Cuộc thi: Lớp 13 – Tác giả Nat


– Mấy con đây?

– Thôi đã mất công làm, quất hai con luôn đi.

– Thì hai con, sợ gì chứ!

Ừ, có ai sợ đâu! Nhìn động tác dứt khoát của thầy Quang hẳn tay này phải kỳ cựu lắm. Đã mang tiếng nuôi ong tay áo, một hay hai thì cũng như nhau thôi…

Trời vào thu. Từ ngày bé đến giờ, hình như trước ngày Quốc khánh bao giờ cũng có mưa. Năm nay còn hơn thế. Mưa như trút nước, trắng xóa cả mấy ngày liền. Sông lại được thể dâng nước, xung quanh bờ toàn những người giăng lưới kiếm cơm. Trước ngày tựu trường, sao ông trời còn nỡ đổ cơn mưa!

Sau Quốc khánh một ngày, tôi có bữa cơm đầu tiên với những người bạn mới. Mâm cơm 11 người, 6 học sinh, ông bà chủ và 3 vị phụ huynh. Ăn xong, Trọng Lành nhanh tay thu dọn bát đũa, còn tranh rửa bát:

– Bác để đấy cháu làm cho!

– Thôi!Việc bác. Mấy ông bà với mấy đứa cứ ra ngoài uống nước đi – Bác gái phẩy phẩy tay.

Ông này tự nhiên quá, cứ như là người nhà ở đây ấy, khác hẳn với cái non nớt, ngại ngùng của tôi với thằng bạn. Cơm nước xong xuôi, cha dặn dò mấy điều, dúi cho tôi thêm ít tiền rồi lên xe về nhà.

Tôi với Hùng ở phòng giữa. Cái thằng này nom mặt mượt thế mà lắm lông chân khiếp, thời cấp 3 chả bao giờ tôi được thấy. Phòng bên phải là Trọng Lành với Sang – thằng này cũng cùng lớp cấp 3 với tôi. Còn bên kia giá sách đầy những mọt háu ăn, hết ăn gỗ rồi đến sách là… hai anh em Vinh và thầy Quang. Chúng tôi gọi thầy, không phải vì hắn ta hay lắm lời giáo điều, mà hẳn là trên đời cái gì hắn cũng biết. Mỗi câu chuyện hắn kể đều gắn với kỷ niệm tuổi thơ chuẩn mẫu trong veo và tươi đẹp. Đấy là theo hắn kể, chứ với chúng tôi, những ruộng dưa hấu trải dài vô tận, những lần nước lên ngăn cách cả quả đồi, hay bám đuôi trâu bơi qua cả con bàu chảy xiết là thứ gì đấy hết sức dữ dội, tuy không được giống như tuổi thơ em Mừng cho lắm.

Một tuần trước…

– Cái này bao nhiêu thím ơi?

– Đấy 400 nghìn, cái bên nhỏ hơn là 300 bác à. Bác lấy luôn cái lớn mà để cho sướng, sinh viên mới cũng nhiều đồ lắm đấy! Mà cháu học trường gì đấy?

– Cháu nó thi lại thím à…

– À. Được, sao đâu bác. Thi lại là phải có chí hướng lắm đấy…

Cha cẩn thận buộc chiếc xe đạp đằng sau xe. Con xe theo tôi từ những năm cấp 2, cấp 3 nay còn dùng được. Trời vẫn mưa. Xem ra sách vở là quan trọng nhất. Chiếc rương bằng tôn mới cứng nằm im ỉm trong lớp vải bạt, chẳng còn bận tâm gì đến trời đất nữa. Hạt mưa lớn vùi dập cây cối. Tiếng mưa xối xả, đè bồm bộp lên mái tôn, nghe thôi cũng thấy xót cả ruột. Mưa chẳng thèm rả rích cho lòng người ảm đạm, mà cứ thế át hẳn tiếng mọi vật, gieo vào lòng ta cảm giác chẳng thể gọi tên – vừa hồi hộp, vừa tự tại đến không ngờ.

Thanh Tường cũng không khác quê tôi là mấy. Vẫn là ruộng lúa trải dài cả cây số, vẫn cái thứ mùi xon xót của rơm rạ, xen lần mùi bùn của vụ mùa đương mới. Tôi gọi đấy là mùi quê hương. Sau này khi ra thành phố, chẳng thể nào hít hà thứ mùi thân quen ấy nữa.

