Chúng ta vẫn phải hành động nhưng là hành động một cách thông minh


Đỗ Doãn Hoàng là một cái tên rất quen thuộc. Nhắc tới anh là lập tức đồng nghiệp, độc giả, khán giả, thính giả nghĩ tới hàng trăm vụ việc mà anh đã dấn thân, phanh phui một cách vừa từ tốn vừa liều lĩnh, vừa chuyên nghiệp vừa thận trọng trong suốt hơn hai mươi năm qua: Thực phẩm bẩn; Buôn bán động vật hoang dã; Lạm dụng tình dục trẻ em; Lâm tặc… Trong cơn khủng hoảng của nghề báo nói chung, trước áp lực cạnh tranh vô tiền khoáng hậu với một thứ vừa gần vừa xa về hình thức, nội dung là mạng xã hội, Đỗ Doãn Hoàng vẫn một mình một ngựa, chưa một phút dừng lại, đắm đuối, tận tụỵ và nhiệt thành với thể loại báo chí khó vào bậc nhất: Phóng sự điều tra.

+ Chào anh Đỗ Doãn Hoàng, chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu nhỉ? Thú thực là tôi không chuẩn bị gì cho cuộc trò chuyện này vì anh là một nhân vật mà tôi nghĩ là hỏi cái gì cũng được, mà rốt cuộc không biết nên chọn cái gì để hỏi cho đỡ… phí.

– Có người nói tôi là người rất mồm mép, biết ăn nói. Tôi nghĩ đấy là một góc nhìn về tôi, mà thật ra thì tôi không phải thế. Chính xác là tôi luôn muốn tạo ra cho mình cái gì tự nhiên nhất, thẳng thắn nhất, chân thành nhất. Thế nên, bạn muốn hỏi gì cũng được.

Vậy thì, theo như tôi biết, anh đã theo nghề báo hơn hai mươi năm rồi. Tôi hỏi anh một câu rất nhàm thế này: Là anh chọn nghề hay nghề chọn anh? Trước khi trở thành một nhà báo, không, là trước khi trở thành một sinh viên báo chí, anh đã nghĩ về nghề này như thế nào?

– Tôi rất thích câu hỏi như thế này. Đôi khi tôi cũng tự hỏi là nghề chọn tôi hay tôi chọn nghề? Tôi cũng muốn hỏi bạn là nghề văn chọn bạn hay bạn chọn nghề văn? Rất khó để trả lời rành mạch đúng không nào! Nhưng người ta bảo rằng, người chọn nghề thì không được còn nghề chọn người thì được. Cách nói đó tôi nghĩ là sâu sắc hơn, bởi vì, anh phải là người thế nào thì nghề mới chọn anh. Anh có đủ tiêu chí không, có đủ nội lực không thì anh mới làm nghề này hay nghề kia được. Ví dụ thế. Bạn không thể nói nghề văn thì tiêu chí nó khắt khe hơn và cao đẹp hơn nghề báo, tôi cũng không nói nghề báo cao đẹp hơn nghề văn. Vì nghề nào cũng có đặc trưng và khắt khe của nó. Thì ai phải đáp ứng được những tiêu chí nghề đặt ra mới được chọn. Cứ bắt người chọn nghề thì là không tưởng. Tôi dạy báo chí lâu năm thấy bạn nào cũng muốn được trở thành nhà báo vì được đi đây đi đó, được gặp những người quan trọng, nổi tiếng. Có những người chỉ thích viết về showbiz thôi, về những anh chàng đẹp trai cô nàng đẹp gái. Đó là những khát vọng đẹp, trong sáng. Nhưng cuối cùng họ không thực hiện được, vì họ chỉ nhìn thấy bề nổi của nghề thôi. Và nếu cứ chỉ nhìn bề nổi thì họ không bao giờ được nghề chọn hết, hoặc nghề chọn họ rồi nghề lại bỏ đi. Cho nên cái khái niệm người chọn nghề là một khái niệm có gì đó rất hoang tưởng. Phải là nghề chọn người, mà cái người đó không chỉ đáp ứng được những tiêu chí do nghề đặt ra trước mắt mà phải duy trì được tiêu chí đó trong lâu dài.

Vậy thì tiêu chí cho người làm nghề báo là gì, theo anh?

– Tôi nghĩ rằng, nghề báo có cái gì đó người ta nói giống như năng khiếu thiên bẩm. Chắc chắn là như thế rồi. Nhưng bên cạnh đó còn lòng đam mê và khả năng nuôi dưỡng đam mê đó. Và sự nuôi dưỡng đó không thể mơ màng ảo mộng được mà phải bằng một phương pháp khoa học. Tôi thấy có những người làm báo nổi như sóng cồn trong vòng một hai năm sau đó biến mất vĩnh viễn. Thực sự rất tiếc. Nghề này cần trí tuệ, trải nghiệm dày dạn và sự quyết liệt. Bên cạnh trái tim cần có ý chí. Nghề văn thì có thể làm một bài thơ rồi biến mất mà họ vẫn được gọi là nhà thơ, nhưng nghề báo thì không như vậy. Tầm vóc của một nhà báo không chỉ đo bằng số lượng tác phẩm mà là sức sống lâu bền của chúng. Nhân cách báo chí, lời ăn tiếng nói, cách hành xử trong tác phẩm, đường đi nước bước của các tuyến bài… Những khía cạnh đó thể hiện tầm vóc của người làm báo chứ không phải chỉ là câu chữ hay một cái duyên thầm nào đó trong viết lách. Cho nên một nhà thơ có thể có một tác phẩm để đời nhưng nhà báo thì không bao giờ hoặc rất ít có một tác phẩm để đời. Người ta thường nhắc đến một nhà báo với các lớp lang tác phẩm, lớp lang cách hành nghề, các tuyên ngôn nghề nghiệp, các cống hiến cụ thể. Cả một chương trình truyền hình anh theo đuổi trong nhiều năm, đường đi nước bước của cả một tờ báo, hoặc một thể loại anh đã dùng công sức và máu của mình để đắp bồi cho nó. Nó là một dòng chảy đắp bồi đều đặn chứ không phải là viết một vài bài kí sự, phóng sự, ghi chép để in một vài quyển sách duyên dáng là xong nhiệm vụ.

