây. Hàng ngàn câu chuyện khác được khai sinh khi cô ấy có gia đình, vướng vào bức tranh với đầy đủ thiên chức của một con người từ lúc lọt lòng đến lúc về già. Mình nhớ mẹ của mình ngày trẻ, đến bây giờ trí nhớ của mình vẫn được đánh giá là khá tốt khi ôn lại những kỷ niệm có thấp thoáng bóng dáng của mẹ mình.
Mình vẫn luôn được mẹ kể rằng: “Ngày xưa, mẹ đẹp lắm, mẹ đẹp đến nỗi ai nhìn mẹ từ lần đầu cũng muốn bắt chuyện, làm quen”. Ban đầu, mẹ nghĩ rằng mình sẽ không lập gia đình sớm đâu, vì tuổi trẻ mẹ mới bắt đầu chã nhẽ vài dăm ba ly nước, vài ba lời ong bướm điêu ngoa lại dễ dãi”. Thế rồi chuyện tình yêu một sớm, một chiều, đâu ai biết trước. Sẽ chẳng có ai nói rằng khi con người ta đứng trước tiếng sét ái tình lại không đánh nhịp tim. Ngày ấy rồi cũng đến, mình nhận ra qua lời kể của mẹ, ngày mẹ bắt đầu cười trong hạnh phúc cũng là ngày người phụ nữ ấy sắp sửa sang một trang mới.
Ngày mẹ sinh ra mình, cuộc sống của người phụ nữ ấy thực sự được gọi với cái tên “cách tân”. Kể từ hôm nay trở đi, con người ấy lại phải dậy sớm hơn ngày thường. Hồi ấy, quê hương mình là một bản làng nghèo khổ, nhà nào có được mái hiên là khá lắm rồi, ngày ăn 3 bữa là mừng lắm, làm gì dám mơ tới chuyện của để, của giữ. Bâng khuâng trong đầu mình là các câu nói mà các cụ ngày nay vẫn thường kể cho con cháu nghe theo mô típ như vậy. Nhớ về quê lại thấy thương mẹ nhiều hơn, thương cả những “lấm lem” mà vùng quê ấy khoác lên người phụ nữ ở độ tươi trẻ nhất.
“Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, sớm hôm gieo mình nơi ruộng đồng, tối đến lom khom bên đống lửa nhỏ, chuẩn bị cơm mang cho ngày hôm sau là hình ảnh quen thuộc mình thường thấy trong tuổi thơ tươi đẹp của cô gái 20 tuổi ngày hôm nay.
Mình lớn lên trong mùi rơm rạ của quê nhà, trong khói mắt cay xè của ngói đỏ nên những câu thơ về quê hương đến bây giờ mình vẫn còn khắc khoải, dai dẳng:
“Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”.
Hơn tất cả, mình lớn lên trên đôi vai lúc nào cũng nặng trĩu quang gánh “ước mơ” cho con. Hồi ấy, mẹ mình 25 tuổi đã bươn chãi với sương, gió, nắng, mưa của cuộc đời để nuôi mình trưởng thành từng ngày. Mùa nắng, mẹ gắn liền với hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau, mùa mưa mẹ lên luống với đám rau khoai nuôi mình bập bọe tiếng nói đến lúc viết thành văn như ngày hôm nay. Mỗi cột mốc đánh dấu cuộc trường chinh của cuộc đời mình, đều có sự đồng hành sát sao của mẹ. Khi mình vào lớp Một, mình vẫn nhớ như in ngày hôm đó, mẹ vừa vui vừa khóc. Bản thân cũng chẳng hiểu cho đến ngày hôm nay, từ một cô bé rụt rè không dám bước chân vào cổng trường Tiểu học Quế Thuận, bây giờ mình đã dõng dạc, tự tin kể về hình ảnh người phụ nữ mình yêu thương một cách đầy tự hào. Hình ảnh một đứa trẻ chững chạc trong bộ đồng phục đến trường đã trở thành sự kiện lớn trong hành trình làm mẹ. Mẹ chở mình đến trường trên con xe cũ kỹ đã đến tuổi nghĩ hưu. Mình vẫn nhớ như in, khoảnh khắc ngồi trên xe mẹ là cảm giác an toàn và hạnh phúc nhất, sẽ chẳng có ai bắt nạt con vì bên cạnh con có mẹ, sẽ chẳng ai tiếng nhỏ, tiếng lớn với con vì hơi mẹ đã đồng hành cùng con trong suốt chặng được tươi sáng ấy. Mẹ tiếp thêm sức mạnh để con vững vàng, chạm mốc vào hành trình học chữ. Mẹ cùng mình đến trường, ra đồng, rồi trở về nhà trong vai trò của người đồng hành. Nhiều lúc, mình ngưỡng mộ người phụ nữ đó như một vị thần. Mẹ mình, dù ở trên cương vị nào, mẹ cũng toát lên khí chất, phong độ, đặc biệt là sự điềm tĩnh. Đây là tính cách mình rất thích, người phụ nữ ấy có thể dạy mình học, chơi cùng mình, đến trường cùng mình. Đôi lúc, mình cứ ước bé nhỏ trong vòng tay của mẹ cả cuộc đời. Nhưng như vậy thì quá ích kỷ, vì chúng ta cần phải lớn, cần phải đi đến vùng đất khác để tìm kiếm ước mơ, khám phá những câu chuyện còn dang dở, để rồi lại trở về trong chính ngôi nhà “hồi ấy” của mình.