Cuối làng có hai cây cầu. Một cây được nhuộm đỏ bởi hoa gạo mỗi lần hè đến. Một cây cầu nữa điềm tĩnh hơn – Cầu Máng. Ngôi làng bé nhỏ là thế, mà đến hơn 200 người ở trọ theo học lớp 13 như tôi, nghĩa là ngần ấy đứa sẽ “tu luyện” ở đây gần một năm tới. Cuộc sống quanh quẩn từ “lò” luyện thi cho tới chợ ở ngã ba đầu làng rồi lại về phòng trọ, ngày ngày trôi qua đều như thế.

Dãy trọ có ba phòng nằm trước sân nhà chủ. Tính cả mấy phòng ở phía trong nhà nữa là thành ra phải đến sáu. Cũng chẳng cần phải lớn lao là mấy. Giữa chiếc giường lớn với cái bàn học còn đủ chỗ trải chiếu ăn cơm, thế tôi cho đã là thoải mái lắm rồi. Bếp được kê ở khoảng hiên trước phòng, cẩn thận nép mình dưới mái hiên. Coi như là vừa nấu ăn vừa ngắm…vườn. Vườn nhà bác rộng lắm, nào ổi, nào dưa chuột, nào thanh long. Chia đôi ra, một nửa nuôi mấy chục con gà, một nửa có thêm đôi ba loại rau cỏ. Chúng tôi hay buộc dây từ bụi thanh long vào trong cọc tôn, giăng qua khoảng sân nho nhỏ phía trước hiên để làm lưới đá cầu.Tuần đầu tiên lóng ngơ lóng ngóng trông đến buồn cười.

– Bác ơi, thịt này làm sao ạ?

– Con cứ thái miếng ra, để đấy bác chỉ cho – bác gái với giọng ra.

Tôi cầm lấy miếng thịt lợn. Xoay đi xoay lại, đăm chiêu, tính toán. “Thái được cái này còn khó hơn xoay rubic” – tôi lẩm bẩm. Lát sau, bằng sự khéo léo kinh ngạc, một đống hình thù dị hợm bày ra trên thớt. Người thái thịt lúc này không phải là nghệ nhân nữa, phải gọi là quái nhân mới đúng!

Bác gái đổ một ít đường vào nồi đang nóng. Lát sau, lớp phía dưới bắt đầu chảy ra thứ màu sẫm sẫm.

– Cháy rồi bác ơi, nhanh nhanh…

– Cháy đâu, ngơ ạ. Cứ để thế cho nó chảy ra.

Thứ màu ấy ngày càng sẫm. Bác nhanh chóng khuấy đũa dàn đều ra. Lúc này đã không còn thấy hạt đường nữa.

– Chảy hết rồi, nhanh nhanh bác ơi!

– Chưa chưa, bình tĩnh…

Tay bác vẫn khuấy đều đặn. Giờ không còn sẫm nữa. Là một màu nâu đỏ dưới nồi. Bắt đầu có sủi tăm ở cái thứ nước ấy. Khói bắt đầu bốc lên…

– Đấy, chờ nó tơi lên như thế, sau mới ra cái màu thịt đẹp được – Bác đổ hết đống thịt vào nồi, một tay giữ quai, một tay đảo mạnh.

Thêm tí mắm cho thơm này. À à! Lát sau nhớ đậy vung này, thích thì thêm tí dầu cho bóng này. Lại đậy vung nữa à! Rồi, cũng dễ. Tưởng gì. Thế mà hai hôm sau, tôi và thằng bạn ăn nguyên nồi “lợn hoàng gia tắm trắng”. Không có màu thì chớ, mỗi miếng lại còn được ôm thêm ít đường xung quanh nữa.

– Tại con có chờ cho đường nó sôi lên đâu – bác gái ngó nồi thịt mà cười vang cả nhà trọ.

Thầy Quang phòng bên bồi thêm:

– Phải liều mạng chờ cho nó bốc khói mày à. Haha!

Ra là thế.

