“Chiếc lược ngà” – Bài ca nhân bản về tình cảm cha con


Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” được nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết năm 1966 tại chiến trường Nam Bộ trong thời kì cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra quyết liệt.

Ra đời vào thời điểm ác liệt của cuộc chiến tranh, song “Chiếc lược ngà” lại tập trung nói về tình người cao đẹp – mà cụ thể là tình cha con thiêng liêng sâu nặng trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. Đây là tác phẩm tiêu biểu trong đời văn của Nguyễn Quang Sáng có mặt trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9 suốt bao nhiêu năm qua.

Từ tiếng gọi ba vỡ òa niềm xúc động

Ông Sáu rời nhà đi kháng chiến từ khi con gái còn nhỏ, chỉ được thấy con qua tấm ảnh nhỏ. Suốt những năm tháng sống ở chiến trường, không lúc nào ông Sáu nguôi ngoai nỗi nhớ về con gái. Ba ngày được về nghỉ phép, ông Sáu nôn nao được trông thấy con, vội vàng, cuống quýt. Nhưng đến khi về tới nhà, bé Thu, con gái ông, lại không nhận ra ba mình bởi vết thẹo trên mặt ông Sáu do chiến tranh để lại.

Suốt ba ngày, ông Sáu cố gắng gần gũi, vỗ về con nhưng càng lại gần thì con gái càng đẩy ông ra. Trong bữa ăn, bé Thu bất thần hất cái trứng cá ra khỏi chén mà ông Sáu gắp cho, giận quá và không kịp suy nghĩ, ông vung tay đánh vào mông nó. Bé Thu bỏ về nhà ngoại. Đến khi bé Thu nhận ba thì cũng là lúc ông Sáu phải vào chiến trường. Trước khi chia tay ba, bé Thu muốn ba mua cho mình một chiếc lược khi ba trở về.

Trở lại chiến trường, ông Sáu nhớ thương con vô hạn. Nhớ lời con dặn, ông tìm cho được khúc ngà rồi lấy vỏ đạn hai mươi li của Mĩ làm cho con một chiếc lược. Nhưng chưa kịp trở về đưa chiếc lược tận tay con gái thì ông Sáu đã hi sinh ở chiến trường. Chiếc lược ông gửi lại cho người đồng đội là ông Ba, nhờ đưa cho con gái mình, rồi mới nhắm mắt.

Trong truyện, bé Thu là nhân vật để lại ấn tượng nhiều hơn cả. Nhà văn đã làm nổi bật chân dung nhân vật qua diễn biến tâm lí, lời nói, hành động.

Khi chưa nhận ra ông Sáu là cha, bé Thu tỏ ra ngờ vực, lảng tránh. Khi ông Sáu trở về thăm nhà và tự nhận mình là ba, bé Thu không tin vì có vết thẹo dài trên má, không giống với người trong tấm hình. Ông Sáu càng muốn gần con thì bé Thu lại càng tỏ ra lạnh nhạt, xa cách. Tâm lí, thái độ ấy được thể hiện qua các chi tiết: Hốt hoảng, mặt tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên khi mới gặp ông Sáu, nói trống không, nhất định không chịu gọi cha, nhất định không chịu nhờ ông chắt nước nồi cơm, hất cái trứng cá mà ông gắp cho, bỏ về nhà ngoại khi bị ông Sáu đánh…

Không chịu nhận sự quan tâm của ông Sáu, em dành tất cả tình yêu cho người cha trong tấm ảnh chụp chung với má không có vết thẹo trên mặt. Bé Thu có những hành động, phản ứng mạnh mẽ. Em tỏ ra bướng bỉnh, ương ngạnh, cứng đầu. Tuy nhiên sự ương ngạnh đó không hề đáng trách, bởi em còn quá nhỏ, chưa hiểu được tình thế khắc nghiệt, éo le của chiến tranh. Những hành động của bé Thu chỉ là những phản ứng tâm lí tự nhiên.

Chính thái độ quyết liệt, ngang ngạnh đó lại là biểu hiện tuyệt vời của tình cảm người con dành cho cha. Đó không đơn thuần là sự bướng bỉnh của một cô bé đỏng đảnh mà đó là sự kiên định quyết liệt của một con người có lập trường. Đây chính là nét cá tính để sau này làm nên tính cách cứng cỏi, ngoan cường của cô giao liên giải phóng sau này.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng(1932 – 2014)

Trong đêm bỏ về nhà ngoại, Thu đã được bà giải thích về vết thẹo làm thay đổi khuôn mặt ba. Sự nghi ngờ bấy lâu đã được giải tỏa, ở Thu nảy sinh một trạng thái như là sự ân hận, hối tiếc. Nghe bà kể, bé nằm im, lăn lộn, thỉnh thoảng thở dài như người lớn.