Ngày xưa, chân dung cô bé hồn nhiên đấy được tôi luyện trong cuộc sống yên bình với tình thương của người mẹ. Gam màu tươi sáng của đời con được nhen nhóm từ mẹ, từ sự chắt chiu, bảo bọc đầy chan hòa. Ngày hôm nay, sự nhanh nhẹn, linh hoạt trong các khớp tay mẹ đã không còn. Mái tóc dài óng ả mẹ luôn tự hào, giờ đã điểm bạc lấm tấm. Đôi chân nhanh nhẹn với các vòng đạp lăn tròn, lăn con đến trường giờ đã trái gió, trở trời thất thường. Trí nhớ nhanh nhạy, kèm cho con gái từng con số đến bài toán hóc búa, giờ đã ù lì, chậm chạm. Dường như, mỗi một giai đoạn con lớn lên, cuộc đời lại lấy đi của mẹ nhiều thứ quá. Có chăng, cuộc sống là sự vay mượn không mẹ? Mẹ cho con tương lai, con mợ mẹ một đời sung túc, mẹ cho con hiểu biết tròn mèo thế giới này như thế nào, con lại nợ mẹ hành trình trở về.
Thời gian khiến vạn vật đổi thay và hình ảnh người phụ nữ tận tụy sớm hôm ấy cũng cuốn theo vòng xoáy của chiếc kim đồng hồ. Mình chỉ biết rằng, khi bản thân mình tự tin đứng trước gương với bộ váy lộng lẫy cũng chính là lúc người phụ nữ ấy xuất hiện nhiều vết chân chim nơi khóe mắt, những đốm nâu nơi thái dương cũng lả chả dần lên. Càng nhớ mẹ của trước kia, mình lại càng thương mẹ của bây giờ và đúng như vậy “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Cuộc sống hiện đại bây giờ đưa mình đến với ánh sáng điện đèn, chạm mắt với vạn vật hấp dẫn, chiêm ngưỡng độ sang của những tòa nhà cao tầng nơi phố thị, nhưng tất cả trong mình vẫn đọng ở chữ “nhà”. Ngôi nhà ấy có biết bao con người lớn lên trong cực khổ nhưng chưa bao giờ nguôi bỏ cuộc. Ngôi nhà ấy có người phụ nữ đội gió, đội mưa, đội sấm cõng mình đến trường. Ngôi nhà ấy chứa đựng cả tuổi thơ dữ dội nhưng cũng rất ấm êm. Có một câu nói mà mình nghĩ đứa trẻ nào cũng sẽ thủ thỉ với người phụ nữ sinh thành như tiếng nói bập bọe đầu tiên của con trẻ: “Lớn lên con sẽ kiếm thật nhiều tiền để cho mẹ, con sẽ nuôi mẹ cả đời này luôn”. Lời nói ấy ngây ngô, hồn nhiên và cũng lắm trưởng thành chất chứa. Con biết mai này cuộc sống sẽ dẫn con đi đến những cung đường mới lạ, rồi con lại trở thành hình ảnh của mẹ như bao người phụ nữ khác. Hình ảnh của mẹ sẽ luôn khắc ghi trong lòng của con với bao niềm biết ơn, tự hào, kiêu hãnh. Rồi mai đây, trên đường con chạm gót, sẽ có lắm những truân chuyên, những uất trào từ cuộc đời gửi đến và hình ảnh của mẹ lại trở thành ngọn hải đăng dẫn lối cho con vượt qua.
“Mình là đứa trẻ thích sống trong hoài niệm, những thứ cũ kỹ tồn tại trong không gian trầm mặc luôn là dấu ấn khắc khoái trong trái tim mình trong hành trình trưởng thành. Mai sau, dù mình có ở trong hình hài, dáng vẻ nào đi nữa, hình ảnh “ngày xưa” ấy sẽ vẫn luôn trở thành biểu tượng “nhà”, giúp bản thân vươn lên, khẳng định giá trị nội tại của chính bản thân”.
► Bạn đang đọc bài tham gia thi cuộc thi viết “Nơi ấy trong con” được tổ chức từ ngày 02/10 – 20/12/2024. Quý tác giả, bạn đọc có thể tham dự, gửi bài về hòm thư cuocthiviet.caybuttre@gmail.com . Xem chi tiết về thông tin và thể lệ cuộc thi tại đây. |
© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép của tác giả hoặc bằng văn bản của CBT Việt Nam. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn! |
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM |
Danh sách thành viên | Giới thiệu chung | Quy định hoạt động |
Các câu hỏi/đáp về CBT | Trang vàng Cộng đồng | CÂY BÚT TRẺ AUDIO |
0 Comments