Mùa đông năm ấy…

Phòng trọ đã lên tới 11 thằng. Chúng tôi chia làm hai bếp. Sức ăn như thuồng luồng thì quả tội cho đứa nào nấu cho cả bọn. Trước ở nhà còn lườm rau gắp thịt, nay tôi ăn chả trừ miếng nào hết. Đúng là nhà đông con thì gì cũng ngon.

Tiết trời khá lạnh. Mới hơn 5 giờ chiều mà trời đã bắt đầu sẩm tối. Lại thêm mưa bay lất phất. Không khí này quả xứng đáng cho một bữa ăn thịnh soạn. Ngặt một nỗi hồi chiều không làm được trận cầu nào, nên tối cũng chả có kèo mà rán bánh. Tài, anh này mới đến hơn chúng tôi tới ba tuổi, bảo:

– Trời này mà làm nồi cháo thì tuyệt!

Trọng Lành đang nằm trên võng chờ cơm tối bỗng ngồi phắt dậy:

– Hay làm tí. Năm ngoái làm bồ câu rồi. Năm nay làm gà.

Tôi với thầy Quang đang chuẩn bị bữa tối, mắt sáng hẳn lên. Cả bọn nhao nhao hết cả. Thì làm tí!

Nói là làm, thầy Quang nhẹ nhàng vén tấm lưới rào, luồn người vào trong rồi lại vén xuống, cố không để cho lũ gà hoảng. Hắn rón rén đẩy cả đàn vào gần góc. Hắn trườn qua trườn lại, khom hết người xuống, hai tay lùa lùa dưới háng như mấy thằng thủ môn. Nhắm được con to, nhanh như cắt, hắn vồ người chụp lấy một nhát chính xác, quặp ngay cánh ra đằng sau, với tay đưa ra ngoài cho chúng tôi:

– Mấy con đây?

– Thôi đã mất công làm, quất 2 con luôn đi.

– Thì hai con, sợ gì chứ!

Ừ, có ai sợ đâu! Nhìn động tác dứt khoát của thầy Quang hẳn tay này phải kỳ cựu lắm. Đã mang tiếng nuôi ong tay áo, một hay hai thì cũng như nhau thôi!

Phải nói là hôm ấy hai bác đi ăn cưới. Chúng tôi còn cắt hẳn một đứa đứng đường canh chừng lúc nào thì các sếp về. Sang đi mua miến để ăn lòng gà, anh Vinh tranh phần vặt lông, còn tôi với Hùng kiếm ít rau ngò trong vườn. Trời vẫn mưa rả rích, gió phả thứ hơi ẩm lành lạnh xuyên qua lớp áo len mỏng…

Tiếng xe máy quen thuộc vọng lên từ đầu đường.

– Có biến! – Nhật hô to. Ông này mắt mũi lèm nhèm, nhưng được cái tai rất thính.

Tiếng xe máy ngày càng gần, réo qua từng khúc cua.

 Anh Vinh nhanh chóng cuốn con gà đang vặt lông dở vào trong bọc, xếp gọn vào xó bếp ở nhà trên.

Bác gái tay cầm túi ni lông lớn, gọi chúng tôi:

– Mấy đứa làm cơm tối chưa. Bác có ít cá sốt cà chua ở đám cưới đây này, các con rán lại chút cho nóng mà ăn, ngon lắm!

Không biết chúng nó thế nào, tôi cầm đĩa cá mà ngượng chín mặt. Thôi thì bác ơi, coi như chúng cháu vay hai con gà nhé! Trạng Nồi năm xưa đỗ đạt còn tặng hẳn cái nồi vàng cho ông chủ đấy ạ!

Đêm về khuya, cái lạnh kèm với sương ngày càng thấu hơn. Bóng đèn đường le lói hắt từng vạt sáng mỏng manh lên bờ tường đầy rêu. Mười một giờ đêm, khi hai bác đã say giấc, Trọng Lành làm hẳn hai nồi cháo được cắm trong nồi cơm điện. Con gà làm dở lại được đưa vào quy trình. Mỗi thằng một việc. Gà luộc xong đem chặt miếng, chúng tôi không thích lọc lấy mỗi thịt, vì như thế trông chả có gì gọi là thịt gà cả. Nhắc đến gà là cứ phải nhất phao câu, nhì đầu cổ cánh mới phải nhẽ.