Anh từng viết truyện ngắn. Những truyện ngắn mà theo tôi là… đọc được (cười). Anh có một cuốn sách mà tôi rất thích: Búi Thông thơ dại. Một cuốn tạm gọi là tự truyện, đầy chất văn học, vô cùng sống động và đầy ắp cảm xúc. Đó là một Đỗ Doãn Hoàng của văn chương. Có khi nào anh nghĩ rằng mình sẽ bớt thời gian, công sức cho công việc nặng nhọc hiện tại, để chia sẻ cho một việc cũng nặng nhọc khác, là văn chương nhiều hơn không? Anh có tình cảm thế nào đối với văn chương?

– Tôi là một người tự ý từ bỏ viết văn. Tôi sống trong một gia đình văn chương và có cảm tình với văn chương, dù không biết văn chương có chọn gia đình tôi không. Bố tôi là nhà văn, em trai tôi là nhà thơ (Đỗ Doãn Hoàng là con trai nhà văn Đỗ Doãn Quát, anh trai nhà thơ Đỗ Doãn Phương – PV). Từ lâu tôi đã từ bỏ văn chương. Tôi có cảm giác rằng mình là người của văn chương nhưng văn chương không coi mình là người của văn chương. Tác phẩm đầu tiên của tôi là Ngõ nhỏ đầy trăng đăng trên Tạp chí Tản Viên Sơn. Bây giờ mọi người vẫn nhắc đến nó. Bố tôi bảo đó là tác phẩm thơ nhất, lãng mạn nhất của tôi. Sau này tôi viết Búi Thông thơ dại mà bạn vừa nhắc đến đấy. Tôi viết hoàn toàn tự nhiên và giống như kí sự, hồi kí, tự truyện. Tôi không có thời gian để kết cấu hay thay đổi tên nhân vật, địa điểm… Sau này có một cô học trò tìm đến đúng nơi tôi đã viết cuốn sách này và cô ấy vô cùng ngạc nhiên là tất cả những gì tôi viết đều có thật. 99% tác phẩm là sự thật, 1% có thể không thật, là bởi do nó được/bị phủ trong lớp sương mờ của kí ức chứ không phải tôi bịa. Nói thế để thấy rằng, ngay cả cuốn sách mà bạn nói đầy chất văn học ấy, tôi cũng không nghĩ đến nó có phải là văn chương hay không. Tôi nghĩ, nếu mình có văn chương thì nó vẫn ở đó thôi. Còn nếu mình không có mà cứ cố làm ra vẻ thì nó rất vô duyên. Tôi thực sự không có thời gian để trau chuốt với văn chương, thế chẳng thà mình chia tay nó đi. Chia tay cũng không dễ gì. Bấy lâu tôi vẫn đọc và theo dõi bạn bè cùng trang lứa viết văn. Cũng bao lần định viết lại nhưng tôi chưa thể viết vì tôi còn mải mê với nhiều thứ quá. Nhưng tôi nghĩ là tôi sẽ trở lại. Sau nhiều năm làm báo, những gì mà tôi đúc kết được, đáng kể nhất, thì tôi sẽ đưa nó vào văn chương.

Văn chương là thứ có sức nặng và sự lâu bền. Nhưng tôi cũng tin báo chí mà thực sự có chất văn, có tính chiến đấu hay ý nghĩa cộng đồng hoặc có nhân vật mang dáng dấp thời đại thì nó cũng sống như vậy. Nếu nói rằng tôi bỏ báo chí để đi theo văn chương vì tôi kì vọng vào cái sức sống lâu dài, bền vững, mạnh mẽ, tầm vóc hơn của văn chương thì tôi nghĩ là không đúng. Tôi vẫn có thể đạt được những điều đó với báo chí. Ý tôi là thể loại không quy định cái gì cả. Với những người coi văn chương là một thánh địa thì hay nói kiểu đó. Tôi không phản đối nhưng trong lòng tôi thì tôi nghĩ như tôi vừa nói. Vì vấn đề là anh nói cái gì chứ bằng thể loại nào không phải quan trọng. Tôi rất thích lời của nhà văn Trung Trung Đỉnh khi ông viết lời giới thiệu cho cuốn sách của tôi: “Những thứ báo chí viết có hồn mà lăn vào được cuộc sống này, có ý nghĩa với cuộc sống này, và cuộc sống coi nó là thước đo rất là đẹp cho phẩm cách của nhà báo thì cái đó còn quý hơn rất nhiều thứ văn chương cố nặn ra để mà viết”. Cho nên tôi không muốn mình làm hai việc nặng nhọc này một lúc. Trong đáy lòng tôi luôn nghĩ rằng chắc gì văn chương đã có chỗ dành cho tôi nên tôi cứ từ từ, bao giờ thấy có chỗ thì mới nhảy vào.

