Góc khuất


           Đêm. Hẻm vắng. Gió đông lạnh căm căm. Chỉ là một con hẻm không người ở, không người qua lại, không một ai sinh sống ở đó. Nhưng đêm đến giữa đống rác rêu phong hoang tàn ấy là bước chân và tiếng thở hì hục của lão ăn mày. Mỗi khi ngang qua con hẻm, nhờ ánh đèn vàng vọt, heo hắt ở đầu phố tôi nhìn rõ gương mặt của lão hơn, nhăn nhúm như một tờ giấy vo tròn, hai má hóp lại, đôi mắt sâu húp tưởng chừng như đang mệt mỏi và một bộ râu ngã màu muối tiêu đủ che lỗ miệng và hai hàm răng gần như rụng hoàn toàn.

          Mấy ngày nay đất trời giao mùa, cái lạnh đến đột ngột xâm chiếm vùng đất phương Nam này khiến lão ăn mày không thể nhấc đôi chân đi đâu được, cả ngày cả tuần thậm chí cả tháng lão giống như con gấu ngủ đông nằm bẹp dưới mớ vải vụn hôi thối trong con hẻm bị lãng quên. Cũng có người ngang qua nhưng họ chẳng bao giờ chú ý đến lão.

          Sắp tới giáng sinh, đường phố trang hoàng lộng lẫy. Các cửa hiệu, các quán cà phê trưng bày cây Noel treo những quả châu lấp lánh, có cả người tuyết và tuần lộc. Bài hát giáng sinh rộn rã. Vào buổi tối, phố phường rực rỡ trong các ngọn đèn vàng ấm. Từ trẻ nhỏ đến người lớn đều diện những bộ quần áo sặc sỡ. Ở một góc đường tối tăm, lão ăn mày ngồi cô độc, trước mặt là chiếc ca nhựa móp méo. Bộ đồ rách rưới của lão bốc ra một mùi hôi thối đến mức muốn buồn nôn. Ai đi ngang qua cũng đều bịt mũi. Nhìn những cô gái ăn mặc đỏm dáng, môi đỏ chót cũng những người đàn ông quần áo tóc tái bóng loáng, lão thầm chửi rủa. Lão hận đời. Họ là người, lão cũng là người thế nhưng sao họ được khoác lên người những món đồ đắt tiền, được ăn sơn hào hải vị, được sống trong biệt thự nguy nga như lâu đài còn lão thì phải chịu cảnh ăn xin, lang thang đầu đường xó chợ, bị người ta phun nước bọt chẳng khác gì một con chó.

          Lão nhìn cặp vợ chồng đứng trước cửa hàng gà rán đang cãi nhau chí chóe thậm chí họ còn suýt choảng nhau. Đứa bé chạy tới, họ thay đổi nét mặt, lập tức tươi cười hớn hở rồi cùng bước vào bên trong cửa hàng như một gia đình hạnh phúc. Lão muốn ném cây gậy mà lão thường dùng khi đi xin ăn trên đường vào mặt đôi vợ chồng giả tạo kia. À, không lão muốn ném vào mặt tất cả những kẻ hai mặt, những kẻ dối trá. Vì lão đã từng bị mụ vợ của mình lừa đuổi lão ra khỏi nhà, con cái của lão cũng thế nên lão mới tỏ thái độ căm phẫn. Mụ vợ của lão giờ đang sống an nhàn cùng nhân tình của mụ kém mụ những hai mươi tuổi. Khốn kiếp, lão lại chửi thề rồi uất ức bẻ cây gậy làm đôi. Lão muốn chết quách đi cho xong. Chiếc mô tô đang phóng bạt mạng trên đường, lão chạy ra đâm đầu vào. Mô tô phanh lại, lão ngã xuống lòng đường, trầy xước sơ sơ. Người đàn ông chửi lão là đồ điên rồi lên xe vọt mất.