Gà chặt xong đem bỏ hết vào hai nồi, lại tiếp tục ninh cho nước gà nhừ vào trong cháo.Không biết có phải là trời lạnh hay không, mà tôi vừa làm lòng mề vừa run.

Chờ cho cháo ngọt nước, đồng hồ cũng điểm một giờ sáng. Trọng Lành bảo:

–  Dọn đây hay là nhà trên?

– Nhà trên đi, đóng cửa vào là được – Sang chắc chắn.

Nhà trên là hai phòng của Sang với anh Tài. Căn nhà cấp 4 ngày trước hai bác làm máy xát gạo, nay tu sửa thành phòng ở. Phòng nho nhỏ, trụ làm bằng gỗ lim, nền bê tông ấm áp, khác với phòng chúng tôi lát gạch hoa, mùa đông tới là “mát lạnh” cả chân, đứa nào mang dép thì mùi phải biết.

Chiếu được trải, lót một lớp giấy báo phía dưới. Hai nồi cơm điện đầy cháo được bê lên, với nồi miến phải chừng một nửa.

Thầy Quang lấy cái ruột nồi ra. Mỗi thằng một tô, khói bốc nghi ngút. Thứ mùi thơm của cháo, của gà nhà, rau ngò gai trộn lẫn, ngửi thôi cũng thấy ấm áp rồi. Thịt quả là nhừ. Ăn gà chặt miếng này nom lại hay, nhất là mấy miếng cánh. Anh Vinh lấy tay mút lớp cháo mỏng, rồi lựa mà ăn phần da ngọt bùi thơm lừng của cánh.

– Công nhận gà nhà có khác, cứ phê phê – Thầy Quang vừa xì xụp vừa tấm tắc khen.

– Ngày nào chả ăn cám với chuối vườn. Rồi leo trèo đuổi nhau cả ngày trên mấy khúc gỗ ấy. Mà bác trai cũng hay. Vứt vào đấy cả cái rễ lớn, là để cho chúng nó chơi đấy. Cứ như là cái sở thú.

– Ô thế ra mày ngày nào cũng ra vườn ngồi là để ngắm gà sở thú à Nhật – Thầy Quang cười toe toét.

– Tại nhà tao không có cái sở thú ấy.

Cũng phải! Gia đình nó giàu nhất nhì làng ngói, một lò ngói ấy chắc cha mẹ tôi làm cả đời cũng không có được. Ngày nó lên ở trọ, mẹ nó chở trên ô tô bốn chỗ. Đồ đạc cũng chẳng nhiều lắm, chỉ một rương đồ với sách vở là thôi.

Hai nồi cháo chứ nhiều hơn nữa rồi cũng hết. Ngon gì mà ngon đến lạ. Chỉ có nồi miến là còn một ít, sáng mai hâm lại chắc được đứa một bát. Đồng hồ chỉ sang hai giờ sáng. No ưỡn bụng, chúng tôi mới bảo:

– Thế lông với xương này tính sao? Bỏ vào túi rác là bác biết đấy.

– Gom hết vào rồi anh đi vứt cho.

Trọng Lành đã từng ở đây một năm, cộng thêm cái tính xởi lởi xem ra trong cái làng này không có xó nào là hắn không biết. Thảo nào hôm đầu hắn thông thạo và dạn người đến thế.

Trời buốt. Hơi nóng trong người làm thằng nào cũng cởi áo, nhưng vẫn cảm nhận được cái hơi sương ẩm lạnh lẽo chà xát lên từng thớ da…

Hoa gạo ngày càng thắm, xòe cả năm cánh đỏ rực, rải thảm lên cây cầu cuối làng. Tháng tư về, cũng là lúc lúa chiêm đương vàng, thoang thoảng hương thơm. Đến lớp thi thoảng vẫn “được” nghe thầy Hiền hỏi y như ngày đầu chúng tôi đến:

– Giá vàng nay bao nhiêu?

– Nào, nói thầy nghe về các triệu chứng của thủy đậu?

– Mày thi gì. Quân đội à! Thế biết gì về máy bay Su-30?