Trong buổi sáng cuối cùng, trước lúc ông Sáu chuẩn bị trở lại chiến trường, thái độ và hành động của bé Thu đã thay đổi hoàn toàn. Bé Thu cất tiếng gọi ba. Tiếng ba vỡ  ra từ sâu thẳm trong lòng cô bé. Cái tiếng ba mà ông Sáu chờ đợi suốt bao nhiêu năm, tưởng chẳng thể còn được nghe thì bất ngờ nó thét lên. Nó vỡ ra còn người đọc thì nghẹn lại. Cái tiếng ba đó được cất lên bằng tất cả tình yêu và nỗi mong nhớ với người cha xa cách đã bị dồn nén bấy lâu nay bùng lên mạnh mẽ, hối hả, xúc động. Rồi “vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc”, “nó hôn ba nó cùng khắp.

Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài trên má của ba nó nữa”, “hai tay nó siết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nó, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó, và đôi vai của nó rung rung”, rồi Thu đòi ông Sáu mua cho cây lược khi về… Chứng kiến những biểu hiện tình cảm đó, những người có mặt tại nhà ông Sáu không cầm được nước mắt, người kể chuyện thì cảm thấy như có bàn tay ai nắm lấy trái tim  mình. Cái cách mà bé Thu biểu lộ tình cảm dành cho cha thật vô cùng mạnh mẽ, nồng nhiệt.

Đặt nhân vật vào tình huống éo le, với ngòi bút miêu tả tâm lí sinh động, sự am hiểu, tình yêu thương trẻ em sâu sắc… Nguyễn Quang Sáng đã khắc họa nổi bật chân dung của bé Thu qua lời nói, thái độ, hành động. Đây là cô bé có nét cá tính là sự cứng cỏi đến mức tưởng như ương ngạnh… nhưng trước sau Thu vẫn là đứa trẻ với tất cả nét hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ. Điểm nổi bật nhất ở em chính là tấm lòng và tình yêu thương cha mạnh mẽ, nồng nhiệt và sâu đậm.

“Chiếc lược ngà”, bản tình ca về tình phụ tử.

Đến hành động làm chiếc lược cho thỏa nỗi nhớ thương con

Hiện lên trong tác phẩm, ông Sáu là một chiến sĩ kiên cường, có tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, có tính kỉ luật cao, luôn đặt Tổ quốc lên trên. Ông Sáu là người cha lí tưởng, có tình cảm sâu nặng với con. Nguyễn Quang Sáng đặc biệt làm nổi bật tình phụ tử thiêng liêng trong những trang văn của mình.

Khi chưa gặp mặt con, người cha ấy nôn nao nhớ. Khi mới về, mong được gặp con nên khi thuyền chưa cập bến ông đã nhảy lên bờ, vừa gọi, vừa đưa tay đón con.

Những ngày ở bên con, lúc nào người cha ấy cũng vỗ về, chăm sóc con, mong con gọi mình là cha. Ba ngày phép ở nhà, ông khổ tâm vì bé Thu cứ xa lánh, không chịu gọi cha. Thương con, ông vẫn kiên nhẫn chờ đợi và tìm mọi cách để được gần con. Ông Sáu vô cùng xúc động khi bé Thu cất tiếng gọi ba.

Trở lại khu căn cứ, ông thương nhớ con vô cùng. “Lúc nhớ con, ông cứ ân hận vì sao mình đánh con. Nỗi khổ tâm đó cứ giày vò ông”. Tình cảm của ông đối với con được thể hiện tập trung và sâu sắc nhất là ở phần sau của truyện, khi ông Sáu ở trong rừng, tại khu căn cứ và làm chiếc lược tặng cho con gái như đã hứa. “Ba về ba mua cho con cây lược nghe ba”, đó là mong ước đơn sơ của đứa con gái bé bỏng trong giây phút cha con từ biệt. Với người cha ấy, là mong ước đầu tiên mà cũng là duy nhất.

Cho nên nó cứ thôi thúc trong lòng làm cho con cây lược trở thành bổn phận của người cha, thành tiếng gọi cầu khẩn của tình phụ tử trong lòng. Kiếm được khúc ngà, ông vô cùng vui mừng, sung sướng rồi ông dành hết tâm trí, công sức vào việc làm cây lược, trên sống lưng lược có khắc dòng chữ: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Và ta thật sự xúc động khi chứng kiến cảnh ông Sáu thường xuyên “lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt”.

