Bác ơi!

Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…

Chiều nay con chạy về thăm Bác

Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa!

000

Con lại lần theo lối sỏi quen

Đến bên thang gác, đứng nhìn lên

Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?

Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!

000

Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!

Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời

Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội

Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!

000

Trái bưởi kia vàng ngọt với ai

Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài!

Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm

Quanh mặt hồ in mây trắng bay…

*

*   *

Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi

Năm canh bớt nặng nỗi thương đời

Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông, mọi kiếp người.

000

Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau

Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu

Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ

Cho hôm nay và cho mai sau…

000

Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già.

000

Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha

Bác nghe từng bước trên tiền tuyến

Lắng mỗi tin mừng, tiếng súng xa.

000

Bác vui như ánh buổi bình minh

Vui mỗi mầm non, trái chín cành

Vui tiếng ca chung hòa bốn biển

Nâng niu tất cả, chỉ quên mình.

000

Bác để tình thương cho chúng con

Một đời thanh bạch, chẳng vàng son

Mong manh áo vải, hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

*

*   *

Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều

Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu!

Ra đi, Bác dặn: “Còn non nước…”

Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều.

000

Bác đã lên đường, nhẹ bước tiên

Mác, Lênin, thế giới Người Hiền

Ánh hào quang đỏ thêm sông núi

Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!

000

Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn

Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn

Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi

Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.

TỐ HỮU

6-9-1969

(Trích tập thơ “Ra trận”, NXB Văn học, 1972)

Tiếng lòng cả nước thương nhớ Người

Khi viết những dòng này, tôi hồi tưởng câu chuyện năm tôi lên mười. Một hôm, mẹ tôi mang ra đọc “Tuyển thơ Tố Hữu”, đến dòng cuối của bài thơ “Bác ơi!”, mẹ tôi khóc. Điều khiến tôi băn khoăn mãi về sau là sự xúc động của mẹ tôi; là tình cảm biết ơn với Bác Hồ vĩ đại hay là do tác động thẩm mỹ của bài thơ?

Lớn lên làm công việc nghiên cứu văn học, sử dụng nhiều phương pháp phân tích liên ngành, tôi dần hiểu ra giá trị tự thân của bài thơ “Bác ơi!” thật đặc biệt. Đó không chỉ là bài thơ của “lá cờ đầu thơ ca cách mạng” Tố Hữu viết vào thời điểm Bác vừa qua đời; điều đặc biệt là bài thơ có sự hài hòa giữa nội dung và hình thức, xuất phát từ một chiến lược nghệ thuật thi ca của nhà thơ.

Tố Hữu là nhà thơ đầu tiên viết, viết nhiều nhất và viết hay nhất về Bác. Nhưng vì sao, chính nhà thơ Tố Hữu cũng cho rằng “Bác ơi!” là bài thơ toàn bích, khi có người hỏi ông nên chọn tác phẩm nào in trong sách giáo khoa thì ông trả lời: “Thà bỏ hết thơ Tố Hữu đi, chứ đừng bỏ bài “Bác ơi!” (Nhà thơ Tố Hữu và những chuyện “bên lề” của Ngô Vĩnh Bình, Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng số Xuân Mậu Tuất 2018). Bởi lẽ, bài thơ “Bác ơi!” thể hiện tất cả tinh túy nhất phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu, đồng thời là một trong những bài thơ giàu chất trữ tình nhất.

Tố Hữu thể hiện là bậc thầy nghệ thuật thơ trữ tình chính trị khi “huy động” hết mọi thủ pháp nghệ thuật để “Bác ơi!” đạt đến giá trị cao nhất. Đầu tiên, ông chọn thể thơ thất ngôn có tính nghiêm trang, tiếp nữa, ông sử dụng sức mạnh của vần điệu gây ấn tượng không có sự ngưng giọng hay ngắt giọng, tạo ra hơi thơ liền mạch. Ông hay dùng câu cảm thán tạo ấn tượng thính giác ở đầu khổ thơ để vừa tạo nên giọng điệu cung kính của một người tự xưng “con” với Bác, vừa tạo ra kết cấu bài thơ rõ ràng như một điếu văn bằng thơ: “Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!” mở đầu cho sự bàng hoàng, đau xót, tiếc thương Bác mất; “Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi” ngợi ca cuộc đời vì nước, vì dân của Bác; “Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều” bày tỏ nỗi lòng thương nhớ Bác, nguyện đi theo con đường Bác chọn…