          Lão lủi thủi quay về nơi ‘góc nhà’ chật chội, ẩm mốc của mình. Xã hội không chứa lão vậy thì tại sao không để lão chết đi. Như vậy lại càng hay. “Lão phải sống để chuộc lại lầm lỗi lão gây ra trong quá khứ.” Giọng nói cay nghiệt vọng lại tới tai lão từ trong tiềm thức rồi biến thành một trận cười sảng khoái. Lão ôm đầu, giãy giụa giữa đống chăn rách nát. “Ta chẳng làm gì sai! Ta chẳng làm gì sai!” Lão luôn nói mình câu nói đó. Lão không nhớ gì cả, lão chỉ nhớ mụ vợ độc ác cùng người tình của mụ bày mưu hại lão khiến lão trắng tay, toàn bộ tài sản thuộc về quyền sở hữu của mụ vợ. Nửa đêm lão trèo tường vào nhà để rồi chứng kiến người đàn bà mà mình tin tưởng nhất, người đã từng đầu ấp tay gối với mình suốt mấy chục năm qua đang ái ân trên chiếc giường cùng thằng nhóc đáng tuổi con mình. Lão tuyệt vọng, lão tự tử hết lần này đến lần khác nhưng bất thành.

          Mấy hôm nay trời cứ mưa dai dẳng hoài không dứt, từ sáng đến tối. Con hẻm lầy lội. Lão ăn mày co ro trong đống chăn gớm ghiếc, chẳng muốn ra ngoài. Lão cảm thấy lạnh, lạnh vì mưa, vì mùa đông luôn rét mướt và vì tình người bạc bẽo. Đã hai ngày liên tiếp lão chẳng có gì để bỏ bụng, người lão gầy rộc hẳn đi. Lão đưa tay ra hứng mưa rồi tát lên mặt mình. Những giọt nước mát lành giúp lão thoáng dễ chịu đôi chút. Lão nhìn mưa bằng đôi mắt già nua, nhoẻn miệng cười. Lão cũng lãng mạn thật đấy. Lão nhớ lại thời trẻ trâu của mình từng cảm nắng cô bạn cùng lớp. Nhưng vì hồi ấy nhà lão nghèo nên gia đình cô gái kia không chấp nhận. Lão quyết tâm đi buôn xa để có tiền cưới vợ. Sau khi gầy dựng cơ nghiệp thì cô bạn gái kia đã lấy chồng. Lão buồn tình, đi bar uống rượu và gặp được một người phụ nữ sắc sảo đã gần bước sang tuổi tứ tuần, lão cũng chẳng còn trẻ gì nữa. Nói chuyện tâm đầu ý hợp, lão cưới mụ. Một thời gian sau mới biết âm mưu của mụ. Mụ có yêu thương gì lão, cái mụ cần chính là gia sản kếch xù của lão… Nghĩ đến đây lão càng giận dữ quơ đại cục gạch bên cạnh ném đi. Tiếng gạch rơi vỡ loảng xoảng. Tiếng nước từ trên mái nhà ai đó chảy xuống người lão. Con hẻm ngập nước, lão không thể trú ẩn ở đây được nữa đành di cư.

          Buổi tối ngớt mưa nhưng con hẻm chật hẹp vẫn chưa rút bớt nước. Lão đến công viên ngủ tạm đêm nay. Bụng lão co thắt lại. “Chết chửa, không biết mình ăn trúng thứ gì mà đau quá.” Lão ngồi dậy, lão nghĩ mình cần phải uống một chút nước. Lão lần mò đến quán ăn tấp nập người ra kẻ vào ở đầu phố. Mấy lần lão định bước vào xin ly nước xuống nhưng sợ bị đuổi đánh nên lão cứ đứng tần ngần ngoài cửa quán mãi đến khi có người cất tiếng sau lưng lão. “Này lão già hôi hám kia, có cút đi hay không cho người ta buôn bán, bộ lão tính đầu độc quán tui bằng bộ dạng kinh tởm của lão hả?” “Nước… tôi… khát nước…” Lão khép nép nói một cách khổ sở. “”Khát nước sao?” Lão gật đầu lia lịa. Người nọ quay vào lát sau đem ra một thau nước tạt vào người lão khiến lão ướt nhẹp từ đầu tới chân, chống nạnh nói. “Như thế đã đủ chưa?”