Đứa nào không trả lời được là y như rằng: “Sao bảo mày thi kinh tế, thi kinh tế mà không bao giờ đọc báo về thị trường à”, “Không biết gì về Su-30 luôn? Đấy là chúng mày cứ thi chứ có đam mê gì đâu”. Ngày đầu đứa nào mà chả sợ run hết người, có đứa lên còn khóc ngay trên lớp. Thời cấp 3, chúng tôi chưa bao giờ nghe thầy cô hỏi bài cũ như thế cả. Tuy sợ mà đứa nào cũng hiểu cái “cái tâm và tầm” mà thầy thường hay nhắc. “Một miếng bánh mì rơi giữa đường Hà Nội liệu có đến lượt chúng mày?”. Chỉ có cách giỏi, hoặc là giỏi hơn nữa!

Cái đam mê mà thầy nói, chắc là không phải ai cũng có. Người ta thường hay nói thời thế tạo anh hùng. Mươi lăm năm trước, internet chưa phổ cập, thư từ và điện thoại bàn đang còn thống trị toàn bộ giao tiếp từ thành thị cho tới nông thôn. Thời đó chúng tôi ngưỡng mộ mấy anh chị học Bưu chính lắm. Nghe tên thôi đã biết giỏi lắm rồi. Xong đến những năm lên ngôi của Kiến trúc, Kinh tế, Thương mại,… Nghe tên trường được xướng lên trong cuộc thi “Rung chuông vàng” là tôi lại thấy rợn cả người, cảm giác vô cùng khâm phục.

Không biết được bao nhiêu người đam mê với thứ mình theo đuổi. Chỉ biết rằng thời thế luôn thay đổi, ước mơ của mỗi người cũng thế mà bị cuốn theo. Không còn ông bụt hiện lên mỗi khi ta khóc, không còn những câu ước muốn đơn giản như thời còn bé, rằng sau này em muốn trở thành kỹ sư để thiết kế những tòa nhà to lớn, em muốn trở thành ca sỹ để được tỏa sáng trên sân khấu trước hằng bao nhiêu người,… Ước mơ giờ đã gắn với cơm áo gạo tiền, gắn với tiềm năng phát triển về sau.

Người ta nói con đường đại học không phải là duy nhất. Với hơn 300 đứa đang ôn thi trong lò chúng tôi chắc câu đấy không đúng. Với lại toàn con em nông thôn, không có khiếu nghệ thuật, cũng chẳng có tiền bạc dư giả, xem ra học lên đại học gần như là con đường mà ai sinh ra đều cũng muốn đi cả.

Những đêm sáng đèn vẫn thế kéo dài. Hoa gạo đã bắt đầu thưa dần. Vụ mùa đương tới kèm theo mùi xon xót của lúa chín. Chúng tôi ra cầu Máng chụp ảnh “kỷ yếu”. Cây cầu dẫn nước được làm trên cao, đủ lọt cho một chiếc xe kéo tay nhỏ đi qua. Tuy không được rải lớp hoa gạo đỏ rực, nhưng dưới lại là thảm lúa vàng, trên độc mỗi cây cầu Máng, cảnh này tôi chưa được thấy ở nơi nào khác, đẹp và yên bình đến nao lòng.

Những ngày cuối cùng, chúng tôi nhấm nháp từng con đường, từng ngóc ngách. Mỗi lần ra chợ là một lần nhao nhao với các bà hàng lợn, hàng cá, hàng rau.

– Thím ơi còn nhiều ớt không?

– Cả đống, dưới này còn nhiều lắm này, thím hàng rau củ lật dưới tấm vải mỏng để một bên, mày lấy mấy ngàn đây? – vừa nói vừa cho tay vào bốc ớt.

– Ờ! Thế lấy cháu…dăm quả cà chua…

– Mẹ cái thằng, gì nữa không?

– Lấy cháu hẳn một nghìn hành lận.

– Trưa làm canh cà chua trứng à?

– Đâu! Về luộc cà chua ăn chơi!

Thím gí mấy cọng hành vào đầu tôi. Cả bọn lại được thể cười vang cả chợ.

Chiếc flycam vẫn nhấp nháy đèn, nhưng càng ngày càng xa chúng tôi. Tuy đã mất hình ảnh truyền về, chúng tôi vẫn để xem nó chịu được bao xa. Nó bay lên cao từ từ, quá nhà mười lăm tầng, nó bắt đầu đổi hướng, không nghe theo tín hiệu điều khiển nữa.

– Tắt, tắt ngay! – Tôi hô lớn.

