Văn hóa đọc thời công nghệ thông tin lên ngôi
Ngày nay với sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã tác động rất lớn đến giới trẻ. Tích cực cũng nhiều mà tiêu cực cũng không ít. Một trong những vấn đề nổi lên là văn hóa đọc sách của giới trẻ ngày nay – vấn đề đáng để chúng ta bận tâm suy nghĩ.
Văn hóa đọc sách là đọc sách một cách có văn hóa. Nói cách khác là ý thức đọc sách đúng đắn của con người. Văn hóa đọc đề cao tính nghệ thuật, nhu cầu thưởng thức văn hóa đích thực trong việc đọc sách. Bởi thế, nó vượt lên trên khái niệm đọc đơn thuần.
Nhà văn Mark Twain đa từng nói: “Một người không đọc sách chẳng hơn gì một kẻ không biết đọc”. Rõ ràng ta nhận thấy, sách giúp cho chúng ta tiếp thêm tri thức và làm giàu cho đầu óc của mình những kiến thức hữu ích. Tuy nhiên, với sự lên ngôi của công nghệ thông tin việc đọc sách đã có nhiều thay đổi sâu sắc.
Trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường tốt nhất để chúng ta tiếp cận tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Thế nhưng giới trẻ ngày nay có vẻ thờ ơ, lãnh cảm với văn hóa đọc sách. Phải chăng họ nghĩ ngày nay chẳng cần đọc sách cũng có thể thu nhận tiếp cận với những luồng tri thức cần thiết với mình bằng việc lợi dụng internet?
Nhà văn hóa Hữu Ngọc đã có một lần nêu câu hỏi: “Thế kỷ XXI liệu có cần đến thơ nữa không? Đến văn hóa đọc nữa không?” Và ông tự trả lời rằng: “Có, dù cho ca nhạc trữ tình có làm được ít phần việc của thơ ca thì thơ ca vẫn sẽ mãi mãi được người đời ưa chuộng”. Còn đối với văn hóa đọc thì ông khẳng định: “Bản thân hình ảnh thì thoảng qua, từ ngữ mới đọng lại lâu bền”.
Văn hóa đọc sách đang đứng trước một cơ hội và nguy cơ. Cơ hội là ngày nay có rất nhiều dòng sách khác nhau với các thể loại phong phú giúp cho người đọc thỏa thích lựa chọn những quyển sách ưa thích, dễ dàng tiếp cận với một lượng tri thức khổng lồ. Nhưng nó lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc sách vốn có bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn xuất hiện quá nhiều. Giờ đây trên internet xuất hiện hàng nghìn kênh đọc sách theo yêu cầu, người đọc không cần tiếp thu bằng mắt nhìn nữa chỉ cần thoảng tai nghe là có thể “đọc” sách theo ý muốn. Nhưng liệu đọc sách theo phương thức đó có hiệu quả hay không? Với những thách thức lớn như vậy liệu có tương lai nào cho văn hóa đọc sách trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin không?
Khác với những năm về trước, thị trường sách hiện nay có ti tỷ các dòng sách khác nhau về nội dung cũng như hình thức. Giới trẻ ngày nay không biết chọn sách hay lười đọc sách?
Tôi đã bắt gặp một số bạn chạy theo “phong trào” để đọc sách. Chắc hẳn ai ai cũng biết đến cuốn sách có tựa “Đắc nhân tâm” đã làm mưa làm gió trên thị trường, người đọc đinh ninh “phải” đọc nó dẫu có những nội dung và lối viết mình không hiểu nhưng vẫn cố đọc hết quyển chỉ vì “phong trào” đọc.
Rồi có khi họ đọc theo mốt: “Thế Giới Phẳng” là tên một cuốn sách rất thành công của nhà kinh tế- xã hội học Thomas Friedman. Cuốn sách trình bày những quan điểm mới lạ đối với bạn đọc trong nước về xu thế toàn cầu hóa, “Thế Giới Phẳng” không phải là một cuốn sách dễ đọc, phần lớn người đọc không hiểu hết tư tưởng của tác giả. Thế là dù không thích, không hiểu nhưng các bạn trẻ vẫn chạy đi mua những cuốn sách mà mọi người vẫn đọc để mình không trở thành người lạc hậu.
Chưa kể đến, ngày nay trên thị trường xuất hiện nhan nhãn các dòng “sách đen” vẫn được các bạn trẻ truyền tay nhau đọc. Một số bạn trẻ còn tôn vinh những giá trị kém cỏi, khiến cho các văn hóa phẩm lệch lạc có xu hướng trỗi dậy. Chẳng hạn, nhiều người thích đọc truyện ngôn tình hơn là một tiểu thuyết đích thực. Không ít người chỉ thích đọc truyện phiêu lưu, trinh thám, kinh dị, sex,… khiến cho những kẻ in sách trái phép có cơ hội ăn nên làm ra. Văn hóa đọc vì thế mà bị suy thoái trầm trọng.
Rồi có những bạn trẻ lại cho rằng đọc sách là lạc hậu – Đây là thời đại công nghệ thông tin thì phải lên mạng đọc vừa nhanh, vừa dễ, vừa đỡ tốn kém. Internet có khối lượng thông tin phong phú, nhanh và cập nhật nhưng liệu các bạn đọc xong còn đọng lại trong đầu được bao nhiêu? Bạn có thể “gậm nhấm”, “nhâm nhi” từng câu văn, từng linh hồn mà tác giả gửi gắm vào đó không?
Với thực trạng như thế, mỗi chúng ta ai cũng phải suy nghĩ nhìn nhận lại chính bản thân mình? Văn hóa đọc đang xuống cấp trầm trọng, thiếu nghiêm túc trong việc đọc, không thấy rõ được vai trò quan trọng của đọc sách,… giới trẻ ngày này đang làm mai một dần văn hóa đọc sách bởi sự xuất hiện của công nghệ thông tin. Thời đại thông tin tồn tại dạy chúng ta phải biết tận dụng cơ hội và nắm bắt thời cơ chứ không phải để phụ thuộc vào nó. Vì vậy các bạn hãy tự tìm và trau dồi cho mình một thói quen đọc.
© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép bằng văn bản của chúng tôi. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn! |
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM |
Danh sách thành viên | Giới thiệu chung | Quy định hoạt động |
Các câu hỏi/đáp về CBT | Trang vàng Cộng đồng | CÂY BÚT TRẺ AUDIO |
0 Comments