Một thoáng Gò Công!
Cuối tuần, theo lời mời của một người bạn chúng tôi có dịp đến Gò Công – một thành phố trẻ của tỉnh Tiền Giang. Một ngày trải nghiệm nơi này với những điều thật thú vị với những người yêu văn hóa và lịch sử dân tộc. Về Gò Công nhớ ghé qua những nơi này ! – Một lời mời thật đậm chất âm nhạc và mang lại niềm háo hức cho những người khách phương xa.
Trang sử hùng Gò Công quê hương Trương Định – Miên man theo ca từ bài hát Chung một dòng sông, bạn đưa chúng tôi đến thăm Đền thờ anh hùng Trương Định tọa lạc nơi trung tâm thành phố. Tại nơi đây chúng tôi được nghe những câu chuyện trong dân gian có liên quan đến Bình Tây đại nguyên soái, đặc biệt là tấm lòng chung thủy sắt son của người vợ đất Gò Công của ông – bà Trần Thị Sanh. Mẹ bà là em ruột Quốc công Phạm Đăng Hưng , tức cô ruột Thái hậu Từ Dũ. Do chì sinh được một người con gái nên bà phải chia tay người chồng theo lệ thất xuất ngày xưa. Sau đó bà gặp Trương Định và nên duyên chồng vợ. Chính nhờ có bà mà nghĩa quân có đủ lúa gạo, lương tiền. Nhờ có bà mà nhịp cầu giữa nghĩa quân và triều đình Huế được nối liền. Bà đã cung ứng tiền bạc, lương thực để Trương Định khai khẩn vùng Gia Thuận tạo nguồn hậu cần cho cuộc khởi nghĩa. Khi Trương Định hy sinh, bà ứa lệ nhìn kẻ thù kéo xác chồng phơi nắng tại chợ Gò Công. Sau đó bà tìm cách đưa xác chồng về là tổ chức tang lễ một cách trang trọng và xây mộ chồng một cách kiên cố. Quà thật bà Trần Thị Sanh là một người phụ nữ có bản lĩnh khi biết sử dụng uy thế của mình khiến kẻ thù phải kiêng nể ngay trong lúc dầu sôi lửa bỏng.
Mây giăng Truông Cóc đường quan vắng,
Trăng xế Gò Rùa tiếng dấu tan
Theo dấu xưa hai câu thơ trong bài thơ điếu Trương Định của cụ Đồ Chiểu chúng tôi đến giồng Sơn Quy nơi có khu Di tích Lăng Hoàng Gia là nơi yên nghỉ của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, ông ngoại vua Tự Đức. Khuông viên của lăng thật giàn đơn, gần gũi như nhà ở nên tạo nên sự ấm cúng cho mọi người khi đến viếng. Với việc sử dụng gỗ để xây dựng và gắn kết với nhau qua phương pháp đục mộng, không sử dụng bất kì một cây đinh nào chứng tỏ tài hoa và nét tinh xảo của những nghệ nhân thời Nguyễn trong việc xây dựng nên từ đường thờ phụng. Giếng ngọc ở khu vực phía sau được ông Phạm Đăng Long, thân phụ Đức Quốc Công cho người đào luôn trong vắt và ngọt lịm quanh năm và là điềm lành gắn liền với dòng tộc Phạm Đăng theo lời truyền tụng của người dân trong vùng. Không xa giếng ngọc là mộ của Đức Quốc Công trên một gò đất cao có hình một mai rùa. Mộ được xây dựng theo hình bát giác, chung quanh có những phù điêu trang trí với những hoạ tiết như búp sen, cá hóa rồng theo phương cách điêu khắc hiện đại phương Tây. Trong giai đoạn chống Tây, triều đình Huế bề ngoài ký hòa ước với Pháp nhưng bề trong vẫn tích cực ủng hộ Trương Định kháng chiến. Chức Bình Tây Đại Nguyên Soái là do triều đình bí mật phong tặng. Chính vua Tự Đức phái thị vệ Nguyễn Thi đem sắc ấn gặp Thiên Hộ Dương và dược Thủ khoa Huân hộ tống xuống Gò Công làm lễ tuyên phong. Phò mã Phạm Thuật – em bà Từ Dũ đã theo lệnh vua vào Gò Công giúp đỡ Trương Định và đã hy sinh. Từ đường thích ly đã được Trương Định dùng làm đại bản doanh. Năm ấy bà Từ Dũ bị bệnh đau mắt. Thầy địa lý cho biết mồ mả bị động nên triều đình cho đắp thêm một bờ luỹ bao quanh giồng Sơn Quy. Đây là một việc làm ủng hộ việc phòng thủ của Trương Định chứ không phải là mê tín.