          Lão lầm lũi đi, lẩm bẩm chửi. Cái gọi là tình người ấy với lão thật quá xa xỉ hay vì thân phận lão là ăn mày nên lão mới bị người đời đối xử tệ bạc như thế. Lão quay trở lại công viên, ngã lưng xuống chiếc ghế đá ẩm ướt. Lão lim dim mắt nhìn bầu trời đêm. Chẳng có lấy một ngôi sao nào cả. À mà có đấy, nó nằm ở hướng bắc. Ánh sáng nhàn nhạt, le lói khiến lão bỗng dưng thấy mủi lòng. Lão ngủ thiếp đi trong cơn gió se lạnh.

          Nắng rọi vào mắt, lão bừng tỉnh. Một ngày mới lại bắt đầu. Sau trận mưa đêm qua, phố phường như thay đổi hẳn. Tươi mới và sáng sủa. Nắng vàng nhảy nhỏ khắp ngõ hẻm. “Xem ra là một ngày may mắn đây.” Lão thì thầm nói và lão chợt nhìn thấy có người bước vào công viên. Chàng thanh niên ngồi đối diện ghế lão đang ngồi, vừa gặm bánh mì vừa đọc một quyển sách, trông có vẻ thư thái. Lão hồi tưởng lại quãng thời niên thiếu của mình rồi cười hà hà. Ngày đó lão cũng giống như chàng trai kia ăn vội bánh mì rồi lên lớp. Ra chơi lão mượn sách thư viện, ngồi đọc dưới gốc cây phượng nở những nụ hoa đỏ thắm. Lão chăm chú đọc đến nỗi ngủ quên đến tận cuối giờ… Chàng thiếu niên quẳng nửa ổ bánh mì ăn dở xuống vệ cỏ mướt xanh rồi đi về phía bến xe buýt. “Thanh niên bây giờ thật phí phạm…” Lão lầm bầm rồi bước tới nhặt lên, phủi hết cát, ngoạm một miếng khá to. Trước đây chỉ có người ta ăn cơm thừa canh cặn do lão bỏ lại chứ làm gì có chuyện lão lượm đồ thừa của người khác để giải quyết cái bụng đang kêu ọc ọc của lão. “Đời đấy, như thế mới gọi là đời.” Lão cười to, bỏ tọt miếng bánh mì cuối cùng vào mồm rồi liếm mép. Lão vỗ bụng dù chưa no lắm nhưng lão thấy phần nào thật sảng khoái.

 

          Công viên đã có lác đác vài người rồi càng lúc càng đông. Trẻ nhỏ chạy nhảy đùa nghịch, các cụ già tập dưỡng sinh, các đôi tình nhân trong tay dạo bước dưới vòm trời nắng ấm. Lão hấp háy đôi mắt, chậm rãi từng bước rời công viên vì lão không muốn ảnh hưởng tới cuộc vui của mọi người. “Lão cũng biết nghĩ cho người khác sao?” Giọng nói cay nghiệt hôm nào lại vang lên, văng vẳng bên tai lão như đám muỗi vo ve mãi không dứt. “Quá khứ, một thời oanh liệt của lão ấy, không nhớ gì sao?” “Đừng, đừng nói nữa.” Lão hét lên rồi vùng chạy bằng đôi chân rệu rạo. Vừa chạy lão vừa hét khiến cho người đi đường đều hoảng sợ.

          Lão ngồi thụp xuống bãi cỏ, trước mặt là bờ sông. Lá chao nghiêng trên mặt nước. Cả người lão đột nhiên co rúm lại, những vết nhăn trên gương mặt giày xéo lên nhau ép cho nước mắt chảy ra, ướt bộ râu lòa xòa phía dưới. Bỗng nhiên có tiếng cười rộn lên ở đâu đó không xa. Lão quay đầu nhìn. Thằng bé đứng cách lão không xa, tay cầm chùm bong bóng, toét miệng cười. “Ngay cả một thằng nhóc cũng giễu cợt ta, khốn khổ.” Lão tự cười nhạo bản thân.