Đứa bạn vòng tay tắt bộ nguồn anten treo ở sau lưng. Hình ảnh lại được truyền về, chúng tôi đưa nó về nơi xuất phát.

– GPS được bao xa?

– Tầm 103 mét.

– Thế độ cao?

– 60 mét!

Tất cả đã sẵn sàng. Thầy trưởng Bộ môn qua chúc mừng:

– Kết quả này là ổn rồi. Các em cố gắng giữ ổn định để tuần sau trình diễn cho Bộ Công an nhé!

Quả là ổn. Đứa bạn hạ bộ nguồn đeo phía sau lưng xuống, tôi nhẹ nhàng đỡ lấy khẩu súng được gắn hai chiếc anten ở đầu nòng. Nói là súng, nhưng nó không bắn ra đạn mà dùng để đánh hạ những chiếc flycam không rõ nguồn gốc gây nguy hiểm cho các hoạt động an ninh an toàn. Đó là cả công sức bao tháng trời của chúng tôi.Nhờ có các thầy đưa ra ý tưởng và giúp đỡ nhiệt tình, chúng tôi mới có thể hoàn thành được thiết bị chế áp UAV đầu tiên của Việt Nam. Trời thu Hà Nội đã đẹp, nay lại thêm phần hứng khởi vì mỗi sáng thức dậy, ta có cả khoảng trời mơ ước để theo đuổi. “Đấy đã gọi là đam mê chưa thầy ơi”, tôi tự nói với lòng mình, miệng mỉm cười lúc nào không hay.

Trọng Lành nay đang học Xây dựng, vì cái tính “xởi lởi” nên ôn lại ba lần mới đậu. Cũng chẳng sao, miễn là thích thú và kiên trì với điều mình làm thì chẳng bao giờ là muộn cả. Sang đi Mỏ địa chất, vừa học vừa làm cũng có chút chút, đủ cho tôi mấy lần qua phòng hắn chơi đều được bữa nướng no nê. Nhật mặt mũi lèm nhèm lại ưa đi Kiến trúc, suốt ngày vẽ vẽ bấm bấm, đúng là cái gì cũng có thể xảy ra được. Thầy Quang học Nông nghiệp, những cái gì biết từ thuở còn bé với lão là chưa đủ. Lão muốn làm giàu trên đất nông quê lão, thật là đáng quý biết bao. Anh Vinh chọn cho mình màu xanh áo lính, và tôi cũng thế, nhưng là màu xanh lá mạ.

– Muốn bắt được tội phạm trước tiên phải phạm tội nhỉ ông bạn! – Thầy Quang ngồi xì xụp bát cháo trước cổng trường Nông nghiệp, vừa ăn vừa trêu tôi.

Trời thu Hà Nội phảng phất mùi hoa sữa, tiết trời dịu mát một màu vàng nhạt. Hai con gà nằm lạnh giữa đêm đông lại hiện về, một con đã vặt lông, một con chưa. Cây ổi bên nhà tắm, khoảng sân chúng tôi hay lập kèo đá cầu, con đường dẫn vào quán bánh mướt,…Tất cả hiện về y như ngày đầu tôi đến. Giờ này chắc thầy đang ăn vội để chuẩn bị cho giờ dạy buổi tối, mấy em khóa sau đang tích cực xem thời sự, kẻo lại được nghe “bài chửi” về thị trường, về tỷ giá, về tàu ngầm có khi.

Tôi lại cúi xuống mà mỉm cười. Hình ảnh bác gái bước ra từ bếp ở nhà trên, lắc đầu ngán ngẩm, hình như, chỉ mỗi tôi thấy được…

Nat

Bình Luận

© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép của tác giả hoặc bằng văn bản của CBT Việt Nam. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm  đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn!
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM
Danh sách thành viên Giới thiệu chung Quy định hoạt động
Các câu hỏi/đáp về CBT Trang vàng Cộng đồng CÂY BÚT TRẺ AUDIO

0 Comments

Leave a Reply

You must be logged in to post a comment.