Gò Công anh dũng tuyệt vời
Ông Trương Đám Lá Tối Trời đánh Tây
Là một vùng hoang vu, cây cối um tùm rậm rạp ở làng Gia Thuận. Vào bên trong khu vực này, dù là ban ngày người ta vẫn thấy tối om nên người dân địa phương gọi là Đám lá tối trời. Lâu ngày, tên này đã trở thành địa danh và gắn liền với sự hy sinh anh dũng của Bình Tây đại nguyên soái Trương Định. Khoảng thời gian lẩn khuất tại nơi đây, nghĩa quân Trương Định đã reo rắc biết bao kinh hãi cho giặc Tây. Do sự phản bội của Huỳnh Văn Tấn, nghĩa quân bị bao vây nhưng vẫn quyết tử chiến .Trương Định bị thương nặng, để không bị giặc bắt sống ông đã tuẫn tiết. Ngày nay, tại ao Dinh không xa đền thờ Trương Định tại Gia Thuận có di tích ghi lại dấu ấn thể hiện phí phách của người anh hùng. Tục truyền, khi quân Pháp huy động lực lượng đánh chiếm Gò Công có nhiều người dân đã anh dũng hy sinh bởi không chịu chỉ nơi trú ẩn của lãnh tụ nghĩa quân như câu chuyện về hai người anh hùng vô danh đã đánh lạc hướng giặc và can đảm nhận lấy cái chết. Rồi câu chuyện về những người phụ nữ là những cộng sự đắc lực của nghĩa quân không kém gì nam giới như bà Lưu, bà đồ Phú Kiết… Rồi tấm gương mười tám người nghĩa dõng quyết không cho giặc cướp thi hài chủ soái và sau đó bị giặt sát hại để lại cho đời gương sáng trung kiên và hào hùng.
Buổi tiệc nhỏ với những đặc sản nơi vùng biển đã kết thúc một ngày trải nghiệm của chúng tôi với sự thân thiện của những người bạn, sự hào sảng của vùng đất Gò Công và quan trọng hơn hết là chúng tôi có thêm những kiến thức về lịch sừ, văn hoá nơi vùng đất này. Đền thờ Trương Định tại thành phố Gò Công, Lăng mộ Hoàng Gia và cụm di tích Đám Lá Tối Trời tại vùng Gia Thuận tạo nên một tam giác du lịch hoài niệm nếu biết khai thác sẽ là một trong những điểm nổi trội để góp phần vào việc phát triển du lịch của vùng đất này. Du lịch là khám phá thêm những cái hay, cái mới ở những nơi chúng ta đến. Nếu biết tư duy không khó để nghĩ ra những sản phẩm hay loại hình dịch vụ du lịch thu hút khách.
Tài liệu tham khảo chính :
1/ Đất Gia Định Xưa – Sơn Nam, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.
2/ Nghìn Năm Bia Miệng ( tập 2 ) – Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường ( sưu tầm và biên soạn ), NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2018
► Bạn đang đọc bài tham gia thi cuộc thi viết “Nơi ấy trong con” được tổ chức từ ngày 02/10 – 20/12/2024. Quý tác giả, bạn đọc có thể tham dự, gửi bài về hòm thư cuocthiviet.caybuttre@gmail.com . Xem chi tiết về thông tin và thể lệ cuộc thi tại đây. |
© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép của tác giả hoặc bằng văn bản của CBT Việt Nam. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn! |
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM |
Các cuộc thi viết | Podcast Cây Bút Trẻ | Quy định hoạt động |
Cộng đồng Người Nhặt chữ | Trang vàng Cộng đồng | CÂY BÚT TRẺ AUDIO |
0 Comments