           Hôm nay lão đi xin ở một con phố sầm uất và náo nhiệt, hy vọng sẽ kiếm được nhiều hơn. Bữa nào may mắn, gặp được người tốt bụng, lão sẽ được mấy trăm đồng còn ngược lại lão không những có tiền mà còn bị phỉ báng. Lão thấy nhục quá. Lão đi lang thang. Những cửa hiệu nhộn nhịp, các quán cà phê mở nhạc ồn ã. Lão chắp hai tay sau lưng, ngó nghiêng ngó dọc giống như quan huyện đi thị sát dân tình. Những tòa nhà cao ốc hiện ra trước mặt lão, những khu đô thị, trung tâm mua sắm sầm uất mà lúc trước lão ghé đến không biết bao nhiêu lần. Lão cũng đã từng vung tiền rải rác để được hưởng những thú vui khoái lạc hằng đêm với mấy cô chân dài quán bar. Lão hồi tưởng lại thời hoàng kim của mình và so sánh với hiện tại mà lão không khỏi ngỡ ngàng. Lão không bao giờ tin rằng một tay đại gia như lão cuối cùng lại lâm vào hoàn cảnh này. Lão chắc lưỡi, thầm nghĩ cuộc đời ‘lên voi xuống chó’ chỉ trong tích tắc. Càng nghĩ lão càng tức cái con quỷ cái nhà lão. Chính mụ ta đã khiến lão trắng tay.

          Ngang qua một ngôi nhà rộng lớn, lão dừng chân, ngắm thật lâu rồi lão rít lên the thé. Đó là nhà của lão từng ở trước đây. Cánh cổng được quét vôi màu cà phê sữa, bờ rào có trồng mấy bụi mười giờ. Dù lão có hoàn toàn mất trí thì lão cũng không quên kiến trúc ngôi nhà mà ngày xưa đích thân lão thiết kế trên giấy. Lão bước tới, sờ tay lên cánh cổng, nước mắt ứa ra. Càng khóc lão càng tức. Lão có nhà lại không thể về? Của cải, vật chất đều do một tay lão làm nên vậy mà lão không được hưởng dù chỉ một đôi giày.

          Có tiếng còi xe. Lão giật mình, lùi lại, cố gắng mở to đôi mắt nhăn nheo để nhìn cho rõ. Người đàn bà bước từ trên xe xuống, lão nhận ra đó là mụ vợ xấu xa của lão. Mụ ta khoác vai cùng nhân tình trẻ măng của mụ. Gặp lão, mụ nhìn trân trối rồi nhếch môi cười bước lại gần. “Lâu quá không gặp, không ngờ ngày tương ngộ lại trong hoàn cảnh trớ trêu này.”

          “Bà… bà…” Cơn giận dữ đè bẹp mọi tế bào khiến lão nói không ra hơi.

          “Lão còn mặt mũi nào tới đây nữa sao?”

          “Con đàn bà đê tiện, mày hại tao…” Lão sấn tới giơ gậy lên định nện cho người đàn bà lòe loẹt kia một trận. Mụ ta chỉ dùng ngón trỏ hất nhẹ, lão ngã cồng kềnh.

          “Mày tưởng mày còn sức để đánh tao hả. Nhờ có mày mà tao mới được như ngày hôm nay, tao cũng nên biếu mày chút ít để gọi là cảm ơn.” Nói rồi mụ tay lấy từ trong ví ra mấy chục tờ polime bóng loáng rải quanh người lão rồi cùng nhân tình mụ bước vào căn biệt thự tráng lệ.

