Có phải cứ trải nghiệm mới viết được văn?
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, bất kỳ nhà văn nào khi cầm bút cũng cần chắt lọc vốn sống từ trải nghiệm thực tế và đọc những tác phẩm hay của thế hệ đi trước.
Trong tham luận gửi Hội Nhà văn Hà Nội tại tọa đàm “Văn học trẻ Hà Nội có gì mới?” hôm 10.6, nhà văn trẻ Hiền Trang (cây bút hai lần đoạt giải thưởng Văn học tuổi 20) viết: “Có những kiểu nhà văn viết về tri thức mình tiếp nạp được qua việc đọc, chứ không phải sống, như Jorge Luis Borge”.
Trước tham luận đó, một số nhà văn gạo cội và cả cây bút trẻ đã bày tỏ quan điểm của mình về cách đưa tri thức dung nạp được trong quá trình đọc sách và trải nghiệm từ cuộc sống vào tác phẩm.
Nhà văn đọc để suy nghiệm sâu hơn về vốn sống
Cũng trong tham luận của mình, Hiền Trang chia sẻ: “Đôi khi, vốn đọc còn quan trọng hơn vốn sống vì chỉ có đọc mới giúp con người ta đi đến vô cùng”.
Nhưng suy cho cùng, “nhà văn có khi cũng chỉ là một cái nhà, trong cái nhà ấy, có phòng ngủ để ngủ, phòng tắm để tắm, phòng ăn để ăn và một cái bàn, trong hộc bàn, đựng văn”, Hiền Trang viết.
Cũng là cây bút được biết đến với giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ năm, nhà văn trẻ Nhật Phi cho rằng không riêng người viết văn, mỗi chúng ta đều cần có trải nghiệm trong quá trình lớn lên để trở thành người văn minh.
Đối với Nhật Phi, “trải nghiệm” không chỉ là đi đến nơi này, nơi kia, làm nhiều nghề. Đặc biệt, với người viết văn, khái niệm này mang ý nghĩa “sống sâu hơn người bình thường, với nhận thức rộng mở và cầu tri”.
“Hơn cả trải nghiệm, tôi tin người viết văn cần biết suy nghiệm, để những trải nghiệm của mình không trở thành tường thuật thuần túy. Đương nhiên, có những nhà văn sống cuộc đời rất xứng đáng được kể lại và với một chút duyên kể chuyện, họ vẫn là những người rất đáng đọc”, Nhật Phi nói.
Tuy vậy, cây bút trẻ này quan niệm đó cũng chỉ là một dòng sáng tác, một bộ phận của văn giới, bởi kinh nghiệm của một nhà văn không nhất thiết cần được áp dụng với tất cả cây bút khác.
Theo Nhật Phi, xét trên một góc độ nào đó, “đọc” và “sống” không tách rời nhau. Đọc cũng là sống, sống cuộc đời của những con người khác và sống cũng là đọc, đọc những gì mình bắt gặp trên đời.
“Đọc giúp chúng ta suy nghiệm sâu hơn về vốn sống. Sống giúp chúng ta kiểm nghiệm vốn đọc. Sống đủ thì đọc sẽ sâu hơn, đọc đủ thì sống sẽ hay hơn. Đời sống và văn chương không tách rời nhau, nhưng không phải theo nghĩa của sự sao chụp, phản ánh, bằng không, cái này sẽ biến thành trở ngại của cái kia chứ không bổ trợ cho nhau”, Nhật Phi chia sẻ.
Là người viết văn trẻ tuổi, nhưng Nhật Phi tin rằng ở độ tuổi nào, nhà văn cũng có những trải nghiệm riêng. Khi viết về những trải nghiệm ấy, sáng tác của họ vẫn có giá trị đóng góp cho nền văn học. Theo thời gian cùng nỗ lực, họ sẽ có những sáng tác tốt hơn.
Bày tỏ quan điểm của mình, nhà văn Trần Đức Tiến cho rằng thực tế và sách vở luôn bổ sung, soi sáng cho nhau. Trong quá trình sáng tác, ông không chỉ đọc sách văn học, mà còn hứng thú với những cuốn viết về các lĩnh vực khác hấp dẫn, thú vị không kém.
Ông cho biết bản thân luôn đọc với tâm thế thưởng thức món ăn tinh thần, “thả lỏng hoàn toàn để tận hưởng, chứ không đọc với tâm thế đầu bếp để xăm soi qua từng trang xem tỷ lệ mắm muối, gia vị hợp lý hay chưa”.
“Đọc sách với tôi luôn là niềm vui vì được nhìn ngắm, chiêm ngưỡng tâm hồn người khác và quan trọng là xem cách tác giả ‘trình diễn’ mình, chứ không hẳn vì thu lượm kiến thức, để khi cầm bút, liệu mà chọn cách ‘trình diễn’ cho phù hợp”, nhà văn Trần Đức Tiến chia sẻ.
Văn chương là tiếng nói của đời sống
Từng ghi dấu ấn cá nhân ở các giải thưởng văn chương trong nước, nhà văn Trần Đức Tiến được biết đến là cây bút của nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn và cả truyện thiếu nhi. Đối với ông, đưa trải nghiệm từ đời sống thực tế và những gì đọc trong sách vở vào những sáng tác là điều cực kỳ quan trọng.
Có những người viết than phiền rằng rất khó để viết hay khi mà cuộc sống của họ bình lặng, thậm chí là “nhạt” quá. Nhưng nhà văn Trần Đức Tiến quan niệm: “Biến động có cái hấp dẫn của biến động. Nhạt có cái ‘vị’ của nhạt. Thượng Đế không bố trí sự thăng trầm, biến động cho tất cả nhà văn. Người chỉ ban phép màu cho những ai biết sống tận tâm với đời sống của mình”.
Suốt hành trình viết văn của mình, ông đều đưa trải nghiệm sống vào câu chữ. Nhưng đưa như thế nào, nhiều hay ít, ở những đoạn nào thì tùy thuộc vào từng tác phẩm.
Chia sẻ về điều này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nói: “Nếu chỉ đọc mà không có những trải nghiệm khác nhau trong cuộc sống thì nhà văn sẽ chỉ viết được ở một mức độ nào đó. Còn nếu chỉ sống mà không đọc thì ta sẽ thiếu rất nhiều tư liệu để viết. Bởi suy cho cùng, văn chương là tiếng nói của đời sống”.
Mọi vẻ đẹp từ triết học, văn chương hay nghệ thuật đều được sinh ra từ đời sống. Do đó, “vốn sống” và “vốn đọc” phải luôn song hành cùng nhau. “Vốn sống” không phải là chỉ sống ở ngoài trang sách mà bao gồm tất cả, kể cả hoạt động đọc.
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đọc là để thẩm thấu những gì mà thế hệ trước đã tinh chắt lại. “Trong những tác phẩm của mình, tôi đều đặt trải nghiệm vào trang viết. Trước khi hình thành cấu trúc cho một câu chuyện, tôi đưa những gì mình cảm nhận trong đời sống để tạo nên nhân vật, câu văn và tư tưởng cho tác phẩm”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói thêm.
Nguồn: Có phải cứ trải nghiệm mới viết được văn?
© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép của tác giả hoặc bằng văn bản của CBT Việt Nam. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn! |
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM |
Danh sách thành viên | Giới thiệu chung | Quy định hoạt động |
Các câu hỏi/đáp về CBT | Trang vàng Cộng đồng | CÂY BÚT TRẺ AUDIO |
0 Comments