Lòng yêu con đã biến người chiến sĩ trở thành một nghệ nhân – nghệ nhân sáng tạo ra tác phẩm duy nhất trong đời. Tác phẩm đó được làm bằng sự ân hận, day dứt, bằng nỗi nhớ niềm thương, bằng lòng khao khát đoàn viên, sum họp, bằng ý chí của một người chiến sĩ và bằng cả trái tim của một người cha với cô con gái bé bỏng của mình. Chiếc lược đã trở thành một vật quý giá, thiêng liêng với ông Sáu. Nó làm dịu đi nỗi ân hận và chứa đựng, kết tinh tình cảm ruột thịt xúc động trong hoàn cảnh chiến tranh.

Thế rồi, ông Sáu không kịp đưa cây lược ngà đến tận tay con. Người cha – người chiến sĩ đó đã hy sinh trong một trận càn lớn của Mĩ – ngụy. Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối điều gì, tất cả tàn lực cuối cùng chỉ còn cho ông Sáu làm được một việc “đưa tay vào túi, móc cây lược đưa cho người bạn chiến đấu thân thiết và cứ nhìn bạn hồi lâu”. Lời hứa của ông Ba “tôi sẽ mang về trao tận tay cho cháu” mới làm cho người cha ấy yên lòng nhắm mắt. Đó là điều trăng trối không lời, nó rõ ràng và thiêng liêng hơn cả một lời di chúc, là ước nguyện cuối cùng của một người chiến sĩ xa gia đình, xa con đi chiến đấu: Ước nguyện tình cảm cha con, ước nguyện của tình phụ tử thiêng liêng. Ông Sáu đã hi sinh “nhưng hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được”. Tình cảm mà ông dành cho con vô cùng sâu sắc, thiết tha.

Và tình cha con của họ… ở mãi trong lòng người

Đọc truyện, thấy rưng rưng một nỗi niềm. Tình cha con ông Sáu – bé Thu thật cao đẹp, xúc động, thiêng liêng, bất diệt trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. Đạn bom ác liệt của kẻ thù không bao giờ làm đứt gãy, suy giảm cái tình của cha dành cho con, con dành cho cha.

Tình cảm đó hiện diện và sáng lên giữa dòng chảy thời gian và đi vào lòng người trong niềm vấn vương, thương cảm. Câu chuyện cha con ông Sáu và bé Thu không chỉ đem đến niềm xúc động sâu sắc mà còn gợi cho người đọc nghĩ đến và thấm thía những đau thương mất mát, éo le mà chiến tranh gây ra cho bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình.

Nhân vật ông Sáu, bé Thu và câu chuyện tình cảm cha con của họ được thể hiện một cách sinh động và ấn tượng bởi nhà văn đã xây dựng tình huống truyện đặc sắc, tình huống bất ngờ mà tự nhiên, hợp lí. Nếu tình huống thứ nhất bộc lộ tình cảm mãnh liệt của bé Thu với cha thì tình huống thứ hai lại biểu lộ tình cảm sâu sắc của người cha với đứa con.

Nhà văn cũng đã thành công trong việc miêu tả tâm lí và xây dựng tính cách nhân vật, đặc biệt là bé Thu. Truyện được kể ở ngôi thứ nhất. Người kể chuyện trong vai một người bạn thân thiết của ông Sáu, không chỉ là người chứng kiến khách quan và kể lại mà còn bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với các nhân vật, bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ, đưa ra những lời bình luận về những điều được kể.

Chẳng hạn: “Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa”; hoặc “Trong cuộc đời kháng chiến của tôi, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc chia tay, nhưng chưa bao giờ tôi bị xúc động như lần ấy”, “cây lược ấy chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của anh”… Những ý kiến, suy nghĩ, lời bình đó của người kể chuyện có tác dụng dẫn dắt sự tiếp nhận của người đọc, người nghe, lôi cuốn độc giả vào câu chuyện để ngân lên muôn vàn cung bậc cảm xúc. Ngôn ngữ gần với khẩu ngữ và mang đậm màu sắc Nam Bộ.

Có thể nói, so với tình mẫu tử thì văn chương xưa nay viết về tình phụ tử không nhiều. “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng nằm trong số ít đó lại là tác phẩm đặc sắc, lay động lòng người. Tác giả đặt câu chuyện vào trong không gian gia đình và không gian núi rừng nơi khu căn cứ giữa khói lửa đạn bom của những tháng ngày đất nước không bình yên để khẳng định vẻ đẹp của người cha – người chiến sĩ kiên cường, bản lĩnh. Tình cảm cha con nói riêng, tình cảm gia đình nói chung là thứ tình cảm muôn thuở, có tính nhân bản bền vững. Tình cảm đó được thể hiện trong hoàn cảnh éo le của cuộc chiến nên lại càng trân trọng hơn.