Tôi từng nghe anh tự trào ở đâu đó, rằng anh vừa là Donkihote, vừa là Chí Phèo, vừa là AQ… Thôi bỏ Chí Phèo với AQ đi, tôi cảm thấy anh gần với Donkihote nhất. Anh cứ lao vào chiến đấu với những cái cối xay gió mà người đứng ngoài như tôi cảm thấy cho dù anh có chiến đấu hết đời làm báo cũng không giành được chiến thắng, thế mà anh vẫn cứ lao vào. Ví dụ như cuộc chiến với cơn khát sừng tê giác hay cao hổ cốt, cao sư tử… ở Việt Nam chẳng hạn. Anh sang tận Châu Phi, thực mục sở thị xem những con tê giác đang bị giết hại ra sao để rồi nhận lãnh một trách nhiệm là về tuyên truyền cho người Việt hiểu rằng sừng tê giác chẳng khác gì sừng trâu sừng bò… Vất vả thế rốt cuộc sừng tê giác vẫn cứ đắt đỏ hơn vàng và vẫn là thứ mà người người săn lùng, cũng như vẫn có một thị trường ngầm cho riêng nó. Anh nghĩ gì về điều này?

– Thật ra tôi vẫn hay nói rằng tôi có một chút hoang tưởng của Donkihote. Cuốn sách gối đầu giường của tôi là Donkihote. Như bạn nói, tôi là Chí Phèo cộng Donkihote cộng AQ. Tôi nghĩ rằng đàn ông cần phải có một sự mạnh mẽ và liều lĩnh. Nhưng cũng cần phải có sự lãng mạn, hoang tưởng, tinh tế và vượt qua được những thói thường để có niềm tin vào những điều mình đang phấn đấu.

Thật ra tôi không hề là Donkihote theo cách nói của bạn, tức là cứ chiến đấu một cách mù quáng mà chẳng biết là mình không thể thắng được. Tôi lấy ví dụ: Chúng tôi chiến đấu nhiều năm để chống lại nạn thực phẩm bẩn, dù thực phẩm bây giờ vẫn bẩn, nhưng bớt rất nhiều, phải tinh tế mới biết được. Từ chỗ chúng tôi quay được cảnh rau vươn lên từng giờ từng phút thì bây giờ họ không còn dám làm như thế nữa, hoặc lén lút, như vậy là chúng tôi đã chiến thắng đến 80% rồi. Bạn đừng đòi hỏi chúng ta phải có thực phẩm sạch như Mĩ và châu Âu. Không có đâu. Chúng ta vẫn phải hành động nhưng là hành động một cách thông minh. Không bao giờ là đánh nhau với cối xay gió, tiêu tốn tuổi trẻ, sức lực và máu của mình một cách vô nghĩa.

Chúng tôi chống phá rừng cũng vậy. Chúng tôi đi đầu trong việc chống phá rừng. Tôi là một trong những người sáng lập ra Diễn đàn các nhà báo Môi trường Việt Nam. Tôi đi nhiều nước trên thế giới với chủ đề đó. Nhưng rừng Việt Nam vẫn bị phá, vì hết rừng thì mới hết lâm tặc. Vậy chúng tôi chiến đấu là vô nghĩa sao? Không đúng. Từng có thời điểm, chúng tôi hễ cứ đi đến một tỉnh miền núi là nhìn thấy rừng bị phá. Đi trong những buổi chiều là ngửi thấy mùi gỗ thơm lừng mà tôi đã viết là “như hương khói tiễn đưa những cánh rừng”. Lâm tặc ở khắp mọi nơi, cán bộ xã cũng đi phá rừng. Ở Yên Bái họ còn tự tạo ra những trạm barie. Khiêng một cây tre cây gỗ vào chắn ngang đường. Khiêng một hòn đá vào làm cái barie như cái cần câu. Xe đi qua phải nộp vài triệu vì toàn xe gỗ pơ mu. Họ tự lập ra vì họ biết là xe nào cũng là xe lậu, mà xe lậu thì không dám hỏi barie được lập theo quyết định nào. Mấy thằng giang hồ tự lập ra và tự thu một núi tiền. Ngày xưa công khai trắng trợn như vậy. Chúng tôi đã đi những chợ rừng pơ mu ở Yên Bái. Chúng tôi đã xem những cảnh phá rừng tan hoang ở Tây Nguyên. Bây giờ bạn thấy nó vẫn phá đúng không? Nhưng vấn đề là từ chỗ rừng bị phá công khai, đến bây giờ một nhà báo điều tra có thể đi ba ngày không thấy cảnh phá rừng. Tỉ lệ phá rừng đã giảm cực kì nhiều và lâm tặc đã cực kì sợ báo chí, truyền thông, chính quyền.

Hay là cuộc chiến bảo vệ động vật hoang dã chẳng hạn. Tôi đã phanh phui ra rất nhiều vụ. Bây giờ vẫn vẫn chưa hề dừng lại. Các bạn sẽ vẫn hỏi nạn này có được chặn đứng đâu? Tôi xin trả lời rằng ở Việt Nam người ta đã không dám công khai uống sừng tê giác, hay khoe mẽ trưng bày những tiêu bản hổ, gấu hay tê giác nữa. Tất cả phải rút vào hoạt động bí mật. Ngày xưa cứ gọi điện là người ta mang hổ đến nấu cao tại nhà để chung nhau, nhưng bây giờ họ vô cùng thận trọng và lén lút. Tỉ lệ nấu cũng giảm thiểu rất nhiều bởi vì luật hình sự đã đưa ra những quy định rất khắt khe. Việc vi phạm có thể phải đi tù và phạt nhiều tỉ đồng.