          Lão không lấy một xu nào của mụ, gượng dậy khập khiễng đi. Lão không biết mình đã qua bao nhiêu ngã đường, trong thành phố này không có nơi nào mà không in dấu chân của lão. Lão đi mãi, đến khi thành phố lên đèn, các khu thương mại sáng chói bởi những bóng đèn nhấp nháp giăng đầy bên ngoài cửa, lão mới thấy đôi chân mình rã rời. Lão ngồi bệt xuống bậc thềm bên hông một cửa hiệu. Cơn gió mạnh bất chợt nổi lên, suýt chút nữa đã cuốn phăng lão đi. Lão ngồi thu lu giữa hai bức tường, co ro trong cái giá lạnh của mùa đông và mọi người vẫn hối hả như thường lệ, không một ai mảy may hay đếm xỉa gì tới lão.

           “Cút đi, nuôi mày chẳng được tích sự gì cả, chỉ tốn cơm của tao.” Lão nghe có tiếng chửi. Lão nhớ lại trước đây lão cũng từng nói câu này với đám gia nhân của mình. Sau khi xây cơ ngơi đồ sộ, lão mướn rất nhiều gia nô, mỗi người phụ trách một việc: nhổ cỏ, nấu ăn, giặt giũ… vậy mà vẫn làm không xuể chứng tỏ căn nhà của lão quá rộng. Ngày xưa lão là một phú ông hách dịch, ngông cuồng xem mạng người như cỏ rác. Lão ỷ mình có của nên có quyền áp đặt người khác. Lão đối xử với đầy tớ và những người nghèo khó đến xin ăn chẳng khác gì súc vật. Có lần một trong những người làm nhà lão sơ ý đánh rơi chiếc bình cổ mà lão quý nhất. Lão nổi cơn tam bành, nhốt người kia vào nhà kho, không đánh đập gì cả nhưng bỏ đói mười ngày, không một hột cơm, không một giọt nước. Đám gia nhân rỉ tai nhau, sự trừng phạt này của lão quả thật đáng sợ. Năm ấy là vào mùa đông, lạnh nhất từ trước tới nay. Nhiệt độ giảm xuống còn 10. Nước đông thành băng. Cỏ cây khô cằn, héo rũ. Người đầy tớ bất hạnh kia không chịu nổi giá rét, cuối cùng chết trong đêm gió lạnh. Lão sai người đem thi thể quẳng vô rừng. Rồi lão tuyên bố ai đối đầu với lão thì sẽ có kết cục như thế. Mụ vợ lão nghe ngóng, bỗng thấy kinh sợ. Mụ nghĩ thầm. “Chắc sau này nó cũng làm vậy với mình.” Mụ bèn nghĩ cách đuổi lão đi. Mụ lên kế hoạch thật hoàn hảo và làm trong âm thầm. Các con của lão cũng theo phe mẹ mình, rắp tâm hại lão để chiếm đoạt ngôi nhà. Lão dửng dưng không hay biết gì đến khi phát hiện ra thì đã quá muộn. Lão rời khỏi nhà mà không được phép mang theo thứ gì.

          Từ ngày đó trở đi, lão lang thang đầu đường xó chợ. Trải qua bao mùa nắng, bao mùa mưa, bao mùa đông giá rét, lão đi hết con đường này đến góc phố nọ, chiến đấu với đám đồng môn của mình để giành lấy một địa điểm dừng chân. Là con hẻm vắng bị mọi người bỏ quên. Chỉ có những tia nắng chói chang mùa hè ghé qua sưởi ấm đôi tay tê cóng của lão, những cơn mưa tuôn xối xả tắm mát gương mặt nhăn nheo của lão và những ngọn gió đêm đông tràn về khiến lão nằm bẹp dí dưới mấy tấm vải mùn rách rưới, dơ bẩn cùng những tiếng rên ư ử.