Điều đáng chú ý là Tố Hữu kiến thiết một hệ thống ngôn từ ca ngợi một lãnh tụ, một vĩ nhân: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người”, “Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ”, “Bác sống như trời đất của ta”, “Nâng niu tất cả, chỉ quên mình”… Tố Hữu cũng lựa chọn nhân cách hóa thiên nhiên, đồ vật vô tri để khóc thương một con người vĩ đại vừa qua đời: “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”, “Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!”, “Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn”… Nhà thơ còn sử dụng các từ có ấn tượng thị giác rất mạnh để khắc ghi cống hiến vĩ đại của Bác cho dân tộc vào thơ: “Mong manh áo vải, hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”; “Bác vui như ánh buổi bình minh”; “Ánh hào quang đỏ thêm sông núi”; “Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”… Ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu có khả năng tạo nghĩa, thế nên một người nước ngoài không hề biết đại từ nhân xưng “Bác” viết hoa chỉ để dành riêng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ vẫn sẽ hiểu bài thơ thông qua hệ thống ngôn từ đang nói về một lãnh tụ vừa mới qua đời chứ không phải là một người bình thường vừa nằm xuống.

Nguyên tắc tạo nên tác phẩm có giá trị lâu dài là nội dung và hình thức chuyển hóa lẫn nhau đến mức không thể tách rời. Khi sử dụng một hệ thống ngôn từ có tính ngợi ca, mẫu mực như vậy, Tố Hữu sẽ phải tìm đến phương pháp sáng tác phản ánh hiện thực trung thực theo lối từ chương dựa trên tính chất thể loại cổ điển: Thệ (thề), ca thi, hịch. Tính chất thệ, hịch rõ nhất ở ba câu cuối: “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn/ Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi/ Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”. Đó là lời kêu gọi toàn dân đoàn kết cùng thề trọn đời học tập, làm theo tấm gương của Bác, đi theo con đường Bác đã chọn. Tính chất ca thi tạo nên sức hấp dẫn cho những vần thơ suy tôn lãnh tụ của thơ Tố Hữu khi ông mô tả Bác vĩ đại mà thật gần gũi: “Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa/ Tự do cho mỗi đời nô lệ/ Sữa để em thơ, lụa tặng già”; “Một đời thanh bạch, chẳng vàng son”… Có thể nhận xét, về mặt hình thức, thơ Tố Hữu không mới, ông nghiêng về hướng cổ điển, chỉ cốt phản ánh thật hiện thực, thật truyền cảm, xúc động những điều ai cũng biết về Bác để tạc vào thơ hình ảnh bất diệt của Bác. Chính tính trữ tình tràn ngập như vậy nên bài thơ “Bác ơi!” không nặng nề tính chất hô khẩu hiệu đặc trưng của thơ Tố Hữu như khi cổ vũ quân dân chiến đấu trên chiến trường, hăng say lao động sản xuất ở hậu phương. Trên hết, tác giả và bạn đọc như cùng lắng lại để tưởng niệm Bác, nhớ lại lời căn dặn của Bác để biến đau thương thành hành động: “Ra đi, Bác dặn: “Còn non nước…”/ Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều”.  

Có lần Tố Hữu từng nhận xét về thơ mình: “Thơ tôi có tính biên niên sử, đọc nó nên chú ý đến thời gian và bối cảnh lịch sử của nó” (“Tố Hữu-Thơ và đời”, NXB Văn học, 2003, trang 236). Nhìn mốc ra đời bài thơ “Bác ơi!” (6-9-1969), người đọc hiểu nỗi xúc động có tính lịch sử khi Bác vừa mất, nhưng càng thấy phục nhà thơ vì ông không chỉ là người “chép sử bằng thơ” mà ông còn tiên đoán tương lai: Sau 50 năm Bác mất, cả nước vẫn đang đoàn kết “nguyện cùng Người vươn tới mãi” xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong ước của Bác; đồng thời, tấm gương đạo đức cách mạng của Bác đã thành chỗ dựa, tài sản quý của dân tộc ta đi lên như câu thơ tiên đoán: “Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!”.

Vừa có tính sử thi vừa có tính tiên đoán, nội dung và hình thức là một, mẫu mực và cổ điển. Đó là những lý do vì sao bài thơ “Bác ơi!” tồn tại với thời gian, trở thành bài thơ toàn bích viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.  

Nguồn: Tiếng lòng cả nước thương nhớ Người