10 năm trước chúng tôi xông lên nói với người Việt rằng không sử dụng mật gấu. Mật gấu thực sự không có tác dụng gì cho sức khỏe ngoài việc nắn bóp vết thương. Khi đó, có đến hàng mấy trăm con gấu bị nuôi nhốt ở Quảng Ninh, nườm nượp khách Trung Quốc, Hàn Quốc vào, các nhà báo đã phải quay lén để tố cáo và giải thể các trại gấu đó. Chúng tôi phải phân tích rằng, uống mật gấu thậm chí còn có hại cho sức khỏe vì gấu nuôi bị tiêm thuốc, rồi bệnh tật bẩn thỉu. Những con gấu như những tù nhân dở sống dở chết. Bây giờ rất nhiều người Việt đã từ bỏ uống mật gấu. Nên tôi tin rằng nếu chúng ta nói đúng và phân tích đúng với tất cả tâm huyết của mình thì người ta sẽ nghe. Có những người từng tán gia bại sản vì mua sừng tê giác để chữa bệnh nhưng sự thật là người châu Phi đã tiêm thuốc độc vào sừng tê giác để chống săn trộm. Vậy là người châu Á lại uống thuốc độc của người châu Phi. Chúng tôi quay lại được, phỏng vấn được những sự thật đó. Đó là những điều minh bạch và chúng tôi có một niềm tin thánh thiện và quyết liệt rằng chúng tôi sẽ thành công và bằng chứng là chúng tôi đã thành công. Tôi rất sợ mình hoang tưởng nên bao giờ tôi cũng rành mạch trong mọi chuyện.

Thật ra xã hội luôn cần những người đi đầu. Người đi đầu luôn bị coi là hoang tưởng, huênh hoang nhưng rồi xã hội sẽ hiểu. Chúng tôi không muốn mình là người mù quáng. Chúng tôi cũng không muốn luôn phải thận trọng để không bị hiểu là mù quáng. Nghĩa là chúng tôi hành động và chúng tôi dấn thân, chúng tôi sẵn sàng đối mặt và dám làm dám chịu vì cộng đồng. Nếu ai cũng thận trọng khoanh tay thúc thủ và nghĩ rằng mình chiến đấu làm gì thì sẽ không ai làm gì cả. Tôi luôn thích những người đi tiên phong và tôi luôn quyết liệt. Tất nhiên tránh mù quáng.

Những điều anh nói hoàn toàn thuyết phục. Thực ra, không phải tôi không nhìn thấy những việc mà anh làm đã tác động mạnh mẽ thế nào đến xã hội theo chiều hướng tích cực. Chỉ là tôi muốn nghe anh khái quát lại một cách rành mạch mà thôi. Vẫn tiếp nối câu chuyện này nhé, tôi từng đọc một đoạn comment của bạn đọc trên báo Lao Động, dưới bài phóng sự về nạn phá rừng ở Tây Nguyên mà anh là tác giả. Nội dung comment đó đại ý là: Nhà báo đừng quên cho bạn đọc biết kết quả của vụ việc đó. Có nhiều không những vụ việc mà anh và đồng nghiệp phanh phui ra trên mặt báo, nhưng nó lại chẳng được giải quyết đến nơi đến chốn? Mất bao nhiêu công sức điều tra nhưng rồi đá ném ao bèo, anh cảm thấy thế nào trước thực tế ấy?

– Thực sự tôi cũng rất là áy náy. Thực tế là không ít nhà báo lấy nhuận bút xong, lấy công tác phí xong, viết một bài là hết trách nhiệm với xã hội, với tòa soạn. Và kết thúc ở đó đi làm việc khác. Tôi rất sợ cái cảm giác đấy. Tôi không nghĩ rằng tôi có thể đem cả tuổi trẻ của mình đi làm báo chỉ vì những cái cỏn con như vậy. Viết chỉ để mà viết. Viết chỉ tới cái tầm để độc giả cười vào mũi. Đại loại như tôi đi thế này, tôi thấy thế này, tôi nghĩ thế này và tôi viết thế này. Xong đăng, chả biết có ai đọc không. Nếu có một vài người đọc cũng chẳng biết họ nghĩ gì. Và nếu phanh phui được cái sai thì cũng chưa bao giờ đặt câu hỏi rằng cái sai ấy sẽ đi về đâu, trách nhiệm thuộc về ai, cơ quan chức năng đã làm gì? Và cái chết của cánh rừng, cái chết của nạn nhân có trở thành bài học để đem lại sự sống hay bảo vệ một sự sống khác không? Chưa bao giờ họ đặt câu hỏi cả. Tuy nhiên, cái tôi muốn nói ở đây, ngay cả tác phẩm của những nhà báo tâm huyết thì cũng có thể rơi vào tình trạng đá ném ao bèo như bạn nói. Có khi chúng tôi bỏ ra mấy chục triệu, điều tra công phu, bị đối tượng vác dao đuổi, bị đánh thừa sống thiếu chết, chúng còn lên mạng vu khống đủ thứ… cơ quan điều tra không điều tra được gì lại còn nói lung tung. Có khi chúng tôi điều tra thực phẩm bẩn, có kết quả đem mẫu đó lên Bộ Y tế xét nghiệm. Bộ Y tế cũng lấy tiền xét nghiệm coi như mọi khách hàng bình thường. Không ai có trách nhiệm với câu chuyện chung ấy cả. Chúng tôi vẫn cắn răng làm, làm xong tố cáo. Tố cáo đâu ra đấy. Không ai cãi được nhưng cũng không ai giải quyết. 10 năm sau, đầu chúng tôi đã bạc, quay lại người ta vẫn làm như thế, vẫn những thủ đoạn như thế. Chỉ có một cái khác là người ta biết tránh nhà báo, biết dọa nhà báo và đánh nhà báo giỏi hơn và biết lấp liếm cơ quan chức năng nhiều hơn. Họ nói thẳng với chúng tôi là họ đã phải quà cáp cho những ai để yên ổn làm ăn trong bấy lâu nay. Họ nói thẳng với chúng tôi là sản phẩm nào họ ăn thì họ làm sạch, họ bán thì họ làm bẩn. Và chúng tôi thấy rằng, hi sinh tuổi trẻ, tâm huyết, tiền bạc, thậm chí có thể đánh đổi cả tính mạng cho việc đó rốt cuộc đều đổ xuống sông xuống biển, đá ném ao bèo như bạn nói. Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Chúng tôi đã đặt lên bàn cân của cơ quan chức năng từ a đến z tất cả tư liệu nhưng không ai giải quyết cả. Đấy là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Nhưng đừng vin vào như thế mà nhà báo khoanh tay lại. Nếu ai cũng khoanh tay thì ai là người cứu xã hội? Nhà báo cần phải truy đuổi vấn đề, đặt tất cả lên một cái bàn cân não của rất nhiều cơ quan. Thậm chí, có những cán bộ tôi nói rằng, đây là sinh mạng chính trị của anh, đây là câu chuyện cái ghế anh đang ngồi. Bởi vì một sai lầm như thế, một tiêu cực như thế, một tố cáo như thế, nếu như anh không xử lí thì hình ảnh anh trong dân chúng, trong lãnh đạo cấp trên, trong báo chí sẽ không ra gì. Có những vụ như lạm dụng tình dục trẻ em, buôn bán trẻ em, những vụ nhức buốt lương tâm, tôi nghĩ rằng các cháu cũng như con mình, vô tội trước tất cả những điều cay đắng của xã hội. Vì thế mà chúng tôi chiến đấu. Đem tài liệu vào Quốc hội gặp Giám đốc Công an TP Hà Nội, đem đến nhà các đại biểu Quốc hội, những người có uy tín trong cộng đồng và thường xuyên phát biểu trước cộng đồng để gặp và nói chuyện. Gặp lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Bộ Tư pháp, mời các tổ chức quốc tế, phối hợp tổ chức hội thảo và đưa các vấn đề này vào Quốc hội, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra thảo luận và sửa luật… Có những vụ chúng tôi làm đúng như thế. Tôi tin rằng nhà báo hoàn toàn có thể làm được nếu quyết tâm. Nhụt chí, chán nản thì không làm được đâu.