           “Quả báo, haha, đúng là quả báo.” Lão vừa nói vừa bật cười, lão cười cho sự ngu dốt của chính mình. Lão thông minh một thời giờ đây lại bại trong tay một con đàn bà. Thượng đế, ngài công bằng đấy! Gieo nhân nào thì gặp quả nấy thôi nhưng lão vẫn không chịu khuất phục. Lão đã đi đến bước đường này rồi nhưng sao bọn nhà giàu ấy vẫn không chịu tha cho lão. Lão nghĩ tới nửa ổ bánh mì dưới gầm bàn, trong lúc lão định thò tay lấy thì vị khách mặt mọng dùng chân giẫm nát nửa ổ bánh mì kèm theo cái nhìn khinh bỉ. “Tao thà giẫm nát còn hơn cho thứ ăn xin như mày.” Lão nghe đầy lỗ tai những câu nói cay nghiệt như thế này nhiều rồi. Tình người trên thế gian ư? Bị chó tha ăn hết rồi. Lão ngửa mặt lên trời, chắp hai tay chửi rủa ỏm tỏi. Nhiều người đi ngang qua cứ nghĩ lão bị điên, thấy tội nghiệp nên ném cho lão mấy tờ tiền lẻ.

          Những ngày cuối năm, tiết trời lạnh lẽo hơn nhưng không hiểu sao mấy hôm nay lại không có chút nắng ấm nào, buổi sáng bước ra đường đã thấy sương mù dày đặc, ông mặt trời cứ mãi giấu mình sau những đám mây xám đục trên đỉnh đầu. Những đợt gió cứ khiến con người run rẩy. Hẻm vắng buồn bã, hoàng tàn. Tất cả tối tăm khác hẳn vẻ nhộn nhịp ấm áp ngoài phố lớn. Ban ngày kiếm ăn, đêm xuống lão chui rúc trong một góc xó xỉnh. Ngày này qua ngày khác đến một hôm ‘ngôi nhà’ chật chội, bốc mùi của lão xuất hiện thêm một người bạn. Đó là Mực. Mực là con chó có bộ lông đen thui, mõm của nó có một vết xước dài chạy xuống tận cổ, hai chân sau của nó co quắp lại, một phần lông trên mình nó bị cháy xém để lộ ra một mảng thịt khá lớn trông thật khiếp vía nhưng cũng thật đáng thương. Chắc Mực bị chủ hành hạ và đánh đập rất dã man.

          Ban đầu lão không muốn Mực ở cùng mình vì mỗi lần kiếm được thức ăn lão phải chia cho nó một nửa. Có hôm lão không kiếm được gì, cả hai đành ngồi ngó nhau. Lão quyết định nửa khuya đem Mực đến một ngôi nhà giàu sang, đặt nó xuống bậc cửa, hy vọng chủ nhà phúc đức sẽ chăm sóc chó nó tử tế. Lão vuốt ve lông của Mực, thì thào. “Bản thân tao còn chưa lo nổi làm sao tao nuôi mày được. Ở đây có chỗ tránh mưa tránh nắng, mày sẽ được ăn ngon.” Nói xong, lão để Mực ở lại rồi chầm chậm quay gót. Lão đi được vài bước, quay đầu lại thấy Mực đang theo mình. Lão xua xua tay. “Đừng theo tao nữa.” Tuy lão với Mực chỉ mới gặp vài ngày nhưng nói chuyện với nó lão đỡ tủi thân. Lão cũng không nỡ xa nó nhưng lão biết làm gì hơn.

          Sáng sớm hôm sau, lão thức dậy thấy Mực nằm cạnh bên. Lão thở dài thườn thượt, bế nó lên. “Số phận đã đưa mày đến với tao thì cũng coi như chúng ta có duyên, thôi mày cứ ở lại đây, có gì ăn nấy, không có thì cùng tao chịu đói chịu rét vậy.” Dường như hiểu được ý của chủ nhân, Mực liếm vào tay lão. Cặp mắt sáng rực tỏ ý vui vẻ. Vậy là kể từ buổi sáng đẹp trời hôm ấy lão với trở thành đôi bạn. Lão đi xin ăn ở đâu, Mực đi theo đến đây. Đêm đêm lão tâm sự với Mực về quá khứ oanh liệt của mình dù cho Mực chỉ giương đôi mắt nhìn chứ không nói được gì cả. Đôi ba lần lão bị bọn xã hội đen chửi đánh vì lão chiếm sào huyệt của bọn chúng. Mực đứng ra bảo vệ lão. Nó nhe hai hàm răng nhọn hoắc về phía bọn người kia, gầm gừ. “Bỏ đi, Mực. Tìm nơi khác vậy.” Lão ủ rũ bước đi, Mực theo sau.