“Chiếc lược ngà” vượt lên con nước bạc của thời gian để khẳng định sức sống vĩnh hằng và câu chuyện cha con ông Sáu – bé Thu mãi mãi là bài ca đẹp – bài ca mang giá trị nhân bản sâu sắc, ở mãi trong lòng người.

Tác giả: Thạc sỹ Trần Văn Toản

Bình Luận

© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép bằng văn bản của chúng tôi. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm  đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn!
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM
Danh sách thành viên Giới thiệu chung Quy định hoạt động
Các câu hỏi/đáp về CBT Trang vàng Cộng đồng CÂY BÚT TRẺ AUDIO

0 Comments

Leave a Reply

You must be logged in to post a comment.

Em tìm lại mình trong màu nắng Tháng Tư Nơi khoảng trời dường như chỉ một màu trong suốt Cánh đồng Loa kèn khoác á...
Căn phòng bỗng chùng chình Tiếng xì xầm, to nhỏ Áo trắng hồn nhiên quá Khung cửa nhìn Lo ra … Phố ngoài kia hố...
Ta đọc lại bài thơ đêm qua rồi bật khóc Muộn chiều nay…bụng đói cồn cào Những ngày cuối năm thiên hạ xôn xa...
Người nơi ấy giờ xa xôi quá Chẳng thể gần cho thỏa ước mơ Nụ Xuân e ấp đợi chờ Gửi trong muôn nẻo tình thơ t...
Trời lành lạnh, gió tạt vào lòng nghe buốt rát Những chiếc lá vàng rơi lững thững phía triền đông Con vẫn tha hươ...
Gác nhỏ đêm nay một mình ta Nhìn hoa tuyết rụng trắng sân nhà Đêm khuya lạnh lẽo nghe trong gió Chợt thấy giai n...
Nhằm điều chỉnh một số định hướng hoạt động mới, Cộng đồng Cây Bút Trẻ Việt Nam thông báo về một số thay đổi với thành viên (sẽ có hiệu lực thực hiện từ ngày 30/1/2024) như sau: ĐỐI VỚI THÀNH VIÊN ...
Sau thời gian hơn 04 tháng diễn ra, cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh” đã nhận được tất cả 40 bài tham gia dự thi của 40 tác giả. Trong đó, có 33 bài dự thi được duyệt qua vòn...
Lâu lắm rồi mình chẳng viết được gì cả, không nổi một câu thơ, chẳng vẹn một ý truyện. Thỉnh thoảng, những đêm buồn như thế này, mình lại ngồi đọc những bài viết được đăng tải trên website, đọc nhữ...
Tạm biệt mái trường – Thơ Hương Tràm
Tôi tìm nhặt cánh Phượng rơi Mùa hạ đã đến, chợt trời đổ mưa Đâu rồi Hạt nắng lưa thưa Ve ngân h...
Kết quả cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh!”
Sau thời gian hơn 04 tháng diễn ra, cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh” đã n...
Những điều Má không kể…!
Nó nhớ lúc nhỏ thứ quen thuộc nhất là bóng lưng của má. Đi đâu má cũng chở nó theo trên cái xe đ...
Mùa xuân có một thiên thần…
Thế rồi, mùa xuân năm ấy có một Thiên thần, đã mãi bay đi. Mẹ đã xa rời chúng tôi, không một lời...
Chị ấy tên là Hồng, biệt danh là Pink!
Cho dù câu chuyện có đang đi vào bế tắc, chỉ cần chị nói vài câu là mọi thứ sẽ vui vẻ. Chị biết ...
Ước mơ của Mẹ!
Xin lỗi mẹ vì có những lúc khiến mẹ phải buồn, con luôn muốn nói với mẹ dù con ngại ngùng đôi ch...
Thứ Ba, Tháng Tư 16, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Năm, Tháng Hai 08, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Hai 07, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Ba, Tháng Hai 06, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Một 22, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Một 21, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Năm, Tháng Một 11, 2024 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 31, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 31, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Mười Hai 25, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 23, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 23, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Một 05, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Một 04, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Sáu, Tháng Chín 29, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Chủ Nhật, Tháng Chín 24, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Chín 18, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Chín 17, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Chín 13, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Tư, Tháng Chín 06, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Tư, Tháng Tám 30, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 28, 2023 CÂY BÚT TRẺ Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 28, 2023 CÂY BÚT TRẺ Thơ
Chủ Nhật, Tháng Tám 27, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Tám 23, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 21, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 14, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Tám 05, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thông tin - Kiến thức
Thứ Ba, Tháng Tám 01, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Ba, Tháng Bảy 25, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Sáu, Tháng Sáu 30, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Tản văn
Thứ Hai, Tháng Sáu 26, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Năm, Tháng Sáu 01, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Năm 20, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Năm 15, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