Càng nghe anh nói tôi càng thấy nghề báo đòi hỏi quá nhiều tố chất, luôn phải nỗ lực và không biết mệt mỏi. Vậy thì, anh đã nhận được gì và mất gì sau 24 năm làm báo? Nếu cho anh đi lại con đường của hơn hai mươi năm trước, anh có nghĩ mình sẽ có chọn lựa khác không?

– Tôi được quá nhiều về vật chất, về danh dự, về uy tín xã hội. Nhưng đổi lại, tôi mất tất cả thời gian.

Tất nhiên tôi là một người tương đối tự do. Trong cơ quan, tôi là một phóng viên đặc biệt. Biển tên trong cuộc họp cơ quan ghi “Đỗ Doãn Hoàng – Phóng viên đặc biệt”. Tôi có thể không đi họp, không đến cơ quan. Nhưng tôi phải làm việc rất nỗ lực. Những vụ khó nhất, nguy hiểm nhất tôi sẵn sàng lao vào. Điều đó cũng là cái được của tôi, rất thú vị. Nếu được chọn lại tôi sẵn sàng chọn như thế với tất cả những cái được và mất, thậm chí với những gì vì nó mà mình đã đổ máu. Bốn vụ lớn nhất mà trong quá trình làm tôi phải báo công an về việc họ dọa giết, dọa tấn công tôi và thậm chí đã đánh tôi phải đi cấp cứu, đến bây giờ cho làm lại tôi vẫn làm. Bởi vì tôi nghĩ tôi có trách nhiệm phải làm. Tất nhiên làm lại thì tôi sẽ cẩn thận hơn để không bị đánh.

Nghề báo lấy đi của tôi quá nhiều thời gian và sự an toàn. Tôi đã phải bán nhà để an toàn. Tôi đã phải im lặng tuyệt đối khi người ta cố tình bôi nhọ tôi ngay khi tôi đã đổ máu, và một số trong số đó chính là đồng nghiệp của tôi. Tôi đã phải liên tục nghĩ rằng con mình có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. Tôi đã mua cho cháu những cái mũ bảo hiểm tốt nhất trên thị trường và yêu cầu nếu không đi ô tô thì phải đội. Tôi vẫn không hiểu bằng cách nào mình đã sống sót trong những lần bị tấn công. Mỗi khi xem lại những bức ảnh mình bị đánh in trên các báo mà tôi vẫn rùng rợn, vẫn mất ngủ. Đó là mất sức khoẻ. Còn một cái mất nữa, đáng kể lắm, đấy là vì biết quá nhiều chuyện tiêu cực mà cũng hao hụt đi niềm tin tốt đẹp của mình, không còn sống hồn nhiên được.

+ Tôi thấy anh vẫn hồn nhiên mà (cười). Hồn nhiên, và mơ mộng nữa. Đọc nhiều bài báo của anh tôi thấy anh đôi khi vẫn là một Đỗ Doãn Hoàng của ngày nào, trong Búi Thông thơ dại, được bà ngoại gọi là “thằng Goàng” ấy. Giờ tôi hỏi thêm anh câu này, đồng nghiệp cùng lứa với anh nay làm lãnh đạo các cơ quan báo chí cả rồi, hoặc ít ra cũng ngồi làm biên tập, đút chân vào gầm bàn cho đỡ mỏi. Thế mà anh vẫn cứ lao đi như ngựa vía khắp các hang cùng ngõ hẻm, anh định sẽ cứ đi tận cùng, viết tận ngọn như thế đến bao giờ?