          Nắng mưa xoay vòng. Một mùa đông nữa lại đến. Vật đổi sao dời thế nhưng cuộc đời lão ăn mày vẫn vậy, vẫn bị thiên hạ ghét bỏ và khinh thường. Từ sáng sớm lão đã không thấy Mực đâu. Lão tìm kiếm khắp nơi, qua bao nhiêu ngã tư nhưng vô ích. Lão không tin là Mực bỏ mình mà đi. Trong lúc ngó quanh tìm bóng dáng chú chó yêu quý, lão không để ý sau lưng chiếc xe tải to kềnh càng đang lao về phía lão với vận tốc rất nhanh đã thế lại còn lạng lách. Người dân hoảng sợ vội dạt vào hai bên đường. Lão ăn mày già khụ, mắt mờ tai kém. Lão không nghe thấy gì dù cho mọi người đang ra sức hét lên chỉ đến khi Mực ở đâu chạy tới cắn phập vào chân lão thì lão mới giật mình ngoảnh lại và nhận ra mối nguy hiểm đang sắp sửa đến gần. Nhưng không còn kịp. Tiếng thắng kít vang lên long trời lở đất. Lão ăn mày lồm cồm bò dậy từ trên vỉa hè nhưng con Mực yêu quý của lão đã không còn nữa. Nó đã bị nghiền nát dưới bánh xe tàn khốc ấy. Cơ thể không được nguyên vẹn. Lão bò tới một cách khó khăn ôm lấy Mực, nước mắt giàn giụa khiến ai chứng kiến cũng đều đau xót. “Chính con chó ấy đã cứu ông lão. Đây cũng có thể được xem là một nghĩa cử cao đẹp.” Ai đó bình luận rồi dúi vào tay lão mấy tờ tiền nhăn nhúm đặng để ông lo hậu sự cho Mực.

          Lão khóc ròng suốt ba ngày liền và chôn cất Mực thật đàng hoàng. Lão cứ quỳ mãi bên mộ Mực, đầu cúi gằm, tấm lưng đã còng nay lại còng thêm. Lão nhận ra chó tuy là loài động vật nhưng trung thành và thương người còn hơn người đối xử với nhau lại tàn nhẫn và đầy toan tính. Gió thổi tờ báo nhàu nát bay tới chân lão. Lão đọc bằng cặp mắt ti hí. Căn biệt thự của lão giờ đã bị niêm phong. Hai đứa con của lão vì tranh giành nhà cửa mà đâm chém lẫn nhau. Một đứa ngồi tù, một đứa nằm viện trong tình trạng nguy kịch. Mụ vợ già của lão hóa điên còn nhân tình của mụ thì ôm một mớ tiền khổng lồ trốn ra nước ngoài. Đọc xong, lão ngửa mặt lên trời, lẩm bẩm. “Nhân sinh chi mộng, mộng càng đẹp khi tỉnh giấc càng thương tâm.”

 

Quách Thái Di

Bình Luận

© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép bằng văn bản của chúng tôi. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm  đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn!
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM
Danh sách thành viên Giới thiệu chung Quy định hoạt động
Các câu hỏi/đáp về CBT Trang vàng Cộng đồng CÂY BÚT TRẺ AUDIO

0 Comments

Leave a Reply

You must be logged in to post a comment.