Khi bão đi qua Chỉ còn lại đống hoang tàn đổ nát Mẹ cạn khô nước mắt Con cút côi giữa bát ngát cánh đồng đời Khi bão ...
Trên con đường gập ghềnh chúng ta đã từng qua Ngoài nỗi buồn và sự thứ tha còn có thể thêm điều gì vào nữa Hạ đã nhạt...
Gửi cho em một ngàn lời thơ Kèm một chút nỗi niềm nhung nhớ Yêu là biển, bến bờ là chờ Ta yêu em, ta yêu từng hơi thở...
Em háo hức đến trường Tinh tươm màu áo mới Trang vở cười hớn hở Sách rộn ràng đùa vui. Tạm biệt nhé, Hạ ơi. Tớ phải...
Tháng bảy về trời rợp những bóng mây Mẹ ngồi khóc chờ tin con đẫm lệ Vợ xa chồng nhuộm sầu thương chẳng kể Bao nhiêu...
Cả nước tưởng nhớ Quốc tang. Hôm nay tiễn Bác hai hàng lệ rơi Người dân nước Việt muôn nơi. Chẳng quản đường xá xa sô...
Nhằm điều chỉnh một số định hướng hoạt động mới, Cộng đồng Cây Bút Trẻ Việt Nam thông báo về một số thay đổi với thành viên (sẽ có hiệu lực thực hiện từ ngày 30/1/2024) như sau: ĐỐI VỚI THÀNH VIÊN ...
Sau thời gian hơn 04 tháng diễn ra, cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh” đã nhận được tất cả 40 bài tham gia dự thi của 40 tác giả. Trong đó, có 33 bài dự thi được duyệt qua vòn...
Lâu lắm rồi mình chẳng viết được gì cả, không nổi một câu thơ, chẳng vẹn một ý truyện. Thỉnh thoảng, những đêm buồn như thế này, mình lại ngồi đọc những bài viết được đăng tải trên website, đọc nhữ...
Tạm biệt mái trường – Thơ Hương Tràm
Tôi tìm nhặt cánh Phượng rơi Mùa hạ đã đến, chợt trời đổ mưa Đâu rồi Hạt nắng lưa thưa Ve ngân h...
Kết quả cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh!”
Sau thời gian hơn 04 tháng diễn ra, cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh” đã n...
Những điều Má không kể…!
Nó nhớ lúc nhỏ thứ quen thuộc nhất là bóng lưng của má. Đi đâu má cũng chở nó theo trên cái xe đ...
Mùa xuân có một thiên thần…
Thế rồi, mùa xuân năm ấy có một Thiên thần, đã mãi bay đi. Mẹ đã xa rời chúng tôi, không một lời...
Chị ấy tên là Hồng, biệt danh là Pink!
Cho dù câu chuyện có đang đi vào bế tắc, chỉ cần chị nói vài câu là mọi thứ sẽ vui vẻ. Chị biết ...
Ước mơ của Mẹ!
Xin lỗi mẹ vì có những lúc khiến mẹ phải buồn, con luôn muốn nói với mẹ dù con ngại ngùng đôi ch...
Thứ Năm, Tháng Chín 12, 2024 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Tư, Tháng Chín 11, 2024 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Ba, Tháng Chín 10, 2024 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Bảy, Tháng Tám 31, 2024 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024 CÂY BÚT TRẺ Thơ
Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024 CÂY BÚT TRẺ Thơ
Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024 CÂY BÚT TRẺ Thơ
Thứ Sáu, Tháng Sáu 07, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Ba, Tháng Tư 16, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Năm, Tháng Hai 08, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Hai 07, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Ba, Tháng Hai 06, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Một 22, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Một 21, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Năm, Tháng Một 11, 2024 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 31, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 31, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Mười Hai 25, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 23, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 23, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Một 05, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Một 04, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Sáu, Tháng Chín 29, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Chủ Nhật, Tháng Chín 24, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Chín 18, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Chín 17, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Chín 13, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Tư, Tháng Chín 06, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Tư, Tháng Tám 30, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 28, 2023 CÂY BÚT TRẺ Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 28, 2023 CÂY BÚT TRẺ Thơ
Chủ Nhật, Tháng Tám 27, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Tám 23, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 21, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 14, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Tám 05, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thông tin - Kiến thức
Thứ Ba, Tháng Tám 01, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Ba, Tháng Bảy 25, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Sáu, Tháng Sáu 30, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Tản văn
Thứ Hai, Tháng Sáu 26, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