– Tất nhiên tôi có thể chọn ngồi đút chân gầm bàn như bạn nói, cho đỡ mỏi mệt. Nhưng tôi nghĩ rằng mình chưa thể làm điều đó vào lúc này. Chắc là tôi sẽ tiếp tục đi cho đến khi nào còn đi được. Nhưng tôi cũng không dám chắc còn được bao lâu nữa, bởi vì sức khỏe đã bị tàn phá quá nhiều sau những năm tháng lao về phía trước không ngừng nghỉ. Tôi có thể đi bộ vài tuần lễ trong rừng, tôi có thể lái ô tô cả tháng trời, tôi có thể lăn lộn vào những nơi nguy hiểm nhất, thậm chí cả những nơi có hóa chất độc hại. Tôi đã từng đến những quốc gia xa xôi nhất của địa cầu, những quốc gia mà những người được đến rất ít, những vùng núi cao nhất của thế giới… Cho chọn lại tôi vẫn chọn con đường đó. Bởi vì tôi đã lựa chọn nó ở thời điểm tôi nghĩ là mình đang thông minh nhất và mình muốn đến đó thực sự. Nếu không làm thì mình không có cơ hội để làm nữa. Vì thế mà tổn hại một chút cũng chấp nhận thôi. Nếu không đến đó thì cái phần mình được sống thêm khi mình già, khi mình không đi được nữa thì cũng chẳng để làm gì. Tuổi già kẽo kẹt mệt mỏi chắc gì đã vui. Cho nên tôi nghĩ rằng những người xông pha họ hoàn toàn có thể biết là nguy hiểm nhưng họ vẫn chọn. Bởi vì sự xông pha có giá của nó, có thú vui của nó và có ý nghĩa của nó cho mỗi cuộc đời, cho mỗi tuổi trẻ cũng như cho xã hội.

Có rất nhiều tầng bậc để một nhà báo có thể cống hiến. Thứ nhất là được xông pha đi đây đi đó làm cái nọ cái kia và được hiểu biết xã hội, thứ hai là truyền lửa cho học trò, cho xã hội và công chúng về sự dấn thân, trải nghiệm. Nhà báo có thể cống hiến bằng tác phẩm và bằng chính hình ảnh của họ. Khi họ đã trở thành một người được xã hội quý mến thì hình ảnh của họ giúp cho người ta tin vào công lí, tin vào những trải nghiệm hay có một cuộc sống đáng sống…

+ Quả thực anh là người khiến tôi thấy rõ hẳn ra cái việc nhà báo không chỉ cống hiến cho xã hội bằng tác phẩm mà còn có thể tác động đến xã hội bằng chính hình ảnh của mình. Xin lỗi, tôi tò mò một chút, nãy giờ tôi thấy anh vừa trả lời vừa gõ cái gì đấy liên tục trên máy tính. Anh gõ cuộc trò chuyện của tôi với anh à?

– Không! Tôi không bao giờ gõ lại một cuộc trò chuyện mà lại có một người phụ nữ đối diện như thế này. Tuy nhiên tôi rất xin lỗi vì tôi luôn làm nhiều việc cùng một lúc. Và bạn sẽ không biết rằng lúc này, khi bạn đang ghi âm lời tôi trả lời thì tôi cũng đang ghi âm lời tôi trả lời. Không phải tôi ghi âm để sau này so đọ lại xem bạn có trích đúng lời tôi không như các quan chức hay doanh nghiệp họ vẫn làm. Tôi thì không nghi ngờ ai cả. Thế mạnh nhất của tôi là cả tin và thế yếu nhất của tôi cũng là cả tin. Tôi ghi là vì sợ máy ghi âm của bạn có thể nó trục trặc, nó không đủ bộ nhớ, hoặc bạn đang ghi lời tôi thì có người yêu nhắn tin hay gọi điện nó tự ngắt hoặc là bạn không kiểm soát được bản ghi của bạn… Tóm lại là tôi lo bạn không có được bản ghi âm này thì bạn sẽ rất là buồn và tôi sẽ phải mất thời gian nói chuyện lại với bạn, hoặc tôi không chấp nhận nói chuyện lại với bạn với tư cách là một người phỏng vấn không chuyên nghiệp thì tôi cũng mất oan cái công tôi đã nhận lời với bạn và nói tất cả cho gió nó bay.

Ý tôi là tôi rất chuyên nghiệp và rất cẩn thận. Tôi vẫn thường có một bài giảng là không bao giờ được tin vào một cái máy ảnh hay một cái máy ghi âm khi tác nghiệp.

Anh làm tôi buồn cười quá. Tôi cũng không nghiệp dư đến thế đâu. Tuy nhiên, vẫn phải cảm ơn anh về sự cẩn thận ấy. Anh này, tôi muốn hỏi thêm điều này nữa, người ta nói nghề báo là nghề nguy hiểm. Với anh, tôi thấy điều ấy rất rõ. Nhưng đọc nhiều loạt bài của anh tôi có cảm giác càng nguy hiểm càng khiến anh hưng phấn. Anh có bao giờ thấy kiệt sức, muốn dừng lại không? Giả sử là có, thì điều gì xốc anh trở lại?