Em tìm lại mình trong màu nắng Tháng Tư Nơi khoảng trời dường như chỉ một màu trong suốt Cánh đồng Loa kèn khoác á...
Căn phòng bỗng chùng chình Tiếng xì xầm, to nhỏ Áo trắng hồn nhiên quá Khung cửa nhìn Lo ra … Phố ngoài kia hố...
Ta đọc lại bài thơ đêm qua rồi bật khóc Muộn chiều nay…bụng đói cồn cào Những ngày cuối năm thiên hạ xôn xa...
Người nơi ấy giờ xa xôi quá Chẳng thể gần cho thỏa ước mơ Nụ Xuân e ấp đợi chờ Gửi trong muôn nẻo tình thơ t...
Trời lành lạnh, gió tạt vào lòng nghe buốt rát Những chiếc lá vàng rơi lững thững phía triền đông Con vẫn tha hươ...
Gác nhỏ đêm nay một mình ta Nhìn hoa tuyết rụng trắng sân nhà Đêm khuya lạnh lẽo nghe trong gió Chợt thấy giai n...
Nhằm điều chỉnh một số định hướng hoạt động mới, Cộng đồng Cây Bút Trẻ Việt Nam thông báo về một số thay đổi với thành viên (sẽ có hiệu lực thực hiện từ ngày 30/1/2024) như sau: ĐỐI VỚI THÀNH VIÊN ...
Sau thời gian hơn 04 tháng diễn ra, cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh” đã nhận được tất cả 40 bài tham gia dự thi của 40 tác giả. Trong đó, có 33 bài dự thi được duyệt qua vòn...
Lâu lắm rồi mình chẳng viết được gì cả, không nổi một câu thơ, chẳng vẹn một ý truyện. Thỉnh thoảng, những đêm buồn như thế này, mình lại ngồi đọc những bài viết được đăng tải trên website, đọc nhữ...
Tạm biệt mái trường – Thơ Hương Tràm
Tôi tìm nhặt cánh Phượng rơi Mùa hạ đã đến, chợt trời đổ mưa Đâu rồi Hạt nắng lưa thưa Ve ngân h...
Kết quả cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh!”
Sau thời gian hơn 04 tháng diễn ra, cuộc thi viết “Những thiên thần không cánh” đã n...
Những điều Má không kể…!
Nó nhớ lúc nhỏ thứ quen thuộc nhất là bóng lưng của má. Đi đâu má cũng chở nó theo trên cái xe đ...
Mùa xuân có một thiên thần…
Thế rồi, mùa xuân năm ấy có một Thiên thần, đã mãi bay đi. Mẹ đã xa rời chúng tôi, không một lời...
Chị ấy tên là Hồng, biệt danh là Pink!
Cho dù câu chuyện có đang đi vào bế tắc, chỉ cần chị nói vài câu là mọi thứ sẽ vui vẻ. Chị biết ...
Ước mơ của Mẹ!
Xin lỗi mẹ vì có những lúc khiến mẹ phải buồn, con luôn muốn nói với mẹ dù con ngại ngùng đôi ch...
Thứ Ba, Tháng Tư 16, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Năm, Tháng Hai 08, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Hai 07, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Ba, Tháng Hai 06, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Một 22, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Một 21, 2024 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Năm, Tháng Một 11, 2024 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 31, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 31, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Mười Hai 25, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 23, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 23, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Mười Một 05, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Mười Một 04, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Sáu, Tháng Chín 29, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Chủ Nhật, Tháng Chín 24, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Chín 18, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Chủ Nhật, Tháng Chín 17, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Chín 13, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Tư, Tháng Chín 06, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Tư, Tháng Tám 30, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 28, 2023 CÂY BÚT TRẺ Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 28, 2023 CÂY BÚT TRẺ Thơ
Chủ Nhật, Tháng Tám 27, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Tư, Tháng Tám 23, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 21, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Tám 14, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Tám 05, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Thông tin - Kiến thức
Thứ Ba, Tháng Tám 01, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Ba, Tháng Bảy 25, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Sáu, Tháng Sáu 30, 2023 Biên tập viên Khánh Linh Tản văn
Thứ Hai, Tháng Sáu 26, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Năm, Tháng Sáu 01, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Bảy, Tháng Năm 20, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ
Thứ Hai, Tháng Năm 15, 2023 Biên tập viên Hương Tràm Thơ