– Tôi nghĩ rằng càng nguy hiểm càng hưng phấn là điều dễ hiểu đối với người làm nghề hay một chiến binh. Điều đó có lí nhưng tôi thì không bao giờ thích nguy hiểm cả. Nếu bạn đã từng bị đánh như tôi thì bạn sẽ biết rằng cái chết nó gần như thế nào. Nếu bạn đã từng nhìn người ta lôi thịt, lôi da, lôi móng tay, lôi xương mình ra trước mặt mình mà không hề gây mê mà lại là ngón tay trỏ thì bạn sẽ thấy đau khủng khiếp như thế nào. Tôi nhớ mãi ông bác sĩ nói với tôi rằng: Đây sẽ là mũi tiêm đau nhất cuộc đời anh, chắc chắn là như thế. Thế là anh ta dùng mũi tiêm xiên thẳng vào đầu ngón tay trỏ tôi và tiêm sâu vào trong. Vừa tiêm anh ta vừa nói, chỗ này có cả một búi dây thần kinh vì thế mà anh sẽ rất đau. Và quả là nó đau khủng khiếp. Thế nên tôi rất sợ đau và nguy hiểm. Trải nghiệm được thì mới biết sợ. Nhưng sợ không có nghĩa là muốn dừng lại.

Đau thì ai cũng sợ, tôi càng sợ. Vậy thì, để giảm thiểu khả năng bị đau khi tác nghiệp, kĩ năng nào sẽ là quan trọng nhất đối với một nhà báo điều tra?

– Quan trọng nhất với một nhà báo điều tra là kĩ năng nhập vai. Nhập vai không phải là xốc lại trang phục, thay trang phục khác, ngụy trang như đặc công. Mà là nhập vai để biết vai trò của mình với tư cách là nhà báo phải làm gì trong bối cảnh đó. Và hình dung xem đối tượng đang nghĩ gì. Mình vào vai họ để nghĩ, hiểu và tìm ra yếu huyệt để xông vào. Sau khi xông vào rồi phải phân tích được đường đi nước bước trong từng trận chiến. Tôi nghĩ đó là thứ khó nhất, cần năng lực nhất và thể hiện đẳng cấp nhất để quyết định chiến thắng. Tuy nhiên bài học lớn ở đây, giống như lái xe ngoài đường, giống như dạy con, không ai nói tài được, cho nên sự thận trọng là trên hết. Đối với một người điều tra, cần sự trải đời, cần phải hiểu được tâm lí của tất cả các đối tượng trong xã hội và cần phải có một chiến lược cùng sự thận trọng, cương quyết cao độ.

Đọc nhiều sách của anh rồi, tôi thấy anh đã đặt chân tới vài chục quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc đi đến những quốc gia ấy mang lại những điều gì ích lợi cho một người làm báo như anh ngoài việc viết được những bài báo khiến ai cũng muốn “xách ba lô lên và đi”?

– Việc được đi đến nhiều quốc gia nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới đối với tôi là một điều hạnh phúc rất lớn. Tôi rất thích câu Lê Quý Đôn trích trong cuốn Vân đài loại ngữ: “Trong bụng không có được ba vạn quyển sách, trong mắt không có được núi sông kì lạ của thiên hạ thì chưa chắc đã viết được văn”. Tôi cũng rất mê Nguyễn Tuân về sự xê dịch. Sau này, giống như một sự học đòi theo họ, tôi cứ đi mãi. Năm 2000 tôi đã đi hết 63 tỉnh thành của Việt Nam. Rồi tôi mở rộng và đi rất nhiều nước trên thế giới. Cứ thế đi thôi. Những chuyến đi đem lại cho tôi nhiều thứ chứ không chỉ vài dòng khoe trong một cuốn sách hay bài báo. Một bài báo viết về chuyến đi hoàn toàn là tình cờ. Đi về thấy xúc cảm, cơ quan lại đang thiếu bài thì viết. Tôi rất sợ kiểu viết khoe đi đâu ăn gì, gặp ai. Khoe như thế không đem lại gì. Tôi muốn có sự so sánh, trải nghiệm, khảo luận, lật lại lịch sử, so sánh. Tôi đi đâu cũng nghĩ về Việt Nam. Tôi nghiệm đi xa là để nghĩ lại gần. Đi xa là để nhìn về nhà mình. Cáo chết còn quay đầu về núi, lá rụng về cội. Càng đi tôi càng thấm cái điều đó. Thế nên tôi viết bằng tinh thần đó, tôi hi vọng là mình khác những người viết khác. Đi nhiều đi ít không phải là vấn đề, quan trọng là đi thế nào cho có ý nghĩa, đem lại được cái gì cho tâm hồn mình, để lại cái gì cho tác phẩm của mình.

+ Nhân ngày 21 tháng 6, thử cho tôi làm ông Bụt đi. Nếu được tặng một điều ước, anh sẽ ước gì?

– Nếu được ông Bụt Văn nghệ Quân đội cho một điều ước, thì tôi sẽ ước là tôi được cho nhiều điều ước hơn (cười). Ví dụ, tôi ước mình có sức lực, có tiền, có điều kiện để đi hết các quốc gia trên thế giới, và tốt nhất là được đi cùng bố mẹ hoặc con cái. Tức là họ đủ khỏe, đủ giỏi giang, bình yên để đi với mình trong suốt các hành trình. Tôi cũng ước là mình còn trẻ, còn đủ sức để đi tiên phong. Và tôi ước, báo chí được tôn trọng. Báo chí làm được điều mà người ta vẫn gọi là một quyền lực trong xã hội, một cái quyền lương thiện, hữu ích. Để người ta hiểu rằng tất cả mọi thay đổi hành vi trên thế giới này đều bắt đầu bằng thay đổi ý thức. Báo chí mà làm tốt nhiệm vụ của mình là thay đổi, nâng cao, định hướng nhận thức và dẫn tới thay đổi hành vi cho xã hội thì xã hội đẹp bao nhiêu. Tôi có một sự đau đáu rất hoang tưởng về việc báo chí có thể làm một cái gì đó hữu ích hơn cho xã hội và mình là một hạt nhân của cái việc đó.

Ngoài ra còn có một ước mơ phi lí nhất thế gian, đấy là mỗi ngày trôi qua của chúng ta không phải là mỗi một bước chúng ta tiến gần hơn đến tuổi già và cái chết. Và vì cuộc sống quá dài cho một kiếp người nên tôi nghĩ rằng mình cần phải sống tốt. Nhưng cũng chính vì cuộc sống quá ngắn, quay đi quay lại thì tuổi già đã đến nên tôi càng nghĩ mình phải sống tốt. Sống tốt và sống gấp. Chỉ có điều sống gấp không có nghĩa là sống bậy bạ.

+ Tôi tin là anh đã và sẽ còn đi tiên phong trong nhiều đề tài nữa. Tôi cũng tin là anh sẽ sống gấp nhưng không bậy bạ (cười). Chúc anh luôn có sức khỏe tốt, luôn đầy tràn cảm hứng, đam mê, tiếp tục là người truyền lửa cho nhiều nhà báo trẻ. Cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!

Theo Văn nghệ Quân đội
Bình Luận

© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép bằng văn bản của chúng tôi. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm  đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn!
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM
Danh sách thành viên Giới thiệu chung Quy định hoạt động
Các câu hỏi/đáp về CBT Trang vàng Cộng đồng CÂY BÚT TRẺ AUDIO

0 Comments

Leave a Reply

You must be logged in to post a comment.

Em tìm lại mình trong màu nắng Tháng Tư Nơi khoảng trời dường như chỉ một màu trong suốt Cánh đồng Loa kèn khoác á...
Căn phòng bỗng chùng chình Tiếng xì xầm, to nhỏ Áo trắng hồn nhiên quá Khung cửa nhìn Lo ra … Phố ngoài kia hố...
Ta đọc lại bài thơ đêm qua rồi bật khóc Muộn chiều nay…bụng đói cồn cào Những ngày cuối năm thiên hạ xôn xa...
Người nơi ấy giờ xa xôi quá Chẳng thể gần cho thỏa ước mơ Nụ Xuân e ấp đợi chờ Gửi trong muôn nẻo tình thơ t...
Trời lành lạnh, gió tạt vào lòng nghe buốt rát Những chiếc lá vàng rơi lững thững phía triền đông Con vẫn tha hươ...
Gác nhỏ đêm nay một mình ta Nhìn hoa tuyết rụng trắng sân nhà Đêm khuya lạnh lẽo nghe trong gió Chợt thấy giai n...
Nhằm điều chỉnh một số định hướng hoạt động mới, Cộng đồng Cây Bút Trẻ Việt Nam thông báo về một số thay đổi với thành viên (sẽ có hiệu lực thực hiện từ ngày 30/1/2024) như sau: ĐỐI VỚI THÀNH VIÊN ...
Sau thời gian hơn 04 tháng diễn ra, cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh” đã nhận được tất cả 40 bài tham gia dự thi của 40 tác giả. Trong đó, có 33 bài dự thi được duyệt qua vòn...
Lâu lắm rồi mình chẳng viết được gì cả, không nổi một câu thơ, chẳng vẹn một ý truyện. Thỉnh thoảng, những đêm buồn như thế này, mình lại ngồi đọc những bài viết được đăng tải trên website, đọc nhữ...
Tạm biệt mái trường – Thơ Hương Tràm
Tôi tìm nhặt cánh Phượng rơi Mùa hạ đã đến, chợt trời đổ mưa Đâu rồi Hạt nắng lưa thưa Ve ngân h...
Kết quả cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh!”
Sau thời gian hơn 04 tháng diễn ra, cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh” đã n...
Những điều Má không kể…!
Nó nhớ lúc nhỏ thứ quen thuộc nhất là bóng lưng của má. Đi đâu má cũng chở nó theo trên cái xe đ...
Mùa xuân có một thiên thần…
Thế rồi, mùa xuân năm ấy có một Thiên thần, đã mãi bay đi. Mẹ đã xa rời chúng tôi, không một lời...
Chị ấy tên là Hồng, biệt danh là Pink!
Cho dù câu chuyện có đang đi vào bế tắc, chỉ cần chị nói vài câu là mọi thứ sẽ vui vẻ. Chị biết ...
Ước mơ của Mẹ!
Xin lỗi mẹ vì có những lúc khiến mẹ phải buồn, con luôn muốn nói với mẹ dù con ngại ngùng đôi ch...
Thứ Ba, Tháng Tư 16, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Năm, Tháng Hai 08, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Hai 07, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Ba, Tháng Hai 06, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Một 22, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Một 21, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Năm, Tháng Một 11, 2024 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 31, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 31, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Mười Hai 25, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 23, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 23, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Một 05, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Một 04, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Sáu, Tháng Chín 29, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Chủ Nhật, Tháng Chín 24, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Chín 18, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Chín 17, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Chín 13, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Tư, Tháng Chín 06, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Tư, Tháng Tám 30, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 28, 2023 CÂY BÚT TRẺ Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 28, 2023 CÂY BÚT TRẺ Thơ
Chủ Nhật, Tháng Tám 27, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Tám 23, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 21, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 14, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Tám 05, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thông tin - Kiến thức
Thứ Ba, Tháng Tám 01, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Ba, Tháng Bảy 25, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Sáu, Tháng Sáu 30, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Tản văn
Thứ Hai, Tháng Sáu 26, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Năm, Tháng Sáu 01, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Năm 20, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Năm 15, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